Đạo tròn - đạo vuông

Phạm Khắc Trung (Danlambao) - Ông Tú Ngang có bài thơ “Vịnh lá đa”, đăng trong một kỳ nhật báo vào khoảng những năm đầu của thập niên 70 như sau:

Là con đỏ hay vua cũng thế,
Người người do một cửa mà ra.
Thưa rằng cửa ấy lá đa,
Có lá đa mới có ta có người.

Cái khéo của ông Tú Ngang ở chỗ đã lựa chọn từ ngữ để sắp xếp thành một bài thơ mang tính chất trào lộng, lại nói lên một sự thực hiển nhiên là mọi người đều được sinh ra bởi người mẹ, và lúc sinh ra đều bình đẳng như nhau. 

Ca dao ta cũng có câu: "Nghĩa mẹ bằng trời, chín tháng cưu mang". Ấy là nói đến cái công lao sinh thành của người mẹ, nó lớn lao, to bằng bể, bằng trời... 

Thế thì dựa vào đâu mà các cụ nhà mình cho rằng “Cha sinh mẹ dưỡng”

Đạo của trời đất là chủ ở sự sinh vạn vật, Hệ từ hạ truyện viết: "Thiên địa chi đại đức viết sinh: Đức lớn của trời đất là sự sinh", và "Thiên địa nhân huân, vạn vật hóa thuần, nam nữ cấu tinh, vạn vật hóa sinh: Khí trời hình đất, nhờ ở sự khởi nguyên và sinh ra, mà vật nào thì có cái sở nghi của vật nấy, rồi giống đực và giống cái giao cấu nhau, mà vạn vật cứ thế mà sinh ra mãi". 

Càn dương, là phần khí, là vật khởi nguyên, muôn việc nhờ Càn sinh ra: “Đại tai Càn nguyên, vạn vật tư thủy, nãi thống thiên: Lớn thay cái đức đầu cả của Càn, muôn vật nhờ đó khởi đầu, bèn tóm việc trời” (Lời Thoán). Biểu tượng của Càn () Dương mang số 3, là đạo trời, là hình tròn, là người cha... 

Khôn âm, là phần hình, là vật sinh ra, muôn việc do Khôn tác thành: “Chí tai khôn nguyên, vạn vật tư sinh, nãi thuận thừa thiên: Cùng tột thay cái đức đầu cả của Khôn, muôn vật nhờ đó mà sinh ra, bèn thuận theo trời” (Lời Thoán). Biểu tượng của Khôn () Âm mang số 4, là đạo đất, là hình vuông, là người mẹ...

“Cha sinh mẹ dưỡng”, có nghĩa là người cha khởi nguyên, làm chủ lúc mới đầu mà sinh ra; rồi sau người mẹ mới làm cho ngưng kết để thành hình mà cưu dưỡng. Hệ từ thượng truyện viết: “Càn tri thái thủy; Khôn tác thành vật: Càn làm chủ lúc mới đầu; rồi sau Khôn mới làm cho ngưng kết mà thành hình”. 

Ca dao ta lại có câu:

Ăn trái nhớ kẻ trồng cây,
Nào ai vun quén cho mày được ăn.

Kẻ trồng cây vun quén để cho cây mạnh, trái sai, quả tốt... là nói đến sự dưỡng cái cây, cái chức năng của người mẹ, ý chỉ đạo đất. 

Còn đạo trời, cái chức năng của người cha, tức là sự sinh ra cái cây, là ở nơi cái phần tinh túy của cái hột trong trái cây, gọi là nhân. Nhờ có nhân mà hột mọc ra mầm, đâm rễ, trổ cành, sinh lá, kết hoa, tạo quả. Nhân tuy tịch nhiên im lặng mà vẫn có cái năng lực sinh tức ra các đức tính tốt vậy. 

Gạo chính là cái nhân, là phần tinh túy trong hột lúa, là cái năng lực sinh tức để mọc ra mầm, nên “trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được...” Bởi vậy mà “Lang Liêu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói thành hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chín, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quết cho thực nhuyễn, nặn làm hình tròn để tượng trưng hình trời, gọi là bánh dày”.

Bánh dày tròn, tượng trưng đạo trời, là vật khởi nguyên, là cái nhân, là cái năng lực sinh tức để sinh ra muôn việc, nên phải quết xôi cho nhuyễn để không còn hình dạng hột gạo mà biểu tượng cho phần khí: Nhân sinh khí!

Bánh dày:   Gạo         nặn tròn      tán nhuyễn 
(đạo trời):  (nhân)     (sinh)           (khí)

Bánh chưng vuông, tượng trưng đạo đất, là vật sinh ra, nên vẫn giữ nguyên hột gạo mà lấy lá xanh gói thành để biểu tượng cho phần hình. Bởi đạo đất cưu dưỡng cái nhân nên mới làm nhân ngon bỏ vào giữa bánh chưng là vậy: Nhân dưỡng nhân!

Bánh chưng:      Gạo          gói vuông            nhân ngon ở giữa
(đạo đất):          (nhân)       (cưu dưỡng)        (nhân)

Đạo của trời đất chủ ở sự sinh sự dưỡng cái nhân, Lang Liêu làm bánh dày bánh chưng để ngụ ý cái ơn trời đất phát dục nên vạn vật, nghĩa là theo thiên lý để bồi bổ cho sự sinh sự dưỡng cái nhân của trời đất. Nhan Tử hỏi nhân, Khổng Tử nói rằng: “Khắc kỷ phục lễ vi nhân: Sửa mình trở lại theo lễ là nhân” (Luận Ngữ: Nhan uyên, XII). Theo lễ, có nghĩa là theo thiên lý, tức là những việc thích hợp với cái lẽ công chính của đạo lý và lẽ thích nghi của sự lý. 

Đạo là cái lẽ tự nhiên của trời đất, là con đường rộng mở cho mọi người cùng theo mà đi, tức là cái công lệ trung chính để làm quy tắc chung cho sự hành động của người đời. Lấy đạo mà sửa mình có nghĩa là sửa chữa cái tư tưởng và hành vi sao cho hợp theo cái lẽ điều hòa của trời đất, mà lẽ điều hòa của trời đất là cái nhân, cho nên Lang Liêu mới lấy gạo mà gói thành hình vuông và bỏ nhân ngon vào giữa, để biểu tượng cho sự cưu dưỡng cái nhân, hàm ý lấy đạo mà sửa mình.

Đạo trời đất chủ ở sự sinh vạn vật, mà cái nhân là chủ để khởi nguyên sự sinh, nghĩa là con người phải có bổn phận tác động vào mà bồi bổ sự sinh, tức là lấy nhân mà sửa đạo, cho nên Lang Liêu mới lấy cơm nếp tán cho thực nhuyễn, nặn thành hình tròn mà biểu tượng cái nhân khởi xướng để sinh ra vạn vật, hàm ý lấy nhân mà sửa đạo. 

“Cha sinh mẹ dưỡng”, là cái lý của đạo nhân, mà nhân là sửa mình trở lại theo lễ, cho nên “(Hùng) Vương dùng bánh ấy (bánh dày, bánh chưng) dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ”.

Chúng tôi đã trộm đoán (Trong bài “Thử bàn về chữ hòa”): 100 dấu chấm gồm 50 trắng và 50 đen trong 2 bức đồ hình mà Kinh Dịch gọi là Hà Đồ và Lạc Thư, có liên quan tới chuyện “Trăm trứng nở trăm con rồi lại chia làm 2 ngả chia ly mỗi nẻo 50 người”. Chúng tôi xin phân tích như sau:

(Hà Đồ)

(Lạc Thư)

Hà Đồ tròn không góc, có 55 dấu chấm (25 trắng + 30 đen):


Lạc Thư vuông có 4 góc, gồm 45 dấu chấm (25 trắng + 20 đen): 


Chúng tôi xin vẽ rõ theo tỷ lệ hình học:


Xin lưu ý, hình vuông này chính là Magic Square trong toán học, nghĩa là cộng những con số của 3 ô theo hàng dọc, hàng ngang, hay hàng chéo, đều được con số 15. Đó là lý do “Hùng Vương chia trong nước ra làm 15 bộ” (Truyện Hồng Bàng). 

Bây giờ chúng tôi bắt chước Lang Liêu, lấy hình tròn làm "Nhân ngon", bỏ vào giữa hình vuông, và được đồ hình Tổng Hợp:


Vòng tròn mang số 3, hình vuông mang số 4. Nhìn kỹ vòng tròn nội tiếp hình vuông ở trung cung:

Chu vi hình vuông = 4C = 4 => C = 1 và R = 0.5.
Chu vi vòng tròn = 2πR = 3 => π = 3 (Ông Tổ mình đã biết tới số π rất sớm chăng?)

Đồ hình “Tròn” GIAO Đồ hình “Vuông” = 5 chấm trắng đôi (Thập Dực)
Đồ hình “Tròn” HỘI Đồ hình “Vuông” = 100 chấm (50 trắng + 50 đen)

Phần Hội chính là cái bọc 100 trứng của cha Lạc Long Quân và mẹ Âu Cơ.

Căn cứ theo đồ hình Tổng Hợp, với ô ở trung cung là ô chung cho 8 ô xung quanh. Chính vì ý nghĩa "chung" và "giữa" của ô này, người xưa mới phát huy để phân chia ruộng đất (canh điền) theo một số độ đồng đều: Cứ mỗi lô ruộng được chia đều thành 9 phần bằng nhau, 8 ô xung quanh được chia cho 8 người hay 8 gia đình làm của riêng mà tự lực canh tác, còn ô giữa, tức ô chung, thì để 8 người hay 8 gia đình cùng chung sức làm mà xung vào công quỹ, nghĩa là đóng thuế cho xã hội. Cho nên Truyện Hồng Bàng mới nói là “Đem bọc trứng bỏ ngoài đồng nội”. “Bẩy ngày = 3 (tròn) + 4 (vuông)”. Ruộng đất là của chung trong làng chứ cá nhân thì không có, nhưng vì định kỳ phân quân nên ai ai cũng có như nhau, và những định kỳ phân quân đó, dùng để thay đổi về diện tích, tùy theo số nhân đinh thêm bớt, hoặc có ai qua đời thì phần ruộng của người đó lại trở về của làng để chia cho những người tiến lên sau, tạo sự bình sản trong tư liệu sản xuất giữa mọi người. Sự phân chia tư liệu sản xuất theo thể chế bình sản khiến ai cũng có sự tư hữu như nhau, đã không những chỉ bảo đảm quyền tự do, duy trì sự bình đẳng, bình quyền giữa mọi người, mà còn là động lực để phát huy những quyền tự do khác, bảo đảm phẩm giá của con người, và phát triển những đức tính tốt để làm nên con người toàn vẹn, khai thác được mọi khả năng tiềm ẩn ở mỗi người, là một bước tiến quan trọng trên con đường kiện toàn nhân tính, để con người thật sự là con người, có khả năng phát huy được đầy đủ những chức năng cao cả, linh thiêng của mình.

Vòng tròn khác hình vuông, nên Truyện Hồng Bàng nói rằng “phương viên bất đồng…”

50 chấm trắng đối nghịch 50 chấm đen nên Truyện Hồng Bàng nói rằng “thủy hỏa tương khắc…”

Truyện Hồng Bàng viết, “Bây giờ phải ly biệt”, nghĩa là chia đồ hình tổng hợp làm 2, một tròn (Kinh Dịch gọi là Hà Đồ), một vuông (Kinh Dịch gọi là Lạc Thư). 

Truyện Bánh dày bánh chưng viết (Trích):

“Sau khi Hùng Vương đã phá giặc Ân rồi, trong nước thái bình mới lo việc truyền ngôi cho con, bèn hội hai mươi hai vị công tử lại mà bảo rằng:

− Ta muốn truyền ngôi cho đứa nào làm vừa lòng ta là đến kỳ cuối năm biết đem trân cam mỹ vị đến dâng cúng Tiên vương để tròn đạo hiếu thì ta sẽ truyền ngôi cho.

Các công tử lo đi tìm các vị trân kỳ, hoặc săn bắn, chài lưới, hoặc mua ở chợ, vụ được nhiều của ngon vật lạ không biết bao nhiêu mà kể. Duy có công tử thứ chín tên là Lang Liêu, bà mẹ hàn vi đã lâm bệnh mà quá cố rồi, tả hữu lại ít người nên khó bề toan tính, ngày đêm thao thức ăn ngủ không yên. 

Hốt nhiên mộng thấy thần nhân bảo rằng:

− Trong trời đất không có vật gì quí bằng gạo, vì gạo là của để nuôi dân, người ta ăn mãi không chán, không có vật gì đứng trước được; nếu lấy gạo nếp hoặc gói làm hình tròn để tượng trời, hoặc gói làm hình vuông để tượng đất, ở trong làm nhân cho thật ngon, bắt chước hình trạng trời đất bao hàm vạn vật, như thế thì lòng cha sẽ vui, tôn vị chắc được.

Lang Liêu kinh sợ tỉnh dậy, mừng rằng: “Thần minh giúp ta, ta nên bắt chước theo mà làm”.

Lang Liêu mới lựa hột nếp nào trắng tinh, hoàn toàn không sứt mẻ đem vo cho sạch, rồi lấy lá xanh gói làm hình vuông, bỏ nhân ngon vào giữa, đem nấu đi cho chin, gọi là bánh chưng. Lại lấy nếp nấu xôi đem quyết cho thực nhuyễn, nặn làm hình tròn để tượng trưng hình trời, gọi là bánh dày.

Đúng kỳ, Vương hội các con lại trưng bày phẩm vật; các con đem dâng không thiếu thức gì, duy chỉ có Lang Liêu đem bánh tròn, bánh vuông đến dâng. Hùng Vương lấy làm lạ hỏi Lang Liêu. Lang Liêu trình bày như lời thần nhân đã bảo. Vương thân hành nếm thử thì thấy vị ngon vừa miệng ăn không chán, phẩm vật của các công tử khác không sao hơn được. Vương khen ngợi giây lát, rồi cho Lang Liêu được giải nhất.

Năm hết, Vương dùng bánh ấy dâng lên Tiên Miếu và cung phụng cha mẹ, thiên hạ bắt chước truyền đến bây giờ, lấy tên của Lang Liêu để gọi là Tiết Liệu.

Hùng Vương truyền ngôi cho Lang Liêu; hai mươi mốt anh em đều giữ các phiên trấn, lập làm bộ đảng, cứ thủ núi sông để làm hiểm cố.

Về sau, họ hàng tranh nhau làm trưởng, mỗi người dựng mộc sách để che kín bởi vậy gọi là sách, là trại, là trang, là phường khởi thủy từ đấy vậy” (Hết trích).

13/4/2017

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.