Ngày xuân nhớ lại

Nguyễn Mạnh An Dân (Danlambao) - 2:45' chiều, ngày 29 tháng Chạp âm lịch, đầu năm 1975, Tiểu đoàn trưởng 2/46, Thiếu tá Nguyễn Hữu, không thông qua âm thoại viên, trực tiếp gặp các Đại đội trưởng thuộc quyền trên tần số nội bộ và gọi tất cả đến gặp ông tại Bộ Chỉ Huy Tiểu đoàn: “Các cậu đến gặp tôi ngay bây giờ”. Giọng “ông già” chậm và rõ, cách nói vẫn là một kiểu ra lệnh nhưng không phải là thứ lệnh khô cứng, lạnh lùng như vẫn thường có ở một cấp chỉ huy ngoài mặt trận. Đơn vị vừa được rút về mấy giờ trước từ Trà Cao sau hơn nửa tháng lặn lội suốt một tuyến dài qua các mật khu lầy lội Trà Cú, Phước Chỉ. Tiểu đoàn trừ bố trí phòng thủ căn cứ Trâm Vàng và hai đại đội tác chiến còn lại rải dọc theo mép rừng cao su, cách quốc lộ và xóm nhà một đoạn ngắn và cách gia đình lớn không quá nửa tầm súng cối 60. Ngày cuối năm, vị trí đóng quân nhẹ nhàng. Không ai nói với ai nhưng tất cả ngầm hiểu: dưỡng quân, ăn Tết.

Trâm Vàng là Bộ Chỉ Huy tiền phương, là điểm tiếp liệu chung cho nhiều quân binh chủng trong chiến dịch hành quân Campuchia nhiều năm trước. Căn cứ rất rộng với một lô cốt vuông vức được xây âm dưới lòng đất bằng ximăng cốt sắt làm Trung Tâm Hành Quân và một vòng tuyến với bờ đất cao đủ chỗ rải quân cho một tiểu đoàn đầy đủ quân số. Căn cứ vẫn thường bị pháo và thỉnh thoảng đặc công vẫn bò vào quấy nhiễu nhưng đối với một đơn vị bộ binh, quanh năm hành quân lưu động thì về Trâm Vàng là nghỉ ngơi, hưởng phước.

Tết nhứt có khác, phòng hành quân có một chút gì vui vui, lạ lạ. Lố thùng đạn đại liên xếp vuông với tấm poncho phủ gọn ở trên như một cái bàn thấp cùng mấy hộp bánh mức Bảo Hiên và mấy chai rượu bọc giấy hoa như làm cho căn hầm sáng và đẹp hơn. “Phòng họp” lố nhố những người; các âm thoại viên đang lui cui kéo giây ráp nối máy móc vào trụ en-ten cao nhòng trên nóc; Chỉ Huy Trưởng Hậu Cứ, Sĩ Quan Ban Một, Sĩ Quan Tiếp Liệu và các Hạ Sĩ Quan chuyên môn gần như có mặt đầy đủ trong những bộ quần áo hồ cứng thẳng tưng đang tươi cười chảo hỏi những người mới đến. Ngày cuối năm, đơn vị được “ra hành quân” là một dịp lớn để mọi người vui với nhau một chút. Tiểu đoàn trưởng không cầm bản đồ, không hỏi han tình hình quân số và trang bị, không nhắc cái này, la điều kia như thường ngày, chỉ kêu lấy ra năm chai rượu, nhìn các Đại Đội Trưởng bằng ánh mắt trìu mến, nói “Mỗi cậu một chai, giao thừa lai rai một chút cho ấm bụng” và hất đầu ra dấu cho mấy anh em phục vụ “dọn tiệc”. Trà được bưng tới, bánh được mở ra. Mấy sĩ quan hậu cứ lễ nghĩa và bóng bẩy chúc Tết sớm, mấy sĩ quan tác chiến rổn rảng cười nói. Buổi tiệc tất niên bất ngờ, đạm bạc nhưng vui. Lính mà, vậy là tốt rồi, được ngồi thoải mái với nhau vài tiếng đồng hồ, nói năm điều bảy chuyện, uống hớp nước, ăn chút bánh mà không phải nơm nớp lo âu cho sự an nguy của chính mình và của đơn vị là tiên trên đời rồi, là số một rồi.

Giữa cuộc vui, Tiểu đoàn trưởng chậm rãi cho biết đã liên lạc với phòng ba chiến đoàn, không có kế hoạch gì đặc biệt, ông kết luận: “Chắc mình ăn Tết ở đây” và âu yếm nhìn các Đại đội trưởng trẻ, độc thân của mình, nói thêm, gọng ấm áp: “Cậu nào có bạn gái hay người quen biết gì nhắn hậu cứ mời lên chơi cho vui, không dễ gì được nằm gần lộ như thế này đâu!”. Các Đại đội trưởng mau mắn đáp lại: “45 làm gương trước đi, mời chị lên chơi”. Tiểu đoàn trưởng cười cười: “Có, chiều nay bà ấy và mấy cháu sẽ có mặt, mười sáu năm rồi tôi chưa bao giờ được ăn Tết ở nhà, cũng chưa bao giờ được ở trong một căn hầm nào đẹp như thế này, cả nhà ăn Tết ở đây cũng tốt, năm mới mấy cậu ghé chơi”. Giọng Tiểu đoàn trưởng đều đều, không có vẻ gì than vãn, trách oán nhưng có chút nao nao, buồn buồn. Lúc chia tay, ông đi với các Đại đội trưởng ra tận cửa hầm, dặn nhỏ: “Dưỡng quân ở đây, dặn em út lục soát, mở đường cẩn thận, nhưng cứ lờ cho anh em họ la cà ra xóm một chút, Tết nhứt chắc không đến nỗi nào đâu”. Ông nói với theo khi mọi người đã đi được một đoạn ngắn, giọng nghiêm lại: “Nhớ kiểm soát kỹ, tuyệt đối không được để em út say sưa, phá làng phá xóm”.

51 Tùng, Đại đội một, trở về vị trí đóng quân của mình. Lại hậu cứ, lại bánh, rượu và báo Xuân. Câu chuyện vui vẻ và thân mật; một ít giấy tờ phải ký, một ít tình hình quân số và tiếp liệu được trình báo, nhưng phần lớn là những lời thăm hỏi, chúc mừng. Hạ sĩ quan quân số, Trung sĩ nhất Thế, hỏi nhỏ khi Tùng đang lật lật mấy tờ báo Xuân: “51 cần tôi ghé Phú Nhuận không?”. Tùng suy nghĩ một chút rồi cười cười gật đầu: “Ờ, nhắn giùm cô ấy sáng mồng Một tôi đón ở Gò Dầu, quán Đồng Nội, chốc nữa tôi sẽ viết mấy chữ nhờ ông chuyển hộ”. Thường vụ đại đội, hạ sĩ quan tiếp tế, hạ sĩ quan chiến tranh chính trị bàn bạc rất lâu với nhau và cùng kéo đến gần Tùng: “Chắc mình nghỉ ở đây, có chút tiền phụ cấp Cây Mùa Xuân Chiến Sĩ, chúng tôi định chiều mai tăng khẩu phần ăn xôm xôm một chút, đại đội ăn chung với nhau một bữa, 51 nghĩ sao?”. Tùng gật đầu: “Được, nhưng nhớ đừng gom hết lại một chỗ, các trung đội quây quần bên phòng tuyến của mình, Ban Chỉ Huy, súng cối và BK tách riêng ra một chỗ khác, coi chừng bị pháo, tôi sẽ xuống từng chỗ với anh em.”

Buổi chiều cuối năm im ả, bên xóm vẳng tiếng trẻ đùa và xe cộ qua lại trên đường với dáng vẻ vội vàng, hối hả như đang chạy đuổi với thời gian. Các nhân viên hậu cứ lần lượt từ giã. Tùng đi suốt một vòng tuyến, từng lúc dừng lại chỗ này chỗ kia nói chuyện với những người lính đang ăn vội bữa cơm chiều, anh ngồi chơi với anh em một lúc lâu đợi cho các toán tiền đồn vào vị trí xong mới chậm rãi trở về hầm chỉ huy của mình. Kế hoạch đón Tết vừa riêng vừa chung đều làm Tùng thấy vui. Mấy năm liền, tuy mang tiếng là hòa bình, ngưng bắn nhưng chưa năm nào đơn vị được rời vùng hành quân và ngày đầu năm nào Tùng cũng chỉ có thể hút với anh em một điếu thuốc, nhắp với họ chút rượu chắt chiu trong những nắp bình đông sóng đổ ngay tuyến phòng thủ giữa mặt trận. Ý nghĩ về một bữa cơm đơn vị làm Tùng thấy ấm lòng, anh nghĩ đến lá thư viết vội cho Thiên Kim vừa gởi trung sĩ nhất Thế với lời tái bút vui vui: “Khi nào nghe lơ xe hô lớn Gò Dầu nghe bà con là em xuống xe, nhìn bên trái sẽ thấy anh đứng đón, nhớ đừng tìm ông có râu cao bồi, coi chừng lộn với ông nào khác. Tết nhứt anh sẽ làm đẹp để đón tiểu thư.”

Lần đầu Thiên Kim lên thăm Tùng ở đơn vị, nghe anh em nói với nhau “cô lên, cô lên” nàng đã thẹn đỏ mặt và chờ lúc không có ai mới phụng phịu cự nự người yêu: “Cô chắc là chữ mấy ông lính dùng gọi các bà vợ người chỉ huy của họ, em là gì của anh mà cũng cô cô trong này, kỳ cục”. Tùng đã cười ha hả trêu lại nàng: “Cô là tiếng ngắn gọn, dễ nghe và nhiều ý nghĩa nhất trong các tiếng, em không chịu cho gọi như vậy anh em họ sẽ kêu bằng bà người yêu của ông Trung úy nghe còn dễ sợ hơn nữa, tùy em quyết định đi” và Thiên Kim đã chịu thua, đã tiếp tục làm “cô lên” bất cứ lúc nào có thể.

Ước mơ của người lính thật đơn giản, ông Tiểu đoàn trưởng muốn được đoàn tụ cả nhà trong hầm chỉ huy qua với nhau một cái Tết gia đình; ông Đại đội trưởng muốn những người lính có thể ngồi ăn chung với nhau một bữa cơm bên bờ tuyến có chút thịt cá phụ trội và những lời thăm hỏi chúc mừng năm mới. Chuyện như đã chắc trong tầm tay mà cũng không thực hiện được. Trong vòng hai mươi bốn tiếng đồng hồ tiếp đó, nhiều sự việc bất ngờ đã xảy ra. Kế hoạch không đến từ Chiến đoàn, Sư đoàn, nó đến từ một chỗ cao hơn.

Tám giờ tối ngày 29, Tiểu đoàn 2/46 nhận lệnh yểm trợ đơn vị bạn thi hành công tác. Đại đội công sự nặng thuộc Tiểu đoàn 25 công binh chiến đấu kéo đến, có Tiểu đoàn trưởng, Sĩ quan tham mưu quân đoàn, Sĩ quan chuyên môn Cục Công Binh đôn đốc và kiểm soát. Máy phát điện được mở lên, xe ũi, xe xúc, xe cẩu hụ tới hụ lui. Lệnh phải hoàn tất một ụ thuyết trình dã chiến kiên cố và gọn đẹp trước sáu giờ sáng.

Trong đêm, Trinh sát Sư đoàn, Trinh sát Trung đoàn, các Tiểu đoàn 1 và 3/46, một số Tiểu đoàn Địa Phương Quân thuộc hai Tiểu khu Tây Ninh và Hậu Nghĩa nhận được lệnh chuyển quân. Toàn bộ các điểm trọng yếu chung quanh khu vực Trâm Vàng đều có lực lượng lục soát và án ngữ. Chưa có tin tức chính xác nào được phổ biến nhưng căn cứ vào lệnh điều động, mọi người đều có thể tiên đoán một giới chức rất quan trọng sẽ đến thăm căn cứ Trâm Vàng.

Sáu giờ sáng ngày 30 tháng Chạp, Tiếp liệu Tiểu đoàn 2/46 với lệnh cấp phát đặc biệt từ Phòng 4 Sư đoàn và phương tiện chuyên chở của Tiểu đoàn 25 vận tải đã có mặt và trang bị bổ sung cho toàn đơn vị. Những đôi giày bố, nón sắt, giây ba chạc và khăn quàng cổ mới được cấp phát ngoài cấp số. Tiểu đoàn 2/46 nhận lệnh kiểm tra quân phục, quân số, trang bị và lục soát, lập các toán án ngữ bảo vệ toàn bộ khu vực trước khi tập trung tại tọa độ XT... trước 10 giờ sáng.

Những khẩu lệnh quân trường được hô to: “Bên trái làm chuẩn, cao trước thấp sau, Trung đội hàng dọc, Đại đội hàng ngang”, Tiểu đoàn được tập hợp thành một khối hình chữ U dưới sự điều động của Tiểu đoàn phó. Tiểu đoàn trưởng và Ban Tham Mưu đang chuẩn bị thuyết trình trước phái đoàn Trung ương tại Trung  Tâm Hành Quân mới vừa hoàn tất trong đêm trước. Tin tức chính thức cho biết: Đại diện sư đoàn 25/BB, Tiểu đoàn 2/46 được vinh dự đón tiếp Nguyên thủ quốc gia và phái đoàn chính phủ thăm viếng và ủy lạo nhân dịp Tết dân tộc.

Băng đạn được tháo ra, sáu lần thao tác an toàn súng được lập lại. Đội hình sẵn sàng trong tư thế chờ đợi. Một chút kiêu hảnh, một chút xót xa. Máu của biết bao anh em đồng đội đã đổ ra ở Suối Đá, máu của biết bao anh em đồng đội khác đã đổ ra để dành lại từng tất đất, từng bụi cây trước khi cắm được ngọn cờ tổ quốc lên bờ đất đổ nát của căn cứ 82 và còn nhiều nữa ở Phú Thứ, ở Phước Tân, ở Cần Đăng, Trại Bí, Dầu Tiếng, Phú Hòa Đông, Chà Rầy, Hố Bò, Trung Lập... Tiểu đoàn 2/46 từng đổ máu, từng hy sinh nhưng chưa bao giờ lùi bước và cũng chưa bao giờ không chu toàn nhiệm vụ dù nhiều khi cái giá phải trả ra thật đáng đau lòng. Người lính 2/46 đã làm hết sức mình, họ không hiểu biết gì nhiều, không đại ngôn lớn lối tự khoát cho mình một lý tưởng, một mục đích gì to lớn, vĩ đại. Họ chỉ cố gắng chu toàn nhiệm vụ của những người lính nhỏ nhoi vì anh em đồng đội, vì đơn vị, vì quân đội và vì tổ quốc của mình. Họ không chờ đợi và cũng không hề biết sẽ có ngày hôm nay. Họ chỉ làm những gì phải làm, vậy thôi.

12 giờ 30, đợt khách đầu tiên ào tới. Những cận vệ vòng ngoài gườm gườm, M18 cặp nách, bố trí khắp nơi; những chuyên viên rà mìn, máy móc rè rè rà tìm từng gốc cây, bụi cỏ.

12 giờ 45 đợt khách thứ hai ào tới, máy vi âm được lắp ráp dù đã có sẵn, chuyên viên quay phim, chụp hình chạy tới chạy lui. 1 giờ chiều Nguyên thủ quốc gia tới. Quân cảnh, tùy tùng đông nghẹt. Kèn trống rộn ràng. 2/46 Hành Khúc vang lên “2/46 lừng vang chiến công, về đây chung sức đắp xây quê hương, một lòng vì dân đoàn ta chiến đấu, quyết đem thân mình bảo vệ quê hương. Long An giúp dân, giúp dân, giúp dân; Tây Ninh trấn biên, trấn biên, trấn biên, đây Campuchia xông pha bao lần...”

Những lời chào mừng bóng bẩy được đọc lên, những lời khen ngợi rườm rà được nói ra; những cái bắt tay, những lời thăm hỏi máy móc được lập lại. Người lính im phắt trong hàng, trong một giây phút, hình như lòng quặn lại, mắt mờ đi. Loáng thoáng đâu đó là hình ảnh mẹ già, vợ trẻ, con thơ, mái nhà tranh, khu xóm nghèo và những xôn xao ngày Tết không trọn vẹn; rồi đâu đó hình như có tiếng hô xung phong, những tiếng nổ, máu, những xác người, những anh em đồng đội nằm xuống, những người khác tràn lên, lại những người nằm xuống… Cứ như thế, nhập nhòa giữa những bóng bẩy hào quang là những hồi ức buồn thảm. Lại trống, lại kèn, những người lính thoáng vui rồi chợt buồn. Chiều ba mươi, giờ này đây, hàng ngàn anh em đồng đội, những người đã bất ngờ nhận lệnh, đã mò mẫm di chuyển, đã căng mắt bố phòng suốt đêm qua và đang ghìm súng bảo vệ ở đâu đó giữa hiểm địa, rừng sâu. Người lính không có giờ giấc, không biết tháng ngày, chiến đấu và hy sinh. Đằng sau mỗi vinh quang là những gian khó và thảm kịch. Người lính không hề có tròn nét môi cười, không biết thế nào là trọn vẹn niềm vui. Quân kỳ có thêm một giây biểu chương màu Bảo Quốc, người lính ưỡn ngực, ngẩn đầu nhưng trong lòng thoáng chút xót xa. Buổi lễ chấm dứt, những người khách lên xe, người lính ở lại. Ba lô lên vai và những ngày mới sẽ đến. Còn một đêm nữa là năm mới.

Đại đội 1 về tới truyến phòng thủ lúc 5 giờ 30. Bữa cơm chung dự định sẽ bắt đầu vào lúc 6 giờ. Poncho đã được trải ra, thịt quay, chả lụa đã đựng đầy nhiều nón sắt. Hình như có bánh chưng, dưa kiệu, mứt gừng, mứt bí  và vài món linh tinh khác. Binh nhất Vinh, thằng em phục vụ thân thiết lăng xăng chạy tới chạy lui báo cho Tùng biết diễn tiến việc chuẩn bị ở từng trung đội. Tùng nói “kiếm cho tao cái ly, năm nay ăn Tết đàng hoàng một chút, cứ nắp bình đông hoài coi không được”. Vinh đáp lớn “Xong rồi 51, sáng nay em hỏi mua lại cái ly  cà phê ngoài quán, định trả tiền nhưng bà chủ nói tặng ông sĩ quan uống rượu Tết cho vui” và cười cười, bước lại gần Tùng, nói nhỏ, giọng có vẻ ngượng:” “Chốc nữa em sẽ hát tặng Trung úy bài “Xuân Này Con Không Về”. Tùng nhìn người lính trẻ: “Cậu hát được à? Sao lâu nay không thấy nghêu ngao cho vui. Tốt lắm, nhưng đâu phải chỉ mình tao “không về”, hát tặng chung anh em đi”. Vinh dạ dạ và nói thêm, giọng nhỏ lại “Em cũng hát cho em nữa”. Tùng nói: “Đúng, hát tặng chung tất cả chúng ta”. Hai thầy trò đều cười vui, nhưng bài hát đó không bao giờ được hát .

5 giờ 45, súng cá nhân nổ rát hướng rừng cao su phía xa, cùng lúc, mưa pháo phủ ngập căn cứ Trâm Vàng. Chiến thuật mới: tấn công các đơn vị hành quân lưu động bằng bộ binh và khóa miệng các căn cứ hỏa lực, các đơn vị yểm trợ bằng pháo kích. Chưa có tin tức chính thức nào từ Chiến đoàn. Tiểu đoàn ra lệnh các đơn vị trực thuộc phân tán con cái bố trí dọc mép rừng cao su để tránh pháo và chờ lệnh. Bữa cơm tất niên của Đại đội 1 vừa được bày biện đã vung vãi vì sức nổ, mảnh đạn và sỏi cát của trận pháo kích. Những người lính bụng trống vượt bờ đất lao về phía trước giữa những tiếng nổ.

6 giờ chiều, Tiểu đoàn trưởng 2/46 gọi các Đại đội trưởng nhận lệnh hành quân tại bìa rừng cao su phía sau căn cứ Trâm Vàng. Sĩ quan Ban 3 đưa phóng đồ hành quân vỏn vẹn chỉ có một vòng tròn đỏ cách điểm xuất phát 2 cây số về phía Cầu Khởi. Tiểu đoàn trưởng ngắn gọn thông báo tình hình và ban hành những chỉ thị cần thiết. Theo đó, Tiểu đoàn X/49, đơn vị hành quân án ngữ bảo vệ an ninh cho buổi lễ đón tiếp thượng cấp đã bị tập kích trên đường rút lui sau khi hoàn tất nhiệm vụ. Liên lạc vô tuyến với X/49 đã hoàn toàn bị gián đoạn và khả năng có thể là đơn vị bạn đã bị tổn thất nặng và đang tản lạc trong khu vực hành quân. Nhiệm vụ của 2/46 là tiến về hướng được ghi nhận đã có giao tranh, giải tỏa áp lực địch, tìm đón những binh sĩ bị thất lạc, tải thương và gom nhặt xác những chiến sĩ đã hy sinh.

Tiểu đoàn trưởng dặn tới dặn lui: “Cẩn thận tối da. Chắc chắn có nhiều người của mình tản lạc trong khu vực, đừng ngộ nhận tác xạ lầm quân bạn nhưng cũng đừng lơ là để địch quân trà trộn tập kích”. Ông nói thêm trước khi các Đại đội trưởng trở về vị trí chuẩn bị điều động đơn vị di chuyển, giọng rất buồn: “Bảo em út cố gắng, rất nhiều anh em đang cần đến mình. Tết nhứt tôi biết, nhưng tình hình không thể trì hoãn được. Ráng lên.”

Trời tối dần, đơn vị di chuyển chậm chạp, từng lúc phải dừng lại bố trí, quan sát, nhận dạng và đón người. Những binh sĩ thất tán mừng rỡ gặp lại quân bạn nhưng trạng thái căn thẳng, hoảng hốt biến họ thành ngẩn ngơ, lơ lửng và những lời trình bày của họ lộn xộn, rối ren, trùng lập về diễn tiến của trận đánh và không ai chắc chắn được điều gì về số phận đơn vị của mình. Điều ghi nhận rõ nhất là trận đụng độ rất khốc liệt và phần thất lợi về phía quân bạn.

9 giờ 30 đêm, những đơn vị đầu tiên tiếp cận khu vực giao tranh. Trời tối đen, không khí lặng lờ, lạnh lẽo. Những ánh hỏa châu nhập nhoè, lung linh vội sáng vội tắt trên một khu vực tiêu điều, xác xơ vung vãi những cành cây đổ vì đạn pháo kích của cả hai phía. Những xác người đầu tiên được tìm thấy. Không ai có thể xác nhận được hình dạng và lý lịch của những chiến sĩ bất hạnh này.

9 giờ 40, Tiểu đoàn cho biết Chiến đoàn đã tái liên lạc vô tuyến được với Tiểu đoàn X/49. Đơn vị bạn bị đột kích, hai đại đội bọc hậu bị cắt đứt khỏi đội hình chung và bị thiệt hại nặng chưa liên lạc và kiểm kê được. Tiểu đoàn bị pháo kích và hệ thống liên lạc bị hư hại nhưng đã tái hoạt động trở lại. Đơn vị bạn đã về đến vị trí an toàn dù quân số không đầy đủ.

Lệnh dừng quân và phòng thủ đêm được ban hành. Những người lính lầm lũi đào hố, căng mìn. Những toán tiền đồn lặng lẽ tiến về phía những vị trí được chỉ định. Người lính mệt mỏi mở bao cơm sấy nguội lạnh mò mẫm dùng bữa cơm chiều. Không khí im ắng, nặng nề; người người lặng thầm, chịu đựng. Đêm cuối năm, vài tiếng đồng hồ nữa là giao thừa, năm mới. Rừng đêm, bất trắc và tử khí. Người lính uống vội hớp nước, nằm lăn ra đất nhìn lên trời cao tối tăm, cao thẳm cố quên những thực tế đau lòng, ráng dỗ giấc ngủ chờ đến phiên được kêu dậy, đổi gác.

10 giờ 30, Tiểu đoàn gọi các đại đội; đại đội gọi các trung đội để hỏi nhau cùng một câu hỏi: "Có nghe thấy gì không?”. Tiếng rên. Rất nhiều tiếng rên đau đớn và thê thiết, xa có, gần có. Các thương binh rải rác đâu đây có lẽ vừa qua cơn tê điếng lúc đầu cộng với khí lạnh trời đêm làm họ không còn chịu đựng được nữa. Tiểu đoàn trưởng gợi ý, không phải ra lệnh: “Ráng cho biệt kích dò theo tiếng kêu lên đón anh em về được không? Lạnh thế này, chờ đến sáng chắc chết hết”. “Không được, mìn cơ động đã gài cùng khắp, lạng quạng không giúp được ai mà hại thêm đến anh em mình”. Các Đại đội trưởng đồng loạt trả lời, trách nhiệm với đơn vị buộc phải từ chối nhưng lòng đau như cắt, đứng ngồi không yên. Tiếng rên như những viết đâm xé ruột những người hiện diện.

11 giờ 20, binh nhất Vinh mò tìm đến hầm chỉ huy, dúi vào tay Tùng chiếc bình động nặng nặng, thì thầm: “51 làm hớp rượu cho ấm”. Tùng mở nắp bình rượu, Vinh cười khẻ và nói tiếp: “51 dùng đỡ nắp bình đông, chiều nay có cái ly, lúc chạy qua bờ đất rớt lại nhưng pháo rát quá, em không dám quay lại lấy, 51 thông cảm”. Tùng cầm tay người lính trẻ bóp nhẹ: “Được rồi, không sao”. Vinh dục “51 uống đi”. Tùng cầm bình rượu định uống nhưng rồi ngừng lại, bảo Vình “Cậu ra gọi ông Thường vụ vào làm với tôi vài nắp, tôi không muốn uống một mình”.

Người Thượng sĩ già nhẹ nhàng đến ngồi bên Tùng, nói nhỏ, cố tỏ vẻ bình thản, dửng dưng nhưng giọng nói run run, xúc động: “Tôi mới đi một vòng tuyến, hết nghe tiếng rên rồi, chắc chịu hết nổi. Chết lảng xẹt, sao không rán một chút nữa cho biết năm mới với người ta!”. Tùng nói: “Thôi, mình không làm gì được, có đau lòng cũng vậy thôi. Phú cho trời đi. Ông làm với tôi chút rượu cho ấm. Tôi tưởng ở Trâm Vàng nên định sáng mai cho ông về hậu cứ chơi với bà  ấy và mấy cháu một bữa cho vui không ngờ mình ở đây. Tôi rất tiếc.” Tùng uống một nắp rượu và chuyển cả bình và nắp cho người đối diện. Người Thượng sĩ già cầm bình rượu, run run kê miệng bình sát vào nắp, cẩn thận rót nhẹ cho rượu khỏi đổ ra ngoài, nói nhanh trước khi đưa nắp rượu lên ực một hơi: “Cảm ơn 51 đã nghĩ đến nhưng không sao đâu, quen rồi, mấy chục năm nay có bao giờ tôi được ăn Tết ở nhà đâu, mẹ cháu và sắp nhỏ cũng quen rồi, không chờ và cũng không hy vọng sẽ có tôi ở nhà. Thêm một năm nữa cũng đâu có sao!”.

Tùng uống với người lính già phụ tá gần nửa bình rượu. Có tiếng bước chân khe khẽ và tiếng gọi thì thầm kêu nhau đổi gác. Tùng nói: “Thôi, ông về nghỉ đi, bảo khẩu trưởng súng cối thay ông đốc canh, tôi cũng còn thức đây, để tôi coi ngó anh em cho”. Người Thượng sĩ già đứng dậy, nói nhỏ “Mừng tuổi 51” rồi nói lớn hơn một chút “51 nghỉ đi, tôi không ngủ được, nói vậy chứ Tết nhứt mà, cũng nóng ruột. Tôi sẽ kiểm soát anh em canh gác cẩn thận”.

12 giờ 05 đêm, Tiểu đoàn trưởng gặp các Đại đội trưởng trên máy, nói gọn bốn chữ “Chúc mừng năm mới”. Các Đại đội trưởng cũng lập lại mấy chữ tương tự và hỏi thêm: “Chiều nay rồi chị và mấy cháu tính sao, 45?”. “Không biết, gấp quá tôi dặn bà ấy đưa mấy đứa nhỏ về Sài Gòn nhưng không biết giờ đó còn đón được xe cộ gì không? Không khéo mấy mẹ con đón giao thừa lêu bêu ngoài đường không chừng. Tôi đã gọi hậu cứ nhờ tìm mà chưa thấy ai báo gì, cũng kẹt.”

12 giờ 10 Tùng gọi các Trung đội trưởng chúc mừng năm mới, nhận lại lời chúc rồi sang tần số nói chuyện với Thắng, chàng Trung úy có người yêu là nữ sinh viên Chính Trị Kinh Doanh thời còn là lính mới tò te ở trường Chiến Tranh Chính Trị, hai người đã đính hôn và cũng giống như Thiên Kim, cô nàng thường lên đơn vị thăm Thắng bất cứ lúc nào có thể. Bạn chiến đấu và đồng cảnh, Tùng nói chuyện với Thắng tự nhiên, thoải mái: “Ông có hẹn cô ấy mai lên không?”. “Có”, Thắng đáp và  nói thêm “10 giờ sáng, quán Đồng Nội, còn ông?”. “Cũng có, cũng quán Đồng Nội 10 giờ sáng”. Thắng cười cười và nói, giọng lo lắng: “Đã liên lạc được với thằng X/49 cũng nhẹ gánh. Không biết mai mình có ra sớm được không?”. “Hy vọng ra sớm”, Tùng nói nhưng thật tâm anh không nghĩ như vậy, và thực tế đã chứng minh không phải như vậy.

5 giờ 30 sáng ngày mồng Một tháng Giêng, Tiểu đoàn 2/46 cuốn mìn, lấp hố, rời vị trí đóng quân đêm, mở rộng đội hình án ngữ và lục soát toàn bộ khu vực. Mười chín thương binh nặng nhẹ, mười một tử thi được tìm thấy, hai mươi bốn binh sĩ thất lạc được đón về.

11 giờ sáng ngày mồng Một. Chiến đoàn cho biết đã kiểm kê đầy đủ quân số Tiểu đoàn X/49. Tiểu đoàn 2/46 chấm dứt nhiệm vụ tìm đón binh sĩ thất lạc, gom xác, tải thương và nhận nhiệm vụ mới: hành quân truy kích địch. Lệnh hành quân chỉ định 5 mục tiêu, lộ trình tổng cộng 11 cây số. Cuộc hành quân không chạm địch, không tổn thất nhưng kéo dài 5 ngày. Ngày mồng Năm tháng Giêng, Tiểu đoàn 2/46 được rút về làm lực lượng trừ bị cho Chiến đoàn tại căn cứ Đức Dũng, gần ngã ba Phước Hiệp.

Đại đội nhận tuyến phòng thủ, Thường vụ phân chia khu vực trách nhiệm cho các Trung đội rồi trở vào gặp Tùng ở hầm chỉ huy: “Mới mồng Năm, chưa hạ nêu, vẫn còn Tết, 51 muốn nói chuyện với anh em không tôi tập hợp?.

Tùng hỏi Vinh “Mấy chai rượu hậu cứ mang lên còn không?”. Vinh đáp “Còn, 51”. Tùng dặn Thường vụ tập họp đại đội rồi quay lại nói với Vinh: “Cậu đi mời mấy ông 50, 52, 53, 54 tới chơi và  chuẩn bị hát “Xuân Này Con Không Về”. Vinh cười, đưa tay gãi gãi đầu và nói, vẻ bẽn lẽn: “Em sẽ đi mời mấy thẩm quyền kia ngay, còn vụ Xuân Này Con Không Về, 51 cho em đổi lại là Đồn Vắng Chiều Xuân. Bài kia buồn quá em sợ mới làm mấy câu đã khóc không hát được hết”. Tùng thấy nghèn nghẹn những vẫn gượng cười, vỗ nhè nhẹ lên vai người lính trẻ, dễ dãi: “Muốn đồn vắng thì đồn vắng.”

Hôm đó Tùng đã nói chuyện rất lâu với những anh em sinh tử của mình, chia xẻ với họ nỗi niềm về cả một thế hệ nhiều kiêu hãnh và cũng đầy bất hạnh, uống với họ những nắp rượu đắng cay và kết luận với hy vọng một cái Tết vui hơn, đầy đủ hơn. Hy vọng đó không bao giờ có, năm âm lịch chậm sau dương lịch hơn ba mươi ngày, đã đầu tháng 2 năm 1975, không đầy ba tháng sau là thảm kịch 30 tháng tư. Thời gian không dài nhưng tai biến và dâu bể đã liên tục xảy ra cho một đơn vị bộ binh tác chiến giữa giai đoạn khó khăn, sinh tử cuối cùng. Nhiều anh em đã không còn, Trung sĩ nhất Võ Siêng, quyền Trung đội trưởng Trung đội 3 đã hy sinh ngày 27 tháng tư; người khách, người bạn chiến đấu, Trung úy Nguyễn Đức Thắng đã vĩnh viễn lìa xa anh em đêm 28 tháng tư; Thiếu úy Nguyễn Trung Còn, Trung đội trưởng trung đội 1 nằm lại giữa cánh đồng bưng ba tiếng đồng hồ trước khi đơn vị không còn biết một nơi nào còn có quân bạn để tìm đến chiều ngày 29 tháng tư. Đại đôi 1, Tiểu đoàn 2/46 không bao giờ còn có dịp ăn với nhau một cái Tết, cho dẫu là chỉ để uống với nhau chút rượu đắng trong nắp bình đông bên bờ tuyến phòng thủ.





No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.