Tình yêu đồng đội
Hồn Nhiên (Danlambao) - Người đàn ông gầy gò, khuôn mặt xương xẩu, khắc khổ với làn da sạm nắng. Bước chân khệnh khạng vì còn một chân, còn chân kia đã bị cụt, được gắn chân giả. Đôi tay chai sần nứt nẻ, vì những năm tháng tìm kiếm, đào xới đất cát ở những nơi từng xảy ra giao tranh để mong tìm thấy hài cốt của những người bạn đồng đội mình khi xưa. Anh làm công việc này âm thầm, lặng lẽ, và bí mật, vì anh sợ nếu đến tai bọn chính quyền địa phương thì những ngôi mộ ấy chắc khó tồn tại. Một điều để anh dễ dàng nhận ra hài cốt của đồng đội đó là những tấm thẻ bài. Những tấm thẻ bài như biết nói, nó như xoáy vào tim anh như hối thúc, như nhắc nhở anh từng ngày, từng giờ.
Chiến tranh đã kết thúc cách đây hơn 40 năm. Nhưng chiến tranh trong lòng người vẫn day dứt, dai dẳng. Những đôi mắt ghẻ lạnh, những hành động trả thù, và con cái của các cựu quân nhân bị cấm cửa ở các cổng trường Đại Học (giai đoạn năm 1976-1999). Rồi “kinh tế mới”, rồi đổi tiền, rồi “cải tạo công thương nghiệp”, rồi “thanh niên xung phong”, những đòn thù này giáng xuống gia đình của các quan chức của chế độ VNCH, đó chính là nguyên nhân khiến những cuộc chiến tranh trong lòng người bùng nổ. Thế hệ của chúng tôi thời đó liên tiếp bị giáng những đòn thù chí mạng, trở nên mất sức đối kháng. Nhìn gia đình mình mỗi ngày một sa sút, những vật dụng trong nhà từ từ đội nón ra đi không có ngày trở lại, tôi mới thẩm thấu được cái tiểu nhân, cái hèn mạt của chế độ mới này. Thời đó, tuổi trẻ chúng tôi nhìn cuộc đời với cái nhìn phẫn hận, và nhiều gia đình sau khi đi “kinh tế mới” về nhà cửa bị cướp mất, ruộng vườn cũng không còn, bèn vay mượn bà con họ hàng chút ít tiền rồi dắt díu nhau xuống tàu vượt biên.
Trở lại với người đàn ông gầy gò. Anh tên là Võ Phùng Dương, lúc vc vào chiếm miền Nam, anh còn đang chữa trị tại quân y viện SG, chúng đang tâm bắt anh đi tù với vết thương còn tóe máu. Sau 5 năm, anh trở về từ nhà tù cs. Từ đó, anh vất vả với một chân còn lại của mình, đi tìm kiếm thu gom hài cốt của các đồng đội, sắp xếp lại và đắp cho họ những ngôi mộ tươm tất. Những ngôi mộ tử sĩ này rất nhiều người có tên tuổi, số quân, đơn vị và sư đoàn, với những tấm bia ghi tên tuổi đầy đủ, rồi hương khói phụng thờ, “cho ấm lòng chiến sĩ”, anh nói vậy. Đây là một việc làm rất ý nghĩa, đầy tính nhân văn mà anh đã miệt mài hơn 30 năm qua, bằng tất cả kinh phí mà anh có được. Anh không tơ hào đến một đồng của bất cứ ai, chỉ miệt mài, chăm chỉ, cần mẫn, ngày này qua ngày khác, tiền anh kiếm được bằng vào sức lao động của anh, anh làm bất kỳ công việc gì có thể để có tiền cho công việc đào xới, tìm kiếm này. Đến nay, anh đã hoàn tất được cho BĐQ 61 mộ, 81 mộ cho sư đoàn 18 BB. 11 mộ nhảy dù, 25 mộ cho sư đoàn 5, và 18 mộ vô danh khác, cũng là lính VNCH.
Tôi thật sự không cầm được nước mắt khi nghe anh chia sẻ từng nỗi vất vả, gian truân trên con đường tìm kiếm này. Và cũng vô cùng kinh ngạc khi được anh chia sẻ những thành quả mà anh đã đạt được trong từng ấy năm. Phải là người có một tình yêu đồng đội sâu sắc lắm, anh mới không quản ngại khó khăn để làm việc này mà không có sự trợ giúp của bất cứ Mạnh Thường Quân nào. Thốt nhiên, trong đầu tôi nảy sinh hình ảnh, một bên là các “đồng chí” tranh ăn, tranh gái đẹp, sẵn sàng triệt hạ nhau bằng những trò “bắn-vào-đầu-tự-tử-từ-phía-sau”, “đút cũi vào lò”, và một bên là những sẻ chia từng điếu thuốc, từng bidong nước. Hai hình ảnh này tương phản nhau quá.
Hy vọng qua bài viết này, tôi muốn nhắn gởi đến những thân nhân của các tử sĩ VNCH, xin hãy đồng hành cùng với anh Võ Phùng Dương, một người lính BDQ ngày cũ đã bị cụt một chân, đang làm một công việc rất ý nghĩa cho người thân của họ. Nếu quý vị nào nhận ra người thân được nêu tên trong những tấm hình trên đây, xin hãy đến thắp cho họ một nén nhang, nhân ngày Tết Thanh Minh này. Hãy quét dọn mồ mả để những linh hồn người thân của quý vị cùng đón Tết với chúng ta mà không phải tủi lòng. Mong lắm thay!
4/2/2018
Post a Comment