Hoa Kỳ và Trung Quốc đang hướng tới một cuộc chiến trên biển ở Châu Á?

Người dịch: Lê Anh Hùng


Hoa Kỳ thiếu một chiến lược nhất quán nhằm đối phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy ở Tây Thái Bình Dương. Các chuyên gia về chính sách ngoại giao đặc trách khu vực Châu Á - Thái Bình Dương cũng thiếu một tập hợp ý tưởng cụ thể nhằm ve vãn một Bắc Kinh đang ngày càng tỏ ra quyết đoán đi đến chỗ chấp nhận trật tự thế giới tự do chủ nghĩa hậu Thế chiến II do Mỹ lãnh đạo hoặc để tái khẳng định sự thống trị của Washington trong khu vực.
Người ta ngày càng thấy rõ là Trung Quốc hy vọng sẽ vạch ra lộ trình riêng, độc lập với các cơ cấu phương Tây hiện hành, trong bối cảnh Bắc Kinh tái khẳng định yêu sách của họ trên Biển Đông và tiếp tục xây dựng các đảo nhân tạo trong khu vực. Tuy nhiên, việc các nhà hoạch định chính sách ở Washington sẽ ứng phó với vấn đề này như thế nào thì vẫn là một câu hỏi còn để ngỏ.

Ngày 28/9 vừa qua, Seth Cropsey – nghiên cứu viên cao cấp của Hudson Institute – đã phát biểu trong một cuộc họp tại Center for the National Interest (think-tank chủ quản trang The National Interest) rằng: “Chính sách của Mỹ đã thất bại thảm hại. Hành động của Trung Quốc cho thấy họ coi chúng ta như một đối thủ cạnh tranh chiến lược. Chúng ta lại chọn cách nhìn nhận Trung Quốc như một thị trường lớn có thể bị ve vãn và thuyết phục đi đến chỗ tham gia cùng chúng ta như là người bảo vệ an ninh quốc tế và an ninh kinh tế. Các nhà hoạch định chính sách Hoa Kỳ hy vọng là khối lượng giao thương lớn giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ cùng tiến bộ kinh tế kèm theo của Trung Quốc sẽ hướng giới cai trị nước này đi đến chỗ nhìn nhận, suy nghĩ và hành động giống với chúng ta hơn. Bằng chứng lại không ủng hộ hy vọng đó.”
Tuy nhiên, trong khi Trung Quốc coi Hoa Kỳ như một đối thủ cạnh tranh chiến lược thì các chuyên gia lại nhất trí rằng một cuộc đối đầu quân sự không phải là kết cục không tránh khỏi. Bắc Kinh hy vọng là họ có thể buộc Hoa Kỳ trên thực tế (de facto) chấp nhận Biển Đông là lãnh thổ của họ. “Tôi không nghĩ là xung đột – trên biển chẳng hạn – giữa Mỹ và Trung Quốc là không tránh khỏi”, Cropsey nói. “Khả năng lớn hơn ở đây là Trung Quốc sẽ tiếp tục nỗ lực để biến các vùng biển quốc tế ở Biển Hoa Đông và Biển Đông thành lãnh hải.”
Trung Quốc đang áp dụng cách tiếp cận nhiều mũi nhằm ngăn chặn các lực lượng hải quân và không quân Hoa Kỳ tiếp cận khu vực thông qua việc sử dụng một mạng lưới nguỵ tạo gồm các loại vũ khí chống tiếp cận/chống xâm nhập (A2/AD). Ngoài ra, Bắc Kinh đang tích cực hành động nhằm đe doạ và sách nhiễu các đồng minh của Mỹ trong khu vực, với hy vọng họ sẽ thúc thủ trước những đòi hỏi của Trung Quốc. Tuy vậy, không phải Bắc Kinh chỉ sử dụng các lực lượng quân sự trong nỗ lực nhằm đẩy Hoa Kỳ và đồng minh ra khỏi khu vực. Họ còn sử dụng các lực lượng bán quân sự và “dân quân biển” (maritime militia) nhằm sách nhiễu ngư dân cùng những người khai thác thương mại các tuyến đường biển của các nước khác nhằm mục đích dành quyền kiểm soát trên thực tế (de facto) đối với Biển Hoa Đông và Biển Đông.
“Tôi nghĩ nếu chính sách của Mỹ tiếp tục xem nhẹ thái độ gây hấn ngày càng tăng của Trung Quốc trên các vùng biển quốc tế nằm ngoài vùng duyên hải phía nam của họ thì triển vọng về một Trung Hoa Đại Hán sẽ gia tăng, bởi các bạn bè và đồng minh Châu Á của chúng ta sẽ tìm kiếm những sự dung hoà mới, những đối tác thương mại mới và những dàn xếp an ninh mới”, Cropney nhận định. “Mức độ sẵn sàng của Mỹ trong việc chống lại thách thức Trung Quốc đối với trật tự quốc tế không phải là đang gia tăng.”
Trên thực tế, Cropsey cho rằng sức mạnh trên biển của Mỹ đang co lại và cán cân hải quân ở Tây Thái Bình Dương đang nghiêng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. Quốc hội Mỹ đơn giản là không hiểu được tình hình đã nghiêm trọng đến mức nào, Cropsey nhận xét. Hoa Kỳ phải nhớ tới lợi ích kinh tế to lớn của họ ở Châu Á cùng mạng lưới đồng minh bao quanh những lợi ích đó. “Thay vì khuyến khích Trung Quốc trở thành kẻ nắm giữ lợi ích trong hệ thống quốc tế, mục đích của chúng ta nên là sử dụng ngoại giao, sức mạnh quân sự – kể cả việc tăng cường sự hiện diện – nhằm thuyết phục Trung Quốc rằng chúng ta sẽ bảo vệ trật tự quốc tế… và cuối cùng – do đây là những gì đang đứng trước rủi ro – lợi ích lớn của Mỹ trong việc duy trì vị thế cường quốc hiện hành”, Cropsey nói.
Mặc dù Cropsey gợi ý là Hoa Kỳ hướng tới việc bảo vệ sức mạnh của mình ở Tây Thái Bình Dương, song ông lại không đề xuất bất kỳ một lộ trình cụ thể nào để Washington có thể đạt được những mục tiêu đó. Việc duy trì vị thế quyền lực vượt trội của Mỹ ở Tây Thái Bình Dương có thể đòi hỏi một đại chiến lược đồng bộ với quy mô như chiến lược NSC-68của Tổng thống Harry S. Truman – vốn xác lập nên phản ứng của Hoa Kỳ trước mối đe doạ Soviet năm 1950. Tuy nhiên, phần lớn cuộc thảo luận lại tập trung vào những vấn đề chính sách cấp thấp liên quan trực tiếp đến quyền tự do hàng hải (FON) ở Biển Đông và quản lý ngư trường.
Jeff Smith, giám đốc Chương trình An ninh Châu Á (Asian Security Programs) tại Hội đồng Chính sách Đối ngoại Mỹ (American Foreign Policy Council) và là người phát biểu cùng Cropsey, phát biểu với cử toạ rằng Trung Quốc bày tỏ lập trường rất rõ ràng là họ không tin quân đội Mỹ cần phải hoạt động ở Biển Hoa Đông và Biển Đông. Bắc Kinh đã tính toán là ngay bây giờ thì họ không thể ngăn chặn Mỹ hoạt động trong khu vực, nhưng khi năng lực hải quân của họ tăng lên thì điều đó có thể thay đổi. “Có nhiều thứ gợi lên rằng một ngày nào đó họ sẽ đủ khả năng hạn chế sự lưu thông trên biển của quân đội Mỹ và tin rằng họ có thể làm thế”, Smith nhận định. “Vì vậy khả năng về một cuộc đối đầu nào đó là rất thực tế.”
Hoa Kỳ – bất chấp thực tế là chưa bao giờ phê chuẩn Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) – vẫn diễn giải là luật quốc tế cho phép tàu chiến của nó hoạt động và tiến hành giám sát trong phạm vi bất kỳ một vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) nào của các nước và đi qua vùng biển chủ quyền 12 hải lý của một nước dưới hình thức “đi qua vô hại” (innocent passage). Cách diễn giải đó nhận được sự thừa nhận rộng rãi của đa số các quốc gia tiếp giáp biển, song Bắc Kinh lại vận dụng một cách diễn giải thiểu số – được chia sẻ bởi khoảng 24 nước – theo đó họ nhấn mạnh việc thông báo trước trước khi tàu chiến nước ngoài có thể hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của họ. “Với các nước khác, họ có thể chuyển đến chúng ta một sự phản đối ngoại giao khi chúng ta hoạt động, bởi chúng ta tiến hành những hoạt động tự do hàng hải này – 18, 19, 20 lần mỗi năm – giữa các quốc gia bạn bè và thù địch mà không phân biệt. Trong khi đó, tàu bè Trung Quốc đã thực sự chạm trán với tàu chiến của chúng ta”, Smith nói. “Sự bất đồng này rất công khai và nó đang trở thành một phép thử của ý chí.”
Hoa Kỳ tin rằng họ có cơ sở pháp lý vững chắc để hoạt động trên những vùng biển mà Trung Quốc khẳng định chủ quyền – điều này lại được củng cố bởi phán quyết của Toà Trọng tài Thường trực ở The Hague (Hà Lan) hồi tháng Bảy. Tuy nhiên, luật quốc tế lại chỉ tiến xa đến mức đó khi phải đối mặt với quyền lực cứng, trong khi Trung Quốc thì đang nỗ lực gấp đôi với các yêu sách của họ – vừa bằng ngôn từ, vừa thông qua sự kết hợp giữa hải quân và cái gọi là dân quân biển. Smith không đưa ra bất kỳ giải pháp nào liên quan đến việc Hoa Kỳ cùng đồng minh cần làm thế nào để thuyết phục Trung Quốc chấp nhận nguyên trạng (status quo) khi quyền lực của nó tăng lên.
Eric Gomez, chuyên gia phân tích chính sách quốc phòng và ngoại giao của Cato Institute và là người tham gia phát biểu Smith và Cropsey, đưa ra một chiến lược tiềm năng để ứng phó với một Trung Quốc đang trỗi dậy. Gomez đề xuất rằng Hoa Kỳ cần tiết chế các mục tiêu của mình nhằm duy trì tự do hàng hải về thương mại và đảm bảo rằng những tranh chấp lãnh thổ trong khu vực không biến thành chiến tranh nóng. Nếu Hoa Kỳ không thể ngăn chặn những vụ tranh chấp lãnh thổ khỏi trở nên nóng bỏng, họ cần hành động để ngăn Bắc Kinh khỏi giành được vị thế quân sự chi phối ở Đông Á.
Hoa Kỳ cần giảm bớt sự hiện diện của các lực lượng mặt đất trong khu vực, Gomez nói. Những lực lượng mặt đất còn lại cần tập trung vào năng lực chống tiếp cận/chống xâm nhập, chẳng hạn như những khẩu đội tên lửa hành trình chống hạm ven biển, hay lực lượng phòng không và chống tên lửa. Theo Gomez, Hoa Kỳ cần duy trì sự hiện diện hải quân thường xuyên, song cần tập trung ít hơn vào tàu sân bay và nhiều hơn vào chiến tranh tàu ngầm để chú trọng năng lực chống xâm nhập biển. Các hoạt động tự do hàng hải cần tiếp tục diễn ra nhằm phản ứng lại những hành động cụ thể của Trung Quốc, chẳng hạn như quân sự hoá Biển Đông.
“Chống xâm nhập biển với Trung Quốc thì theo hướng tự vệ nhiều hơn và điều đó đem lại lợi thế quân sự cho Hoa Kỳ trong chiến tranh dưới mặt biển và kiểm soát mặt biển”, Gomez nói. “Tôi không nghĩ là chúng ta cần cố gắng xâm nhập qua lớp bảo vệ A2/AD với Trung Quốc và tấn công các mục tiêu trên đại lục. Tôi cho rằng điều đó chứa đựng những rủi ro leo thang rất nghiêm trọng.”
Một chiến lược như thế sẽ tạo ra một vùng biển vô chủ trong khu vực, nơi hai cường quốc có thể thiết lập một nguyên trạng thực tế (de facto status quo), Gomes nhận xét. Điều này cũng sẽ giảm bớt khả năng xẩy ra xung đột mà không buộc Hoa Kỳ phải từ bỏ khu vực. Gomez thừa nhận kế hoạch của ông có thể tạo ra những khu vực chịu ảnh hưởng của các cường quốc trong khu vực và có thể không được dân chúng ủng hộ về chính trị, song quyền lực tương đối của Hoa Kỳ so với Bắc Kinh lại đang trên đà suy giảm.
“Tôi nghĩ là chúng ta cần thừa nhận với chính mình rằng Hoa Kỳ không còn là thế lực thống trị ở Đông Á như nó từng tìm cách theo đuổi nữa, và việc tái xem xét những vấn đề về ngăn chặn quân sự mà không xét đến những quan ngại pháp lý và quy chuẩn như thế này sẽ là một cuộc thảo luận lâu dài và hiệu quả hơn”, Gomez nói. “Tôi không nhìn thấy bất kỳ một lộ trình dễ dàng nào để đưa Trung Quốc tham gia vào trật tự pháp lý và quy chuẩn, trừ phi quý vị có thể dẫn ra một thứ vũ khí ngăn chặn quân sự nào đó.”
*Dave Majumdar là biên tập viên về quốc phòng của The National Interest.

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.