Lời ngỏ đầu năm của một công dân Việt Nam

Nguyên Thạch (Quanlambao)
 
Bước vào xuân những ngày đầu của năm 2015, nhân hội nghị trung ương 10, khóa 11 nhằm chuẩn bị nhân sự cũng như chủ trương đường lối để bước vào "Đại hội toàn quốc lần thứ XII" của đảng CSVN. Tôi, một công dân của nước Việt Nam xin được có đôi lời nhằm bày tỏ và dẫn giải những suy nghĩ về hiện tình của đất nước cũng như tương lai của dân tộc.


Những suy tư của cá nhân và cũng có thể là của rất nhiều người bất luận là còn ở trong nước hay đã định cư ở nước ngoài, nếp suy nghĩ này, tôi tự nhủ rằng mình cần phải có thái độ ôn tồn trong sự cố gắng hài hòa về cả tình lẫn lý, không cực đoan, không bảo thủ, không phiến diện... Nói rõ hơn nữa là muốn lấy nguyên tắc bình đẳng giữa người với người để trao đổi và thảo luận những vấn đề hệ trọng của đất nước, của tương lai dân tộc trên tinh thần tôn trọng lẫn nhau.
 
 
Ảnh của Thạch Nguyên.

Có thể tôi hoặc người dân chúng tôi sẽ phải bị rơi vào tình huống sẽ bị xem là những lớp người không quyền hành hay chức vụ, biết là thế nhưng quí vị hãy nhớ lại chính chúng tôi mới là vạn đại, còn quí vị chỉ là nhất thời. Từ chân lý đó, thiết nghĩ quí vị cũng sẽ bình tâm mà cùng nhau trân quí những ý tưởng để đạt đến những kết quả chung tương đối khả quan.
 
Ảnh của Thạch Nguyên.

Tôi xin đi thẳng vào vấn đề, như quí vị đã biết và dĩ nhiên là biết nhiều hơn ai hết rằng đất nước của chúng ta đã và đang lâm vào những tình thế thật sự thê thảm và bi đát dường như đã đến đường cùng. 80 năm cho miền Bắc, 40 năm cho cả nước, ngần ấy thời gian thiết tưởng cũng đã quá đủ cho những tư duy bất khả thi, những huyênh hoang cùng sự hoang tưởng quá độ mà hệ quả là câu trả lời cho thực thể hôm nay.

Sự nguy ngập của hiện trạng đất nước là một thực tế mà mọi người Việt Nam phải can đảm để đối mặt, để cùng nhau chung tay góp sức hầu tìm cho ra được lối thoát và cố gắng dày công xây dựng lại những gì đã mất mát, tổn thất, thua thiệt. Bây giờ không phải là lúc mà chúng ta còn có thể tiếp tục tự huyễn hoặc, tự vẽ vời mơ tưởng để rồi nước đến mũi khiến tất cả không kịp trở tay và sẽ chết ngộp cả chùm.

Là những người trong guồng máy cầm nắm vận mệnh của cả quốc gia, hơn ai hết quí vị đã nhìn thấy và nhận biết rất nhiều, nhiều vô vàn. Từ tham nhũng đã trở thành bất trị, dột từ nóc dột xuống tận sàn. Từ đạo lý suy đồi, bao truyền thống tốt đẹp giờ tưởng như vỡ tan toàn diện, tư cách của dân tộc không còn được nhận lãnh những nét nhìn thiện cảm. Từ ngang hàng hoặc vượt trội lân bang, nay tụt hậu thua sút thảm bại. Từ khoa học kỹ thuật, sản xuất, phát minh, sức cạnh tranh trên trường quốc tế là con số không to tướng. Từ kinh tế lụn bại bởi chủ trương và chính sách hoang đường đầy nghịch lý khiến nợ nần chồng chất và là một gánh nặng cho toàn dân tưởng chừng như không thể nào gánh vác nổi. Và quan trọng hơn hết nền độc lập, sự vẹn toàn lãnh thổ mà bao xương máu của tiền nhân đã dày công gầy dựng để rồi đến thế hệ của chúng ta hôm nay đang lâm vào cảnh nô lệ chư hầu cho Bắc phương, kẻ thù truyền kiếp qua hàng ngàn năm lịch sử.

Trước khi là những người cộng sản, quí vị là những người Việt Nam. Là những Việt, tôi nghĩ rằng trong tận thâm sâu, quí vị không thể tránh khỏi đau lòng. Thế thì tại sao quí vị không lấy đau thương hóa thành căm thù và biến thành sức mạnh để thoát khỏi nanh vuốt của những kẻ bá quyền đầy mưu mô và tham vọng?. Trước tiên là thoát vòng kiềm tỏa cho chính đảng và nhà nước của quí vị và cho cả khối hơn 90 triệu người dân máu mủ ruột thịt, có cùng chung niềm vui nỗi buồn của đất nước đang khao khát thoát Trung. Không lẽ nào quí vị không thấy được cảnh sinh hoạt ở Tân Cương, Nội Mộng và Tây Tạng?.

Vẫn biết rằng chính cái CƠ CHẾ đã trói cả tư duy lẫn thể lực nhưng có bao giờ tất cả quí vị đồng tâm vứt bỏ nó để tự tìm lối thoát cho bản thân mình, cho dân tộc mình?. Nếu quí vị thật sự là những người thông minh gan dạ thì tại sao không sáng tạo những cao kiến và cương quyết hành động?.
 
Ảnh của Thạch Nguyên.

Thiết nghĩ 40 năm đã trôi qua, đất nước đã không khá gì hơn ngoài những mớ bèo nhèo vô vọng, không lối thoát thì cho dẫu có thêm 40 năm nữa cũng chỉ ngày càng tụt lùi, lệ thuộc hơn nữa mà thôi. Qua "Mật Nghị Thành Đô 1990", qua những vụ việc Hoàng Trường Sa và biển Đông với cái gọi là "Đường lưỡi bò - Chín đoạn", qua "bài học 79", "dằn mặt 88" Gạc Ma, dàn khoan HD-981, Beauxite, rừng biên giới, những diễn tiến vào năm 2020 cùng những gì sẽ xảy ra trước đó và sau đó, tất cả không tìm thấy những tia sáng tương lai mà ngược lại là cả vòm trời đen tối để cuối cùng là bị mất nước.

Chúng tôi không nghĩ là quí vị sẽ không đau lòng cũng như không khổ tâm mà ngược lại, cũng như chúng tôi, nghĩa là rất lo sợ và tận cùng đau đớn khi nhìn đất nước ngàn năm rơi vào tay giặc.
 
Ảnh của Thạch Nguyên.

Trước hoạn nạn đó, chúng ta phải làm sao?. Một câu hỏi rất đơn giản những vô cùng nan giải. Tuy nhiên, không phải là chúng ta không thể thực hiện được. Nhằm giải tỏa vấn đề, từ hội nghị 10 này, quí vị hãy sắp xếp thật chu đáo vấn đề nhân sự, hãy chọn lựa bầu bán những người có chung sự đồng cảm về những kế sách cho tương lai, hãy loại trừ những tay bảo thủ và nội gián hầu tiến đến những đồng thuận cao nhất và sẽ và thực hành những chỉ thị sau "Đại hội XII".

Sẽ không có sự tranh giành về quyền hành điều khiển quốc gia mỗi một khi toàn dân nội ngoại thấy rằng người điều hành guồng máy là những nhân tố thực tâm dứt khoát từ bỏ đường lối, sách lược cũ và cương quyết hướng về Dân Chủ, Tự Do, Nhân Bản và hưng thịnh.

Chúng tôi là những trí thức, nông công nhân, sinh viên học sinh nơi quốc nội đầy năng lực và khối chất xám cùng với tinh thần vì quốc gia cao độ. Ở hải ngoại, chúng tôi là những chuyên gia, Tiến sĩ, Bác sĩ, Kỹ sư hoặc khối chuyên viên có tri thức, kinh nghiệm và tay nghề cao ở các quốc gia tiên tiến, là những công dân sở tại, có cuộc sống sung túc và cơ ngơi vững vàng sẽ góp sức tối đa cùng toàn dân xây dựng lại một Việt Nam vững mạnh dân chủ và phồn thịnh.

Với những điều kiện vừa nêu trên, với khối nhiệt tình cùng sự khao khát cho một Việt Nam Tự Do không cộng sản, không nô Tàu, thiết nghĩ chúng ta có thể làm được hai việc hệ trọng, vừa thoát được thể chế mà thế giới văn minh đã vứt nó vào sọt rác, vừa gầy dựng lại đất nước trong niềm tin xán lạn.

Đây là những vấn đề hệ trọng trên tinh thần yêu Quê Hương, yêu Tổ Quốc mang tính tồn vong của một đất nước, nó không hề hàm chứa ý niệm "xin cho" hay thư kiến nghị. Mong rằng quí vị những người đang cầm nắm vận mệnh của cả dân tộc bình tâm suy nghĩ sắp xếp lại toàn bộ vấn đề và sáng suốt, can đảm cùng toàn dân thực hiện. Nguyện cầu ơn trên phò trợ cho quí vi trên con đường đi đến thành công. Nguyện cầu cho dân tộc trường tồn.



 


No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.