18 ngàn tỷ là bao nhiêu mồ hôi nước mắt của dân?

Hoàng Thanh Trúc (Danlambao) - Ngân hàng Nhà nước từng khẳng định mọi Ngân hàng Việt Nam đều hoạt động dưới sự giám sát chặt chẽ của Tổ Giám sát do Ngân hàng Nhà nước lãnh đạo. Vì thế, ngay từ năm 2012, một tổ giám sát của đại diện cơ quan quản lý (thanh tra, giám sát ngân hàng) được đặt ngay tại Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank).

Mọi hoạt động của ngân hàng này từ thu hồi nợ, cho vay, các khoản tiền chuyển ra, chuyển vào (kể cả huy động và chi trả cho người gửi tiền) đều phải đi qua tổ giám sát (1). 

Vậy thì làm sao hơn 18 ngàn tỷ đồng ví như một một giòng sông “tiền” lại có thể chảy qua trước mặt tổ giám sát một thời gian dài mà bộ phận này không phát hiện ra sai phạm, để cho một con người tự do rút khoản tiền tương đương hơn 800 triệu USD (gần hết vốn nhà nước, cổ đông và khách hàng ký thác) từ ngân hàng này để chi dùng cho việc riêng cá nhân, là điều mà ngay cả “ông trời” cũng không thể lý giải nổi.

18 ngàn tỷ đồng là bao nhiêu giọt mồ hôi nước mắt nhân dân?

Sự phẫn uất dồn nén dậy sóng lòng người là điều hiển nhiên bởi 3/4 trong số tiền đó là từ những giọt mồ hôi nước mắt của người dân tích cóp đóng thuế mà ngay như một doanh nghiệp của người dân (hàng năm vẫn đóng thuế tốt) muốn vay 10 tỷ thôi để mở rộng sản xuất cũng phải trần ai khoai củ thực hiện đầy đủ các bước thủ tục không đơn giản để chứng minh được khả năng trả nợ cả gốc và lãi đúng hạn (dù thế chấp cả tài sản) nhưng nhiều lúc còn chưa vay được, thì số tiền 18 ngàn tỷ ấy đủ để cho gần 2000 doanh nghiệp, công ty ngoài xã hội vay làm ăn, tất nhiên doanh số sẽ tăng, đồng nghĩa tỷ lệ nộp thuế tăng theo. 

Thế nhưng chỉ một cá nhân là ông Phạm Công Danh đã rất thoải mái “biển thủ” toàn bộ số tiền và cơ hội của người dân, mà theo vụ việc diễn ra thì không biết nhà nước sẽ thu hồi được bao nhiêu % trong tổng số 18 ngàn tỷ đồng này chứ chưa nói số lãi của nó, mà đã là “ngân hàng” thì nguyên tắc bảo toàn vốn + sinh lãi là lẽ sống còn. 

Một câu hỏi đặt ra: Tại sao họ “tự vẫn tập thể” như thế và ai sống ai chết, sau khi Ngân Hàng Nhà Nước không muốn nó (GP Bank) như quân bài domino chết bất đắc kỳ tử kéo theo “địa chấn ngân hàng” nên phải bắt buộc mua lại cái “xác ” GP Bank bằng Quyết định 1304/QĐ-NHNN ngày 7/7/2015 với giá 0 đồng rồi “bơm tiếp” mồ hôi nước mắt nhân dân (hàng ngàn tỷ) vào cho nó hồi sinh.

Sự việc bùng ra từ tháng 7/2015, Thông báo của Cơ quan cảnh sát điều tra Bộ Công an đăng tải trên trang web của bộ này ngày 17-7-2015 về việc bắt tạm giam để khởi tố hai ông Tạ Bá Long, Đoàn Văn An nguyên Chủ tịch và Phó chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GP Bank), với tội danh “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng”, trang web bộ này cũng cho biết đây là hệ quả tiếp theo từ việc trước đó bắt giử ông Phạm Công Danh, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Xây dựng, “đã chỉ đạo cấp dưới rút 18.414 tỷ đồng của ngân hàng này cho mình để sử dụng cá nhân”. (1)


18 ngàn 414 tỷ và 3 sát thủ chính “GP Bank”: Phạm Công Danh -Tạ Bá Long - Đoàn Văn An


“GP Bank = Cam kết thành công cho mọi đối tượng kể cả những kẻ từng vào tù ra khám”!? 

Nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị GP Bank Phạm Công Danh là cựu tù nhân “lừa đảo”. Ngày 13/6/1991, ông Danh bị Viện KSND tỉnh Quảng Ngãi ra cáo trạng truy tố 2 tội: "lừa đảo chiếm đoạt tài sản XHCN" và tội "lừa đảo chiếm đoạt tài sản công dân". Tại bản án phúc thẩm của Tòa án nhân dân Tối cao tại Đà Nẵng đã tuyên phạt bị cáo Danh 6 năm tù giam đã có hiệu lực pháp luật. Đến ngày 10/3/1997, ông Danh mãn hạn tù theo Giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt số 11/GCN của Trại giam Quảng Ngãi do Giám thị Lê Văn Lai đã ký, nhưng không hiểu vì sao lại được bổ nhiệm và phê chuẩn chức danh cấp cao trong ngân hàng GP Bank? Mà theo Nghị định 59/2009/NĐ-CP ngày 16/7/2009 của Chính phủ ban hành là nghiêm cấm. 

Như vậy, việc cho phép bổ nhiệm chức danh Chủ tịch HĐQT của Phạm Công Danh tại GP Bank là có vấn đề. (2) 

Từ tháng 12/2012 đến tháng 3/2014, Phạm Công Danh Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Đại Tín (trước khi chuyển đổi thành GP Bank) Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước cũng làm việc song hành (từ năm 2012) tại Ngân Hàng này?

Thật lạ lùng. Về nguyên tắc, khi một ngân hàng thua lỗ đến một tỷ lệ báo động nhất định nào đó so với vốn điều lệ, vốn chủ sở hữu, áng chừng 50%, thì nó đã bị cơ quan thanh tra, giám sát ngân hàng “thổi còi” đưa lên bàn giải phẩu, đằng này GP Bank không những lỗ hết vốn liếng tự có, mà còn lỗ thâm vào tiền huy động, gấp 4 lần vốn điều lệ, tính ra cứ 2 đồng cho vay thì có gần 1 đồng nợ xấu (không thể đòi được). 

Để ngâp ngụa tới thực trạng ấy, GP Bank đã lỗ không phải trong một năm, nợ xấu cũng không phải diễn ra trong một ngày. Lỗ lũy kế và nợ xấu đã tích tụ một thời gian dài. Thế nhưng Tổ Giám sát của Ngân hàng Nhà nước dù ngồi “một đống” bên cạnh dường như đui mù và câm điếc!?

Vì vậy trong tổng số 50 bị can GP Bank có liên quan (đa phần là đảng viên CSVN) có 14 bị can bị khởi tố điều tra về hai tội danh theo Điều 179 và 165 BLHS; 19 bị can theo Điều 179 BLHS; 13 bị can (trong đó có 10 giám đốc) về tội danh theo Điều 165 BLHS và 4 bị can về tội danh theo Điều 285 BLHS. 

Thật là kinh hoàng! Như một tập thể nhất trí - 1,2,3 chúng ta cùng “tham nhũng” !?

Hệ lụy nhân quả: Về thứ hạng cảm nhận tham nhũng năm 2014, Việt Nam xếp hạng 111 trên tổng số 163 quốc gia và vùng lãnh thổ. 

Mức độ tham nhũng trong khu vực công của Việt Nam vẫn là nghiêm trọng. So với năm 2012, điểm số của Việt Nam không có sự cải thiện nào, phản ánh nhận thức rằng các nỗ lực về phòng, chống tham nhũng (PCTN) của đảng CSVN đang trì trệ, không hiệu quả. 

So với năm 2013 và trước đó là 2012, tình hình cảm nhận tham nhũng ở VN, theo đánh giá của TI (Tổ chức Minh bạch quốc tế) đứng yên tại chổ không cải thiện. Số điểm vẫn là 2,6 xếp hạng 111/163, cùng nhóm với các quốc gia tham nhũng nặng Yemen, Zambia, Zimbawe.


(Corruption Perceptions Index)

Tại buổi Hôi Nghị “phòng chống tham nhũng vì sự phát triển” do Chương trình phát triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam tổ chức sáng nay 9-12-2014, trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động về việc Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) vừa công bố Chỉ số Cảm nhận Tham nhũng 2014 (CPI 2014) cho thấy tham nhũng không cải thiện vẫn là một vấn đề nghiêm trọng của quốc gia, Tổng Thanh Tra CP Huỳnh Phong Tranh “tỉnh rụi” cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) đang “ổn định” (VTC Online) (3)

Tổng Thanh Tra CP Huỳnh Phong Tranh cho rằng tham nhũng ở Việt Nam trong 3 năm qua (2012-2014) “ổn định” (!?)

Từ ngữ “ổn định” thường khi sử dụng liên quan đi kèm trong phạm trù đạo đức có khuynh hướng “chân thiện mỹ”.

Ví dụ: Đời sống ngày càng ổn định, giá cả ổn định không tăng, hoặc sức khỏe đã ổn định, cụ thể hơn: Cuộc sống bình yên, công việc vững vàng sẽ “ổn định” cả tinh thần lẫn vật chất. 

Không ai lại lạc quan trước tệ nạn tham nhũng, một vấn đề nghiêm trọng hàng đầu của quốc gia, nhiều năm không cải thiện, không bài trừ được lại cho đó là điều “ổn định”!? 

 Vô hình trung ông Thanh Tra CP Huỳnh Phong Tranh nhìn nhận thứ hạng tham nhũng cao, nghiêm trọng trong “nhà nước, đảng ta” nó đang diễn ra, cùng nhóm với các quốc gia nhược tiểu Phi Châu, Yemen, Zambia, Zimbawe... như thế là đã “ổn định” tốt lắm rồi?

Cũng vì thế nối bước với 18.000 tỷ đồng từ GP Bank “ổn định” bốc hơi theo Phạm Công Danh thì cùng lúc.

Ngày 01-07-2014 – 16.000 tỷ đồng khác cũng “ổn định” bốc hơi theo đại gia thủy sản Lâm Ngọc Khuân bị cáo buộc tổ chức vay tiền VD Bank sử dụng sai mục đích, (bỏ trốn ra nước ngoài) đẩy Nguyễn Thế Thắng (Giám đốc VD-Bank Sóc Trăng) và 25 cán bộ ngân hàng này vào tù (VnExpress). 

“Lâu đài” của Lâm Ngọc Khuân xây từ tiền vay VD-Bank Sóc Trăng với hồ sơ làm văn phòng, tài sản thuộc công ty nhưng sau đó sang tên riêng cho cá nhân vợ đứng tên chủ quyền.

2.755 tỷ đồng từ Agribank chi nhánh Nam Hà Nội “ổn định” bốc hơi theo đối tác nước ngoài  

Ngày 08/10/2015 VKSND Tối cao vừa truy tố Phạm Thanh Tân, nguyên Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank Nam Hà Hội, cùng 17 đồng phạm CB Ngân Hàng này do đã gây thiệt hại hơn 2.755 tỉ đồng vì không thẩm định thực tế mà chỉ dựa vào thông tin doanh nghiệp cung cấp nên các bị can đã tạo điều kiện cho lãnh đạo Công ty liên doanh Lifepro Việt Nam lừa đảo, dẫn đến Agribank thiệt hại hơn 2.755 tỷ đồng không còn khả năng thu hồi.

Phạm Thanh Tân, Tổng giám đốc Ngân hàng Agribank Nam Hà Hội

1000 tỷ đồng tại Agribank chi nhánh 6 cũng “ổn định” bốc hơi theo “trùm lừa” Dương Thanh Cường. Ngày 5/11/2015 lãnh án tù chung thân - kéo theo Hồ Đăng Trung (Giám đốc Agribank chi nhánh 6) và 4 CB ngân hàng này vào tù. 

Dương Thanh Cường và các đồng phạm Agribank chi nhánh 6.

Trên đây là vài vụ tham nhũng “ổn định” bốc hơi mà số tiền tính từ 1000 tỷ trở lên. Nhưng rất lạ, không có vụ nào do ngành thanh tra nhà nước và Tổng Thanh Tra CP Huỳnh Phong Tranh phát hiện, mò ra được, mà nó chỉ tự vỡ ra khi căng hết mức như bong bóng trong khi quyền hạn ngành thanh tra thì Pháp Luật qui định không có “vùng cấm” nào!? 

Người dân nghe “đảng ta” nói rất nhiều, tham nhũng là quốc nạn, là nguy cơ cho sự tồn vong của một dân tộc. Nhưng điểm lại xem đã có bao nhiêu vụ tham nhũng ở cơ quan có người tham nhũng do cán bộ, đảng viên CS ở trong cơ quan đó phát hiện ra? Như các trường hợp kể trên? Ngược lại hầu hết tội phạm tham nhũng tuyệt đối chính là những đảng viên CSVN có chức quyền.

Có thể kết lại rằng: Tham nhũng là do việc sử dụng sai trái quyền lực vì lợi ích riêng. Cố thủ tướng Singapore, ông Lý Quang Diệu đã đúc kết kinh nghiệm quản lý đất nước Singapore (ít tham nhũng nhất hiện nay) rằng: “Để chống tham nhũng, phải làm sao cho các công chức, quan chức không hề muốn tham nhũng, không thể nào tham nhũng và thực sự không dám tham nhũng”.

Một trong những thứ tham nhũng luôn rất sợ đó chính là “Báo chí Độc Lập Tự Do, chính nó là loại “súng” không đạn nhưng gây thương vong cho tham nhũng nhiều nhất - Liệu có công chức nào muốn và dám tham nhũng khi mà một hoặc nhiều tờ báo khác nhau của người dân xuất bản cùng chỉ mặt điểm tên tất cả những thủ đoạn hành vi chi tiết tham nhũng của mình trước công luận? Tất nhiên việc tiếp theo sau, là của cơ quan Pháp Luật. 

Rất tiếc “vũ khí” này hiện nay nhân loại khắp thế giới đều dùng phổ biến để chống tham nhũng rất hiệu quả. Tuy nhiên tại Việt Nam, đảng CSVN lại rất sợ và dùng quyền lực độc tài cấm tiệt người dân tự trang bị!? 

Và vì vậy: Tham nhũng là việc sử dụng sai trái quyền lực vì lợi ích riêng. Muốn bài trừ tham nhũng thì phải “Stop” quyền lực sai trái đó - cũng đồng nghĩa chấm dứt “độc tài đảng CS” trên quê hương này. Không còn cách nào khác.



* Chú Thích:

(1) http://www.thesaigontimes.vn/133320/Khi-chu-ngan-hang-lay-tien-ra-tieu.html
(2) http://cand.com.vn/Phap-luat/Ve-chiec-ghe-Chu-tich-HDQT-Ngan-hang-VNCB-cua-ong-Pham-Cong-Danh-269028/ 
(3) http://vtc.vn/tong-thanh-tra-chinh-phu-chi-so-tham-nhung-3-nam-qua-on-dinh.2.519868.htm

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.