Tập đoàn FLC thôn tính biển, rừng Thanh Hóa với sự giúp sức của nhà cầm quyền?
Rừng phòng hộ ven biển Quảng Cư trước kia, giờ là công trình của Tập đoàn FLC. Ảnh, chú thích: Báo Laodong |
Tháng Chín (Danlambao) - FLC “làm giàu không khó” bằng cách nào?
Tập đoàn FLC được thành lập từ năm 2008, sau 4 lần đổi tên, từ Công ty TNHH Đầu tư Trường phú Fortune, Công ty Cổ phần Đầu tư tổng hợp CRV, Công ty Cổ phần FLC, và cuối cùng là Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FLC là ông Trịnh Văn Quyết, doanh nhân này có tên trong top 10 giải thưởng doanh nhân Sao Đỏ 2014.
Ngày 01/4/2011, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã có văn bản số 893/UBCK-QLPH chấp thuận cho Công ty cổ phần Tập đoàn FLC trở thành công ty đại chúng. Sự kiện này là điều kiện thuận lợi để FLC mở ra kênh huy động vốn lớn nhằm thực hiện các chiến lược đầu tư lớn trung và dài hạn, theo đó, vốn điều lệ của toàn bộ tập đoàn và các công ty thành viên cũng tăng rất mạnh, lên 1.000 tỷ đồng. Tổng tài sản tăng lên hàng nghìn tỉ đồng.
Để huy động vốn, tập đoàn FLC triển khai nhiều dự án và công bố rất đình đám tại các tỉnh thành từ Hà Nội, Vĩnh Phúc, Quảng Ninh, Thanh Hoá, Khánh Hoà, Phú Quốc… Nhiều dự án được công bố của FLC bị chậm tiến độ hoặc không có dấu hiệu triển khai. Nói một cách dễ hiểu, FLC thực hiện việc huy động vốn từ hoạt động tài chính, dòng tiền chủ yếu thu nhận từ phát hành cổ phiếu và nhận vốn góp, còn sản phẩm thật hiện diện bán ra thì gần như không nhiều.
FLC phá rừng phòng hộ, lách luật chiếm biển ra sao?
Theo thông tin trên báo Lao Động: “Đại dự án làm sân golf, khu resort, khách sạn, biệt thự sinh thái của Cty CP Tập đoàn FLC đã ôm trọn vùng đất ven biển xã Quảng Cư. Số liệu của UBND xã này cho hay, tổng dự án của FLC tại Sầm Sơn là 201ha, xã đã bàn giao cho FLC đưa vào sử dụng 140ha của 220 hộ, chủ yếu là đất thủy sản và rừng phòng hộ, còn hơn 60ha của 480 hộ đang tiến hành kiểm kê, giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 để FLC triển khai công trình khu vui chơi giải trí.”
Tuy nhiên cán bộ địa chính cấp xã, thị xã không thể đưa ra con số chính xác diện tích đất rừng phòng hộ giao cho tập đoàn FLC.
Theo tờ trình số 270/TTr-SNNPTNT của Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn tỉnh Thanh Hóa gửi Chủ tịch UBND tỉnh về việc chuyển mục đích sử dụng rừng phòng hộ sang thực hiện dự án khu resort tại xã Quảng Cư, thị xã Sầm Sơn, tổng diện tích rừng phòng hộ đề nghị chuyển đổi chỉ là 11,57ha.
Tuy nhiên, con số cung cấp cho Báo Lao Động ngày 26.5.2015 của Phòng Quản lý bảo vệ rừng - Chi cục Kiểm lâm của sở này lại cho thấy, “hiện tại diện tích rừng quy hoạch phòng hộ xã Quảng Cư: 120.4ha. Trong đó, diện tích có rừng (phi lao) 70,05ha; diện tích chưa có rừng: 50,35ha”. Theo ông Nguyễn Thế Thái - cán bộ địa chính xã Quảng Cư - diện tích đất rừng phòng hộ của toàn xã sau khi triển khai dự án của FLC chỉ còn 9ha. Vậy hơn 110ha (120-9) đất rừng phòng hộ được xử lý ra sao?
Trên thực địa, Tập đoàn FLC đã thi công các công trình trải dài ven biển, không còn một mét vuông nào bỏ trống. Vậy hàng chục hécta đất rừng phòng hộ chưa giao nhưng FLC đã thi công? (1)
Bài viết trên báo Lao Động cũng khiến người đọc đặt câu hỏi liệu có hay không việc tập đoàn FLC lách luật đất đai để chiếm rừng phòng hộ? Bởi theo quy định tại điểm a, khoản 1, Điều 58 Luật Đất đai 2013 thì với việc chuyển đổi 10ha đất trồng lúa trở lên hoặc 20ha đất rừng phòng hộ, đất rừng đặc dụng trở lên phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ thì UBND cấp tỉnh mới có quyền cho phép chuyển mục đích sử dụng đất. Theo đó, nếu việc chuyển đổi đất rừng phòng hộ ở xã Quảng Cư cho Tập đoàn FLC triển khai dự án bất động sản dưới 20ha thì UBND tỉnh Thanh Hóa có quyền ra quyết định. Nếu trên 20ha, phải có văn bản chấp thuận của Thủ tướng mới được triển khai. Tập đoàn FLC rất khôn ngoan khi tách thành 2 dự án (mỗi dự án khoảng trên 10ha). Tất nhiên, động thái tách làm 2 dự án để lách luật của FLC phải được sự hậu thuẫn của một số lãnh đạo trong bộ máy công quyền.
Trong văn bản ngày 4/03/2016 để cung cấp thông tin cho các cổ đông và các nhà đầu tư sau khi người dân biểu tình đòi trả lại biển, đại diện tập đoàn FLC, ông Trần Thế Anh (không nói rõ chức vụ) có công bố về việc có 2 dự án đang được FLC thực hiện tại thị xã Sầm Sơn. Dự án thứ nhất là khu du lịch nghỉ dưỡng quốc tế FLC Sầm Sơn Golf & Resort. Đây là dự án thuộc khu vực rừng phòng hộ Quảng Cư. Và dự án này cũng gây ra nhiều bức xúc cho người dân vì FLC đã có hành vi xua đuổi, cấm cản người dân địa phương đi vào khu vực bãi biển ở đây.
Dự án thứ hai là dự án cải tạo nâng cấp bãi biển phía đông đường Hồ Xuân Hương. Tập đoàn FLC xác nhận việc trúng thầu dự án và nhận mặt bằng sạch từ chủ đầu tư là UBND thị xã Sầm Sơn.
Vậy đã rõ, việc nhà cầm quyền địa phương đứng ra thu hồi đất giúp doanh nghiệp, và khi chưa đạt được thỏa thuận với dân thì sử dụng lực lượng công an, côn đồ để đàn áp.
Post a Comment