Kịch: Ngày 30 tháng tư
Lời giới thiệu: Ngày 30/4/1975, mọi người trên thế giới đều cho rằng chiến tranh Việt Nam đã chấm dứt, hàng triệu người đã chết sẽ lùi vào quá khứ, và bắt đầu từ ngày này sẽ là năm tháng hoà bình, hạnh phúc.
Không. 30/4/1975 chỉ là ngày đánh dấu việc chấm dứt cuộc sống tự do của người dân miền Nam Việt Nam. Sau ngày 30 tháng tư này, hàng ngàn, hàng trăm ngàn quân cán chính miền Nam phải lao động khổ sai trong các trại lao động cải tạo, bao nhiêu người đã bỏ mình trong các nhà tù khắc nghiệt. Chiến tranh vẫn còn, ác liệt hơn giữa các nước đã một thời gọi nhau là đồng chí: cuộc chiến ở Cambodia, cuộc chiến biên giới phía Bắc, rồi biển đảo. Hàng triệu người rời bỏ đất nước ra đi trên các con thuyền mong manh, có người đến nơi mình mong ước, nhưng nhiều người đã bỏ mình, không có may mắn đến được bến bờ tự do.
Bao nhiêu năm sau ngày Ủy ban quân quản thành phố cắm lá cờ được đảng CSVN gọi là cờ “Mặt trận giải phóng miền Nam” trên dinh Độc Lập tại Sài Gòn, đến hôm nay tự do, hạnh phúc với người dân Việt vẫn còn xa mịt mù.
Nhân kỷ niệm 42 năm sau ngày 30/4/1975, trong màn một vở kịch “Ngày 30 tháng tư”, chúng ta nhìn lại những lãnh đạo cộng sản chủ chốt trong cuộc chiến được cộng sản gọi là “đánh cho Mỹ cút, đánh cho Ngụy nhào”, cùng xem lại hành động của những người mà CSVN đã tôn vinh như thần thánh. Bất kỳ nơi chốn nào, nếu không biết say máu dùng võ lực, chiến tranh để dành quyền lực thì không phải là người cộng sản, không biết trân tráo dối trá, lừa đảo thì không có đạo đức xã hội chủ nghĩa của cộng sản.
Màn hai vở kịch xin dành một phút tưởng niệm cho những người đã chết trước và sau ngày 30/4/1975.
Màn Một: 42 năm sau ngày 30/4/1975 tại thành phố thiên đường Cờ Sờ (*)
Sân khấu tối, chỉ còn ánh sáng leo lét từ ngọn đèn cầy đặt trên một bàn gỗ thô sơ. Cạnh bàn một quan tài bằng gỗ cũ kỹ. Sân khấu từ từ sáng lên, thấy rõ cổng vào căn nhà, phía trên cao một bảng hiệu:
Ủy Ban Nhăn Răng thành Phố Thiên Đường.
Nhà An Dưỡng.
Trong nhà An dưỡng, nắp quan tài rục rịch chuyển động, cuối cùng được đẩy qua một phía. Người trong quan tài thò tay lên, làm vài động tác khởi động, chuẩn bị ngồi dậy. Ông ta đã ngồi dậy, đưa tay xoa mặt khuôn mặt xạm như chì, lầm bầm:
- Tiên sư mấy thằng Bình, Pốt. Từ ngày bọn chúng chia chác nhau lên làm chức chủ tịch, phó chủ tịch hội đồng thành phố, chả biết thù hằn gì mà luôn luôn tìm cách hiếp mình. Đầu tiên bắt mình về vườn, làm thằng tử tế trong nhà An dưỡng. Cái hòm trước kia của mình tốt thế, nó tịch thu rồi cấp cho đàn em. Còn mình nó vứt cho cái hòm mục nát, hôi rình, còn bố láo bảo tiêu chuẩn của mình đặc biệt mới được cấp hòm như thế này. Hòm mục thế này để ngủ, sáng nào thức dậy là mặt mũi cũng mốc meo. Được rồi bọn này cứ hiếp đáp tau đi! Hãy chờ đấy!
Ông già, đúng là “Bác Hồ” yêu quí của đảng CSVN, chậm chạp lê bước đến cái bàn độc nhất. Ông làm một hơi thuốc lào, mắt lim dim nhìn làn khói thuốc. Cảm thấy tỉnh táo, ông nhìn tờ lic̣h cũ trên tường, khoan khoái:
- Hôm nay ngày lịch sử vĩ đại. Phải gọi bọn chúng dậy sớm bàn kế hoạch, chuẩn bị tổng khởi nghĩa, giải phóng thành phố thiên đường.
“Bác” lụm cụm bước ra cổng, lấy tay che làm loa gọi về phía hậu trường:
- Ấy... ấy... các chú... các cô... Đồng... Trinh... Cô... Gái... ơơơi. (Ngừng, gãi đầu nói thầm)... Bỏ mẹ, gọi sai tên lại không theo thứ tự chức vụ, bọn nó giận hờn làm nũng không đến... (che miệng, la to) À... à... Chinh... Đồng... Thọ... Giáp... ơơơi...
“Bác” nghiêng đầu, đưa tay che tai, lắng nghe tiếng vọng từ hậu trường:
- King... Kông... Cọ... Cạp... ơơơi... ơi...
“Bác”xoa tay, cười khoái trá:
- Hà... đúng tần số rồi... (tiếp tục gọi lớn) ...King... Kông... Cọ... Cạp... ơơơi...
Tiếng vọng từ hậu trường nghe rõ hơn:
- Chinh... Đồng... Thọ... Giáp... đếếến... đây...
Từ hậu trường, bốn ông già, tất cả mặt nhợt nhạt như xác chết trôi sông, lọm khọm bước ra. Người đi trước, thấp người, đầu hói, dáng vẻ giống Mao Trạch Đông nhưng nhỏ người hơn, cổ đeo tấm bảng “Đấu tố địa chủ”. Người thứ hai, ốm, cao, đầu cứ lắc qua lắc lại, mắt như bị mù nên một tay vịn vai người đi trước, một tay cầm gậy chống, cổ đeo bảng “Công hàm nhượng đảo”. Người thứ ba da vàng như nghệ, vừa đi vừa thở hắt ra như sắp chết, cổ đeo bảng “Hoà đàm Paris”. Người thứ tư tướng đi khệnh khạng có vẻ con nhà vỏ, lưng đeo túi vải, thắt lưng không mang súng lại mang hộp to, màu đỏ tươi in chữ màu vàng “CS”. Đấy là bộ tứ theo thứ tự: Chinh, Đồng, Thọ, Giáp đảng viên cao cấp, kì cựu của đảng CSVN.
Cả bốn đều cúi gập mình xuống như vái chào bạo chúa, đồng thanh:
- Bác Hồ vĩ đại sống mãi trong sự nghiệp của chúng ta!
“Bác” không tỏ vẻ hài lòng:
- Sống mãi gì! Lên thiên đường y như ước muốn của Bác, nhưng bây giờ bị thằng Bình, thằng Pốt nó hiếp cho tơi tả. Bác phải gọi các chú sang đây để bàn thảo, tiếp tục sự nghiệp cách mạng của đảng quang vinh...
Chinh bỡ ngỡ:
- Hội đồng thành phố thế nào mà Bác lại bị quẳng ra nhà An Dưỡng thế này?
- Họp bầu chủ tịch HĐTP vừa rồi, thằng Pốt ngồi phía sau cứ “hừ... hừ...”, tay lại dấu trong áo, như vẻ IS mang bom tự sát nên ai cũng sợ. Nó có tài “diệt chủng”, bây giờ nó làm như chuẩn bị “diệt cộng”, tự sát kéo theo cả bọn nên tất cả phải bầu nó làm chủ tịch. Sau đó nghĩ sao nó lại tự nguyện đưa thằng Bình lên làm chủ tịch, nó xuống làm phó. Cả hai đổi tên HĐTP thành Ủy Ban Nhăn Răng Thành Phố cho có vẻ “cách mạng”. Rồi bọn chúng đưa ra kế hoạch “tái cấu trúc”, đá văng Bác về nhà An Dưỡng...
Thọ còn thắc mắc:
- Sao Mao Chủ Tịch không bảo vệ cho Bác?
- Ồ. Mao meo gì? Bọn hai đứa cung cấp cho Mao chân dài, chân ngắn. Thế là Mao suốt ngày bận rộn, chả còn biết đến ai!
Cả bộ tứ lại đồng thanh:
- Đối xử như thế với Bác, người suốt cuộc đời hy sinh cho cách mạng là tội ác không thể nào dung thứ!
- Đúng thế. Hôm nay ngày 30 tháng Tư chúng ta sẽ cùng nhau đưa cách mạng vô sản tiếp tục tiến lên. Nhưng... nhưng... các chú còn nhớ ngày 30 tháng tư là ngày kỷ niệm gì không nhỉ?
Cả bộ tứ trố mắt nhìn nhau, phân vân. Chinh liền tỏ vẻ mau mắn:
- Dạ thưa Bác là ngày Bác họp bộ chính trị, ra lệnh cháu nghiên cứu kinh nghiệm của Mao Chủ Tịch để tiến hành cải cách ruộng đất ở miền Bắc, đấu tố, chặt đầu địa chủ bóc lột.
Đồng vẫn lắc đầu qua lại:
- Không... Không... là ngày trong buổi họp kín... Bác nói cháu ký công hàm nhượng cho Mao Chủ Tịch Hoàng sa và Trường sa, trả ơn Mao Chủ Tịch vĩ đại giúp võ khí, cố vấn để “chống Pháp, đánh Mỹ”.
Thọ vội đính chính:
-Không phải... mà là ngày Bác vỗ vai bảo cháu khăn gói lên đường qua Paris cứ nhàn nhã “vừa đàm, vừa đánh”. Đánh thì dân đánh, bộ đội đánh. Đàm thì lãnh đạo mình cứ thong thả đàm.
Giáp cười tự tin:
- Sai hết rồi... là ngày Bác bảo cháu phải lợi dụng ngày người dân Việt ăn Tết truyền thống, lên kế hoạch chuẩn bị tổng tấn công tết Mậu thân năm tới. Mình phải lợi dụng yếu tố bất ngờ chứ.
“Bác” có vẻ giận dữ:
-Các chú già lão nên lú lẫn cả rồi. Ngày quan trọng như thế cho cả nước mà không chú nào nhớ được! (“Bác” nghiêm nghị)... đấy là ngày... à... là ngày rất quan trọng... là ngày 30 tháng tư... là... (“Bác”gãi đầu)... à để xem...
“Bác”chạy đến cái hòm lục lọi, rồi vui vẻ reo lên:
- Đây rồi... báo nước ngoài đây nhé... là ngày Văn minh Xe đạp giải phóng Văn minh Xe gắn máy!
Bộ tứ ồ lên thán phục, cùng hô vang:
- Vô sản nghèo đói giải phóng tư sản văn minh. Đảng cộng sản Việt Nam muôn năm!
“Bác”tươi cười, lấy lại vẻ trịnh trọng:
- Phát huy tinh thần ngày 30 tháng tư, hôm nay ta mở chiến dịch “đánh cho Bình cút, đánh cho Pốt nhào”. Thành công, Bác trở lại làm chủ tịch Ủy ban Nhăn răng kia, tất cả các chú cũng sẽ có phần.
Chinh thắc mắc:
- Họp quan trọng thế này, Bác không cho mời đ/c Duẫn?
- Chú Duẫn làm tốt nhiệm vụ thằng mõ, nghe ngóng chuyện trần gian để thông báo cho thành phố, nên vẫn được bọn Bình Pốt giữ lại. Chú Duẫn đã bày tỏ lòng trung thành quyết sống chết theo Bác nhưng Bác phải ghé tai chú dặn dò (“Bác” hạ giọng, thì thầm...), “chú nên nhẫn nại, giả vờ trung thành với Bình Pốt, điều tra, nghe ngóng động tịnh bên trong rồi báo cáo cho Bác hay”.
Bộ tứ cũng thì thào:
- Thế ra đ/c Duẫn là điệp viên Ế́ch 30?
“Bác” cười, nụ cười trùm băng đảng chế nhạo sự ngây ngô của đám đàn em:
-Ếch 30 cũ lắm, phế thải rồi! Đây là Ếch 35, khủng lắm. 007 chẳng nhằm nhò gì (thì thào...) Các chú giữ bí mật nhé. Lộ ra khốn cả lũ.
Giáp còn thắc mắc:
- Nhưng còn đ/c Linh, Kiệt cũng không được mời.
“Bác” giận dữ:
- Bọn Linh Kiệt đến gặp Bác. Bác hỏi thăm áp dụng tư tưởng Bác ở VN đến đâu rồi? Bọn chúng cười như chế nhạo, VN bây giờ đi theo “đổi mới”, kinh tế thị trường, mời gọi tư bản vào đầu tư để làm ông chủ, người dân Việt làm công; đảng ta vẫn ở vị thế độc tài lãnh đạo nhờ vận dụng khéo léo “định hướng XHCN”. Chúng chê bai thời Bác là bao cấp, là nghèo đói, là thụt lùi,... ca ngợi thời đổi mới của chúng là giàu có, tiền bạc tư bản đổ vào, ăn xài thoải mái... Bác giận quá tống chúng ra khỏi cửa, quát vào mặt “chúng mày là đồ tạp chủng, cộng không ra cộng, tư không ra tư, cả gan biến chủ nghiã “Mác Lê” bách chiến bách thắng thành chủ nghĩa “Mắt Lé”, “chân dò dẫm hướng này, mắt lệch xéo sang hướng khác trở thành đồ heo... đồ ăn tạp...”. Cấm cửa không cho chúng bén mảng đến đây!
Bộ tứ hiểu ra chuyện:
- À. Ra thế nên bọn “đổi mới” dọn ra ở trong khu riêng của thành phố. Ăn tạp nên chúng cứ béo tròn béo trục.
“Bác” và bộ tứ ngồi quanh cái bàn độc nhất trong nhà An Dưỡng:
- Nào chúng ta ngồi tất cả vào đây. Bè lũ “Bình, Pốt” đang có phong trào “làm sạch lòng lề đường”, đứng ngoài chúng thấy là sẽ quăng tất cả chúng ta vào xe rác. Bọn khốn nạn! Không biết đến nhân quyền, tự do hội họp là gì cả? Bây giờ, xin mời “Đại tướng thịt nướng” trình bày chiến dịch tiêu diệt thành trì cuối cùng của bè lũ hai tên “Bình Pốt”.
“Đại tướng” kéo dây nịch, nắn lại túi đeo, tay trãi bản đồ trên bàn, đưa tay chỉ chỏ trên bản đồ, giọng trịnh trọng:
- Toà nhà lớn đây là sào huyệt cuối cùng của bọn “Bình Pốt”. Nó được xây kiên cố bằng các tảng băng tuyết rất dầy, mục đích giữ da thịt còn tươi, không mốc meo, đồng thời bảo vệ tránh các cuộc tấn công của phe phái thù địch. Còn đây là các cao điểm. Bộ đội của chúng ta sẽ kéo pháo lên các cao điểm này. Mỗi khẩu pháo sẽ có một trung đội kéo pháo lên và một trung đội chèn pháo để pháo không trợt xuống...
“Bác” vui vẻ:
- Hay lắm... Bộ đội kéo pháo nếu té lộn cổ, hy sinh, sẽ được một bằng liệt sỹ. Bộ đội chèn pháo bị pháo cán dẹp ruột sẽ được đảng và nhà nước tặng hai bằng liệt sỹ. Đại tướng tiếp tục...
- Khi tất cả bộ đội vào đúng vị trí, ta sẽ đồng loạt bất ngờ khai pháo. Chủ yếu pháo vào cửa chính. Khi cửa này xập xuống, du kích do thượng tướng Trà, mang cờ “xanh đỏ”, xung phong tiến vào trước. Nếu chiến trường yên tiếng súng, bộ đội chủ lực mang cờ đỏ do đại tướng Dũng tiến vào để tuyên bố chiến thắng hoàn toàn.
Bác vui vẻ:
- Kế họach quá hoàn chỉnh. Nhưng cần bao nhiêu pháo, và lấy ở đâu ra?
Bộ tứ nhìn nhau bối rối:
- Có càng nhiều pháo càng tốt. Bác hỏi Mao Chủ Tịch, xin cung cấp cho, chứ chúng cháu làm gì có pháo!
“Bác”giận dữ:
- Bọn mày xúi dại Bác. Mao meo giờ cũng thuộc bè lũ “Bình Pốt” rồi. Xin sỏ, nó không cho mà còn sỏ mũi Bác treo lên trần nhà. Khối Liên Sô thì tan rã, chả còn quái gì! Mình phải độc lập, tự túc lo liệu thôi...
“Bác” đứng dậy, đi vòng quanh, đầu cuối xuống suy nghĩ... Chợt ngừng lại nhìn vào hộp đeo “CS”của “Đại Tướng”:
- Thế Đại tướng sao không đeo súng mà đeo cái hộp đỏ đỏ gì ở thắt lưng kia?
“Đại Tướng” lúng túng:
- Dạ đây là hộp đựng “cờ sờ”, dùng cho “mặt trận dưới gầm giường” và “mặt trận trên giường”...
“Bác” ngơ ngác:
- Mặt trận gì lạ...
Bộ tứ đồng thanh:
- Dạ... “mặt trận dưới gầm giường” là chiến trang du kích, và “mặt trận trên giường” là chiến tranh qui ước...
- “Bác” không hiểu gì cả!
“Đại Tướng “gãi đầu:
- Dạ... ”cờ sờ” dùng trong mặt trận này là... để khi... Bác cùng chúng cháu hành quân trong đêm hôm khuya khuắt. Khi Bác tiến đến bước “Đem tốt đầu dú dí vô cung” thì “cờ sờ” sẽ... sẽ...
- Sẽ gì... cứ ấm ớ như thế làm đại tướng sao được?
- “Cờ sờ”sẽ... sẽ... hứng “nước pháo”... không cho “nổ đùng ra chiếu”...
- Ôi trời ơi. Đại tướng bách chiến bách thắng cuả ta chuyển sang làm “mặt trần giường chiếu”, từ “súng đạn” chuyển sang “súng nước” ta có biết đâu? Thế còn đánh đấm gì với bọn “Bình Pốt”?...
Bộ tứ lo lắng nhìn “Bác” đang bước quanh, suy nghĩ... suy nghĩ... Chợt “Bác” ngừng lại, ngữa mặt lên trời, cười to:
- Trời sinh ra Hồ ta. Nay sinh ra Đại Tướng. Thế thì việc lớn trên thiên hạ này sao lại không thành... Ha... ha...
Cả bộ tứ ngớ ngẫn, đang gặp chuyện bế tắc về kế hoạch hành quân mà “Bác”lại cười hả hả. “Bác” ngừng cười, nghiêm giọng:
- Hãy cho ta biết, Đại Tướng có bao nhiêu bao “cờ sờ “ tất cả?
- Dạ. Hộp đeo thắt lưng đây là hàng mẫu. Trong hộp có 100 bao “cờ sờ”. Trong túi vải mang sau lưng có 100 hộp. Như vậy tổng cộng có 10 nghìn bao “cờ sờ”.
“Bác” vui vẻ giải thích chiến thuật:
- Đại Tướng hãy cử ngay các bộ đội tinh nhuệ nhất. Một trung đội đổ nước nóng vào bao cờ sờ, buộc chặt một đầu lại. Một trung đội cầm các bao cờ sờ nước nóng quăng mạnh vào cửa sào huyệt cuối cùng của bọn “Bình Pốt”. Tiếng nổ của hàng trăm, hàng ngàn “bom nước nóng cờ sờ “ sẽ làm cánh cửa hang động của bọn chúng sụp đổ. Bọn “Bình Pốt” hốt hoảng, sẽ chạy toé ra như chuột luộc.
Bộ tứ như thất thần nhìn nhau rồi không hẹn cùng nhau quay ra tán dương:
- Đỉnh cao trí tuệ là đây! Không có tư tưởng Bác soi đường, chúng cháu như mù, sống trong đêm tối.
“Bác” ngẩng cao đầu, hãnh diện:
- Đại Tướng hãy kiểm điểm lại quân số để mau chóng lên đường tiến hành chiến dịch...
Trong tiếng nhạc rộn ràng “Bì Bam Bò bí Binh...”, “Đại Tướng” hô vang:
- Đại Tướng Dũng... Thượng Tướng Trà... hãy vào trước Bác, Tổng Tư Lệnh bộ đội giải phóng... báo cáo quân số...
Dũng, Trà chạy vào, đứng nghiêm, đưa tay chào rất đúng quân cách của buổi ra quân hoành tráng:
- Báo cáo Bác và Đảng. Quân số 10 sư đoàn của quân đội giải phóng anh hùng là... (cả hai đều gãi đầu) là... “dê... rô”. Dạ... là.. “số không”.
Nhạc hùng tráng xìu xuống. “Tổng Tư Lệnh”giận dữ:
- “Số không” là thế nào? Cả triệu liệt sĩ hy sinh trong cuộc chiến lên thiên đường này mà không tìm ra một sư đoàn nào à?
Dũng, Trà vẫn nghiêm chỉnh:
- Dạ. Bọn chúng nhận ra bị lừa vào ngày 30 tháng tư 1975, một lần đã có kinh nghiệm. Không ai ngu đến nỗi bị lừa lần thứ hai nên không bộ đội nào chịu đến. Hơn nữa, bọn chúng còn bận xếp hàng xin vào “trại tị nạn”, nộp đơn để được cứu xét đi định cư ở thiên đường khác, hay cho chúng xuống điạ ngục cũng được!
“Bác”vò đầu:
- Hỏng... hỏng... Không có quân đánh đấm gì được? Các chú không có nghệ thuật nói cho hay, cho dẻo, việc gì cũng phải dựa vào Bác... (ngừng nói, lắng nghe)... dường như có tiếng ồn ào... Phải chăng có đoàn quân bộ đội anh dũng nào... đang đến với Bác?
Nghe rõ tiếng đoàn quân đang rầm rập tiến vào phía phải hậu trường, Dũng Trà che mắt nhìn:
- Báo cáo Bác. Đ/c Mõ Duẫn đang dẫn đầu toán quân tiến về hướng nhà An Dưỡng.
“Bác”vui mừng:
- Cứu tinh đến rồi. Đ/c Chinh đi ra chỗ khác chơi nhường ghế lại cho Mõ Duẫn nhé.
“Bác” kéo mạnh ghế, Chinh té bật xuống sàn. ”Bác” phủi bụi, trân trọng đặt ghế ngay giữa nhà. Mõ Duẫn cùng một toán quân bước vào, dáng vẻ kênh kiệu. ”Bác” tươi cười:
- Đ/c Duẫn trông oai hùng quá, chỉ huy toán quân trang bị đầy đủ vũ khí thế này chắc hẳn là lên chức...
Mõ Duẫn trừng mắt, đứng nghiêm, tay rút trong túi tờ giấy, lên giọng:
- Tất cả yên lặng nghe thông báo của Tiểu Ban Quân Quản thành phố Thiên Đường.
“Bác” há hốc mồm: “Cái gì. Lại có Tiểu Ban Quân Quản...”
Mõ Duẫn lại trừng mắt:
-Yên lặng... Tiểu Ban Quân Quản TPTĐ thông báo:
Được sự ủy thác của Ủy Ban Nhăn Răng TPTĐ và sự mật báo kịp thời của nhân dân, Tiểu Ban Quân Quản TP đã khám phá âm mưu của một nhóm thù địch nhằm lật đổ chế độ ưu việt của UB Nhăn Răng TPTĐ. Kẻ chủ mưu là Hờ Cờ Mờ, một tên luôn say mê quyền lực, địa vị, đã phạm tội ác chiến tranh trên trần gian với hàng triệu người đã chết trên chính đất nước mình. Tại thành phố TĐCS, mặc dù được sự đối xử đặc biệt của đảng và nhà nước do hai đ/c Bình, Pốt lãnh đạo, Hờ Cờ Mờ đã tự diễn biến, tự chuyển hóa thành kẻ phản bội, chống lại chế độ ưu việt của ta...
“Bác” nhìn đám đàn em đang thất thần, lẩm bẩm:
- À ra thằng Ếch 35 phản bội...
Mõ Duẫn lại trừng mắt, cao giọng đọc tiếp:
-Tuy tội lỗi của Hờ Cờ Mờ và bè lũ vô cùng to tát, nhưng với lòng khoan dung truyền thống của lãnh đạo “Bình Pốt”, bè lũ Hờ Cờ Mờ chỉ đi học tập cải tạo để được giáo dục, rèn luyện đạo đức cách mạng XHCN, trở thành công dân tốt. Hờ Cờ Mờ và bè lũ chỉ cần mang theo ba ngày lương thực là đủ.
Thay mặt Tiểu Ban Quân Quản TPTĐ. Mõ Duẫn.
Chinh, Đồng, Thọ, Giáp mếu máo:
- Ba ngày lương thực... Không biết ngày nào mới về quay lại cái hòm xưa. Mọi việc này chỉ do cái lão già hám quyền, hám danh kia mà ra...
Chinh liếc xéo “Bác” giận dữ:
- Ta đã bị đá khỏi ghế TBT vì cải cách ruộng đất. Nay còn tiếp tục ngu, nghe theo lời ngon ngọt của lão nên chuốc hại vào thân. Cho lão bảng “Đấu tố địa chủ” này.
Đồng lắc lư cái đầu:
- Thằng mắt sáng nghe lão già nói cũng trở thành thằng đui mù. Thôi đưa lão “Công hàm nhượng đảo”, vào tù lấy điểm với cán bộ.
Thọ mặt vàng, càng vàng thêm:
- Gửi lão văn kiện ký kết hoà đàm Paris, đem vào tù mà vừa đàm, vừa đánh.
Giáp tháo túi vải đựng bao “Cờ Sờ”:
- Gửi hết cho lão bao “Cờ Sờ” để mỗi ngày dùng một cái làm bom nước.
Mỏ Duẫn phất tay ra lệnh cho đàn em. Cả bộ tứ cùng Dũng Trà rên la thểu não đi theo quân áp tải.
“Bác” nhìn Duẫn cười thân thiện, xuống giọng:
- Chú Duẫn... cho Bác...
Mõ Duẫn sẳng giọng:
- Chú bác gì... Thưa cán bộ... Hiểu chưa?
“Bác” run lập cập:
- Thưa cán bộ. Xin cho vào hòm lấy thực phẩm cho ba ngày...
- Không được. Đang có kế hoạch đánh “tư sản mại bản”. Hòm của lão đã bị liệt vào diện bị kiểm kê, sẽ bị niêm phong. Lão có mấy thứ trên người kia mang theo, đủ rồi. Ráng học tập tốt, mai được khoan hồng cho về... Các đồng chí hãy đem lão già về trại cải tạo...
Hai người lính xốc nách Hờ Cờ Mờ, vẫn đang cố níu kéo trì lại, kéo lê vào hậu trường.
Trên sân khấu còn một mình Mõ Duẫn. Duẫn tiến đến nhìn vào trong hòm, xoa tay khoái trá:
- Lão này còn lắm của. Chỉ quà cáp nơi này nơi kia lão già cũng đủ tội là “tư sản mại bản” rồi.
Mõ Duẫn vui vẻ bước vào nằm trong hòm. Bóng tối từ từ bao trùm sân khấu.
Màn hai: buổi sáng ngày 30/4/2017 nơi trần gian
Sân khấu sáng rực, nền sau sân khấu những bia mộ trắng vàng nhấp nhô, chạy dài đến cuối chân trời, ngọn gió đang nhẹ nhàng vui đuà với những chiếc lá vàng. Trên sân khấu sừng sững ba tấm bia tưởng niệm. Hai người trẻ, một thanh niên, một thiếu nữ, trang phục chỉnh tề, tay họ cầm những đoá hoa tươi thắm. Cả hai bước đến tấm bia lớn, đặt xuống hai đóa hoa, luì về sau, chắp tay, mắt long lanh như thấm lệ. Cả hai đọc hàng chữ trên bia:
- Tưởng niệm hàng triệu người Việt Nam đã chết trong cuộc chiến tranh trước ngày 30/4/1975. Một cuộc chiến do cộng sản Bắc Việt, dựa vào sự hỗ trợ khối Cộng sản Tàu và Cộng sản Đông Âu, đã đưa quân vào miền Nam, khởi động cuộc chiến đẫm máu.
Cả hai tiến đến bia tưởng niệm thứ hai trên nền nhạc “Việt nam tôi đâu” của Việt Khang, đặt hai đoá hoa, lùi về sau đọc:
- Tưởng niệm những người sau ngày 30/4/1975, đã nằm xuống trong các trại tù cộng sản, đã bị đầy đọa và chết khi bị đánh tư sản mại bản, và những người đã yên nghĩ trong lòng đại dương hay ở các biên giới khi vượt biên tìm tự do.
Cả hai đặt hoa, đọc lời tưởng niệm bia thứ ba:
- Tưởng niệm những người đã chết trong những cuộc chiến sau 30/4/1975 như chiến trường Tây Nam, biên giới phía Bắc...
Hai người đứng lặng lẽ trước các bia. Tiếng hát của Việt Khang vẫn vang lên...
Một phút tưởng niệm qua. Nhiều người già trẻ hai bên hậu trường bắt đầu từ từ bước ra. Nền nhạc chuyển sang “Việt nam quê hương ngạo nghễ” của nhạc sĩ Nguyễn Đức Quang. Mọi người đứng dài theo sân khấu mang cờ và các biểu ngữ “Tự Do cho Việt Nam”, “Nhân quyền cho Việt Nam”, “Bảo vệ môi trường sống, “Formosa cút khỏi Việt Nam”... Một hai tiếng hô vang “Je suis Phản Động”, nhiều tiếng hô nối nhau, rồi tất cả đồng lọat vang lên, vẫn nền nhạc “Việt nam quê hương ngạo nghễ”.
15.04.2017
_________________________________
Post a Comment