Đại án Phạm Công Danh: Các giám đốc công ty “ma” rưng rưng nước mắt

Phạm Công Danh, Trầm Bê, tham nhũng, tham ô tài sản, cố ý làm trái các quy định của nhà nước
Vì nhiều tuổi, vì trình độ học vấn thấp nhưng vẫn được Phạm Công Danh nhận vào làm việc, trong lòng các giám đốc ‘bù nhìn’ vô cùng cảm kích, họ không ngờ rằng chính sự hàm ơn đó đã đẩy họ vào con đường tù tội.
Để xây dựng lên một tập đoàn lớn mạnh như Thiên Thanh, Phạm Công Danh phải mất 50 năm cuộc đời gây dựng, nhưng chỉ vì khát vọng sở hữu một ngân hàng cho riêng mình, ông ta đã tự tay phá nát sự nghiệp và phải chôn vùi tuổi già trong vòng lao lý. Không những vậy Danh còn gián tiếp đẩy thuộc cấp của mình - là những nhân viên bảo vệ, lái xe vào vòng tù tội bằng việc dựng họ lên làm giám đốc các công ty “ma” thuộc Tập đoàn Thiên Thanh để dễ bề vay tiền
Những giám đốc “ảo” vốn dĩ chỉ là nhân viên bảo vệ, tài xế của Thiên Thanh, nhưng vì hoàn cảnh khó khăn, trình độ hiểu biết pháp luật thấp, nhiều tuổi nên khó kiếm việc làm. Vì vậy, khi được nhờ đứng tên làm Giám đốc, các bị cáo đều vui vẻ nhận lời mà không hề biết được mình đã tiếp tay cho Phạm Công Danh làm điều sai trái.
Ngày ra tòa, nhiều “giám đốc” nghèo khổ không giữ được bình tĩnh, run rẩy khai báo trong tiếng nấc nghẹn.
Trước tòa, nhiều lần Vân khóc nấc khiến chủ tọa phải trấn an để Vân bình tĩnh lại. "Khi được nhờ đứng tên giám đốc công ty, bị cáo không hề suy nghĩ đến việc sẽ đưa mình đến bất hạnh. Khi CQĐT lấy lời khai và khởi tố thì bị cáo mới biết hành vi mình làm là sai phạm. Bản thân chưa giúp gia đình thoát cảnh nghèo nay lại rơi vào cảnh khổ", Vân nghẹn ngào nói. Cũng theo bị cáo Vân, do thấy Thiên Thanh là Tập đoàn lớn, có nhiều nhà hàng, khách sạn sang trọng nên hết sức tin tưởng. Sinh ra trong gia đình nghèo, đông anh em ở huyện Bình Chánh, Nguyễn Thị Kim Vân (nguyên Giám đốc Công ty Hương Việt) sớm phải bươn chải lo cuộc sống. Sau khi lập gia đình và sinh được một bé trai, vợ chồng Vân xảy ra mâu thuẫn không thể hàn gắn, Vân ôm con về nương nhờ anh trai. Ngày tòa xử ly hôn, do không có điều kiện vệ kinh tế, việc làm không có nên Vân không được quyền nuôi con. Mong ước được đón con về chăm sóc, Vân lang thang khắp nơi tìm việc và được Thiên Thanh nhận vào làm lái xe. Biết ơn trước “ân sủng” này của Thiên Thanh nên khi được cán bộ văn phòng gọi lên nhờ đứng tên giám đốc dùm, không một giây suy nghĩ, Vân vui vẻ gật đẩu.
Mang trong mình trọng bệnh, vài năm nay bị cáo Trần Hiệp (Giám đốc Công ty Phong Hiệp) phải đi xạ trị để kéo dài sự sống. Hiệp cho hay, do con cái còn nhỏ, tuổi lại cao nên khó kiếm được việc làm nên khi được Thiên Thanh nhận vào làm, Hiệp mừng lắm. “Thiên Thanh giúp cho bị cáo có được công ăn việc làm và có lương để lo cho các con, nên khi Thiên Thanh nhờ bị cáo đứng lên công ty thì bị cáo đứng hộ. Do bị cáo quá tin tưởng nên mới gây hậu quả như ngày hôm nay. Bị cáo rất hối hận”, Hiệp nghẹn giọng trình bày.
Ngồi theo dõi người thân mình qua màn hình, người thân của họ cũng sụt sùi theo. Chị M. người thân của bị cáo Nguyễn Hồng Dũng (Giám đốc Giám đốc Công ty Nhà Đại Long) cho hay, dù mang tiếng là giám đốc nhưng mỗi tháng cũng chỉ mang được vài triệu tiền lương nhân viên, giờ lâm cảnh tù tội như thế này, mọi gánh nặng đều đè lên vai vợ bị cáo.
Trong giờ nghỉ giải lao, vài người thân của các bị cáo cố dùng điện thoại hướng về người thân trong phòng lưu phạm rồi nài nỉ cảnh sát “Cho em quay anh ấy một chút để về cho các con nhìn ba cho đỡ nhớ". Quay qua phía các phóng viên đang ngồi họ cười gượng gạo nói “Giám đốc công ty ma đấy. Hữu danh vô thực, chẳng được lợi lộc gì giờ vô tù ngồi vậy đó”.
Suốt phiên tòa, nhiều lần Phạm Công Danh khẳng định, những nhân viên này do tin tưởng vào bị cáo, tin tưởng vào Thiên Thanh mà đứng tên giám đốc dùm, bản thân họ không được lợi lộc gì từ những khoản vay mà họ đứng tên. Danh cũng xin HĐXX xem xét giảm nhẹ hình phạt cho họ. 
Đoàn Nga/VnN

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.