• Nhật muốn Đông Nam Á thoát tay Trung Quốc?



Thủ tướng Nhật Shinzo Abe vừa công bố chính sách mới về quốc phòng, xóa bỏ những hạn chế do hiến pháp sau thế chiến thứ hai áp đặt cho hoạt động quốc phòng của nước Nhật. Từ nay quân đội Nhật Bản được phép hành động quân sự để bảo vệ đồng mình và các nước bạn nào bị tấn công, dù chiến trường diễn ra ở nước ngoài, không nhất thiết phải là chiến tranh trên lãnh thổ lãnh hải nước Nhật. Chính sách quốc phòng mới của Nhật có ý nghĩa gì?






Trước khi nói về ý nghĩa, người ta có thể thấy chính Trung Quốc đã tiếp tay cho thủ tướng Nhật thành công trong việc vận động diễn giải hiến pháp Nhật theo cách mới, cho phép quân đội Nhật ngoài quyền bảo vệ đất nước còn được phép yểm trợ nước đồng minh chống lại kẻ gây phương hại cho nước đồng minh đó. Cụ thể là Tokyo từ nay có quyền đưa lực lượng quân sự tham chiến ở nước ngoài trong trường hợp đồng minh của Nhật bị tấn công.

Có thể nói chính việc Trung Quốc gây hấn và có những hành động khiêu khích với Nhật đã khiến hầu hết dân chúng Nhật, tuy vẫn còn bị ám ảnh với hai quả bom nguyên tử, đều ý thức được rằng nếu Nhật không có biện pháp ngay từ bây giờ thì khi chiến tranh xảy ra Trung Quốc sẽ nắm phần chủ động trên mọi mặt.





Trung Quốc ầm ĩ chống đối, cho là Nhật muốn trở lại thời quân phiệt, nhưng Mỹ lại tán thành, tuy rằng chính Hoa Kỳ, với tư cách "Tư lệnh tối cao đồng minh" quản lý nước Nhật thất trận sau năm 1945, đã là tác giả bản hiến pháp Nhật hậu chiến, tước bỏ mọi quyền hoạt động quân sự của Nhật.

Ý nghĩa của việc này còn ở chỗ từ trước tới nay TQ vẫn luôn tin rằng Nhật không thể sửa đổi hiến pháp và Bắc Kinh muốn làm gì thì làm tại Biển Hoa Đông và Biển Đông. Nhưng Trung Quốc không ngờ Nhật thay đổi được sự diễn giải hiến pháp, nên nếu Tokyo muốn hợp tác với Philippines như một đồng minh giống như Mỹ, việc đó sẽ không bị trở ngại như trước.

Còn một ý nghĩa quan trọng đối với VN: nếu Việt Nam muốn tránh tiếng theo chân Mỹ, ai cấm VN tự bảo vệ mình bằng cách bắt tay một đối tác chiến lược toàn diện như nước Nhật?

Nói đến tính cách đối tác chiến lược toàn diện giữa Nhật với Việt Nam hay Philippines, người ta nhớ tại Hội nghị đối thoại quốc phòng Shangri-La hôm 1 tháng 6 thứ trưởng quốc phòng Nguyễn Chí Vịnh của Việt Nam ngỏ ý với báo chí, hy vọng sẽ được Nhật cung cấp nhiều tàu tuần duyên vào đầu năm 2015. Con số các tàu này có thể lên đến 10 chiếc loại Bizan, dài 40 mét, là tàu tuần cỡ nhỏ, trang bị 1 khẩu pháo 20 ly 6 nòng JM-61, bắn 6 ngàn viên đạn trong một phút, tốc độ khá nhanh khoảng 65 km/giờ.

Tại đối thoại Shangri-La Thủ tướng Abe còn xác định là sẽ ủng hộ tối đa nỗ lực bảo vệ vùng biển và vùng trời của những nước ASEAN đang có tranh chấp chủ quyền trên biển với Trung Quốc. Ông cũng nói Nhật Bản sẽ nắm lấy vai trò lớn hơn về an ninh quốc tế, và nhấn mạnh với tất cả các nước dự hội nghị, trong đó có Trung Quốc, về sự cần thiết phải tôn trọng luật pháp quốc tế. Thủ tướng Nhật nói như vậy ngụ ý chỉ trích chính sách độc đoán của Trung Quốc. Nay khi Tokyo được áp dụng chính sách quốc phòng mở rộng gọi là "quyền tự vệ tập thể" như vậy, liệu Nhật có lập liên minh quân sự với Philippines hay Việt Nam và có thể can thiệp quân sự đối đầu với Trung Quốc một khi Bắc Kinh xâm lấn một trong hai nước này hay không?

Trước hết, từ lúc còn vận động để thay đổi cách diễn giải hiến pháp, Thủ tướng Nhật đã xác định chính sách quốc phòng mới không có nghĩa là Nhật Bản sẽ lập tức đưa quân ra chiến trường. Nhưng chính sách mới nói về quyền tự vệ tập thể, tức quyền phòng thủ chung với các nước ngoài, cho phép Nhật Bản hành động quân sự để giúp một nước có hiệp ước đồng minh quân sự với Nhật, và đó chính là hành động mở rộng phạm vi quốc phòng với quyền tự vệ tập thể.

Mục tiêu: Hoa Đông- Đông Nam Á?

Một số quan chức cao cấp của Nhật, ngoài Thủ tướng Abe, có đề cập đến triển vọng Nhật có thể sẽ thực hiện quyền tự vệ tập thể với các nước khác ngoài Mỹ, bao gồm Philippines, Việt Nam, Malaysia và Indonesia, Tuy nhiên quân đội Nhật chỉ được phép thực hiện quyền tự vệ tập thể với một quốc gia đồng minh mà Nhật có hiệp ước liên minh quân sự. Philippines thì chắc chắn sẵn sàng ký kết với Nhật, nhưng với Việt Nam người ta cần cân nhắc một câu hỏi như điều kiện tiên quyết, là liệu Việt Nam có sẵn lòng ký kết hiệp ước liên minh quân sự với Nhật hay không.

Xét chính sách của Việt Nam đối với Trung Quốc, khi nóng khi lạnh, có lúc nguội lúc ấm, người ta thấy Việt Nam còn nhiều phân vân lưỡng lự e dè trong việc tiến đến một chính sách dứt khoát và rõ ràng với Trung Quốc, dù theo chiều hướng nào, thì có thể tin là Việt Nam sẽ không ký kết liên minh quân sự với một ai, như chính Việt Nam đã nhiều lần tuyên bố.

Người ta cũng không dự kiến Trung Quốc sẽ có hành động quân sự đối với Philippines hay Việt Nam ở biển Đông. Mục đích của Trung Quốc rõ ràng là xâm lấn chiếm lãnh hải, nhưng chiến thuật là một chiến thuật mềm hơn là gây chiến. Họ cứ giả bộ thăm dò, nghiên cứu để đem các giàn khoan đi cắm trong lãnh hải đặc quyền kinh tế của nước khác, kéo lê đi hết chỗ này đến chỗ kia, từ xa đến gần, rồi lại vừa đi vừa dặm quanh lãnh hải của người ta, như đang làm với bốn giàn khoan khác bên cạnh Hải Dương 981. Nhưng khi Trung Quốc không gây chiến bằng quân sự, Nhật hay Việt Nam cũng không có lý do gì để phản ứng bằng biện pháp quân sự.

Ở biển Hoa Đông thì Trung Quốc đe dọa bằng quân sự nặng nề hơn, Đây chính là điều quan tâm của Nhật khi mở rộng sự hiện diện quân sự và hoạt động quân sự ra các nước ngoài.

Trong khi đó thì Tokyo lại hòa hoãn với Bắc Hàn, là xứ hiếu chiến lúc nào cũng đe dọa diệt Nhật. Vậy chính sách quốc phòng "tự vệ tập thể" nhắm mục tiêu ở đâu, vào ai?

Thủ tướng Nhật từ trước đến trong và sau hội nghị Đối thoại Shangri-La đã nhấn mạnh nhiều lần vào tình hình tranh chấp ở biển Đông với sự hiếu chiến và chính sách gây hấn của Trung Quốc. Nhật còn lập tức thỏa mãn yêu cầu của Việt Nam, Philippines bằng cách cung cấp những tàu tuần duyên đủ sức đương đầu với lực lượng hải cảnh, hải giám của Bắc Kinh. Vì thế dù Việt Nam chưa sẵn sàng ký kết hiệp ước liên minh quân sự vì cái bóng đen Trung Quốc, Nhật Bản vẫn mở ngỏ cả cổng lẫn cửa để cho Việt Nam tự quyền chọn bên, chẳng khác nào "mời bác mua hàng của tôi, hàng Nhật đấy, hàng Nhật chính gốc Tokyo do Thủ tướng Nhật bán chứ không phải hàng dỏm Trung quốc, lại bán giá rẻ mà cho trả góp nè! Bác mua hàng rồi cùng với tôi giữ lấy cho tôi con đường vận chuyển dầu khi an toàn thôi, chả mất gì đâu!"

Việt Nam quả rất dễ chọn lựa, tùy theo cách Việt Nam cân đo lợi hại trong chính sách ngoại giao.

Ai cũng hiểu Trung Quốc có ảnh hưởng rất lớn đối với Việt Nam. Vì thế chỉ có người Việt Nam đang như cá trên thớt mới có quyền quyết định cho tương lai của mình. Người ở bên ngoài chỉ hy vọng giới lãnh đạo cầm quyền trong nước đồng tâm quyết định chín chắn và sáng suốt cho dân cho nước.


Việt-Long
phóng viên RFA
Theo RFA

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.