Những kẻ thực thi pháp luật lại là những kẻ chà đạp lên luật pháp
Tỉnh Nghệ An (quê hương Bác Hồ) lại tiếp tục là điểm nóng khi sáng thứ sáu 26/1 cảnh sát cơ động được điều đến để cưỡng chế đất của 54 hộ gia đình xã Nghi Kim, thành phố Vinh. Dù người dân không đồng ý với việc đền bù giải tỏa, nhưng lực lượng “công an nhân dân”(!) vẫn xuống tay rất “cương quyết, “khôn khéo”, đúng với lời Bác dạy là “đối với địch, phải cương quyết, khôn khéo”. Ở đây “địch” chính là “dân”. Bỏ qua lời Bác dạy: "Đối với nhân dân phải kính trọng,lễ phép" - (?!).
Trước đó, thứ năm 25/1, dự kiến tòa án tỉnh Nghệ An sẽ xử hai anh Hoàng Bình và Nguyễn Nam Phong về tội “chống người thi hành công vụ” và “lợi dụng quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích nhà nước”. Hai anh đã cùng với người dân đi khiếu kiện Formosa vì đã gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Hành vi đi kiện Formosa ra tòa thật ra rất văn minh, đúng với tư tưởng pháp quyền là giải quyết tranh chấp dựa trên pháp luật chứ không phải bạo lực. Tuy nhiên, khi các luật sư bào chữa và đông đảo người dân kéo tới phiên tòa thì tòa lại ra tuyên bố hoãn tới ngày 6/2/2018.
Đáng nói là tối thứ tư 24/1, chị Đỗ Thị Minh Hạnh, là người trong tổ chức xã hội dân sự Phong trào Lao Động Việt cùng với anh Hoàng Bình, khi đi máy bay từ Sài Gòn tới Vinh đã bị an ninh hành hung tại sân bay Vinh, cướp điện thoại rồi nhúng vào nước, và ép Minh Hạnh phải lên máy bay quay lại Sài Gòn.
Dù không phải là luật sư, nhưng chắc mọi người có thể dễ dàng chỉ ra nhà cầm quyền, mà đại diện là an ninh Nghệ An, đã vi phạm pháp luật nghiêm trọng, có thể bị truy tố về các tội sau: cố ý gây thương tích, bắt giữ người trái luật, cản trở quyền tự do đi lại của công dân, cướp tài sản, hủy hoại tài sản.
Quy định “có một không hai” của Trung ương đảng cầm quyền
Thật vậy, nếu có hệ thống tòa án độc lập thì những người phải hầu tòa chính là giới lãnh đạo cộng sản cầm quyền chứ không phải là những nhà hoạt động môi trường như anh Hoàng Bình và anh Nguyễn Nam Phong. Đó là lý do mà Trung ương đảng cộng sản ra quy định 102 (nghĩa là “có một không hai” trong lịch sử nhân loại) cấm đảng viên cộng sản không được đòi “tam quyền phân lập” – thiết chế chính trị văn minh nhất của nhân loại để ngăn ngừa những kẻ cai trị lạm quyền.
Nhắc đến tội hủy hoại tài sản mới nhớ tới người dân Đồng Tâm, Hà Nội bị công an Hà Nội khởi tố vụ án “bắt giữ người trái luật và hủy hoại công sản”, đồng thời cho rằng quyết định chiếm đất của Bộ Quốc phòng ở Đồng Tâm là đúng. Người dân Đồng Tâm đã gửi thư ngỏ và đơn khiếu nại đến Trung ương Đảng, Chính phủ và Quốc hội vào ngày 24/1.
Nhiều người nhận định, việc gửi đơn thư này là vô ích. Vụ việc ở Đồng Tâm đã nổi tiếng cả thế giới nên chắc chắn các lãnh đạo trung ương, từ Nguyễn Phú Trọng trở xuống đều biết. Nhưng các lãnh đạo đó đã bất chấp công lý và đạo lý để tiếp tục hợp pháp hóa việc chiếm đất, thì trông mong gì đến chuyện họ sẽ mủi lòng mà đọc đơn thư.
Bao nhiêu người dân bị cướp đất đã phải ăn nằm chầu chực trước cửa nhà các vị lãnh đạo đó mong được cứu xét nhưng kết quả là bị an ninh đánh bầm dập. Tôi còn nhớ việc nhiều người dân oan tới kêu với ông Đinh La Thăng khi ông là Bí thư Thành ủy tpHCM vì hi vọng ông là người dám nói dám làm, giải quyết vụ việc nhanh chóng. Nhưng những người dân tội nghiệp đó vẫn bị “công an nhân dân” “chỉ biết còn đảng còn mình” đánh đập tàn bạo.
Chủ trương, chính sách ở trên sai và ở dưới làm đúng cái sai đó
Nếu có tòa án độc lập thì những điểm nóng như Đồng Tâm hay Formosa có thể hóa giải dễ dàng. Tòa án độc lập sẽ phán xét công tâm đúng pháp lý, hợp đạo lý xem ai đúng ai sai, đưa ra kết quả để ai cũng phải tâm phục khẩu phục, từ đó tạo sự ổn định xã hội. Thế nhưng Trung ương đảng cộng sản là nơi mà người dân Đồng Tâm gửi đơn thư, lại là những người căm ghét tòa án độc lập, căm ghét công lý, muốn tạo bất ổn xã hội nhất qua quy định 102.
Dù vậy, người dân Đồng Tâm vẫn cần phải gửi đơn thư và lên tiếng cho cả nước, cũng như thế giới biết về tình trạng bất công ở Việt Nam. Như thế, sẽ không còn những ngụy biện như “chủ trương, chính sách ở trên đúng nhưng dưới làm sai”. Sự thực là “chủ trương, chính sách ở trên sai và ở dưới làm đúng cái sai đó”. Chủ trương, chính sách nhất quán đó là “bóc lột dân, đàn áp dân”.
Tôi biết một thầy giáo vì chống tiêu cực mà bị trù dập, thế nhưng trước sau bác ấy vẫn khăng khăng một lòng tin vào Trung ương đảng cộng sản, cho rằng chỉ có cấp dưới làm sai. Những sự việc như Đồng Tâm gửi đơn thư hay nhà cầm quyền đàn áp người dân khiếu kiện Formosa rồi sẽ khiến những người như thầy giáo đó được “sáng mắt, sáng lòng”.
Chính vì không có tòa án độc lập nên người dân cả nước chỉ trông mong vào sự sáng suốt của kẻ cai trị độc tài. Tiếc thay, thực tế lại như một câu vè hiện đại “mấy đời bánh đúc có xương, mấy đời cộng sản mà thương dân lành”.
Thật vậy, Kiểm toán Nhà nước mới vừa công bố kết luận cho thấy chính sách của liên bộ Công thương – Tài chính đã giúp các công ty xăng dầu chủ yếu là quốc doanh “móc túi” người dân ít nhất là 3.300 tỷ đồng. Đúng là đỉnh cao của nghệ thuật cướp!
“Bác Trọng” hay “bác Hồ”?
Trịnh Xuân Thanh cũng biết rõ số phận mình phụ thuộc vào ý chỉ của nhà cai trị độc tài nên ra tòa chỉ mếu máo xin “bác Trọng” tha tội chứ cũng chẳng thèm năn nỉ thẩm phán.
Với quan điểm của một đảng viên cộng sản trung kiên, Trịnh Xuân Thanh quả thật rất xấc láo. Từ 1945 tới nay đất nước Việt Nam này chỉ có một “Bác”, đó là “Bác Hồ”, và “Bác Hồ sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta”, ngoài ra không có “Bác” nào hết.
Trịnh Xuân Thanh đi xin lỗi “bác Trọng” mà không xin lỗi “Bác Hồ” là không coi “Bác Hồ” ra gì. Tội của Trịnh Xuân Thanh rất lớn, đó là xúc phạm lãnh tụ Hồ Chí Minh, hết sức “phản động”.
Thêm một “bác Trọng” vào cạnh “Bác Hồ” sẽ khiến người dân cả nước tốn kém nhiều nữa để tổ chức các cuộc vận động học tập và làm theo tấm gương đạo đức “bác Trọng”, in sách báo nói về tư tưởng “bác Trọng”, đúc tượng, thậm chí còn xây lăng cho “bác Trọng”…
Ở Trung Quốc, tư tưởng của “Tập đại đại” (bác Tập Cận Bình) đã được Trung Cộng đưa lên ngang hàng với tư tưởng bác Mao [Trạch Đông] thì ở Việt Nam tại sao lại không được?
Dân chủ hóa là con đường đúng đắn duy nhất
Viết đến đây tôi nghe thấy tiếng còi xe inh ỏi của những thanh niên đi bão mừng đội tuyển U23 Việt Nam đứng nhì châu Á. Họ vui mừng cũng là điều đúng thôi, nhưng có bao nhiêu người trong số họ biết buồn khi thấy ông Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch – Đầu tư cho biết vào ngày 11/1/2018: “Trong khu vực, chúng ta chỉ còn hơn Lào, Campuchia. Nếu thu nhập bình quân mỗi năm chỉ tăng có 170 USD như năm 2017, không biết bao giờ Việt Nam mới đuổi kịp các nước.”
Tôi xin trả lời ông Dũng “ngay và luôn”: không bao giờ Việt Nam đuổi kịp các nước “dân chủ, công bằng, văn minh” khác, chừng nào chế độ chính trị thực sự “của dân, do dân, vì dân” chưa được thiết lập trên đất nước này. Quãng thời gian gần nửa thế kỷ tính từ năm 1975 đã quá đủ để giới lãnh đạo cộng sản thể hiện khả năng lãnh đạo “sáng suốt, tài tình” rồi.
Trung Nguyễn/(Tiếng Dân)
Post a Comment