Sóng dưới đáy sông
Giáo Già (Danlambao) - Còn một tuần nữa là Đại hội Đảng XII CSVN khai mạc. Bộ Chính Trị vừa kết thúc bàn bạc về nhân sự đưa ra trung ương 14 mà theo nhiều hãng thông tấn quốc tế như BBC, RFA... đã có tin cho biết kết quả nhân sự có tên trong danh sách gồm:
Nguyễn Phú Trọng làm TBT thêm một vài năm;
Trần Đại Quang, chủ tịch nước;
Nguyễn Kim Ngân, chủ tịch quốc hội;
Nguyễn Xuân Phúc, thủ tướng.
Người ta không thấy có tên Nguyễn Tấn Dũng. Nhưng thực tế không hẳn như vậy, vì một số nguồn tin rò rỉ ra bên ngoài cho biết đầy đủ các chi tiết như sau:
“Ngày 12/1/2016 ban chấp hành trung ương đảng bác bỏ đề nghị 4 chức vụ chủ chốt của BCT. Theo báo cáo của Tô Huy Rứa đề nghị nhân sự cho 4 chức vụ chủ chốt đã bị 68% Đại Biểu Ban Chấp Hành Trung Ương Đảng bác bỏ, vì cho rằng đề cử nầy không theo đúng qui định của điều lệ Đảng. Báo cáo này còn ghi rõ chi tiết: BCT đưa ra danh sách đề cử gồm:
(1) Chức vụ TBT:
- BCT đề cử Nguyễn Phú Trọng: Người đề cử là Tô Huy Rứa và được sự hỗ trợ của Nguyễn Sinh Hùng, Lê Hồng Anh và Phạm Quang Nghị.
- BCT đề cử Nguyễn Tấn Dũng: Người đề cử là Nguyễn Thiện Nhân nhưng không có ai hỗ trợ nên bị loại.
(2) Chức vụ Thủ Tướng:
- BCT đề cử Nguyễn Xuân Phúc: - Người đề cử là Nguyễn Sinh Hùng được hỗ trợ của Nguyễn Phú Trọng, Phạm Quang Nghị và Lê Hồng Anh.”
Như vậy danh sách đề cử không có giá trị và kết quả nhân sự được nhiều hãng thông tấn quốc tế như BBC, RFA... phổ biến cũng không có giá trị. Nó có nghĩa là những tranh chấp trong hàng ngũ lãnh đạo Đảng CSVN đã chịu im cho đến khi Đại hội XII tiến hành (chưa biết tin đồn có đúng vậy không?).
Trong khi đó Giáo Già nhận được email gởi đi từ Pháp cho biết việc bảo vệ Đại hội Đảng CSVN đã được phô trương một cách bất thường, từ đầu tháng 1/2016 [ngày 5/1/2016], với sự “sơ duyệt” phương án bảo vệ Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, do Bộ Công an tổ chức như sau (1):
Buổi sơ duyệt có khoảng 5.200 cán bộ, lực lượng võ trang, 125 ôtô, môtô “đặc chủng” và trực thăng, khoảng 100 ôtô chở quân của nhiều đơn vị võ trang khác nhau trong ngành Công an, cùng sự phối hợp của Bộ Tư lệnh Thủ đô…
Xe bọc thép Hummer H2 trang bị trung liên PKM 7,62mm được lực lượng công an sử dụng trong các nhiệm vụ đặc biệt như tại Đại hội Đảng lần này...
Xe có thân và kính chống đạn, chống mìn, gầu xúc phía trước để dễ dàng thu dọn chướng ngại vật lớn. Xe chở được 10 người, đạt vận tốc tối đa trên đường bằng phẳng 100km/h, có hệ thống phóng lựu đạn khói, xung quanh xe có vị trí lắp súng trung liên, các lỗ súng giúp binh sĩ dễ dàng điều khiển, ngắm bắn mục tiêu:
Chúng cũng điều động công an mặc thường phục giả làm dân "phản kháng" để tập diễn các bài tập có thể xẩy ra "bất thường" ở các địa điểm trọng yếu như phi trường, bộ Tư lệnh thủ đô, phủ Thủ tướng, phủ Chủ tịch nước, Quốc hội, Trụ sở Trung ương đảng, v.v...
Vấn đề được đặt ra là với một Đại hội Đảng chỉ hơn 1.500 đại biểu về dự kỳ họp kéo dài 9 ngày, từ 20/1/2016, để kiểm điểm việc thực hiện các mục tiêu 30 năm qua, quyết định phương hướng và nhân sự cho giai đoạn 5 năm sắp tới, mà phải cần đến một lực lượng võ trang hùng hậu như vậy sao. Nó nhằm mục đích gì không được tiết lộ.
Một dấu hỏi cũng được đặt ra là trong thời gian gần đây, kể từ 1/1/2016, sự gây hấn của Trung Quốc ở biển Đông cũng gia tăng đáng kể, với nhịp độ dồn cập theo các ngày như sau:
- 01 Jan 16: Trung Quốc đóng Hàng không mẫu hạm thứ hai; thành lập 3 binh chủng mới;
- 02 Jan 16: Tàu cá QNg 98459 bị đâm chìm ở vùng đảo Cồn Cỏ thuộc tỉnh Quảng Trị;
- 02 Jan 16: Trung Quốc cho 01 máy bay dân sự đáp thử sân bay Chữ Thập (Fiery Cross Reef);
- 06 Jan 16: Trung Quốc cho thêm 02 máy bay hãng hàng không Nam Phương và Hải Nam đáp xuống thử sân bay Chữ Thập (Fiery Cross Reef);
- 08 Jan 16: Nhìn chung, có tất cả 46 lần Trung Quốc cho "bay lén" vào không phận nam VN…
Nhưng, nếu bất ngờ TQ cho tiến hành cuộc tấn công chớp nhoáng vào Hà Nội, lực lượng được “diễn tập” đó có đủ sức chống trả hay không. Nếu không có cuộc tấn công của TQ thì nó chỉ là cuộc “hù dọa” nhắm vào hai biến cố rất có thể xảy ra:
1. Một cuộc “đảo chánh” xuất phát từ các lực lược võ trang ngoài vòng kiểm soát của Nhà nước. Nó cần có để kịp thời trấn áp và “tái lập trật tự”. Nếu không quần chúng sẽ nương theo đó làm thành cuộc “cách mạng” lật đổ Đảng và Nhà nước CHXHCNVN.
2. Một cuộc “lật đổ” của thành phần “chống đối kết quả bầu cử” bất lợi cho chúng.
Vấn đề cũng được đặt ra là quân đội có vai trò gì trong cuộc “diễn tập” này? Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang hay ai khác có đủ thẩm quyền “bấm nút” cuộc trấn áp?
Điều ai cũng có thể thấy là nếu có trấn áp thì chắc chắn sẽ có đổ máu. Nhưng một dấu hỏi khác rất có thể được đặt ra là “máu sẽ không đổ trên đường phố” mà “máu sẽ đổ bên trong hội trường Đại hội”.
Có quá nhiều dấu hỏi được đặt ra; nhưng, cho dầu thế nào, dấu hỏi nào cũng đang như những đợt “sóng ngầm dưới đáy sông” Đại hội XII Đảng CSVN.
______________________________________
Post a Comment