Glaucoma


Glaucoma là từ dùng để chỉ một số bệnh về mắt có thể gây ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác và gây mù. Hầu hết, nhưng không phải là tất cả, các bệnh glaucoma thường tạo ra một tình trạng tăng áp lực bên trong mắt, còn được gọi là tình trạng tăng áp lực nội nhãn. Áp lực nội nhãn bình thường được tính bằng milimet thủy ngân và có trị số từ 10 - 21 mm Hg. Tăng áp lực nội nhãn là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất gây ra bệnh glaucoma.

Tình trạng tăng áp lực nội nhãn đôi khi còn được gọi là tình trạng tăng nhãn áp. Khi bác sĩ chẩn đoán bạn bị tăng nhãn áp không có nghĩa là bạn đã bị bệnh glaucoma mà điều đó có nghĩa là bạn đang có nguy cơ cao bị glaucoma mà thôi, do đó bạn nên được khám mắt thường xuyên bởi một bác sĩ nhãn khoa.
Một nửa số người bị glaucoma thường không biết mình bị bệnh cho đến khi thị lực của họ bị giảm trầm trọng.
Có nhiều yếu tố có liên quan đến sự gia tăng nguy cơ bị glaucoma, trong đó có một số yếu tố sau: tăng nhãn áp, tiền sử gia đình, chủng tộc và tuổi tác.
  • Có 2 loại glaucoma là góc đóng và góc mở.
    • Ở bệnh glaucoma góc đóng, những ống dẫn lưu bình thường bên trong mắt bị tắc nghẽn một cách cơ học. Glaucoma góc đóng có thể cấp tính (xuất hiện đột ngột) hoặc mạn tính (kéo dài). Ở bệnh glaucoma góc đóng cấp tính có sự gia tăng áp lực nội nhãn đột ngột do sự tích tụ thủy dịch bên trong mắt. Bệnh glaucoma góc đóng cấp tính được xem là một tình trạng cấp cứu do có thể gây ra tổn thương dây thần kinh thị và mù trong vòng vài giờ khởi phát. Bệnh glaucoma góc đóng mạn tính có thể gây tổn thương thị giác mà không có triệu chứng nào cả.
    • Ở bệnh glaucoma góc mở, hệ thống dẫn lưu vẫn còn thông thoáng. Bệnh glaucoma góc mở cũng có thể gây tổn thương thị giác mà không có triệu chứng nào cả.
  • Thể bệnh glaucoma với nhãn áp bình thường hoặc thấp là thể hiếm gặp và vẫn chưa được hiểu rõ. Ở thể này, dây thần kinh thị giác bị tổn thương ngay cả khi áp lực nội nhãn vẫn nằm trong giới hạn được xem là bình thường.
  • Thể bệnh glaucoma trẻ em hiếm gặp và có thể xảy ra ở lứa tuổi nhũ nhi, trẻ nhỏ hoặc tuổi dậy thì. Bệnh tương tự như glaucoma góc mở và có rất ít triệu chứng vào giai đoạn sớm của bệnh. Bệnh có thể dẫn đến mù mắt nếu không được điều trị. Giống như hầu hết các dạng glaucoma khác, thể bệnh glaucoma ở trẻ em được cho là do di truyền.
  • Thể glaucoma di truyền là loại xuất hiện ở trẻ em thường ở giai đoạn sớm ngay sau khi sinh, nó cũng có thể xuất hiện trễ hơn mãi đến sau khi trẻ được 1 tuổi. Không giống như thể glaucoma trẻ em, glaucoma di truyền thường có những dấu hiệu gây chú ý như chảy nước mắt, nhạy cảm với ánh sáng và giác mạc bị đục. Dạng này thường gặp hơn ở trẻ nam và có thể xảy ra ở một hoặc hai mắt.
  • Thể glaucoma thứ phát là tình trạng tăng áp lực nội nhãn do bất thường cấu trúc bên trong mắt. Thể bệnh này có thể là kết quả của tình trạng chấn thương mắt hoặc một số bệnh khác và cách điều trị là hướng đến việc điều trị những nguyên nhân gây ra cũng như làm giảm tình trạng tăng nhãn áp.

NGUYÊN NHÂN

Glaucoma có liên quan đến tình trang gia tăng áp lực bên trong mắt. Ở trong mắt bình thường, có một loại dịch được gọi là thủy dịch được sản xuất ở hậu phòng và chảy xuyên qua đồng tử đi vào tiền phòng. Khi đi đến tiền phòng (vùng trước của mắt), thủy dịch sẽ được dẫn lưu ra khỏi mắt qua các ống Schlemm. Thủy dịch có chức năng củng cố làm vững chắc cấu trúc của mắt và cung cấp oxy cùng với chất dinh dưỡng cho các mô bên trong mắt.
  • Tăng áp lực nội nhãn là kết quả của sự tăng sản xuất hoặc giảm dẫn lựu thủy dịch. Tăng áp lực bên trong mắt cuối cùng có thể dẫn đến hậu quả là tổn thương dây thần kinh thị giác. Tăng áp lực nội nhãn là yếu tố nguy cơ gây mù do glaucoma thường gặp nhất, nhưng nó không phải là yếu tố nguy cơ duy nhất.
  • Trong nhiều năm qua, người ta đã tin rằng áp lực nội nhãn cao là nguyên nhân tiên phát gây tổn thương dây thần kinh thị trong glaucoma. Hiện nay, chúng ta đã biết rằng ngay cả những người có áp lực nội nhãn bình thường cũng có thể bị mù do glaucoma. Ngoài ra, một số người có áp lực nội nhãn cao lại không bao giờ bị tổn thương dây thần kinh thị do glaucoma. Do đó, có thể có những yếu tố khác ảnh hưởng đến dây thần kinh thị giác ngay cả khi áp lực nội nhãn nằm trong giới hạn bình thường.
  • Tuy nhiên, tăng áp lực nội nhãn hiện nay vẫn còn được xem là yếu tố nguy cơ chính của bệnh glaucoma do có nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng áp lực nội nhãn càng cao thì dây thần kinh thị càng có nhiều nguy cơ bị tổn thương.
  • Không ai hiểu được tại sao một số chủng tộc, chẳng hạn như người Mỹ gốc Phi, lại có tỷ lệ bị bệnh glaucoma dẫn đến mù lòa cao hơn những chủng tộc khác. Glaucoma góc mở nguyên phát là nguyên nhân gây mù cao nhất trong số những người Mỹ gốc Phi và những người ở vùng Alaska, cao gấp 6-8 lần so với những người da trắng và thường xảy ra vào lúc trẻ hơn.

TRIỆU CHỨNG

Hầu hết những người bị glaucoma không nhận thấy triệu chứng cho đến khi thị lực bị suy giảm đáng kể. Do các sợi thần kinh thị bị tổn thương, những điểm mù nhỏ bắt đầu phát triển, thường nằm ở vùng ngoại vi hoặc phía bên cánh của tầm nhìn. Nếu toàn bộ dây thần kinh thị bị tiêu hủy sẽ gây ra mù.
Những triệu chứng khác thường liên quan đến sự gia tăng áp lực nội nhãn một cách đột ngột, đặc biệt ở thể glaucoma góc đóng cấp tính, và có thể gây nhìn mờ, nhìn thấy quầng sáng xung quanh, đau mắt nặng nề, nhức đầu,đau bụngbuồn nôn và nôn.

KHI NÀO CẦN ĐI KHÁM

Gọi cho bác sĩ ngay lập tức nếu như bạn bị đau mắt nặng hoặc đột ngột không nhìn thấy đường, đặc biệt là không nhìn thấy ở vùng ngoại vi hoặc phía bên cánh của thị trường.
Nhiều loại thuốc dùng để điều trị glaucoma có thể có tác dụng phụ, có thể là cay hoặc đỏ mắt, nhìn mờ, nhức đầu, hoặc thay đổi nhịp tim, nhịp mạch hoặc nhịp thở. Hầu hết các tác dụng phụ không nghiêm trọng và có thể khỏi một cách dễ dàng. Không phải ai cũng bị tác dụng phụ từ thuốc nhưng hãy lưu ý với bác sĩ nếu bạn cảm thấy mình có bất kỳ triệu chứng nào kể trên.
Với thể glaucoma góc đóng, sự gia tăng áp lực nội nhãn một cách nhanh chóng có thể dẫn đến nhìn mờ, nhức mắt nặng nề, đau đầuđau bụngbuồn nôn và nôn. Tuy thế glaucoma góc đóng hiếm gặp nhưng nó là một thể bệnh nặng và trừ phi được điều trị nhanh chóng nếu không sẽ gây mù. nếu bạn có những triệu chứng trên, hay đi khám ngay lập tức để được đánh giá và điều trị đúng để phòng ngừa không bị mù vĩnh viễn.

CÁC PHƯƠNG PHÁP KHÁM BỆNH

Có nhiều phương pháp khác nhau được dùng để đo áp lực bên trong mắt. Một số phương pháp khác dùng để xác định xem bạn có bị glaucoma hay không và mức độ tiến triển của bệnh. Hầu hết các phương pháp chẩn đoán bệnh cần phải được lập lại theo một chu kỳ nhất định để theo dõi sự hiện diện và tiến triển của bệnh.
  • Phương pháp thổi hơi: đây là phương pháp thông dụng nhất dùng để đo áp lực nội nhãn mà không cần chạm vào mắt. Khi thực hiện, bạn sẽ được ngồi trước máy, tựa cằm vào trụ chống. Bác sĩ mắt sẽ điểm một vòi nhỏ trực tiếp vào mắt để từ đó thổi nhanh một luồng hơi lên bề mặt mắt. Bằng cách đo đạc sự đáp ứng của mắt đối với luồng hơi đó, bác sĩ có thể xác định được một khoảng giá trị gần đúng của áp lực nội nhãn. Đây là phương pháp dùng để tầm soát tình trạng tăng áp lực nội nhãn tốt, nhưng mức độ chính xác của nó không cao.
  • Đo áp kế trực tiếp: trên bề mặt của vùng phía trước mắt cho kết quả chính xác hơn nhiều. Tuy nhiên, để thực hiện nó cần phải có kỹ năng và chuyên môn cao hơn. Một cảm ứng được đặt nhẹ nhàng lên bề mặt của mắt đã được gây tê, sau đó áp lực nội nhãn sẽ được đo một cách rất chính xác.
  • Giãn đồng tử: là phương pháp kiểm tra phần phía sau của mắt qua đồng tử bị giãn cần thiết để chẩn đoán bệnh glaucoma. Để làm được điều này, người ta sẽ nhỏ thướng vào mắt để làm đồng tử nở lớn, hoặc dãn ra, nhờ vậy bác sĩ có thể nhìn thấy bên trong mắt rõ hơn. Bác sĩ có thể phát hiện ra được sự đè ép lên dây thần kinh thị bên trong mắt gây ra do tăng áp lực nội nhãn. Sự phì đại ở phía đầu dây thần kinh thị do áp lực biểu hiện tình trạng đã diễn tiến đến mức tương đối nặng nề.
  • Đo thị trường: được dùng để tìm ra sự hiện diện những vùng suy giảm của thị trường, đặc biệt là ở phần bên (còn được gọi là thị trường chu biên). Do những người bị glaucoma thường có khuynh hướng mất thị trường ở bờ ngoài vùng trung tâm nên việc kiểm tra thị trường chu biên là rất quan trọng. Trong phương pháp này, các bác sĩ sẽ dùng một loại máy để đo thị trường bệnh nhân. Bạn sẽ được yêu cầu nhìn vào một chuỗi ánh sáng nhấp nháy. Bằng cách ghi nhận trong lúc bạn nhìn, bác sĩ sẽ có được bản đồ chính xác về thị trường chu biên của bạn. Nếu bạn bị glaucoma, thị trường chu biên sẽ giảm. Phương pháp này có thể thực hiện để theo dõi bệnh hoặc để xác định độ nặng của bệnh trong lần chẩn đoán đầu tiên.

ĐIỀU TRỊ

Tại nhà
Bác sĩ sẽ cho thuốc để làm giảm áp lực nội nhãn của bệnh nhân. Cách duy nhất để chắc chắn thuốc có tác dụng là uống theo toa.
Tại bệnh viện
Mục đích điều trị là nhằm làm giảm áp lực nội nhãn bằng cách giảm sản xuất hoặc tăng đào thải thủy dịch. Tùy thuộc vào thể glaucoma mà có thể lựa chọn điều trị bằng thuốc hay phẫu thuật. Áp lực nội nhãn thường có thể được hạ thấp bằng các loại thuốc khác nhau dưới dạng thuốc nhỏ mắt và thuốc uống hoặc thuốc tiêm tĩnh mạch.
Dùng thuốc
Thuốc chẹn beta, thuốc đồng vận alpha-adrenergic và thuốc tương tự prostaglandin là một số thuốc thường được dùng nhất.
  • Thuốc chẹn beta, chẳng hạn như timolol (Timoptic), có thể làm giảm lượng thủy dịch được sản xuất ra.
  • Đồng vận alpha-adrenergic, chẳng hạn như brimonidine (Alphagan), làm giảm sản xuất thủy dịch đồng thời tăng dẫn lưu thủy dịch ra ngoài.
  • Một nhóm khác là thuốc tương tự prostaglandin mới được dùng gần đây. Một trong số các loại có thể được kê toa là latanoprost (Xalatan). Chúng có tác dụng gần khu vực dẫn lưu bên trong mắt để tạo ra đường dẫn lưu thứ phát thủy dịch ra khỏi mắt nhằm giảm áp lực nội nhãn.
Phẫu thuật
Trong một số trường hợp có thể cần phải phẫu thuật.
  • Nếu bạn bị glaucoma góc đóng, bạn cần phải được thực hiện phẫu thuật cắt mống mắt. Người ta sẽ tạo một lỗ dẫn lưu ở mống mắt để giải phóng áp lực bên trong mắt. Kỹ thuật này có thể được thực hiện bằng lazer, do đó có thể không cần phải rạch vào mắt. Bạn có thể quyết định lựa chọn phẫu thuật cắt mống mắt sau giai đoạn cấp của glaucoma góc đóng hoặc để phòng ngừa cơn cấp tính của glaucoma góc đóng.
  • Bình thường thì thuốc không có tác dụng tốt đối với glaucoma bẩm sinh do đó thường phải cần đến phẫu thuật.
  • Một số dạng khác của phẫu thuật điều trị glaucoma là tạo hình vùng bè, đông hóa thể mi (cyclophotocoagulation), và lọc. Tất cả những thủ thuật trên đều có mục đích làm sự dẫn lưu thủy dịch được dễ dàng hơn ở những mắt bị ảnh hưởng để làm giảm áp lực nội nhãn. Bạn có thể trao đổi với bác sĩ mắt để hiểu rõ hơn về những phương pháp này.

NHỮNG BƯỚC KẾ TIẾP

Theo dõi
Trước khi rời khỏi bệnh việc hay phòng mạch bác sĩ, bạn hãy chắc chắn rằng mình đã có đủ những thông tin về các vấn đề sau:
  • Thuốc - dùng vào lúc nào và như thế nào.
  • Các dấu hiệu và triệu chứng - Những triệu chứng nào báo hiệu việc điều trị bằng thuốc là thất bại, những tác dụng phụ, hoặc những vấn đề khác.
  • Hạn chế - Những hoạt động nào bạn nên hạn chế và trong bao lâu.
  • Tái khám - Khi nào cần hẹn tái khám với bác sĩ để được kiểm tra lại và đo lại thị trường.
Phòng ngừa
Trong hầu hết các trường hợp, biện pháp phòng ngừa tốt nhất là phát hiện sớm. Nếu được phát hiện sớm sẽ tránh được hậu quả là giảm thị lực và mù lòa. Tất cả những người trên 20 tuổi đều nên được tầm soát glaucoma. Khám mắt định kỳ trong suốt phần đời còn lại sẽ giúp bạn phòng ngừa và phát hiện được bệnh glaucoma, đặc biệt là khi bạn có một số yếu tố nguy cơ như có tiền sử gia đình bị glaucoma.
Tiên lượng
Mặc dù glaucoma không thể trị khỏi nhưng nó có thể kiểm soát được. Những người bị glaucoma cần phải được khám mắt thường xuyên và thường cần phải được tiếp tục điều trị trong suốt phần đời còn lại.
  • Glaucoma cấp không điều trị sẽ dẫn đến mất thị lực vĩnh viễn. Glaucoma mạn tính không được điều trị có thể dẫn đến mù trong vòng 5, 7 năm.
  • Chẩn đoán và điều trị sớm thường sẽ cho kết quả tốt và giữ được thị lực. Tiên lượng đối với glaucoma thể bẩm sinh tùy thuộc vào độ tuổi lúc phát hiện triệu chứng và mức độ đáp ứng của trẻ với điều trị.
Theo emedicinehealth - Y học NET dịch

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.