Người dân xã Thạch Hạ phẫn nộ vì không được đền bù thảm họa môi trường
CTV Danlambao - Xã Thạch Hạ thuộc huyện Thạch Hà, Tp Hà Tĩnh, có dân số 1572 hộ dân với hơn 6574 nhân khẩu, trong đó hơn 60% là người theo đạo Công Giáo. Đây là một trong những xã bị thiệt hại nặng nề sau thảm họa môi trường biển do Formosa cũng như lũ lụt do các nhà máy thủy điện trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xả lũ gây ra.
Thời gian gần đây, người dân xã Thạch Hạ đã nhiều lần đến UBND Tp Hà Tĩnh để yêu cầu được tiếp xúc lãnh đạo TP với nguyện vọng được bồi thường thiệt hại do hậu quả “nhân tai” gây ra.
Xin được nhắc lại vụ việc ngày 25/10/2016, khoảng gần 100 người đã kéo lên UBND Tp Hà Tĩnh để nộp đơn khiếu kiện về việc không được bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra trong vụ thảm họa môi trường biển tại bốn tỉnh miền Trung. Tuy nhiên họ đã bị ngăn cản ngay tại cổng UBND Tp. Trước sự kiên quyết của người dân nơi đây, lãnh đạo Tp Hà Tĩnh đã buộc phải cử cán bộ đứng ra hứa hẹn sẽ tổ chức buổi họp để giải trình vụ việc với người dân xã Thạch Hạ.
Lời hứa của cán bộ nhà sản có tin được không?
Sau lời hứa từ một cán bộ của nhà cầm quyền cộng sản Hà Tĩnh, người dân đã mòn mỏi chờ đợi nhưng mãi không thấy lời hứa được thực hiện. Đến ngày 07/11/2016, hơn 50 người dân xã Thạch Hạ một lần nữa lại phải kéo đến UBND Tp Hà Tĩnh để chất vấn nhà cầm quyền về việc tại sao họ không được bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra. Một lần nữa người dân vẫn không được vào trong UBND Tp để tiếp xúc cán bộ mà phải đứng dưới cơn mưa phía bên ngoài cổng hơn một tiếng đồng hồ, để rồi sau đó cũng chỉ nhận được lời hứa từ ông Trần Quốc Đạt - chánh văn phòng kinh tế tỉnh - sẽ sớm có cuộc họp vì hiện nay cán bộ tỉnh đang bạn công tác.
Đến hẹn lại lên, chiều ngày 08/11/2016, hơn 100 người dân xã Thạch Hạ đến UBND Tp để làm việc với lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh. Một điểm khá bất ngờ ngoài việc đòi bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra, một số hộ dân nuôi cá trong lồng bè tại xã Thạch Hạ đã yêu cầu bồi thường thiệt hại do các nhà máy thủy điện trong địa bàn tỉnh Hà Tĩnh xả lũ gây ra trong các ngày 15 và 16 /10 vừa qua. Được biết xã Thạch Hạ có nhiều hộ dân nuôi cá lồng bè, cá nuôi chủ yếu là cá Mú, cá Hồng Mỹ, cá Chẽm... Sau đợt xả lũ vừa qua, Hà Tĩnh đã ngập chìm trong lũ suốt nhiều ngày, cá nuôi từ các lồng bè của nhiều hộ dân cũng bị “lũ thủy điện” cuốn trôi khiến thiệt hại ước tính lên đến vài trăm triệu mỗi hộ nuôi cá. Chính vì thế, các hộ nuôi cá này đã yêu cầu được bồi thường thiệt hại. Có lẽ điều này đã làm cho nhà cầm quyền Hà Tĩnh lúng túng trong cách xử lý vụ việc.
Trước áp lực bởi người dân liên tục kéo lên UBND TP đòi bồi thường thiệt hại do Formosa, cộng thêm “điểm bất ngờ” khi người dân đòi bồi thường do “lũ thủy điện” gây ra. Nhà cầm quyền đã buộc phải tổ chức buổi họp tiếp xúc đối thoại với người dân xã Thạch Hạ vào ngày 09/11/2016.
Khoảng 9 giờ sáng ngày 09/11/2016 đã diễn ra cuộc đối thoại giữa UBND Tp Hà Tĩnh và người dân xã Thạch Hạ. Trong buổi tiếp xúc, phó chủ tịch Tp Hà Tĩnh cho rằng “người dân xã Thạch Hạ không đưa ra được số liệu, dữ liệu chứng minh thiệt hại do Formosa gây ra, vì thế bà con không phải là “đối tượng” được hưởng đền bù hay hỗ trợ chuyển đổi nghề nghiệp theo quyết định 1880/QĐ TTg. Còn về thiệt hại do lũ gây ra, khiến cá nuôi trong lồng bè bị cuốn trôi, tỉnh chưa nhận được báo cáo. Tuy nhiên tất cả vụ việc trên, tỉnh sẽ xem xét, rà soát và đánh giá tình hình, sau đó sẽ thông tin đến bà con”.
Theo quyết định 1880/QĐ TTg do ông thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 29/09/2016, trong đó bốn tỉnh miền Trung được bồi thường thiệt hại do Formosa gây ra là các tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa Thiên Huế. Đến nay một số huyện xã tại bốn tỉnh thành này đã nhận được một phần hỗ trợ hoặc đền bù thiệt hại. Tuy nhiên người dân xã Thạch Hạ lại không nằm trong diện được hỗ trợ hay đền bù thiệt hại dù đây là một xã thuộc thành phố Hà Tĩnh và cũng là xã bị thiệt hại nặng do thảm họa môi trường gây ra.
Sau buổi đối thoại, người dân Thạch Hạ đã rất phẫn nộ vì cách làm việc vô trách nhiệm của nhà cầm quyền Hà Tĩnh, bởi sau nhiều lần hứ hẹn, nay họ lại tiếp tục phải chờ đợi cái gọi là “đánh giá, rà soát tình hình” từ phía cơ quan chức năng của nhà cầm quyền. Cuộc sống người dân xã Thạch Hạ đã khốn đốn vì thảm họa môi trường, nay thêm “nhân tai” và “lũ thủy điện” đã làm cho nhiều hộ dân rơi vào cảnh nợ nần và lầm than. Họ đòi được bồi thường thiệt hại là một chuyện chính đáng, nhưng dưới sự cai trị của chế độ cộng sản, đòi hỏi của họ lại được cho là không thỏa đáng. Được biết một số xã lân cận như xã Thạch Sơn, Thạch Long… đã được nhận đền bù thiệt hại do thảm họa môi trường. Vậy tại sao người dân xã Thạch Hạ không nằm trong diện được bồi thường? Một vài ý kiến cho rằng nhà cầm quyền đã phân biệt đối xử trong chuyện đền bù do Formosa gây ra, hơn nữa xã Thạch Hạ lại là một xã có hơn 60% dân số là người Công Giáo. Vì lẽ nào đó nhà cầm quyền không muốn những người công giáo được hưởng quyền lợi bình đẳng trong một xã hội do cộng sản cầm quyền. Còn nhớ nhà cầm quyền Hà Tĩnh đã từng bác đơn khởi kiện của người giáo dân xứ Phú Yên vào tháng trước, nay lại tỏ ra đối xử bất bình đẳng trong việc đề bù thiệt hại do Formosa gây ra với người dân xã Thạch Hạ bởi chăng họ là người công giáo.
Người Công Giáo không có chủ trương hoạt động chính trị cũng như luôn chọn giải pháp ôn hòa để xử lý những sự cố hay biến cố xảy ra trong cuộc sống của họ. Nhưng nếu lấy cớ đó để áp đặt và bức hại người Công Giáo thì cộng sản sẽ vấp phải sai lầm nghiêm trọng. Bởi lẽ cộng sản hiểu hơn ai hết trong thời điểm hiện tại, tập thể người công giáo tại là một đối trọng có thể làm nên cuộc thay đổi thể chế tại Việt Nam. Nếu cộng sản không tin, hãy cứ ức hiếp, hãy cứ đàn áp người Công Giáo và hãy chờ xem họ sẽ làm gì.
09.11.2016
Post a Comment