Nguyễn Công Khế - Nguyễn Văn Đông, nhạc sĩ tài hoa tự trói mình trong « cô đơn chiếc bóng »



Nhạc sĩ Nguyễn văn Đông qua đời.


Tôi nghĩ ông là một nhân cách đặc biệt giữa cuộc đời đầy “nhốn nháo” này. Ông không xuất hiện bất cứ nơi đâu, ở đâu giữa chốn nhân gian “huyên náo” này từ khi ông ra khỏi trại cải tạo. 

Dù ông đi lính Việt Nam Cộng Hòa  tới cấp bậc Đại tá Chánh văn phòng tham mưu phó, Quân lực Việt Nam Cộng Hòa . Ông cũng không đi diện HO qua Mỹ, không dây vào bất cứ cuộc tranh cãi nào về âm nhạc, mặc dù nhạc ông để lại cho đời nhiều dư âm sang trọng.

Từ rất nhỏ, tôi đã nghe nhạc ông: Mấy dặm Sơn khê, Chiều mưa biên giới, Hải ngoại thương ca, Tình cố hương, Khúc Xuân ca... Hồi còn tuổi ấu thơ, hai mẹ con tôi đơn độc trong mái tranh nghèo ở quê cô đơn chiếc bóng để nghe nhạc ông. 

Tôi đã nghe văng vẳng: “Chiều mưa biên giới, anh đi về đâu. Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu. Kìa rừng chiều âm u rét mướt, chờ người về vui trong giá buốt” hay “Lòng trần còn tơ vương khanh tướng, thì đường trần mưa bay gió cuốn, còn nhiều anh ơi” với giọng ngân mượt mà của ca sĩ gốc Huế: Hà Thanh.

Chiều mưa biên giới, bản nhạc để đời đó, và Mấy dặm sơn khê, lại bị cấm cùng với 15 bản nhạc khác, ngay từ thời ông Ngô Đình Diệm vì nó buồn quá và, vì “lưng trời nhớ sắc mây pha hồng” được liên tưởng màu cờ của phía đối phương dù ông đang là cấp bậc sĩ quan của quân lực Việt Nam Cộng Hòa . Cuộc chiến tranh Việt nam, nó phức tạp ngay từ đầu qua số phận một bản nhạc của Nguyễn Văn Đông.

Tôi và vợ tôi, nhiều lần muốn nhờ anh Phan Bá Chức dẫn đến thăm nhạc sĩ, vì lòng tôn trọng và ngưỡng mộ. Anh Chức lại cho biết Nguyễn Văn Đông hiện giờ không muốn tiếp bất cứ ai. 

Ông có vợ là Nguyệt Thu và cùng vợ bán quán giò chả có tên Nhiên Hương trên đường Nguyễn Trọng Tuyển,trong một căn nhà nhỏ xíu được tạo dựng từ đầu những năm 70. Tôi đành nuối tiếc là không được gặp ông, cho đến giờ này, khi nghe tin ông đi về thế giới bên kia.

Đời sống thế tục và đời sống âm nhạc của ông đều đáng ngưỡng mộ. Vĩnh biệt ông, người nhạc sĩ tài hoa đã tự trói mình trong “cô đơn chiếc bóng” đến cuối cuộc đời mình.

FB NGUYỄN CÔNG KHẾ 01.03.2018 (Tựa do Thụy My đặt)


Bổ sung phần bình luận bên dưới của nhà báo Cù Mai Công: Anh Nguyễn Công Khế viết chính xác: "Chiều mưa biên giới, bản nhạc để đời đó, và Mấy dặm sơn khê, lại bị cấm cùng với 15 bản nhạc khác, ngay từ thời ông Ngô Đình Diệm".
 

Mình có lẽ là người làm báo hiếm hoi sau 75 được ông chia sẻ, một chút với điều kiện không công bố trên báo chí. Ngày mai 2-3 đưa ông về cõi Phật, mình vừa ghé thắp nhang và xin ông cho phép nói thêm chi tiết này. 

Chú Đông kể: "Sau vụ đảo chính cuối năm 1960, chính sách kiểm soát văn nghệ có thoáng hơn. Trước đó qua bà Nhu, chính quyền VNCH còn cấm biểu diễn thể hình. Vì vậy, sau khi học khóa Chỉ huy tham mưu ở Mỹ cuối năm 1957, chú về Sài Gòn tham gia ca nhạc đài phát thanh, làm Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn từ 1958. 

Khi làm ở đây, chú hỏi sao hồi đó ở Đồng Tháp Mười tôi gửi mấy bài lên mà đài không duyệt, chắc dở?. Anh em cười, đưa tôi văn bản mật của Bộ Thông tin (VNCH) không cho phổ biến trên đài 17 ca khúc "làm nhụt lòng chiến sĩ",trong đó có hai bài Chiều mưa biên giới, Mấy dặm sơn khê. Thế là chú làm ở đài nhưng cũng không dám cho thu âm mấy bài này. Sau đảo chính 1960, tình hình văn nghệ thoáng hơn, chú mới cho thu âm và phát trên đài. Ngay sau đó, nó có tiếng vang ở nước ngoài..."

Sau này, trước 75, một số nhạc sĩ viết nhạc phản chiến cũng có tác phẩm không được phổ biến như Trịnh Công Sơn chẳng hạn, bằng những văn bản mật (thời nào cũng vậy, hiếm khi người ta công khai cấm tác phẩm văn nghệ vì điều này đồng nghĩa với vi phạm "tự do ngôn luận") của Bộ Thông tin & Chiêu hồi của VNCH (sau này tách Chiêu hồi ra thành một bộ riêng)...

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.