Dân sách đèn Việt Nam
Kris Hartley * Samsung (Danlambao) dịch - Hai thập niên sau khi làn sóng thuyền nhân tỵ nạn Việt Nam lên tới đỉnh cao, một cuộc di cư khác diễn ra. Sinh viên Việt Nam ngày càng theo đuổi các bằng cấp đại học ở nước ngoài. Những người di cư mới mà chúng ta có thể gọi là "dân sách đèn" này quan niệm các bằng cấp của các trường ở Anh, Mỹ và Úc có giá trị cao hơn. Hơn thế nữa, nhiều sinh viên đã chọn lưu lại quốc gia họ theo học sau khi tốt nghiệp. Họ bị hấp dẫn bởi những việc làm lương bổng cao tương xứng với các kỹ năng mà họ học hỏi được. Hai yếu tố có thể vãn hồi xu thế này, một là phát triển các ngành kỹ nghệ trị giá gia tăng do các công ty nội địa làm chủ và hai là tiếp tục nâng cao phẩm chất các trường đại học trong nước. Hai chiến lược này có thể là giải pháp cho các quốc gia đang đương đầu với thách thức di cư chất xám tương tự.
Theo kết quả của Trung tâm Nghiên cứu Pew (Pew Research Center - PRC), con số sinh viên Việt Nam theo học trong các trường ở Hoa Kỳ đã tăng gấp bảy lần trong giai đoạn 2000-2014, từ 2,266 lên 16, 579 sinh viên. Cũng theo kết quả nghiên cứu này, hơn một phần ba du sinh Việt Nam ở Hoa Kỳ theo học ngành kinh doanh. Phải chăng đây là một cáo trạng về khả năng đào tạo thế hệ lãnh đạo doanh nghiệp kế tiếp?
Trong một bài viết mới đây, một cựu bộ trưởng giáo dục đã chê bai hệ thống giáo dục tại Việt Nam. Ông này tuyên bố rằng: "Giáo dục tại đại học thật tồi tệ. Sách giáo khoa chứa đầy những lý thuyết vô ích và nhạt nhẽo".Trong cùng một bài viết, một bà mẹ là công chức nhà nước và có con là du sinh miêu tả hệ thống giáo dục tại Việt Nam là "đầy áp lực và gian lận". Nạn học gạo và sáng tạo thui chột cũng là những đề tài than phiền thường xuyên.
Cộng với các yếu tố thúc đẩy đó, những yếu tố lôi kéo cũng gây ra xu thế di cư của dân đèn sách. Một số quốc gia đã và đang ráo riết tuyển sinh ngoại quốc để tăng thu nhập cho ngành giáo dục. Ví dụ trong năm 2014 Canada loan báo ý định gia tăng gấp đôi con số du sinh ngoại quốc để lên tới gần nửa triệu vào năm 2020; VN được coi là một "thị trường ưu tiên" cùng với Trung quốc, Ba Tây và Ấn Độ. Trong một bản tin của đài truyền hình CBC, một viên chức thuộc đại học Ottawa, không được xếp trong 50 đại học hàng đầu tại Canada, miêu tả việc tuyển sinh là "cạnh tranh khốc liệt", điều này cho thấy nhu cầu ghi danh vẫn mạnh mẽ thậm chí dù với các học viện kém danh tiếng hơn.
Các đại học tại VN không chịu bó tay, thúc thủ thầm lặng. Đầu tư vào phương tiện giảng dạy và học tập cũng như vào việc thu tuyển nhân sự giảng dạy người ngoại quốc là các phương cách cạnh tranh được ưa chuộng. Một cuộc chạy đua chi tiêu xây dựng khuôn viên mới đây khiến cho các đại học Mỹ chi ra khá bộn bạc để xây dựng ký túc xá, sân chơi thể thao và trung tâm giải trí cho sinh viên. Nhiều khuôn viên đại học bây giờ được trang hoàng rất hoa lệ. Để không bị vượt mặt, đại học FPT ở Sài Gòn mới vừa rồi công bố các kế hoạch "thiên nhiên hóa" khuôn viên nhằm cạnh tranh với các đại học giàu có nhất trên thế giới.
Giáo dục thường được đề cập tới trong các cuộc thảo luận về tăng trưởng kinh tế. Không quốc gia nào muốn bị lâm vào một cuộc chiến tổn phí nhân công, bởi vì sự theo đuổi lợi nhuận tạo ra một vị thế cạnh tranh không được lâu bền. Vì thế, năng suất cao thông qua sự phát triển kỹ năng là một sách lược được nhiều quốc gia tán thưởng. Tuy nhiên, sự sản xuất trị giá gia tăng cao cũng bất thường, rày đây mai đó như trị giá gia tăng thấp. Trong các thập niên tới, chúng ta sẽ chứng kiến một sự gia tăng cạnh tranh nguồn đầu tư vì sự thành đạt trong lãnh vực giáo dục lan tỏa ra khắp các quốc gia. Trong các nền kinh tế như của VN, sản xuất kỹ nghệ vẫn bị các công ty ngoại quốc chi phối, không cần biết mức độ giá trị cao như thế nào đi nữa. Thậm chí một sự gia tăng trong mức giá trị cũng không thể làm thay đổi một thực tế là nhiều việc làm trong ngành kỹ nghệ được mời mọc bởi những công ty ngoại quốc có rất ít sự quan tâm tới lợi ích lâu dài của các quốc gia sở tại. Các nhà đầu tư/chủ nhân ngoại quốc này chỉ muốn ăn sổi, ở thì bằng cách lợi dụng lực lượng nhân công rẻ. Làm sao một quốc gia có thể thoát ra khỏi vòng luẩn quẩn này?
Sự sản xuất bằng kỹ thuật cao cuối cùng cũng chỉ là một công việc mang tính lệ thuộc. Sự tăng trưởng kinh tế có tính lột xác sẽ không diễn ra cho tới khi nào các phương tiện sản xuất được sở hữu và quản trị bởi các công ty nội địa hơn là các công ty ngoại quốc. Điều này hoàn toàn không có nghĩa là các công ty ngoại quốc không có địa vị ở VN. Tuy nhiên sự gia tăng hiện diện và cạnh tranh của những công ty do chính người VN trong nước làm chủ sẽ luân lưu lợi nhuận và nguồn vốn trở lại nền kinh tế VN; quốc gia này có thể tách khỏi sự lệ thuộc vào việc gia công và ngày càng tự lực, tự cường. Phương hướng này không hề cổ vũ cho chủ nghĩa cô lập hay chủ nghĩa bảo hộ. Các công ty nội địa mạnh mẽ hơn có thể và nên khai thác các thị trường quốc tế và đầu tư ở nước ngoài. Sự thiếu vắng các cấm cản mậu dịch và các tài trợ kỹ nghệ cũng sẽ duy trì áp lực lên nhu cầu cải tiến của các công ty này. Tới giai đoạn này, việc xây dựng năng lực của công ty nội địa nên là một nỗ lực nền tảng, được yểm trợ bởi sự giáo dục có phẩm chất cao và các chính sách khuyến khích phát triển.
Vấn đề đặt ra ở đây là bằng cách nào giáo dục có thể đóng góp để đạt được mục tiêu đó. Các sinh viên VN phải suy nghĩ theo hướng một nhà đầu tư tìm kiếm cơ hội kinh doanh và hệ thống đại học trong nước nên giáo dục họ theo phương hướng đó. Sự phát triển các chương trình kinh doanh mới vừa rồi trong nhiều công ty dường như không làm giảm bớt cuộc di cư của giới đèn sách. Trong một bài diễn văn hồi năm 2013, cựu viện trưởng đại học RMIT ở VN đã bày tỏ nỗi ngạc nhiên về con số các sinh viên tốt nghiệp trường RMIT gầy dựng doanh nghiệp riêng cho họ. Có lẽ giáo dục kiểu Tây phương (dù trong hay ngoài nước) thu hút được những sinh viên vốn có khuynh hướng mạo hiểm dấn thân để tìm cơ hội kinh doanh. Ngoài ra, các kỹ năng học hỏi được trong các trường ngoại quốc cũng có thể uốn nắn các sách lược sự nghiệp và triết lý kinh doanh của sinh viên trong những cách thức mới mẻ.
VN đã đạt được một sự tiến bộ kinh tế kể từ khi nhà cầm quyền csVN khởi sự chương trình đổi mới theo mô thức thị trường vào năm 1986. Chắc chắn là quốc gia này đã không thể nào tăng trưởng được nếu không nhờ vào sự thông minh, cần cù và ước vọng của người dân. Tuy nhiên, một số lượng lớn đáng lo ngại những nhân tài trẻ vẫn tiếp tục ra đi tìm đất lành ở các quốc gia Tây phương.
VN phải cật lực làm việc để tăng cường hình tượng của hệ thống giáo dục cấp cao, không những trong thứ hạng toàn cầu mà còn ngay đối với người dân trong nước. Ngõ hầu cạnh tranh tài năng, các đại học trong nước phải tiếp tục cải tiến nội dung và cách thức giảng dạy theo một đường hướng được ưa chuộng trong các đại học Tây phương. Đó là những gì mà thị trường đòi hỏi và cũng là một bước quan trọng nhằm tiến tới sự tăng trưởng kinh tế có tính lột xác.
Nguồn:
4/10/2015
* Kris Hartley là giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia VN, chi nhánh Sài Gòn, và nghiên cứu sinh chương trình Tiến sĩ tại Đại học Quốc gia Singapore, Trường Chính sách Công lập Lý Quang Diệu.
Post a Comment