Từ ‘quan hệ kênh đảng’ đến VOV mon men ‘đài địch’
Có một khả năng là một số “kênh đảng” sẽ được đảng chọn lọc kỹ lưỡng để tìm cách tiếp cận và mở rộng hợp tác với một số “đài dịch.”
Đặt chân đến “đài địch”
“Quan hệ kênh đảng” với nước ngoài - một chủ đề mà ông Nguyễn Phú Trọng ngày càng chú trọng - bắt đầu được công khai hóa trên phương diện “hợp tác truyền thông”.
Hơn một năm sau từ giã cái ghế Phó trưởng ban Tuyên giáo trung ương để về làm tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV), vào ngày 27/6/2017 Uỷ viên Trung ương Đảng Nguyễn Thế Kỷ đã lần đầu tiên đến thăm trụ sở BBC ở London và có cuộc làm việc với BBC World Service.
Có một chút ngạc nhiên khi chính VOV lộ diện tường thuật về cuộc gặp trên: “Bà Francesca Unsworth, Giám đốc BBC World Service cùng những người phụ trách các đơn vị sản xuất nội dung, kỹ thuật và kinh doanh đã nồng nhiệt tiếp đoàn VOV… VOV đề xuất BBC World Service hợp tác trong lĩnh vực đào tạo nghiệp vụ và sản xuất các chương trình dạy tiếng Anh…”.
Ở Việt Nam, VOV luôn bị xem là một “kênh đảng” khi đa phần chỉ chuyển tải những vấn đề thuộc về chủ trương, nghị quyết của “đảng và nhà nước ta”, hoặc dẫn tin theo Thông tấn xã Việt Nam. Quá nhiều tin bài khô cứng trong khi thiếu hẳn chất phản biện xã hội đã khiến VOV chẳng khác những kênh đảng khác như Nhân Dân và Quân Đội Nhân Dân là mấy.
Ở một góc độ “đặc thù” hơn, VOV cũng là một “kênh đảng” khá thường xuyên đóng góp vào công tác “phản bác luận điệu sai trái và xuyên tạc của thế lực thù địch và phản động”.
Còn BBC cho tới nay vẫn thỉnh thoảng bị những tờ báo đảng phán xét là “đài địch”. Nhưng dày đặc hơn nhiều là việc đảng đã để mặc cho đội ngũ dư luận viên tha hồ công kích, mạt sát, chửi bới BBC.
Có một kỷ niệm với đài BBC mà hẳn ông Nguyễn Thế Kỷ không muốn nhớ: ngày 4/6/2014, nhiều trang mạng báo chí của nhà nước Việt Nam đã đăng tải hình ảnh về cuộc biểu tình của nhân dân Trung Quốc và cuộc tàn sát đẫm máu đêm ngày 3 rạng ngày 4 tại quảng trường Thiên An Môn 25 năm trước. Tuy nhiên đến cuối ngày, loạt bài này đã đồng loạt bị kéo xuống mà không còn truy cập được nữa. Đến sáng ngày 5/6/2014 trong trả lời phỏng vấn của BBC về sự kiện trên, Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Thế Kỷ đã nói tỉnh bơ: “Hoàn toàn không có chuyện kiểm duyệt tin tức trong nước về sự việc này”. Ngay lập tức, câu nói của ông Kỷ đã được nhiều dư luận trên mạng xã hội bình luận là lời dối trá điển hình của năm 2014, bởi đã từ quá lâu, ai cũng biết rằng Ban Tuyên giáo trung ương luôn trùm “vòng kim cô” trên đầu hơn 800 tờ báo nhà nước, luôn phát ra các mệnh lệnh bằng văn bản lẫn chỉ đạo miệng trong hàng tuần, hàng tháng và đột xuất về những vụ việc báo chí không được đăng tải.
Còn giờ đây, ông Nguyễn Thế Kỷ và BBC lại gặp nhau.
Mục tiêu của “quan hệ kênh đảng”
Thực ra, mối quan hệ giữa BBC và “kênh đảng” đã chính thức khởi động từ tháng Ba năm 2017. Vào thời điểm đó, giám đốc BBC World Service là bà Francesca Unsworth đã có một chuyến thăm Việt Nam. Tuy nhiên về mặt công khai, chuyến đi của bà chỉ được phản ánh bằng buổi nói chuyện về nghiệp vụ báo chí tại Học viện Báo chí và Tuyên truyền ở Hà Nội.
Như vậy, trong số 4 đài Việt ngữ (VOA, RFA, RFI, BBC) vẫn bị đảng, chính quyền và giới dư luận viên Việt Nam lên án là “đài địch” cùng rất nhiều tính từ mạt sát gắn kèm, BBC là địa chỉ đầu tiên có mối quan hệ không chính thức với Hà Nội. Những cuộc gặp không chính thức như thế lại gợi mở triển vọng “hai bên cùng có lợi”, theo đó BBC có thể trở thành địa chỉ đầu tiên trong số 4 đài Việt ngữ có trụ sở chính thức ở Hà Nội.
Tháng 3/2017 cũng là thời gian mà lần đầu tiên Bộ trưởng công an Tô Lâm, nhân vụ một người mang quốc tịch Việt Nam là Đoàn Thị Hương bị bắt giữ ở Malaysia vì hành vi ám sát Kim Jong Nam, đã trả lời phỏng vấn đài BBC Việt ngữ một lần và đài VOA Việt ngữ đến hai lần. Tuy nhiên, cả ba cuộc trả lời phỏng vấn này đều không được báo chí nhà nước đưa tin hay đăng lại.
Mặc dù đã rất thường né tránh truyền thông quốc tế trong quá khứ, có những dấu hiệu cho thấy “đảng và nhà nước ta”, thậm chí cả một số quan chức “công an nhân dân” ngày càng quan tâm một cách thèm muốn và lộ liễu đến các tờ báo quốc tế và cả báo chí người Việt hải ngoại.
Trước Đại hội 12 của đảng cầm quyền vào đầu năm 2016, có vài tờ báo người Việt hải ngoại và cả một tờ báo thương mại nhỏ của Hàn Quốc đã khá thường xuyên tung bài ca ngợi thủ tướng khi đó là Nguyễn Tấn Dũng.
Nhìn về trước nữa, vào tháng Bảy năm 2014, có một chuyến công du âm thầm của Ủy viên bộ chính trị, bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị đến Washington. Vào thời gian đó, ông Nghị còn có được vai trò “thái tử đỏ” và được nhiều dư luận xem là người kế vị Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. Chính vào lúc đó, ông Nghị đã đề nghị với phía Mỹ đặc biệt quan tâm đến “kênh đảng”.
Tròn một năm sau chuyến đi của Phạm Quang Nghị, chính ông Nguyễn Phú Trọng đặt chân đến Washington và ông Trọng đã chính thức đề nghị với Tổng thống Obama về “thúc đẩy quan hệ kênh đảng”.
Chuyến công du Mỹ gần nhất do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thực hiện cũng một lần nữa đưa “thúc đẩy quan hệ kênh đảng” vào tuyên bố chung giữa hai nước.
Việc một phái đoàn của VOV thăm BBC ở London càng cho thấy “quan hệ kênh đảng” đang từ bóng tối bước ra ánh sáng, với mục tiêu tối thiểu là nâng tầm uy tín và vị thế cho đảng cầm quyền ở Việt Nam trên trường quốc tế. Còn về mặt nội bộ, thế lực bên đảng bắt đầu khuếch trương vai trò của truyền thông.
Mục tiêu nào khác?
Trong cuộc gặp đài BBC ở London ngày 27/6/2017, Tổng Giám đốc Nguyễn Thế Kỷ buông ra một tự thuật có vẻ khó hiểu: “VOV đang trong quá trình nhìn nhận lại mình và xác định đường hướng phát triển tiếp theo”.
VOV hay đảng “đang trong quá trình nhìn nhận lại mình”?
Không chỉ VOV, có tin cho biết kể cả Tạp chí Cộng Sản - tờ báo được xếp “loại một” trong hệ thống báo chí quốc doanh và là nơi mà ông Nguyễn Phú Trọng đã từng là tổng biên tập - cũng có kế hoạch giao tiếp với “đài địch”.
Tiếp theo đó, có thể là Đài Truyền hình Việt Nam (VTV) - một “kênh đảng” quan trọng và cũng thuộc tầng lớp lên án “diễn biến hòa bình” dữ dội nhất - được tung ra để “quốc tế vận”.
Nhiều khả năng có thể sẽ diễn ra một cuộc chạy đua ngấm ngầm giữa “kênh đảng” và “kênh chính quyền” về Tây bán cầu để tập dần thói quen “chung sống với lũ”, lồng trong bối cảnh tương lai “nhất thể hóa” ở Việt Nam đang đến gần và có thể xảy ra hiện tượng “đảng tràn sang chính phủ”.
Và cũng không loại trừ một ẩn ý chẳng bao giờ công bố: không ít quan chức Việt đang cố tìm lối thoát sang trời Tây, kể cả chuẩn bị hậu sự “cùng tồn tại” nếu xảy ra tình thế “nhiều hơn một đảng” ở Việt Nam trong không quá lâu nữa.
VOA
Post a Comment