Ân xá Quốc tế : Việt Nam giam giữ gần 100 tù nhân lương tâm
Ảnh chụp màn hình website Amnesty International. |
Theo nghiên cứu mới nhất của Amnesty International (Ân xá Quốc tế), hiện có ít nhất 97 tù nhân lương tâm trong các trại giam ở Việt Nam, đa số phải sống trong các điều kiện tệ hại và bị ngược đãi. Danh sách này được công bố hôm nay 04/04/2018, một ngày trước khi sáu nhà hoạt động bị đưa ra xét xử, trong đó có năm người thuộc Hội Anh Em Dân Chủ.
Ông James Gomez, giám đốc Amnesty International tại Đông Nam Á tuyên bố: « Việt Nam là một trong những nhà tù giam giữ nhiều nhà tranh đấu hòa bình nhất Đông Nam Á – một danh hiệu đáng xấu hổ. Cả 97 tù nhân lương tâm mà chúng tôi biết được là những con người can đảm, đã bị mất đi tự do chỉ vì muốn thúc đẩy nhân quyền. Điều tệ hại nhất là con số này có thể thấp hơn so với thực tế ».
Danh sách 97 tù nhân lương tâm do tổ chức phi chính phủ này đưa ra gồm có các nhà đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và môi trường một cách ôn hòa, các blogger, luật sư; nhiều người bị những bản án nặng nề. Theo Amnesty International, các tù nhân lương tâm bị giam trong những điều kiện tệ hại như biệt giam, bị từ chối cho gặp luật sư và thân nhân; một số bị đánh đập.
Ngày mai 05/04/2018, sẽ mở ra phiên xử sáu nhà hoạt động tại Hà Nội gồm năm thành viên của Hội Anh Em Dân Chủ (Nguyễn Văn Đài, Phạm Văn Trội, Nguyễn Trung Tôn, Trương Minh Đức, Lê Thu Hà) và ông Nguyễn Bắc Truyển. Tất cả đều bị cáo buộc « hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân », và theo Amnesty, có nguy cơ đối mặt với những bản án nặng nề như chung thân, thậm chí tử hình.
Ông James Gomez kêu gọi Việt Nam trả tự do vô điều kiện cho sáu nhà đấu tranh trên, đồng thời phóng thích toàn bộ các tù nhân lương tâm, hủy bỏ các đạo luật hình sự hóa các hoạt động ly khai ôn hòa.
Được biết danh sách tù nhân lương tâm mà Amnesty International thu thập được gồm 40 nhà hoạt động chính trị, xã hội và môi trường, 57 tín đồ các tôn giáo. Về độ tuổi, có hai người dưới 25 tuổi, và 18 người trên 65 tuổi, số còn lại từ 25 đến 64 tuổi.
Post a Comment