Trại giam Tịnh Sơn
Dương Lễ (Danlambao) - Đọc Những Điều Người Tù Cần Biết của anh Nguyễn Ngọc Già, tôi lại muốn chia xẻ về một trại giam trên Trường Sơn trong thời chiến.
Trại có từ trước 30/4/1975, nằm trên lưng chừng một ngọn núi bên kia đường mòn Hồ Chí Minh, phía tây rừng núi mênh mông Quảng Nam, cách biên giới Lào khoảng 12km. Ba dãy nhà tranh nhỏ làm thành hình chữ U -một nhà bếp và hai nhà giam, bao quanh một cái sân bằng khoảng 2 sân bóng chuyền, nhìn lên đỉnh núi. Chung quanh rào bằng tre dựng đứng cao khoảng 3m, bên kia hàng rào, ngoài cổng gác, trên cao là nhà Ban quản giáo nhìn xuống, ngay cổng gác là một chòi canh. Những nhà giam chỉ bao che bằng những thanh tre chẻ đôi, dựng đứng cách khoảng 3-5cm, để dễ dàng quan sát, kiểm tra.
Lên xuống trại là một đường dốc, ngoằn ngoèo dưới cây rừng, rộng khoảng 0,8m, được chặn bởi những thanh tre ngang để tạo thành bậc cấp, tưởng như đường lên chùa Non Nước, lối vào bên dưới phải qua một khe nước nhỏ, rồi được che bởi một gốc cây lớn, và các bụi cây sum suê, để tránh thám báo của VNCH lùng sục, cũng như bếp ăn phải phân tán khói tối đa để tránh máy bay phát hiện.
Đà Nẵng đã thất thủ từ 29/3/1975. Hơn hai tuần lễ lang thang, không kiếm được đường vào Nam, đến nhà bà con, quen biết ở lại cũng ngại họ liên luỵ. Sáng 15/4 đến trình diện tại một địa điểm trên đường Bạch Đằng Đà Nẵng, và nộp luôn cây súng nhỏ luôn để trong người để phòng thân. Chúng tôi được xe chở lên tập trung tại Trung tâm huấn luyện quân sự Hòa Cầm của VNCH cũ, ở phía tây Đà Nẵng, cũng trăm rưỡi người, gồm cả Quân đội, Cảnh sát, Chính quyền địa phương...
Ở đây không làm gì, có lúc đi lùng sục các kho gạo sấy, đồ hộp còn sót lại để ăn thêm, ban đêm thì được đưa các bài hát để các nhà (ở chung một nhà) tự tập hát, cách 1-2 ngày thì luân phiên nhau từng nhà, được dẫn đi tắm ở ngoài suối cách chưa đầy cây số. Thỉnh thoảng vẫn thấy những toán máy bay F5 cất cánh từ phi trường Đà Nẵng bay lượn, sau này mới biết là các phi công Bắc Việt luyện tập với máy bay mới thu được để đánh Sài Gòn.
Một buổi sáng nhà chúng tôi được dẫn đi tắm về, vừa qua khỏi cổng chào vào sân thì một "cán bộ" nào đó đã nghe được tin từ radio, và họ vỗ tay reo hò "Hoan hô Sài Gòn đã giải phóng...", số cán bộ tuy ít, nhưng cũng kéo dài không khí ồn ào, phấn khởi rất lâu, cả nhà chúng tôi thì ai nấy đều lộ vẽ thất thần, tuyệt vọng!
Mấy ngày sau thì chúng tôi gồm Cảnh Sát Quốc Gia, Chính Quyền địa phương (gọi là tù chính trị) được chuyển về Trại cải huấn cũ của Đà Nẵng, Hòa Cầm để dành cho tù quân sự.
Ở cái trại cải huấn cũ chật chội được vài ngày thì lại gọi tên một số... đi, phát, mang theo 4-5 ngày lương thực, chả nói đi đâu. Hơn chục tù sĩ quan cảnh sát cấp úy, dưới chục tù phó quận trưởng, phường trưởng, với khoảng chục tù hình sự mới vừa bắt vào vì tội cướp giựt, và cả hai cô gái với tội mại dâm. Suy nghĩ đơn giản cứ tưởng đi lao động đâu đó 5 ngày rồi được về.
Hai cái xe GMC chở chúng tôi về phía tây nam Đà Nẵng, rồi qua Chi Khu Thượng Đức, Bộ Chỉ Huy Cảnh Sát Quốc Gia Thượng Đức, quang cảnh còn tan hoang, hai nơi này đã bị đánh chiếm từ cuối năm 1974, đi nữa đến Thạnh Mỹ, phải xuống xe nghỉ lại đêm, vì không còn đường lớn cho xe hơi. Hai cô nữ với tội mại dâm đi có mục đích là để nấu cơm cho cả đoàn, rồi mắc võng ngủ ở một công trường của bộ đội, khoảng 4-5 công an, giao liên canh giữ. Sáng dậy ăn sáng, rồi cơm nắm mang theo, rồi hàng một lội bộ băng rừng, qua những rừng già cao chót vót, che phủ kín bưng, ẩm thấp, tĩnh lặng, nghe được cả tiếng muỗi vo ve, những người đi sau thì muỗi, vắt đã đánh hơi được và nhào ra tấn công, vừa đi vừa gỡ vắt trên cổ, trên tai. Mới buổi sáng đầu mà phần đông đã quá mỏi mệt, lục vất bớt một vài bộ quần áo, và đồ dùng nào không quá cần thiết cho ba lô nhẹ bớt, những "cán bộ" thì nhắc nhở không được vất muối, vì muối trên này rất hiếm, quí. Cả đoàn lê lết suốt 3 ngày, đêm thì ngủ lại ở các trạm giao liên của bộ đội.
Trên Trường Sơn chiến tranh là thế, nhưng trên các sườn núi vẫn thấy có những buôn người Thượng, ban đêm đốt lửa sáng đèn, có buôn nổi trống, cồng chiêng, thanh la inh ỏi, thì ra buôn họ vừa bắt được con nai, con miểng gì đó và đang xẻ thịt uống rượu cần.
Rồi cũng đến được đường mòn rộng, gọi là đường Hồ Chí Minh đây? Con đường vàng choẹt ngoằn nghèo, được xẻ ra quanh từng chân núi, lúc vút lên cao rồi xuống thấp, cặp theo đường là một đường ống dẫn dầu, nơi đoạn đường phải lên cao thì ống dẫn cặp dưới suối, một đường dây viễn thông nữa, khoảng 6-8 dây, với 6-8 cục sứ trên đầu trụ, có đầu trụ còn cắm lá ngụy trang, đường dây này thỉnh thoảng cặp đường để thuận tiện bảo dưỡng thôi, trên núi cao nhìn xuống là một con đường xẻ núi tít tắp, băng suối băng rừng.
Đi bộ về hướng bắc, trên đường mòn này không có muỗi vách thì lại nắng nóng hơn, khát nước thì vốc nước chảy róc rách bên lề đường mà uống, có đoạn nước chảy mỏng quá phải dùng nắp long sữa Guigoz ấn xuống cho nước chảy vào. Cúi gầm mặt xuống đường mà lê bước, không dám ngước lên trên để thấy người dẫn đoàn đã lên đoạn cao chót vót, tưởng như ta không lê thân lên đó được!
A-Xờ, cái trạm giao liên và kho hàng khá lớn nằm bên tay trái, cổng có barie bằng tre chặn ngang, chúng tôi được nghỉ ăn cơm nắm trưa ở đây, và chiều đoàn rẽ trái vào một đường mòn nhỏ hướng về rừng núi phía tây. Khoảng 4-5 giờ chiều, sau cố gắng cuối cùng leo lên mấy chục bậc cấp, ngoằn ngoèo tưởng như đường lên chùa Non Nước kể trên, thì cũng đến được trại tù Tịnh Sơn.
Chúng tôi được tập trung ngồi hai hàng ngang trong sân, hướng về phía trại tù. Nơi đến là đây ư? những khuôn mặt phờ phạc buồn hiu nhìn nhau, có những giọt nước mắt nhỏ ra, không biết khóc cho mình, hay cho những bạn tù với những cặp mắt tròn xoe nhìn ra từ sau những thanh tre đen đúa bụi bẩn, có vài bạn tù xin phép ra lấy nước hay làm gì đó thì bước đi liêu xiêu, với cái thân xanh xao gầy gò, quần áo thì vá chụp vá đùm bao nhiêu màu, bao nhiêu lớp. Kiểm tra thu giữ những vật liệu kim khí, và các vật khác không cần thiết, dặn dò nội qui, rồi chia nhau bổ sung vào hai cái nhà tù trước mặt.
Nhà có một sạp tre phía trong dài theo nhà, rộng chừng 2m, đường dọc nhà khoảng 0,7m, dãy sạp ngoài thì ở giữa chừa một lối vào, tạo thành lối đi chữ T, ở giữa nhà ngay lối vào (giữa chữ T) là một đống tro củi bề bộn, đống củi này ban đêm được đốt lên lấy ánh sáng để sinh hoạt, kiểm tra, cũng sưởi ấm và xua đi tà khí của núi rừng. Hai cuối nhà là chổ để những ống tre, đi tiểu tiện hay đại tiện vào ống, xong thì đổ tro vào, sáng dậy đem ra quăng qua hàng rào, xuống thung lũng sau nhà, vài bạn ném một lúc như vậy thì tro bụi bay ra mù mịt, tưởng như ném trái khói! Mỗi nhà còn có một cái cùm, gồm hai thanh gỗ dài chồng lên nhau, khoét khoảng 6 lỗ chân (tối đa cho 3 người), bạn tù nào bị kỷ luật thì đút 2 chân vào, cán bộ đóng nêm cho 2 thanh gổ dính vào nhau, và nằm yên, khỏi nhúc nhích!
Được nghỉ hai ngày dưỡng sức, ban đêm thì ngồi sinh hoạt chung với các bạn tù cũ, mỗi người phải phê, và tự phê về phát ngôn, sinh hoạt, và thái độ lao động trong ngày, rồi cùng tập hát: "Như có Bác Hồ...", "Giải phóng miền Nam..." Những bạn tù cũ này phần đông là Cảnh Sát, và Chính quyền địa phương tại quận Thượng Đức bị bắt giữ năm trước, vài bạn tù cũ được bạn mới cho biết là ở nhà cha mẹ, vợ con đã lập bàn thờ.
Qui định 8g30 là phải nằm xuống hết để ngủ, trừ mỗi nhà một bạn tù ngồi canh, để có gì thì báo cáo, và đổi canh với bạn tù nằm kế tiếp, theo tiếng kẻng của "cán bộ" cùng đổi ca trên chòi. Bạn nào có việc khẩn phải... giải quyết thì phải nói lớn: "Báo cáo, tôi đi tiểu" hay "Báo cáo, tôi đi cầu", rồi mới được ngồi dậy. Các bạn tù phải gọi cán bộ bằng "Ông", tất cả đều "Báo cáo ông...", nhưng đi tiểu và đi cầu thì được bỏ chữ Ông, có bạn tù vẫn đùa, xấc: "Báo cáo Ông đi cầu"!
Đi lao động, dụng cụ lao động như cuốc rựa phải bó lại thành bó 3, 4 cái một để vác đi, tránh tấn công cán bộ, mỗi người buộc dây mang vai theo một ống tre đựng nước uống. Xuống một thung lũng khoảng vài héc-ta, cách trại trên dưới cây số, đang trồng khoai mì, bắp, đậu xanh, đậu phộng... lúc này đang mùa chăm sóc, làm cỏ. Mỗi nhóm có một cán bộ mang súng canh giữ.
Chưa tới một tuần lao động, thì các bạn tù mới nối tiếp nhau đổ gục vì sốt rét. Đêm về, khu rừng Tịnh Sơn không còn chỉ tiếng cọp kêu, vượn hú rợn người, mà cả hai nhà còn liên tục vang lên tiếng rên, tiếng khóc, có bạn kêu cha mẹ ơi, có bạn gọi vợ, gọi con, nghe âm u, sầu thảm như địa ngục? Duy nhất một bạn không bị sốt rét, là bạn S., bạn có nước da đen, tóc quăn, người gốc Campuchia, là đốc sự hành chánh, quận phó một quận ở Đà Nẵng.
Mỗi sáng có anh Cát người Bắc (nghe đâu là một trung úy bộ đội đào nhiệm, bị bắt ở tù, và cho quản lý bếp ăn), đến từng nhà và hỏi những người bệnh đăng ký: ai ăn cháo, ai ăn cơm không và ai ăn cơm sắn? Ngạc nhiên quá, có cơm không? thì ra ai ăn cơm không độn thì được lưng chén, còn cơm độn sắn thì được 3 chén!
Tuần sau nữa, một vài bạn đã qua được cơn sốt rét, dù một ngày được phát vài viên kí-ninh, ăn được cháo, rồi chén cơm không, là phải xuống rẫy lao động. Cán bộ đã hướng dẫn đấu tranh, phê bình trong sinh hoạt mỗi đêm: "ngồi không ăn bám cả tuần rồi!", bạn nào chưa xuống rẫy được là "ù lỳ", "không chuyển biến" chỉ "làm phân cho cây rừng"...
Xuống hết mấy chục bậc cấp để ra rẫy là hoa cả mắt, chùn cả chân, cũng phải cầm cuốc làm cỏ đậu, cỏ bắp. Mới hơn hai tuần mà người gầy nhom, lêu khêu, thấy gì cũng thèm ăn, chỉ có những ngọn rau tàu bay (một loại rau dại, nhà bếp vẫn hái về để nấu canh cùng măng, muối, bột ngọt), bứt vội, vò nát trong tay rồi cho vào miệng nhai ngon lành. May mắn cho toán tù cũ được tin tưởng hơn cho đi dọn rẫy mới ở xa, các bạn nhặt được những con chuột, con rắn bị đốt ngày hôm qua vì không chạy kịp, lột da bóc vỏ là nguồn bổ sung đạm tuyệt vời ngay tại chỗ, phát hiện thêm một con chuột nằm trong bụng rắn, mới chín tới lại càng bổ dưỡng (!). Có bạn còn giữ được cây lược, vòng nhựa, hay vật gì là sản phẩm của công nghiệp, gặp các người Thượng đi rẫy về thì tha hồ mà đổi chác: thơm, ổi, bòng bong... Khoảng 10 giờ nắng lên là đã thấy tối tăm mặt mày, trông cho đến trưa, nhưng về đứng dưới nhìn mấy chục bậc cấp lên trại trong cơn đói, cũng quá ê chề.
Bàn ăn dài làm bằng tre kết lại như vạc giường, băng ngồi thì mỗi bên hai cây tre nguyên ghép song song, đều kết buộc bằng sợi mây, dãy bàn được đặt trước nhà bếp dưới bóng cây. Cơm độn sắn hoặc bắp, khoai, múc ra từng rỗ tre nhỏ cho mâm 6 người, thường là canh tàu bay-măng, đựng trong thau tráng men, món khô thì măng kho, muối đậu phộng, có lúc thì muối rang cho ít nước lã vào. Chén ăn bằng nhựa được phát và cất riêng từng người, ăn đũa hai đầu, tức một đầu đưa cơm vào miệng, còn đầu kia để gắp thức ăn trong đĩa chung, ăn xong tự rửa chén ở vòi nước.
Chứa nước uống là một cái thùng vuông bằng những thanh tre ghép lại, cỡ 1m x 1m và cao 0,7m, lót vào một tấm nylon đi mưa, và đựng nước lá rừng nấu chín. Bên cạnh là cái robinet chảy 24/24 bằng ống tre, dẫn bằng những cây tre dài, đã thông mắt từ ngoài suối cao vào, là nguồn nước sinh hoạt cho cả trại, trừ tắm giặt- chiều, lúc lao động về đã tắm giặt ngoài suối.
Có chiều mưa lớn đột xuất, ở rừng nước suối chảy xiết và dâng lên rất nhanh, ở đây các sông suối đều đổ về tây, hướng Lào, kéo theo những cây cành khô lớn nhỏ trôi bềnh bồng, rắn, chuột lội bì bõm. Có toán đi lao động không về kịp, và phải sống chung cùng muỗi, vắt, với cọp hú, mang kêu, một đêm ngoài rừng.
Đã một tháng "Học tập lao động sản xuất", thuộc lòng những khẩu hiệu: "Con người là vốn quí!", "Mình vì mọi người, mọi người vì mình", "Lao động là vinh quang" (các bạn tù còn dặm thêm: "Lang thang là chết đói! Hay nói thì ở tù..."), làm quen với sốt rét, đấu tranh, phê và tự phê: "Ngồi không ăn bám", "ù lỳ", "Không phát huy tinh thần làm chủ", và hát...
Dù sức người đã giảm đi 50% qua các trận sốt rét, nhưng cả trại phải "quán triệt" vận chuyển hơn 10 tấn lương thực do trại sản xuất như: Bắp, khoai mì khô, đậu phộng, đậu xanh... ra kho lương thực ở đường mòn Hồ Chí Minh, thời gian đi về trong ngày.
Chuẩn bị đan thêm những chiếc gùi như những người Thượng, mỗi chiếc sẽ đựng được từ 20kg đến 35 kg túi loại lương thực.
Gùi nặng trĩu vai, mang theo cơm độn nắm, lội suối băng rừng ra lại A-Sờ, nơi mà tháng trước đã nghỉ lại trưa, rẽ trái về hướng bắc trên con đường Hồ Chí Minh dài vời vợi, người đầu đoàn đã qua đỉnh bên kia, người đi sau còn cúi gầm mặt leo dốc bên này, nhìn người đầu đoàn chỉ nhỏ như con khỉ, con vượn! Hôm đi lên, ba lô bạn nào cũng hơn 15 kg mà còn vất bớt dọc đường, nay thì hơn 20 kg, đã sau mấy trận sốt rét, còn cái gùi tre sắc bén cọ vào, máu chảy đẫm cả lưng, phải kiếm nùi giẻ hay miếng mo lót vào... Quá trưa thì cũng đến được nơi giao hàng, nghỉ ăn cơm xong là nhanh chóng quay về.
Bạn nào gùi được từ 28 kg trở lên thì được khen ngợi, phát huy, các bạn gùi 23, 25kg, thì luôn được nhắc nhở phấn đấu, trong buổi phê và tự phê mỗi tối. Giờ đây, các bạn "tốt nghiệp" Tịnh Sơn đã tản mác khắp nơi, nhưng sau lưng mỗi bạn vẫn còn in vết sẹo gùi, không lẫn vào đâu được!
"...Với sức người sỏi đá cũng thành cơm" là câu khẩu hiệu mà các bạn tù cũng phải thuộc nằm lòng, khối lương thực to đùng như thế, mà ba chục con người ốm yếu xanh xao, ì ạch, vận chuyển ròng một tháng thì cũng xong.
Tiếp theo là chuyển trại, kế hoạch chỉ 15 người đi đầu về dựng nhà nhỏ đủ ở cho 30 người, 15 người sẽ về tiếp và cùng dựng trại.
Lần này thì gùi lương thực ít hơn, dành chổ cho đồ dùng cá nhân, lộ trình thì như những ngày vận chuyển lương thực trước, nhưng ăn trưa xong thì vẫn đi tiếp về hướng bắc. Đến ngã ba Prao (nay có ghi trên google maps, thấy cách Đà Nẵng cả trăm cây số) thì nghỉ đêm, và sáng hôm sau lại rẽ phải về hướng Đà Nẵng, đường này cũng rộng đủ cho xe hơi, dọc đường gặp những toán nam, nữ thanh niên xung phong từ Đà Nẵng lên, đang sửa đường bằng thủ công.
Di chuyển được vài giờ, thì gặp sông, nước đang dâng cao và chảy xiết, đoàn phải dừng lại ăn cơm, rồi chặt cây lồ ô kết thành một cái bè, dài chừng 3m, và ngang khoảng 0,8m, cắt những cây mây nối lại thành dây dài khoảng hơn 20m. May mà có một bạn tù đã qua khóa người nhái, bạn này buộc một đầu dây vào người, và đi ngược dòng khoảng 20m rồi bơi qua sông, vừa bơi ngang, vừa trôi xuống, ngang vị trí thì bạn ấy cũng vừa bám được gốc cây bờ bên kia, thế là hai bờ đã được kết nối, một sợi dây mây nữa vòng qua sợi mây ngang sông, và buộc vào hai bên bè để an toàn, lỡ người kéo có sẩy tay thì đã có dây mây níu bè lại. Một chuyến qua được 3 người, nhưng phải mất một người trả bè về. Ngày nào học bài Mưu sinh thoát hiểm, thì nay đã trả bài thầy một cách ngoạn mục!
Đêm tiếp theo ở lại tại một công trường của Thanh niên xung phong, vừa nghỉ thì phát hiện một con heo gùi đi đã bị chết, thế là anh em được một đêm no say với cháo heo, nhưng hôm sau một nửa đoàn bị Tào Tháo rượt, vì lâu quá cái bao tử nó không quen với lượng đạm, lượng mỡ quá nhiều!
Vị trí xây dựng trại mới nằm dưới chân Núi Chúa, (là ngọn núi cao, ở Đà Nẵng nhìn thấy), đằng sau là con suối, rồi núi Chúa, mặt trước là đường đất rộng nối từ Prao về Đà Nẵng, nay thuộc xã Hòa Phú, Hòa Vang, Quảng Nam.
Căn nhà nhỏ được dựng lên nhanh chóng, và mấy ngày sau nhóm thứ hai cũng đã về đến. Hạ cây, cặp vài, dựng nhà, cắt tranh lợp, chẻ tre làm sạp ngủ, một căn nhà dài khoảng 24m rộng 5m, hai dãy sạp ngủ, giữa đường đi, cửa vào ở một đầu nhà, chung quanh vẫn bao che bằng tre thưa dựng đứng, căn này cũng nằm được 100 người. Khoảng trăm bạn tù từ Đà Nẵng lên, ở nhà mới, cùng tiếp tục dựng nhà, và tốc độ dựng nhà đã nhanh lên dần, hai, rồi ba nhà tù đã hoàn thành, các bạn tù được chuyển lên tiếp, rồi nhà bếp, nhà ăn, hàng rào. Sau cùng là khu vực nhà kho, văn phòng, nhà ở quản giáo ở phía bên kia đường, lúc này các bạn tù đã thành thợ mộc chuyên nghiệp, có nhóm thợ cưa xẻ vào ở luôn trong rừng, và có nhóm vận chuyển gỗ thành khí về, nhà được cặp bằng gỗ vuông, và bao che ván xẻ, đẹp. Khu này nay gọi là Trại Giáo Dưỡng (trên google maps có ghi).
Hồi đó gọi là Trại Phú Túc, cách Đà Nẵng khoảng 25km đường chim bay về phía tây, đoạn cuối không có lộ trình xe đò, hoặc xe lam mà phải đi xe ôm. Ở đây dọn rừng để làm nhà, hoặc sau này các bạn tù ra phát rẫy, đã gặp rất nhiều mảnh vỡ lớn nhỏ của các loại máy bay, có cả xương cốt vương vãi chung quanh, có bộ còn nguyên trong áo bay.
Thì ra đoàn chúng tôi là "xung kích" đi Tịnh Sơn, để chuyển lương thực trong rừng sâu ra, và xây dựng trại mới. Không biết cái Trại Giáo Dưỡng rộng lớn bây giờ có khắc tên, và "Bia ghi công" toán xung kích này không?(!)
Được tin con trai về trại gần, mẹ tôi đã gần 60 tức tốc từ Cam Ranh ra thăm, mẹ con mừng mừng, tủi tủi... và mẹ tôi còn ra thăm tôi một lần nữa ở trại Phú Túc này.
Mẹ kể: mấy tháng trước ra Đà Nẵng tìm, thì nghe không chính thức là ở Tịnh Sơn, cái tên quá xa lạ với mọi người. Rồi mẹ cũng dò la ra cô bạn gái của tôi mới quen để hỏi tin. Lúc tập trung ở Hòa Cầm, được dẫn ra đi tắm, ghé mua bánh, đồ hộp của cô bán hàng bên lề đường 2 lần, thương tình(?), chủ nhật cô vào gọi tôi ra thăm, và tôi đã dấu, nhờ chuyển một thư nhỏ về Đà Nẵng, để nhờ liên lạc với mẹ, nhờ vậy gia đình mới biết tin tôi.
Gia đình tôi lên tàu tối 28/3/1975 không biết có đi được không, và đã đến đâu? Có nguy hiểm gì không? Người chết trên các bến tàu, bãi biển đầy... Những ngày sau 29/3 chưa trình diện tập trung, tôi vẫn đến các bãi biển, sân bệnh viện Đà Nẵng để nhận diện những xác người được chở về đây. Thì ra gia đình tôi đã may mắn vào được Sài Gòn, và ai đó đã đưa cho xem trên báo Hòa Bình, ảnh chụp một xác chết trên bãi biển Đà Nẵng giống tôi quá, làm mẹ tôi u sầu. 28/4/1975 anh tôi về báo có phương tiện hàng không đi tản ra nước ngoài, nhưng mẹ tôi nhất quyết không đi, vì chỉ có hai anh em trai, mà tôi thì chưa biết sống chết thế nào?
Xin lỗi, ngàn lần xin lỗi, những năm gần đây tôi đã không còn nhớ được tên Cô bạn mới quen, Em gái Hòa Cầm - người ơn. Hồi còn mẹ, có lúc mẹ tôi nhắc tên, ước gì còn mẹ để hỏi, Em đang học lớp 12 trường Nữ Trung Học Đà Nẵng, cha em, một sĩ quan quân VNCH, trong mấy tuần chiến trường sôi động vẫn chưa có tin tức gì về cha, nên em đã ra lề đường bán buôn phụ giúp mẹ. Thế mà em cũng xung phong dẫn dắt mẹ tôi đi Tịnh Sơn,
Sáng sớm cùng bắt xe đò đi về tây Đà Nẵng, như người ở Trại cải huấn cũ hướng dẫn, hết đường xe đò, xe ôm, nghỉ ăn trưa rồi đi bộ, cây rừng lúp xúp, có đoạn che kín đầu người, nhà cửa thì chẳng thấy đâu, nhưng hai bà con vẫn cứ đường mòn hướng tây mà đi, hy vọng càng gần Tịnh Sơn thì sẽ có người biết... Đã hoàng hôn, các con chim đang bay vòng quanh và kêu oăng oắc trên đầu, khi phát hiện có người. Quang cảnh u buồn và ghê rợn, chẳng gặp được ai, may mà thấp thoáng xa xa có một cái chòi tranh giữa hoang vắng đất trời. Mừng quá! hỏi, chị chủ chòi tranh cũng chưa nghe Tịnh Sơn bao giờ! chỉ biết Sơn Tịnh, Quảng Ngãi, và cũng cho biết từ đây trở đi là sắp vào rừng già, đường mòn rất nhỏ, phải có giao liên dẫn dắt, vả lại còn qua nhiều dốc cao, suối sâu. Ngủ nhờ một đêm hai bà con đành phải quay về!
Để nhớ... một trong những khoảng tháng năm với nhiều vất vả, đọa đày. Nhớ... người mẹ suốt đời lam lũ, tận tụy với... con.
Mấy chục năm rồi, gõ lại những giòng này mà vẫn rơi nước mắt.
Sài Gòn 1/2018
Post a Comment