Quái thủ trong cách tham ô của Trịnh Xuân Thanh
Bị cáo Trịnh Xuân Thanh tại tòa. (Ảnh: TTXVN) |
Để chuyển 19 tỷ đồng chênh cho Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng, đối tác phải nhờ môi giới Đặng Sĩ Hùng nói với bà Hương nhận và chuyển hộ. Tinh vi đến mức quái thủ.
Trong phiên tòa xử bị cáo Thanh và đồng bọn, sáng 28/1/2017, HĐXX đã đột ngột tạm nghỉ để làm rõ, có xung công quỹ số tiền 19 tỷ đồng mà Đinh Mạnh Thắng và Trịnh Xuân Thanh đã nhận và trả lại hay không. Vậy đâu là lý do?
Để trả lời câu hỏi này, cần điểm lại đường đi của những đồng tiền tham ô đến tay ông Trịnh Xuân Thanh.
Càng đọc kỹ hồ sơ cũng như diễn biến tại hai phiên tòa xét xử ông Trịnh Xuân Thanh, chúng ta càng hiểu hơn sự lòng vòng, mà đúng hơn là sự tinh quái của ông Trịnh Xuân Thanh trong cách thức tham ô.
Với vụ án cố ý làm trái và tham ô xảy ra tại PVN, ông Thanh không phải vô cớ thẳng thừng chối tội nhận 4 tỷ đồng tiêu Tết. Bởi Thanh không có một chỉ đạo nào cụ thể và cũng không hề nhận tiền trực tiếp từ bất cứ một thuộc cấp nào, tất tật đều thông qua lái xe.
Nhưng trong vụ án tham ô xảy ra tại PVP Land đang được xét xử cho thấy rõ hơn sự tinh quái của ông Thanh trong cách moi ruột ngân khố.
PVP Land là một trong 5 cổ đông của công ty Cổ phần dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương (công ty Xuyên Thái Bình Dương) – đơn vị được cấp giấy phép xây dựng dự án tổ hợp công trình Nam Đàn Plaza ở Hà Nội. Trong đó PVP Land có số cổ phần lớn nhất, chiếm tỉ lệ chi phối: 50,5 %. Và PVP Land là một thành viên của PVC – nơi Trịnh Xuân Thanh làm Chủ tịch.
Ông Lê Hòa Bình – Chủ tịch HĐQT công ty 1.5, đã ký kết hợp đồng đặt cọc mua toàn bộ dự án này từ cả 5 cổ đông của công ty Xuyên Thái Bình Dương với giá 52 triệu đồng/m². Dù 4 cổ đông khác bán đúng giá nêu trên, thì riêng PVP Land lại… hạ giá xuống 32 triệu đồng/m2 để ăn chênh lệch tới 18 triệu đồng/m2.
Để thực hiện việc này, ông Thanh không chỉ đạo trực tiếp thuộc cấp mà thông qua một số trung gian. Trong số đó có ông Đinh Mạnh Thắng và bà Thái Kiều Hương (Phó Tổng giám đốc công ty Vietsan- một trong 5 cổ đông của công ty Xuyên Thái Bình Dương). Nhờ làm trung gian, Đinh Mạnh Thắng đã được “hoa hồng” 5 tỷ đồng.
Điều quái nhất của ông Thanh là cách chỉ đạo bán hạ giá và nhận tiền đều qua bà Thái Kiều Hương. Lẽ thông thường, số tiền chênh lệch phải được chuyển từ bên mua cho bên bán, nhưng không, bên mua là ông Lê Hòa Bình, thông qua Cty Minh Ngân đã chuyển tiền 19 tỷ đồng vào công ty Vietsan cho bà Hương. Thậm chí, để chuyển số tiền này cho bà Hương, ông Bình lại phải nhờ trung gian Đặng Sĩ Hùng nói với bà Hương nhận và chuyển hộ cho Thanh và Thắng. Tinh vi đến mức quái thủ.
Và vì làm trung gian việc chuyển 19 tỷ đồng cho Thanh và Thắng, bà Thái Kiều Hương đã trở thành… bị cáo trong vụ án này.
Khi cơ quan cảnh sát điều tra khởi tố vụ án, Trịnh Xuân Thanh và Đinh Mạnh Thắng đã trả lại ngay tiền cho bà Hương với hy vọng thoát tội. Vì vậy, bị cáo Thanh vẫn trơ trẽn nói trước tòa: “Bị cáo đã trả tiền cách đây 8 năm, không tuyên dương thì cũng phải khuyến khích, một Doanh nghiệp nhận và trả lại tiền mà không ai biết, đến bây giờ lại đề nghị xử bị cáo mức án chung thân thì rất vô lý”.
Chẳng lẽ, bị cáo Thanh vẫn muốn lấy những giọt nước mắt của những người theo dõi phiên tòa? Chỉ cần ông Thanh và Thắng trả lời câu hỏi: Nếu cơ quan Cảnh sát điều tra không khởi tố vụ án, ông Thanh và ông Thắng có trả lại 19 tỷ đồng cho đối tác?
Vương Hà /(Người Đưa Tin)
Post a Comment