Những hố chôn người trong cuộc thảm sát Mậu Thân tại Huế

Cao-Đắc Tuấn (Danlambao) - Tóm Lược: Bác sĩ Alje Vennema viết một cuốn sách nhan đề "The Vietcong Massacre at Hue," xuất bản năm 1976, mô tả chi tiết cuộc tàn sát dã man người dân Huế do quân cộng sản thực hiện trong Tết Mậu Thân 1968. Là nhân chứng của cuộc thảm sát và tham gia trực tiếp trong việc tìm tòi các hầm chôn và phỏng vấn gia đình nạn nhân, bác sĩ Vennema trình bày cuộc khám phá 19 hố chôn tập thể với ít nhất 2.307 xác người. Báo cáo của Bác sĩ Vennema là bằng chứng hùng hồn cho sự gian xảo và tàn ác của nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) trong việc che giấu và chối bỏ tội ác tại Huế.
*
Cuộc thảm sát tại Huế vào Tết Mậu Thân 1968 là một cuộc giết người vô nhân đạo do cộng sản Bắc Việt và cộng sản hoạt động trong miền Nam thực hiện, hầu như chắc chắn là do chỉ thị của giới lãnh đạo Hà Nội lúc bấy giờ. Đã có rất nhiều tài liệu, hình ảnh, phim ảnh, tường thuật nhân chứng về tội ác này. Tuy nhiên, vào năm 2013, sau 45 năm im lặng, nhóm cầm quyền cộng sản (NCQCS) tại Việt Nam, trong một nỗ lực tuyệt vọng, cố xóa bỏ tội ác này bằng nhiều kế hoạch và mưu đồ gian ác. Những kế hoạch và mưu đồ gian ác này gồm có những hành động chối bỏ tội ác, thí dụ như cuốn phim "Mậu Thân 1968" do đạo diễn Lê Phong Lan, các bài viết, chương trình trên các phương tiện truyền thông. Năm 2018, NCQCS vẫn tiếp tục coi thường dư luận và chà đạp lên nỗi đau thương của người dân Huế nói riêng và dân Việt khắp nơi nói chung bằng cách linh đình ăn mừng kỷ niệm cuộc Tổng tấn công (Vũ 2018).
Trong hai bài viết đăng trên trang mạng Dân Làm Báo, tôi viết về cuộc thảm sát tại Huế và sự dối trá của NCQCS và Lê Phương Lan (Xem, Cao-Đắc 2014a; Cao-Đắc 2015a). Đặc biệt, tôi trích dẫn tài liệu trong sách viết bởi Bác Sĩ Y Khoa Alje Vennema, xuất bản năm 1976. Trong bài này, tôi sẽ trình bày lại 2 bài viết trên với vài sửa đổi, vài chi tiết cập nhật và kèm theo những hình ảnh trong sách của Vennema theo ý muốn của ông là "sự thật về Huế nên được biết" (Vennema 1976, Preface), để trình bày bằng chứng hùng hồn cho sự dối trá của NCQCS và Lê Phương Lan. 
A. Cuốn phim "Mậu Thân 1968" của Lê Phong Lan:
Tôi đã viết về cuốn phim "Mậu Thân 1968" của Lê Phong Lan trong một bài nói về những lừa đảo lịch sử của Hồ Chí Minh và đảng cộng sản Việt Nam (Cao-Đắc 2014a). Sau đây là những ý chính bài đó và vài chi tiết cập nhật về Bác sĩ Alje Vennema.
Ngày 25 tháng 1 năm 2013, Đài Truyền hình Việt Nam VTV1 khởi đầu phát hình bộ phim "Mậu Thân 1968" gồm 12 tập, do đạo diễn Lê Phong Lan thực hiện (Lê Tâm 2013). Theo Lê Phong Lan, bà ta đã đi đi về về giữa Việt Nam và Mỹ trong suốt 10 năm, "đã gặp và phỏng vấn khoảng 200 nhân chứng" cả mọi bên (cộng sản, Mỹ, và Việt Nam Cộng Hòa) để đi tìm sự thật (Lê Tâm 2013). Đáng buồn thay, cái sự thật mà Lê Phong Lan đi tìm, thực ra chỉ là một nỗ lực tuyệt vọng trong việc xóa bỏ tội ác không tả xiết của cộng sản. 
Một cách khôi hài, bộ phim "Mậu Thân 1968" dường như cho thấy sau 45 năm im lặng, đã đến lúc phe cộng sản đem "sự thật" ra ánh sáng. Có ai tin là người cộng sản chịu im lặng trong 45 năm khi họ bị "vu oan"? Tuyên truyền là tài năng họ hãnh diện mà họ chịu im lặng trong 45 năm? 
Một cách trắng trợn, tập 8, nhan đề "Khúc ca bi tráng," chối bỏ cuộc thảm sát tại Huế do Việt Cộng, và đổ lỗi cho bom đạn Mỹ và quân đội Việt Nam Cộng Hòa (VNCH). Trong một khúc phim, Lê Phong Lan phỏng vấn Nguyễn Đắc Xuân, kẻ nói rằng cuộc thảm sát là do phản kích tâm lý chiến của phe VNCH. Đoạn phim trích dẫn lời các học giả Hoa Kỳ Noam Chomsky, Edward S. Herman, và D. Gareth Porter cho rằng những người chết trong các hầm chôn tại Huế là do bom đạn Mỹ, do quân VNCH trả thù những cảm tình viên cộng sản khi tái chiếm Huế, và là những người lính cộng sản bỏ xác tại chiến trường. Luận điệu chống đỡ này chẳng có giá trị gì cả. 
Ai cũng biết Nguyễn Đắc Xuân là một trong những tên sát nhân đã giết những người dân Huế. Những kẻ sát nhân khác gồm có Hoàng Phủ Ngọc Tường, Hoàng Phủ Ngọc Phan, và Nguyễn Thị Đoan Trinh (Xem, thí dụ như, Hình 13; Vennema 1976, 94). Phỏng vấn một chiều một kẻ bị coi là sát nhân về tội ác mà hắn gây ra là một chuyện ghê tởm trong phim tài liệu lịch sử. Trích dẫn lời của những học giả phản chiến về cuộc chiến quả thật là một nỗ lực ngu xuẩn của những kẻ muốn sửa lại lịch sử.
Do đó, không ngạc nhiên khi bộ phim "Mậu Thân 1968" không hề đề cập đến một nhân chứng vả tài liệu quan trọng nhất về vụ thảm sát Mậu Thân: Bác sĩ Alje Vennema và cuốn sách ông, nhan đề "The Vietcong Massacre at Hue" ("Cuộc Thảm Sát tại Huế bởi Việt Cộng") xuất bản năm 1976 (Hình 1; Hình 2; Vennema 1976). Bác sĩ Alje Vennema, từng là một cảm tình viên cho phong trào phản chiến, là nhân chứng đáng tin cậy nhất về vụ thảm sát Mậu Thân vì ông đích thân tham gia trong việc tìm các hầm chôn nạn nhân và khám xét hài cốt nạn nhân để xác định nguyên nhân chết với cặp mắt chính xác của một bác sĩ. 
Alje Vennema (1932 - June 7, 2011) là một bác sĩ y khoa người Hòa Lan - Gia Nã Đại (Wikipedia 2018). Sinh tại Leeuwarden, Hòa Lan, vào năm 1932, ông đến Gia Nã Đại năm 1951 và học Y Khoa tại trường Y Khoa, McGill University, tốt nghiệp năm 1962. Từ năm 1965 tới 1968, ông là giám đốc về hỗ trợ y tế Gia Nã Đại tại Việt Nam. Ông được ban Order of Canada, một danh dự cao quý cấp cho thường dân của Gia Nã Đại, vào năm 1967. Sau đó, ông làm việc tại Tulane University tại New Orleans lúc ban đầu New York City, nơi ông là giám đốc Phòng Y Tế về Bệnh Lao của New York City. Ông qua đời ngày 7 tháng 6 năm 2011. 
Lúc ban đầu khi làm việc ở Việt Nam trong cuộc chiến và chưa biết rõ cộng sản Bắc Việt và Việt cộng hoạt động trong miền Nam, Bác sĩ Vennema là một cảm tình viên cho phong trào phản chiến và tin rằng Mặt trận giải phóng là giải pháp cho cuộc chiến. Ông chỉ trích nỗ lực của Mỹ tại Việt Nam và kêu gọi chính quyền Hà Nội chấm dứt các phương pháp khủng bố. Nhưng những lời kêu gọi của ông không có hiệu quả (Vennema 1976, Preface). Sau đó, vào đầu năm 1968, ông đến Huế trong một công tác y tế, và chứng kiến thảm kịch tại Huế. Khi trận chiến tại Huế chấm dứt, ông rời Huế và tham gia phong trào phản chiến, và được phỏng vấn về những gì xảy ra tại Huế. Sau đó, ông trở lại Huế nhiều lần, lần này qua lần khác để tìm tòi, truy lùng các mối liên lạc, và thăm viếng các làng và gia đình những người mất người thương yêu. Dần dà, ý nghĩ của ông về cuộc chiến và cộng sản Việt Nam thay đổi. Ông "ý thức được hậu quả thực sự của thảm kịch đã xảy ra và cảm thấy sự thật về Huế nên được biết, để được khắc ghi vào những biên niên lịch sử bên cạnh những địa danh [của các vụ thảm sát tại] Lidice, Putte, và Warsaw." (tlđd.)
Chính D. Gareth Porter, sử gia phản chiến Hoa Kỳ và là kẻ bênh vực cộng sản và có ý kiến trong cuốn phim của bà Lê Phong Lan, công nhận Bác sĩ Vennema là nhân chứng. Porter, tuy nhiên, dùng những báo cáo tương phản với những báo cáo của Bác sĩ Vennema. 
Hình 1: Bìa cuốn sách "The Vietcong Massacre at Hue" của tác giả Alje Venneme.
Hình 2: Trang bìa trong và mục lục cuốn sách "The Vietcong Massacre at Hue"
Trong sách ông, bác sĩ Vennema mô tả rất chi tiết các hầm chôn, số nạn nhân, cách thức họ chết. Ngoại trừ một số ít có thể chết vì súng đạn, đa số bị chết vì hành quyết, tay trói ngược ra sau, giẻ nhét vào miệng. Bác sĩ Vennema tự hỏi, "Phải chăng người Mặt Trận [Giải Phóng] và đám đỡ đầu ở Hà Nội nghĩ rằng họ có quyền giết, như thể bất cứ ai cũng có quyền giết người?" (Hình 3; Vennema 1976, 183). "Bất cứ họ muốn đạt được chuyện gì, thảm kịch Huế sẽ mãi mãi là bản cáo trạng hành vi họ" (tlđd.). Bác sĩ Vennema nhấn mạnh là không có lẫn lộn trong việc giết người. "Các cuộc giết người không phải do bởi nóng giận, hoảng hốt, hoặc trước khi rút lui; chúng được cân nhắc kỹ lưỡng trước đó. Đa số nạn nhân là những người được đánh dấu có tên trên danh sách những người bị tiêu diệt, còn những người khác là vì họ có dính líu với quân đội hoặc chính quyền Sài gòn" (tlđd., 184).
Hình 3: Cảm tưởng Bác Sĩ Vennema về cuộc thảm sát tại Huế 
(Vennema 1976, 183-184)
Ngoài cuốn sách của Bác sĩ Vennema, có hàng trăm nhân chứng và tài liệu cho thấy cuộc thảm sát Mậu Thân năm 1968 là một cuộc giết người tập thể dã man của cộng sản Việt Nam theo chính sách cộng sản Bắc Việt. Chi tiết về những hầm chôn nạn nhân và nguồn các tài liệu này được ghi chép tỉ mỉ (Xem, thí dụ như Vennema 1976; Cao-Đắc 2014a). 
Bác sĩ Vennema từ trần năm 2011 tại British Columbia, Gia Nã Đại. Nếu quả thật Lê Phong Lan là người muốn tìm hiểu sự thật "trong suốt 10 năm" thì bà ta nên phỏng vấn ông lúc ông còn sống, hoặc ít nhất bà ta lẽ ra tham khảo cuốn sách ông. Lê Phong Lan tuyên bố, "Có người hỏi tôi làm phim tài liệu lịch sử có công bằng không, tôi xin trả lời, tôi phải công bằng vì đó là nghề nghiệp, là thanh danh của tôi” (Lê Tâm 2013). Lê Phong Lan quả thật đã cho một định nghĩa mới cho "công bằng" hoặc bà ta đã coi thường chính thanh danh mình, nếu bà ta có thanh danh.
B. Những hố chôn người tập thể tại Huế:
Tôi đã viết về những hố chôn người tập thể là phần tài liệu lịch sử trong truyện ngắn "Tiếng Khóc Vùi Chôn" ("Buried Cries") (Cao-Đắc 2015a; Cao-Đắc 2015b). Sau đây là những ý chính phần tài liệu đó và vài chi tiết cập nhật về những hố chôn người.
Vụ thảm sát Huế được biết và ghi nhận nhiều (Chính 1998, 134-137; Willbanks 2007, 99-103; Vennema 1976; Robbins 2010, 196-208; Oberdorfer 2001, 198-235; Pike 1970, 26-31). Tuy nhiên, mặc cho sự quy mô và tàn bạo của nó, vụ thảm sát Huế hầu như không được báo cáo ở Hoa Kỳ vào lúc đó và bây giờ gần như bị quên lãng (Braestrup 1994, 215; Robbins 2010, 196).
Mặc dù chứng cớ đầy rẫy cho một vụ thảm sát hơn hai ngàn nạn nhân, một vài học giả Hoa Kỳ cãi là không có một cuộc tàn sát thực sự. D. Gareth Porter, cùng với đồng nghiệp ông ta, đăng một loạt các bài báo (Porter 1974; Herman và Porter 1975) cáo buộc các cơ quan Nam Việt Nam và Hoa Kỳ bịa đặt bằng chứng trong báo cáo số người chết trong vụ thảm sát ở Huế năm 1968. Như được trình bày ở trên, Herman và Porter là hai học giả Hoa Kỳ phản chiến mả Lê Phong Lan trích dẫn trong cuốn phim "Mậu Thân 1968" để hỗ trợ việc chối bỏ tội ác và vu cáo nạn nhân chết do bom đạn Hoa Kỳ và VNCH.
Herman và Porter (1975) bác bỏ báo cáo của Douglas Pike về số dân bị giết bởi Cộng sản và kết luận rằng chữ 'thảm sát' dùng cho sự giết dân Huế của Cộng sản chỉ là một mưu đồ tuyên truyền lừa đảo (tlđd., 4). Herman và Porter (tlđd.) đồng ý rằng cộng sản có giết một số thường dân trong lúc họ chiếm đóng Huế, nhưng bày tỏ rằng không có bằng chứng cho thấy họ hành quyết số lớn. 
Oái oăm thay, một nguồn chính yếu mà Herman và Porter dựa vào để thiết lập lý thuyết họ là báo cáo của bác sĩ Alje Vennema, một bác sĩ Tây phương duy nhất đã xem xét các ngôi mộ, người, theo Herman và Porter, thấy rằng số nạn nhân trong các chỗ chôn cất bị Mỹ ở Sài Gòn thổi phồng hơn bảy lần, tổng cộng chỉ có 68 thay vì tuyên bố chính thức là 477 (tlđd., 2). Herman và Porter xác định thêm rằng theo Vennema, đa số xác chết mặc quân phục và những vết thương cho thấy rằng họ là nạn nhân của cuộc chiến (tlđd.). Porter dựa vào Vennema để kết luận rằng chính phủ miền Nam Việt Nam đã thổi phồng số các vụ hành quyết thực sự. Theo Porter, Vennema "bất chợt ở bệnh viện tỉnh Huế trong cuộc Tổng tấn công Tết và là người điều tra riêng về các hầm chôn" (Porter 1974, 3).
Tuy nhiên, những gì Herman và Porter báo cáo hoàn toàn mâu thuẫn với những chi tiết Vennema cung cấp. Bác sĩ Alje Vennema trình bày phiên bản riêng của ông về vụ thảm sát trong sách ông, The Vietcong Massacre at Hue, xuất bản năm 1976, một năm sau bài của Herman và Porter. Trong sách ông, Vennema ghi chi tiết về vụ thảm sát. Báo cáo của ông bao gồm chứng kiến của chính ông về các mộ và các cuộc phỏng vấn các nhân chứng và những người sống sót khác. Vì Porter và Harman coi Bác Sĩ Vennema là nhân chứng đáng tin cậy, sự tương phản đó cho thấy Porter và đồng bọn chính là những kẻ nói láo trắng trợn. 
Do đó, sách của Vennema tượng trưng cho các báo cáo đáng tin cậy nhất về những gì đã xảy ra tại Huế. Chúng ta hãy nghe những gì Vennema thực sự nói về vụ thảm sát.
Một cách vắn tắt, Vennema khẳng định quân cộng sản tàn nhẫn giết và chôn sống hàng ngàn người dân vô tội, kể cả phụ nữ và trẻ em, tại Huế. Ông tỉ mỉ liệt kê 19 địa điểm của những hố chôn tập thể quanh Huế, với tổng số 2.307 tử thi. Nên nhấn mạnh rằng con số 2.307 xác người chỉ là số thi thể phát hiện khi các hầm chôn này được phát giác. Còn hàng trăm, hàng ngàn xác người khác không được phát giác và có lẽ vĩnh viễn biến mất và tiêu hủy với thời gian.
Hình 4 (Vennema 1976, 126) cho thấy bản đồ các vị trí hầm chôn tập thể do Vennema phác họa trong sách ông. 
Hình 4: Vị trí các nơi có hố chôn tập thể (Vennema 1976, 126)
Hình 5 là bảng tóm tắt do tôi ghi lại dựa vào sách của Vennema (1976, 129-141), liệt kê 19 địa điểm của các hố chôn. Có vài địa danh không được rõ ràng vì Vennema không quen thuộc với tiếng Việt, nhưng dựa vào những mô tả, chúng ta có thể suy ra các địa danh này.
Hình 5: Bảng tổng kết 19 địa điểm các hố chôn và số thi thể
Về các hầm chôn phát hiện và số lượng xác người, Vennema báo cáo những địa điểm sau đây:
1) Địa điểm số 1 (Hình 6): Trường trung học Gia Hội (Vennema 1976, 129). Tổng số hầm chôn: 14 và thêm một số lượng hầm chôn không rõ. Tổng số xác chết: 203, gồm cả nam giới (trẻ và già) và phụ nữ. Trong số người chết là một phụ nữ 26 tuổi "với chân và tay bị trói, một miếng giẻ nhét vào miệng" và những người "không có vết thương rõ ràng"; một cảnh sát 42 tuổi người đã bị chôn sống; một phụ nữ báo rao đường 48 tuổi, "cánh tay bà bị trói và một miếng giẻ nhét vào miệng" và những người không có vết thương trên cơ thể, có thể là đã bị chôn sống.
2) Địa điểm số 2 (Hình 6): Chùa Theravada, được gọi là Tăng Quang Tự (tlđd., 131-132). 12 rãnh có 43 xác. Trong số người chết là một thợ may, tay trói và bị bắn xuyên qua đầu, một số người bị trói tay sau lưng bằng dây thép gai, và một số có miệng nhồi với giẻ rách. "Tất cả những người chết là nạn nhân bị trả thù và báo oán" (tlđd., 132).
3) Địa điểm số 3 (Hình 6): Bãi Dâu (tlđd., 131). 3 rãnh với 26 xác.
Hình 6: Địa điểm số 1, 2, và 3 (Vennema 1976,129, 131)
4) Địa điểm số 4 (Hình 7): Đằng sau một chủng viện nhỏ, nơi mà tòa án tổ chức các phiên xử (tlđd., 133): 2 rãnh với 6 xác (3 người Việt Nam làm việc cho Đại sứ quán Hoa Kỳ, hai người Mỹ làm việc cho USOM, và một giáo viên trường trung học Pháp nhầm lẫn là Mỹ). "Tất cả đều bị trói tay."
5) Địa điểm số 5 (Hình 7): Quận Tả Ngạn (tlđd.). 3 rãnh với 21 thi thể, "tất cả là đàn ông, với hai tay bị trói, và các lỗ đạn trên đầu và cổ."
6) Địa điểm số 6 (Hình 7): Năm dặm về phía đông Huế (tlđd.). 1 rãnh với 25 xác, tất cả bị bắn vào đầu, tay bị trói sau lưng.
7) Địa điểm số 7 (Hình 7): Gần các lăng của hoàng đế Tự Đức và Đồng Khánh (tlđd., 133-135): 20 rãnh với thêm số lượng rãnh nhỏ không rõ. Tổng cộng có 203 xác được phát hiện. Trong số người chết là một linh mục Pháp, Cha Urbain, người đã bị trói hai tay và không có vết thương trên cơ thể, và linh mục khác Pháp, Cha Guy, có một vết thương đạn trên đầu và cổ. Không có xác phụ nữ và trẻ em nào được tìm thấy, cho biết rằng "các nạn nhân bị giết tàn nhẫn và không phải trong hoạt động quân sự."
Hình 7: Địa điểm số 4, 5, 6, và 7 (Vennema 1976,133-134)
8) Địa điểm số 8 (Hình 8): Cầu An Ninh (tlđd., 135). 1 rãnh với 20 xác. Trong số những người chết là Trung sĩ Truong Van Trieu, một lính VNCH, và ông Tran Hy của lực lượng Nhân Dân Tự Vệ. Cả hai bị trói tay trước khi bị bắn chết.
9) Địa điểm số 9 (Hình 8): Cửa Đông Ba (tlđd., 135). 1 rãnh với 7 xác.
10) Địa điểm số 10 (Hình 8): Trường tiểu học An Ninh Hạ (tlđd., 135). 1 rãnh với 4 xác.
Hình 8: Địa điểm số 8, 9, và 10 (Vennema 1976,135)
11) Địa điểm số 11 (Hình 9): Trường Vân Chí (tlđd., 136). 1 rãnh với 8 xác.
12) Địa điểm số 12 (Hình 9): Chợ Thông, một chợ (tlđd., 136).1 rãnh với 102 xác. "Đa số bị bắn và trói, trong đó có nhiều phụ nữ, nhưng không có trẻ em."
13) Địa điểm số 13 (Hình 9): Trên mặt các ngôi mộ lăng hoàng đế Gia Long (tlđd., 136). Gần 200 xác đã được tìm thấy. Một số người có tay "bị trói sau lưng, và họ bị bắn xuyên qua đầu."
14) Địa điểm số 14 (Hình 9): Nửa đường giữa chùa Tạ Quang và chùa Tu Gy Văn, 2,5 km về phía tây nam của Huế (tlđd., 137). 4 xác người Đức (3 bác sĩ và một người vợ của bác sĩ).
15) Địa điểm số 15 (Hình 9): Đông Gi, 16 km trực tiếp phía đông Huế (tlđd.). 110 xác, tất cả là đàn ông và "hầu hết bị trói tay và giẻ nhét vào miệng."
16) Địa điểm số 16 (Hình 9): Làng Vĩnh Thái, làng Phù Lương, và làng Phú Xuân, khoảng 15 km về phía nam và phía đông nam thành phố (tlđd., 137-138). 3 hầm chôn với hơn 800 xác (gồm có 135 ở Vĩnh Thái, 22 Phù Lương, 230 và sau 357 tại Phú Xuân): Hầu hết là nam giới với một số ít phụ nữ và trẻ em. Trong số người chết là Cha Bửu Đồng và hai chủng sinh.
Hình 9: Địa điểm số 11, 12, 13, 14, 15, và 16 (Vennema 1976,136-137)
17) Địa điểm số 17 (Hình 10): Làng Thượng Hòa, phía Nam lăng vua Gia Long (tlđd., 139). 1 hầm chôn với 11 xác. "Các xác chết cho thấy cùng một loại vết thương ở đầu và cổ, có lẽ gây ra do hành quyết."
18) Địa điểm số 18 (Hình 10): Làng Thủy Thành và Vĩnh Hưng (tlđd.), hơn 70 xác, "đa số là nam giới với một số phụ nữ và trẻ em." "Có vài người chết có lẽ là trong thời gian chiến tranh vì họ có nhiều loại vết thương và thân thể bị cắt; những người khác trưng bày vết thương duy nhất ở đầu và cổ, nạn nhân của hành quyết."
19) Địa điểm số 19 (Hình 10, Hình 11): Khe Đá Mài (tlđd.). 500 sọ. "Trong số rất nhiều những bộ xương có các mảnh quần áo bình thường, không phải vải kaki màu xanh của đồng phục Bắc Việt hoặc Việt Cộng. Tất cả các sọ đều trưng bày một vết nứt bị nén của xương trán giống nhau như là kết quả của một cú đánh với khí cụ nặng."
Hình 10: Địa điểm số 17, 18, và 19 (Khe Đá Mài) (Vennema 1976,139)
Hình 11: Địa điểm 19 (Khe Đá Mài) (Vennema 1976,140-141)
Danh sách trên của các hầm chôn cho thấy tổng cộng 19 hầm chôn và khoảng 2307 xác chết. Hầu hết những xác chết này trưng bày những vết thương do hành quyết gây ra và không phải bởi kết quả của chiến tranh. Nhiều người bị trói tay và giẻ nhét vào miệng. Vào cuối tháng 9 năm 1969, hàng trăm người vẫn còn mất tích (tlđd., 140). Ngoài ra, Vennema lưu ý rằng "Ngoài các hầm chôn tập thể, có những sự giết người tàn nhẫn riêng rẽ" (tlđd., 141).
Porter cố gắng đổ lỗi cho cuộc đánh nhau dữ dội tại một trong những bãi chôn nơi 22 xác được tìm thấy. Theo ông ta, "máy bay Mỹ ném bom xuống làng nhiều lần, phá hủy hàng trăm ngôi nhà và giết thường dân" và "khoảng 250 binh lính cộng sản đã bị giết" trong trận đánh cả ngày (Porter 1974, 4). Ông ta viết thêm rằng "250 bộ xương được tìm thấy tại Khe Đá Mai (không phải 400 như lời của Pike) cũng bị giết trong trận chiến hoặc bởi B-52 Mỹ thả bom" (tlđd., 5-6). 
Tuy nhiên, Vennema (Hình 11; 1976, 140) xác định với độ chính xác của một bác sĩ rằng con lạch chứa 500 sọ người và "kiểm tra hồ sơ của quân đội Mỹ không tiết lộ bất kỳ hành động quy mô rộng hoặc B-52 thả bom trong khu vực ngoại trừ một trận đánh gần Lộc Sơn, khoảng 10 km cách khu vực này, vào cuối tháng Tư năm 1968." Vennema (tlđd.) nói rằng "Thật vô lý cho việc vác [500] người chết do bom đạn B-52 qua địa hình gồ ghề để chôn ở suối." Ông (tlđd.) tiếp tục khẳng định rằng "tất cả các sọ đều trưng bày một vết nứt bị nén của xương trán giống nhau như là kết quả của một cú đánh với khí cụ nặng" và "các xương khác không bị vỡ nứt thể hiện bằng chứng của gãy xương mà chắc chắn không phải họ chết do bởi kết quả chiến tranh."
Kết luận của Porter rằng "một số lớn xác phát hiện vào năm 1969 thực ra là nạn nhân của lực lượng không quân Mỹ và đánh nhau trên bộ hoành hành ở các thôn chứ không phải là do Việt cộng" (Porter 1974, 6) mâu thuẫn với lời khai của một bác sĩ nhân chứng mà chính Porter dựa vào.
Nhiều nguồn khác cung cấp các ước tính phù hợp với báo cáo của Vennema. Bùi Tín (Bui 2002, 66), một cựu đại tá của quân đội Bắc Việt, xác nhận rằng vụ thảm sát Huế có xảy ra. Theo ông, Đại tá Lê Minh, trưởng khu an ninh cộng sản trong cuộc thảm sát Huế năm 1968, ước tính số người chết là 2.000, nhưng ông nói thêm rằng con số đó có thể thấp. Các ước tính khác báo cáo 2.500 đến 3.500, đa số là thường dân hoặc gia đình các viên chức chính quyền Sài Gòn (Prados 2009, 240; Hammel 2007, 159); 2.800 bao gồm cả viên chức chính phủ, chiến sĩ, giáo viên, linh mục, trí thức và các người phản động khác, và thường dân không may mắn, với một số nạn nhân bị bắn, đập chết, và thiêu sống (Braestrup 1994, 215; Isaacs 1984, 360; Oberdorfer 2001, 232; Pike 1970, 30-31). Woodruff (2005, 244) cho biết tổng số 2.810 xác dần dần được tìm thấy trong những mổ tập thể nông vào giữa những năm 1970. Ngoài ra, 1.946 người vẫn còn mất tích Những con số này có vẻ được lấy từ bài chuyên khảo của Pike (Pike 1970, 30-31). Một tài liệu, tuyên bố là lấy được từ Cộng sản, báo cáo số nạn nhân bao gồm 1.892 nhân viên hành chính, 38 cảnh sát, 790 tên bạo ác, 6 đại úy, 2 trung úy, 20 thiếu úy và nhiều hạ sĩ quan (Woodruff 2005, 244; Willbanks 2007, 101).
Trong khi chắc chắn rằng Hồ chấp thuận, mặc dù có thể chỉ trên hình thức, quyết định khởi động cuộc tổng nổi dậy (Duiker 2000, 557), không rõ là ông ta có đặc biệt thông qua kế hoạch dùng bạo lực cách mạng trên dân Huế. Theo Bùi Tín (Bui 2002, 68), cuộc thảm sát xảy ra vì quân đội Bắc Việt trở thành cuồng loạn, và bị mất hướng - và mất cả nhân tính. Bùi Tín (tlđd., 67) khẳng định rằng không có lệnh từ cấp trên đòi hỏi tiêu diệt cả tù binh hay thường dân. Theo Trương Như Tảng, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Việt Cộng, Huỳnh Tấn Phát, Chủ tịch Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng sản (Provisional Revolutionary Government - PRG), nói rằng hoàn toàn không có chính sách hay chỉ thị của Mặt trận để thực hiện bất cứ vụ thảm sát nào, nhưng Tảng thể hiện rằng ông không thấy điều giải thích này đặc biệt thỏa đáng (Truong 1986, 154). 
Tuy nhiên cả Bùi Tín lẫn Trương Như Tảng có vẻ không biết đến tòa án nhân dân và những bản án tử hình giao xuống các nạn nhân. Tính chất của việc chuẩn bị cho các vụ thảm sát, gồm chuyện tập hợp dân chúng từ các danh sách đen và sự tổ chức tòa án nhân dân, rõ ràng cho thấy vụ thảm sát là một hoạt động có dự tính với những mục đích chính xác và rõ rệt, ra lệnh từ, và được hỗ trợ bởi, chỉ huy cao cấp của Bộ Chính trị Hà Nội (Robbins 2010, 196; Oberdorfer 2001, 232; Vennema 1976, 183), hoặc ít nhất là Hồ có thể đoán trước và mong muốn (Hubbell 1968, 67). Vennema (1976, 184) lưu ý rằng kích động khủng bố là quan trọng với Đảng cộng sản và các thành viên cộng sản không thể kềm hãm được. Robbins (2010, 208) ghi rằng vụ thảm sát Huế không phải là một hành động tự phát của sự quá đáng mà là một thực hiện tàn nhẫn của chính sách cộng sản Bắc Việt.
Báo cáo về các cuộc tàn sát và sự hiện hữu của tòa án nhân dân được nhiều nhân chứng tường thuật (Robbins 2010, 198; Vennema 1976, 94). Trong một báo cáo, Phan Văn Tuấn, lúc đó 16 tuổi, bị bắt bởi VC và bị ra lệnh đào mồ chôn sống một số nạn nhân. Ông mô tả kinh nghiệm của mình trong một cuộc phỏng vấn (Lê Thy 2013; Phan 2008a; Phan 2008b). Khi kể đến đoạn ông bị thúc lưỡi lê bắt lấp hố vào những người ngã xuống hố còn đang sống, ông bật khóc. Ông nói đến những tia nhìn kinh hoàng của các nạn nhân đang quằn quại dưới hố. Trong một báo cáo khác, bà Nguyễn Thị Thái Hòa kể lại chuyện bà chứng kiến Hoàng Phủ Ngọc Phan, em trai của Hoàng Phủ Ngọc Tường, giết tàn nhẫn anh bà (Nguyễn 2012). Bà cũng mô tả vụ Nguyễn thị Đoan Trinh sát hại các nạn nhân vô tội. 
Dựa vào lời tường thuật của ông Phan Văn Tuấn và bà Nguyễn Thị Thái Hòa và các tài liệu lịch sử về trận chiến tại Huế, tôi viết một truyện ngắn song ngữ nhan đề "Tiếng Khóc Vùi Chôn" (Cao-Đắc 2015a), "Buried Cries " (Cao-Đắc 2015b), trong tập truyện ngắn "Fire In The Rain " / "Lửa Cháy Trong Mưa," và vẽ một bức minh họa cho truyện này. Hình 12 là bức minh họa đó, vẽ lại cảnh quân cộng sản ép buộc các thanh thiếu niên lấp đất chôn sống những người dân vô tội theo lới kể của nhân chứng Phan Văn Tuấn (Lê Thy 2013; Phan 2008a; Phan 2008b).
Hình 12: Minh họa cho truyện ngắn "Tiếng Khóc Vùi Chôn."
Theo nhiều nguồn tin, một tòa án ngoài trời được chủ trì bởi Hoàng Phủ Ngọc Tường tại trường Gia Hội ở Quận II, là một quan tòa để ra án tử hình cho 203 người (Vennema 1976, 94). Một người, Nguyễn Đắc Xuân, cũng tham gia vào việc giết các nạn nhân vô tội. Tường, Phan, Đoan Trinh, và Xuân là thành phần một lực lượng chính trị được tổ chức trong lúc Cộng sản chiếm đóng tạm thời một phần của Huế. Lực lượng chính trị này được gọi là Liên minh Dân tộc, Dân chủ và Hòa bình (Chính 1998, 131-132). 
Một số nạn nhân bị bắn tàn nhẫn, đôi khi với tội phạm tầm thường (Vennema 1976, 94). Tòa án tại Gia Hội được biết bởi các cư dân địa phương, những người ẩn núp sau khi ra tòa lần đầu và sau đó sống sót, hoặc trốn thoát (tlđd..). Sau phiên toà này, toàn bộ trường học cuối cùng mang lại 203 thi thể của các thanh niên trẻ, những người đàn ông lớn tuổi, và phụ nữ (tlđd.). Cũng nên lưu ý rằng Gia Hội không phải là nơi duy nhất mà một tòa án được tổ chức. Các cuộc xử tòa ngoài trời khác được thực hiện dưới danh nghĩa nhân dân và cách mạng, nơi mà lời tuyên án và bản án được những người không có quyền hạn pháp luật đưa ra (tlđd., 185). Thông thường, một cán bộ chủ trì làm quan tòa, và cũng là luật sư, công tố viên, bồi thẩm đoàn, và người hành quyết (tlđd.).
Hình 13: Các phiên tòa ngoài trời (Vennema 1976, 94)
C. Kết Luận:
Lê Phong Lan trích lời các học giả phản chiến Hoa Kỳ, gồm có D. Gareth Porter, để hỗ trợ cho sự chối bỏ tội ác thảm sát Mậu Thân trong cuốn phim "Mậu Thân 1968." Trong bài viết phủ nhận cuộc thảm sát Mậu Thân là do cộng sản, Porter dựa vào báo cáo của Bác Sĩ Alje Vennema. Do đó, lời tường thuật của Bác Sĩ Vennema phải được coi là rất có giá trị và chính xác đối với Porter và Lê Phương Lan. Tuy nhiên, Bác Sĩ Vennema tường thuật những sự kiện hoàn toàn trái ngược những gì Porter trình bày. Theo Vennema, quân cộng sản tàn sát dân Huế một cách dã man, giết chết và chôn sống hàng ngàn người trong hàng chục hố chôn tập thể. Vennema mô tả tỉ mỉ vị trí 19 địa điểm các hầm chôn này với ít nhất 2.307 xác người dân.
NCQCS ca ngợi cuộc Tổng tấn công Mậu Thân là một chiến thắng và tổ chức ăn mừng hàng năm mỗi độ Xuân về. Trên thực tế, cuộc Tổng tấn công Tết Mậu Thân là một thảm bại quân sự bi đát của cộng sản và cho thấy hành vi tàn ác giết dân với những phương pháp dã man nhất trong lịch sử loài người. Người dân Việt Nam cần phải bày tỏ thái độ phản đối sự chối bỏ tội ác này và lên án các cuộc tổ chức ăn mừng cho cái gọi là chiến thắng Mậu Thân 1968, để phục hồi danh dự cho hàng ngàn cái chết tức tưởi của dân Huế và đem lại chính xác cho lịch sử Việt Nam.
Tài Liệu Tham Khảo:
tlđd.: tài liệu đã dẫn, thay cho "sđd." (sách đã dẫn) để chỉ tài liệu (sách, trang mạng, liên lạc riêng, v.v.) đã trích dẫn xuất hiện ngay trước trích dẫn này.
Braestrup, Peter. 1994. Big Story - How the American Press and Television Reported and Interpreted the Crisis of Tet 1968 in Vietnam and Washington. Abridged Edition. Presidio Press, California, U.S.A.
Bùi Tín. 2002. From Enemy to Friend, A North Vietnamese Perspective on the War, Naval Institute Press, Maryland, U.S.A.
Chính Đạo. 1998. Mậu Thân 68: Thắng Hay Bại (Tet Offensive 68: Victory or Defeat). Tái bản có bổ sung (Reprinted with supplements). Văn Hóa, Houston, Texas, U.S.A.
Duiker, William J. 2000. Ho Chi Minh: A Life. Hyperion, New York, U.S.A. 
Herman, Edward and D. Gareth Porter. 1975. The Myth of the Hue Massacre, Ramparts, Vol. 13, No. 8, May-June.
Hubbell, John G. 1968. The Blood-Red Hands of Ho Chi Minh. Reader’s Digest, November 1968, 61-67.
Isaacs, Arnold R. 1984. Without Honor: Defeat in Vietnam & Cambodia, Vintage Books, New York, U.S.A.
Oberdorfer, Don. 2001. Tet! The Turning Point in the Vietnam War, The Johns Hopkins University Press, Maryland, U.S.A.
Pike, Douglas. 1986. PAVN – People’s Army of Vietnam. Da Capo Press, New York, U.S.A.
Prados, John. 2009. Vietnam: The History of an Unwinnable War, 1945-1975, University Press of Kansas, Kansas, U.S.A.
Robbins, James S. 2010. This Time We Win: Revisiting the Tet Offensive, Encounter Books, New York, U.S.A.
Truong Nhu Tang (with David Chanoff and Doan Van Toai). 1986. A Viet Cong Memoir: An Inside Account of the Vietnam War and Its Aftermath, Random House, Inc., New York, U.S.A.
Vennema, Alje. 1976. The Viet Cong Massacre at Hue, Vantage Press, New York, U.S.A., 1976.

NGUỒN INTERNET

Cần lưu ý rằng nguồn Internet có thể không vĩnh viễn. Một blog có thể gỡ bỏ bởi tác giả, một bài báo có thể bị xóa, hoặc một Website có thể bị đóng cửa.
Cao-Đắc Tuấn. 2015a. Tiếng khóc vùi chôn. 10-3-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/03/tieng-khoc-vui-chon.html (truy cập 3-2-2018).
_________. 2015b. Buried Cries. 10-3-2015. http://danlambaovn.blogspot.com/2015/03/buried-cries.html (truy cập 3-2-2018).
_________. 2014a. Những lừa đảo lịch sử của Hồ Chí Minh và Đảng cộng sản Việt Nam. 2-10-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/10/nhung-lua-ao-lich-su-cua-ho-chi-minh-va.html (truy cập 3-2-2018).
_________. 2014b. Historical frauds by Hồ Chí Minh and the Vietnamese Communist Party. 2-10-2014. http://danlambaovn.blogspot.com/2014/10/historical-frauds-by-ho-chi-minh-and.html (truy cập 3-2-2018).
Lê Tâm. 2013. Lần đầu tiên khai mở bí mật về Mậu Thân 1968. 23-1-2013. http://danviet.vn/hau-truong-giai-tri/lan-dau-tien-khai-mo-bi-mat-ve-mau-than-1968-87845.html (truy cập 3-2-2018).
Lê Thy. 2013. Tết Mậu Thân 1968: nhân chứng sống. 9-2-2013. https://baovecovang2012.wordpress.com/2013/02/09/tet-mau-than-1968-nhan-chung-song/ (truy cập 3-2-2018).
Nguyễn Thị Thái Hòa. 2012. Mậu thân Huế - Câu chuyện của Nguyễn Thị Thái Hòa. 10-1-2012. http://danlambaovn.blogspot.com/2012/01/mau-than-hue-cau-chuyen-cua-nguyen-thi.html (truy cập 3-2-2018).
Phan Văn Tuấn. 2008a. Hue1968_NhanChungSong-1. http://www.mediafire.com/file/fvf55xophc7w5nw/Hue1968_NhanChungSong-1.mp3 (truy cập 3-2-2018).
_________. 2008b. Hue1968_NhanChungSong-2. http://www.mediafire.com/file/qxbldbg2n0lj1qp/Hue1968_NhanChungSong-2.mp3 (truy cập 3-2-2018).
Porter, Gareth D. 1974. The 1968 ‘Hue Massacre.’ Indochina Chronicle, No. 33, June 24, 1974, pp 2-13. http://msuweb.montclair.edu/~furrg/Vietnam/porterhueic74.pdf (truy cập 3-2-2018).
Vũ Đông Hà. 2018. Chúng vẫn múa, hát trên những xác người. 2-2-2018. http://danlambaovn.blogspot.com/2018/02/chung-van-mua-hat-tren-nhung-xac-nguoi.html (truy cập 3-2-2018).
Wikipedia. 2018. Alje Vennema. 3-2-2018. https://en.wikipedia.org/wiki/Alje_Vennema (truy cập 3-2-2018).
4/2/2018

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.