Việt Nam: Bài toán phát triển công nghiệp & ô nhiễm môi trường

Mai Thanh Truyết (Danlambao) - Nhìn lại bối cảnh Việt Nam trong thiên kỷ thứ ba, chúng ta thấy rằng, mặc dù có nhiều cố gắng trong việc giải quyết những vấn đề của đất nước, Việt Nam vẫn còn lúng túng trong những toan tính giải quyết cùng một lúc những nhu cầu của Đất và Nước. Do đó, Việt Nam hiện đang đứng trước hai nhu cầu cấp bách của đất nước:

- Nhu cầu phát triển công nghệ sản xuất để sinh tồn;

- Nhu cầu giải quyết các phế phẩm để làm sạch môi trường do nhu cầu phát triển trên tạo ra.

Nhu cầu giải quyết nạn nhân mãn hay hạn chế sinh sản không được đề cập đến trong bài này mặc dù đó là một vấn đề bức thiết cần được lưu tâm và giải quyết ưu tiên.

Vấn đề là làm thế nào để có một cân bằng hài hòa cho hai nhu cầu trên.

Nếu đặt trọng tâm vào nhu cầu phát triển và coi nhẹ nhu cầu giải quyết môi trường sẽ là một đại nạn cho Việt Nam trong một tương lai rất gần. Và nếu làm như thế, thế hệ con cháu chúng ta sẽ nguyền rủa chúng ta đã không những làm cạn kiệt tài nguyên của đất nước mà còn hủy hoại môi trường sống của thế hệ tương lai.

Trái lại, nếu đặt ưu tiên hàng đầu cho việc bảo vệ môi sinh và làm chậm mức phát triển thì sẽ không đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân và đất nước sẽ khó phát triển đúng đắn.

Tiếc thay, ngay từ khi bắt đầu mở cửa năm 1986 trở đi, Cộng sản Việt Nam đã chọn con đường đầu tiên. Và đó cũng là một điều bất hạnh cho đất nước sau… 32 năm… đi lạc đường!

1. Đất nước Việt Nam 

Việt Nam là một nước đặt trọng tâm vào nông nghiệp và các công nghệ biến chế nông phẩm và lương thực. Kỹ nghệ dầu hỏa và biến chế dầu còn đang ở trong giai đoạn thô sơ ở mức khai thác dầu thô và công cuộc tinh chế dầu và công nghệ hóa chất chuyển hóa từ dầu vẫn còn nằm trong những dự án, và chỉ mới bắt đầu bằng những bước căn bản của kỹ nghệ hóa dầu như: sản xuất, cồn (rượu ethylic), hexane, benzen, butane v.v…

Các công nghệ hóa chất như acid sulfuric, chlorhydric, sút, acetylene, và một số hóa chất căn bản khác trong kỹ nghệ vẫn còn trong tình trạng sản xuất cá thể chưa tập trung vào các quy mô lớn... Công nghệ chế biến cao su cũng còn ở mức ban đầu và chưa có những công nghệ cao cấp để cho ra những thành phẩm sau cùng (final product) cho nhu cầu xã hội. Công nghệ dược phẩm vẫn còn ở mức nhập cảng thành phẩm với khối lượng lớn để rồi pha trộn thành dược liệu và cung cấp cho thị trường.

Thêm nữa, sự phân bố các công nghệ kể trên không đồng bộ và không chia đề trên bình diện quốc gia. Nội trong bốn tỉnh thành Sài Gòn, Đồng Nai, Bình Dương, Bà Rịa-Vũng Tàu là vùng có nhiều công nghệ nhất nước.

Trong vùng nầy có 30.000 cơ sở sản xuất công nghiệp cá thể và 130 khu công nghiệp, khu liên hợp, và khu chế xuất, chiếm 70% tổng sản lượng trên toàn quốc. 

2. Phát triển công nghiệp sản xuất

Do việc tập trung công nghệ và chưa có một chính sách rõ ràng (hay chưa được chấp hành nghiêm chỉnh!) mức độ ô nhiễm ở các vùng nầy đã vượt khỏi mức báo động từ lâu. Với ước tính trên 500 tấn rác dân chúng đổ thẳng xuống kinh rạch cộng với nước thải từ khu chế công nghiệp Biên Hòa đổ ra ở phường An Bình, chỉ cách nguồn cung cấp nước của nhà máy nước chưa đầy 3km làm cho dân chúng trong vùng luôn sống trong tình trạng ô nhiễm trầm trọng.

Cho đến nay, bộ phận thanh lọc các phế thải kỹ nghệ trong các nhà máy chỉ được một vài công ty ngoại quốc hay liên doanh (jointventure) thiết kế và chấp hành nghiêm chỉnh còn tuyệt đại đa số các công ty quốc doanh và cá thể đều không trang bị hệ thống thanh lọc phế thải rắn, lỏng, và khí; hoặc nếu có là chỉ để che mắt các cơ quan kiểm soát môi trường mà thôi. 

- Một thí dụ điển hình là nhà máy sản xuất bột ngọt Vedan, Biên Hòa, có nhà máy "xử lý" phế thải lỏng, nhưng chỉ dùng để phô trương những khi có thanh tra. Ngoài ra, nhà máy có những đường ống đặc biệt xả thải hàng ngày chảy thẳng vào sông Đồng Nai. Tính đến nay, từ năm 1997 (chỉ 3 năm sau khi bắt đầu đi vào hoạt động) cho đến 2016, nhà máy đã "chính thức" bị 6 lần vi phạm bị bắt tại trận, thế mà nhà máy vẫn nhận được huy chương và bằng khen sản xuất tốt! 

- Một thí dụ thứ hai là Khu liên hợp Đa Phước, hàng ngày tiếp nhận trên 3.000 tấn rác của thành phố Sài Gòn, nhưng chỉ có một nhà máy "xử lý" nước rỉ (leachate) với đường ống dẫn nước đã thanh lọc bằng thủy tinh có đường kính là 1in. (tức 2,5 cm)!

Theo ước tính, với 7 triệu tấn rác hiện có, hàng ngày 1 tấn rác có thể phân hủy và sinh ra khoảng 10 lít nước rỉ. Vậy với dung lượng trên, bãi rác sẽ thải hồi 70.000.000 (70 triệu) lít nước rỉ. Nhìn bồn chứa, khó có thể hình dung được dung tích của bồn có khả năng dung chứa một số lượng nước rỉ lớn như vậy! Năm 2017, khi ông "đỡ đầu" Bí thư thành ủy ra Bắc, ông TGĐ cũng chạy về Hoa Kỳ, và nhà máy đang nằm trong tình trạng bị đóng cửa.

3. Con đường Việt Nam "phải" đi

Qua các nhận định trên, con đường Việt Nam phải đi là làm thế nào dung hòa được việc tăng gia phát triển công nghiệp và cân bằng với việc bảo vệ môi trường. Do đó, yêu cầu cần có một cân bằng cho hai nhu cầu phát triển công nghệ và giải quyết ô nhiễm môi trường ngày càng cấp bách hơn.

3.1- Trước hết, việc phân vùng phát triển công nghệ cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng để tránh việc phân vùng không hợp lý tạo nên sự bất cân đối trong phát triển như trong trường hợp các khu công nghiệp của các tỉnh thành vừa nêu trên. Việt Nam đã có những cố gắng trong vấn đề nầy như việc thiết lập hai khu chế biến công nghệ dầu hỏa ở Dung Quất (Quảng Ngải) và ở Thanh Hóa. Việc nầy có thể đem lại quân bình lao động và sản xuất nhưng về hiệu quả kinh tế thiết nghĩ cần phải xét lại vì cơ sở chế biến quá xa so với nơi sản xuất dầu khí và hệ thống giao thông cùng tiếp liệu quá tốn kém!

3.2- Việc tập trung công nghệ cần phải được nghiên cứu kỹ lưỡng, cũng như đừng để cảnh trăm hoa đua nở trong việc chấp thuận giấy phép thành lập một cơ sở sản xuất: nhà máy chế biến thực phẩm nằm cạnh nhà máy hóa chất như trường hợp ở khu chế xuất Sông Bé, Đông Đô Đại Phố, Bình Dương v.v… Việc thiết lập một nhà máy mới cần phải có nghiên cứu rành mạch về các ảnh hưởng tác hại môi trường (Environmental Impact Assessment - EIA) trước khi được xây dựng.

3.3- Sau hết để đáp ứng nhu cầu phát triển cần phải có máy móc bị du nhập từ ngoại quốc để thực thi các công nghệ sản xuất. Đây là vấn đề cốt lõi trong giai đoạn tiền phát triển này. Mọi quyết định sai lầm đều có thể đưa đến hậu quả không thể lường được. Cần phải có một tính toán trong tinh thần yêu nước tuyệt đối, không để các yếu tố khác sản sinh từ ước vọng phúc lợi riêng cho cá nhân ảnh hưởng lên những quyết định có tầm vóc quốc gia. Muốn được như thế, sự du nhập thiết bị cho công nghệ phát triển cần phải hội đủ những yếu tố sau đây:

Cần tránh nhập cảng:

- Những công nghệ đã bị phế thải trên thế giới (obsolete technology);

- Công nghệ có chu trình sử dụng ngắn hạn (short life cycle);

- Công nghệ bất tương xứng so với công nghệ sẳn có trong nước (incompatible);

- Và nhất là những công nghệ tác hại đến môi trường (environmental unfriendly). 

Để đạt được những yêu cầu trên nhà dự phóng phát triển công nghệ lý tưởng cho tương lai của Việt Nam cần phải có:

- Sự hiểu biết kỹ thuật và tình hình công nghệ trên thế giới để khỏi bị lừa do những tài phiệt ngoại quốc thiếu lương tâm;

- Thận trọng trong việc thu nhận các tài khoản viện trợ của quốc tế vì phần lớn họ chỉ muốn viện trợ những thiết bị độc quyền (để gây áp lực và bắt chẹt chính quyền) hay thiết bị sắp phế thải (để tống khứ bị ra khỏi nước);

- Tâm và ý trong sạch trong việc phục vụ đất nước để khỏi bị ảnh hưởng kim tiền làm sai lệch quyết định;

- Và sau hết cần phải suy nghĩ thật sâu trong việc cân bằng bài toán phát triển và môi trường.

Nếu nặng lo về phát triển để giải quyết những nhu cầu cấp bách trước mắt và nhẹ về giải quyết lý ô nhiễm môi trường thì sẽ đưa đất nước gần đến hố diệt vong.

Nếu nặng lo về bảo vệ môi sinh và nhẹ về phát triển là không tưởng vì không đủ nguồn vốn và không giải quyết được vấn đề mưu sinh tối thiểu cho người dân.

Do đó, việc cân bằng bài toán phát triển và môi trường phải là một tập hợp của nhiều trí tuệ sáng suốt và phải dựa trên chánh đạo nhằm mục đích phục vụ đất nước chứ không vì đảng hay nhóm.

Nếu không có những điều kiện kể trên thì sẽ khó có thể có được một giải đáp hài hòa cho bài toán cân bằng nầy được.

4. Những vết xe đổ trong quá khứ và hiện tại

Xin đan cử ra đây một vài thí dụ khác về một lối giải quyết phát triển kinh tế có tính cách nhất thời và hủy diệt môi trường một cách tệ hại. 

4.1- Thí dụ thứ nhất: Đồng bằng sông Cửu Long hiện đang bị nhiễm mặn trầm trọng, nước mặn ngày càng lấn sâu vào đất liền vì nhiều nguyên do khác nhau. Nhưng lý do chính yếu là do việc thiết lập các đập thủy điện trên thượng nguồn do Trung Cộng làm cho mực nước sông xuống thấp và không đủ lưu lượng để đuổi mặn trong mùa khô. Nhưng đứng trước nhu cầu xuất khẩu tôm cá, vì cần ngoại tệ, CSBV qua địa phương và trung ương khuyến khích việc chăn nuôi thủy sản nầy. Từ đó, dân chúng đổ xô vào khả năng kinh tế có lợi nhuận to lớn mà tự do khai mương mở rạch để dẫn nước mặn sâu vào nội địa và khai khẩn việc nuôi tôm. Việc làm nầy trước mắt tuy có đem lại phúc lợi cho người dân và nhà nước, nhưng trong dài hạn sẽ là một đại nạn cho toàn vùng... Nước biển sẽ mang nguồn sulfite từ biển vào sâu trong đất liền, và sẽ làm tăng lượng acid sulfate trong đất. Và chất sau này có thể là một trong những nguyên nhân phóng thích arsenic, một nguyên tố cực độc, vào nguồn nước sinh hoạt của dân chúng trong vùng.

4.2- Thí dụ thứ hai: Nhằm đẩy mạnh xuất khẩu để có thêm ngoại tệ, nhà cầm quyền CSVN khuyến khích việc tăng gia diện tích trồng cà phê. Và dân chúng đổ xô vào việc phá rừng để trồng cây công nghiệp cho nhiều năng suất nầy. Rừng bị phá không theo một quy hoạch hay điều nghiên nào. Nhiều nơi trên vùng cao nguyên vì thiếu nước tưới tiêu trong mùa khô mà một số nông trại bị thiệt hại trắng! Thêm nữa, vì nạn phá rừng bừa bãi, lớp đất mặt không có nơi tựa nhờ vào các rễ cây rừng, cho nên bị xói mòn trong mùa mưa và đất trở thành chai mòn không thể khai khẩn được trong vài mùa sau đó!

4.3- Thí dụ thứ ba: Vì nhu cầu điện khí hóa nông thôn, CSVN đã ưu tiên đầu tư vào việc nhập khẩu thiết bị cần thiết cho việc xây đập thủy điện từ 30 năm qua. Và vì không điều nghiên kỹ lưỡng tác hại môi trường của đập thủy điện cũng như không học hỏi kinh nghiệm của các quốc gia đi trước, Việt Nam đã có một lực lượng lao động đáng kể cho công nghệ nầy và một số thiết bị lỗi thời... Tệ hại hơn nữa, để giải quyết vấn đề lao động, CSVN quyền đã cho xây cất nhiều đập thủy điện ở miền Trung là nơi có những con sông với độ dốc thấp không thích hợp cho việc xây đập! Việc làm nầy đã gây di hại lớn là nhiều nơi không còn đủ nước để trồng trọt cho vùng trên.

4.4- Thí dụ thứ tư: Thiết lập hệ thống nhà máy đường từ năm 2000 do máy móc và phụ tùng phế thải hoặc công nghệ lạc hậu do TC cung cấp với kinh phí trên 4 tỷ Mỹ kim từ Bắc chí Nam như:

- Các nhà máy đường tại Miền Bắc: Sơn Dương, Tuyên Quang, Cao Bằng, Sơn La, Hòa Bình, Lam Sơn, Việt - Đài, Nông Cống; 

- Các nhà máy đường tại Miền Trung: Nghệ An - Tate & Lyle, Sông Lam, Sông Con, Quãng Bình, Phổ Phong - Quãng Ngãi, An Khê - Quãng Ngãi, Bình Định, Phú Yên, Tuy Hòa, Ninh Hòa, Khánh Hòa, Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắc, Đắc Nông, Phan Rang, Sugar VN;

- Các nhà máy đường tại Miền Đông Nam Bộ: La Ngà, Bourbon Tây Ninh, Biên Hòa, Biên Hòa - Trị An, Biên Hòa - Tây Ninh, Nước Trong;

- Các nhà máy đường tại ĐBSCL: Hiệp Hòa, Sóc Trăng, Bến Tre, Phụng Hiệp - Cần Thơ, Vị Thanh - Cần Thơ, Long Mỹ Phát, Tây Nam - Kiên Giang, Tây Nam - Cà Mau, Trà Vinh, Vĩnh Long.

Ngần ấy nhà máy được xây dựng trong thập niên 2000. Cho đến nay, có thể nói trên 80% số nhà máy trên bị bỏ hoang vì được xây dựng trên những mãnh đất "chó ăn đá gà ăn muối" làm sao có đủ lượng mía để vận hành nhà máy!

4.5- Thí dụ thứ năm: Hệ thống nhà máy nhiệt điện. Theo thống kê của Viện Nghiên cứu cơ khí (Bộ Công Thương) được công bố hồi đầu tháng 4/2014, Việt Nam hiện có 20 dự án nhiệt điện thì có 15 công trình được phía Tàu cộng làm tổng thầu. Số liệu của Ủy ban Tài chính và Ngân sách Quốc hội công bố trước đây cũng cho thấy, tính đến năm 2010, có đến 90% các dự án tổng thầu EPC (tư vấn, thiết kế - cung cấp thiết bị - xây lắp, vận hành; hay nói cách khác là thực hiện dự án theo phương thức chìa khóa trao tay) của Việt Nam do nhà thầu TC đảm nhiệm, trong đó chủ yếu là dầu khí, hóa chất, điện, dệt kim. 


Trong số này, các doanh nghiệp đến từ bên kia biên giới thực hiện tới 30 dự án trọng điểm quốc gia, trong đó có nhiều dự án “tỷ đô” của ngành điện. Tàu cộng quyết định đóng cửa hàng loạt nhà máy nhiệt điện chạy than trong cả nước. Nguyên nhân là do lượng khí thải từ những nhà máy này gây ô nhiễm môi trường đến mức báo động. Thế nhưng ở Việt Nam, rất nhiều dự án xây dựng nhà máy nhiệt điện than với quy mô hàng chục tỷ USD lại được phê duyệt rầm rộ, đặc biệt là những dự án này đều do Tàu cộng đầu tư. Dưới đây là hàng chục dự án lớn tại Việt Nam, do nhà thầu TC đảm nhận vai trò chính hiện nay:

* Trung tâm nhiệt điện Long An (xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc tỉnh Long An, sát với TP. HCM);

* Nhà máy nhiệt điện Quảng trạch 1 (chủ đầu tư dự án là Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) với vốn gần 2 tỷ USD);

* Nhà máy nhiệt điện Quảng Trạch 2 (sẽ được xây dựng năm 2019);

* BOT nhà máy nhiệt điện Vũng Áng 2 (vốn đầu tư khoảng 2.2 tỷ USD);

* Dự án BOT nhà máy nhiệt điện Nghi Sơn 2 (có vốn đầu tư 2.3 tỷ USD);

* Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân I và II.


Chưa kể hiện nay cả nước có khoảng 20 nhà máy nhiệt điện (riêng đồng bằng sông Cửu Long có 14 nhà máy - khoảng 10 nhà máy do TC đầu tư), dự kiến đến năm 2030 cả nước sẽ có 80 nhà máy nhiệt điện than du nhập từ TC.

Chúng ta đã biết nhà máy nhiệt điện than gây ô nhiễm môi trường hạt bụi li ti PM4 (4ug) tạo ra sương mù, thậm chí là mưa a xít... Theo nghiên cứu của nhóm độc lập cho biết: số người chết do điện than bằng gần nửa số chết do tai nạn giao thông. Con số người chết yểu liên quan đến nhiệt điện than ở Việt Nam là 4.300 người mỗi năm. Còn nhóm nghiên cứu của trường Đại học Harvard của Mỹ cũng đã cảnh báo rằng, nếu tất cả các nhà máy nhiệt điện đốt than trong quy hoạch đi vào hoạt động thì sẽ có tới 25.000 người Việt Nam bị cướp đi mạng sống vì những ảnh hưởng của nhiệt điện đốt than hàng năm!

5. Thay lời kết

Năm thí dụ trên là những chứng minh hùng hồn rằng, hơn lúc nào hết và trong giai đoạn phát triển sơ khai nầy, việc cân bằng bài toán phát triển và môi trường là ưu tiên hàng đầu cho những người quản lý quốc gia. 

Thế hệ tương lai Việt Nam sẽ đánh giá qua hành động nầy. Và thành quả tốt đẹp hay thất bại sẽ nằm trong tay đảng CSVN: - nếu họ còn tồn tại sau những biến động, cấu xé từ cơ cấu thượng từng của đảng), - và nếu họ còn có một chút điểm lương tâm là trở về với dân tộc?

Theo ước tính, người Việt Nam thứ 100 triệu sẽ ra đời vào năm 2020. Nạn nhân mãn, nạn thiếu dinh dưỡng, nạn tụt hậu... luôn luôn chờ đợi chúng ta từng giờ từng phút và thời gian không còn là nhân tố thuận lợi cho chúng ta như trước kia nữa.

Hãy thức tỉnh đi CSVN, hởi những người còn đang "quyết tử" giành lấy quyền lợi và quyền lực cho phe nhóm, dâng Đất và Nước cho giặc phương Bắc.

Nếu không, Giờ Phán xét đã sắp tới rồi!!!

01.02.2018

Mai Thanh Truyết (Hội Bảo vệ Môi trường Việt Nam - VEPS)

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.