LUẬT SƯ LÊN TIẾNG VỀ THÔNG TIN TƯỚC QUỐC TỊCH VIỆT NAM CỦA GS PHẠM MINH HOÀNG

                                     Ảnh thầy giáo Phạm Minh Hoàng

Phạm Minh Hoàng

Kính thưa các bạn,
Tôi xin đăng dưới đây ý kiến của các luật sư về trường hợp tước quốc tịch của tôi. Một lần nữa, đã cho thấy việc làm này đã vi phạm Luật Quốc tịch một cách nghiêm trọng.
==============================================

TƯ VẤN PHÁP LUẬT

   V/v Đối với trường hợp bị tước quốc tịch của Ông PHẠM MINH HOÀNG
Ngày 01/06/2017, Tổng Lãnh Sự Quán Pháp tại TP.Hồ Chí Minh thông tin rằng Ông PHẠM MINH HOÀNG đã bị chính phủ Việt Nam tước quốc tịch Việt Nam, văn bản quyết định tước quốc tịch do Chủ tịch nước Ông TRẦN ĐẠI QUANG ký vào ngày 17/05/2017.

   Bản tư vấn pháp luật này đặt trên giả thiết thông tin của Tổng Lãnh Sự Quán Pháp là chính xác.
LÝ LỊCH ÔNG PHẠM MINH HOÀNG TRONG QUAN HỆ VỚI NHÀ NƯỚC VIỆT NAM :
- Ông PHẠM MINH HOÀNG, sinh ngày 08/08/1955 tại Tỉnh Phước Tuy (nay là tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu), Việt Nam.
- Tháng 11/1973, Ông PHẠM MINH HOÀNG đi du học tại Pháp, tại đây, Ông PHẠM MINH HOÀNG gia nhập thêm quốc tịch Pháp.
- Năm 2000, Ông PHẠM MINH HOÀNG trở về Việt Nam làm việc.
- Năm 2007, Ông PHẠM MINH HOÀNG được UBND TP.Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam, có nội dung chứng nhận Ông PHẠM MINH HOÀNG “chưa thôi quốc tịch Việt Nam” và “Hiện có quốc tịch Việt Nam”. Sau đó, Ông PHẠM MINH HOÀNG được hồi hương về Việt Nam, được nhập Hộ khẩu thường trú.và được cấp Giấy Chứng minh Nhân dân.

   THÂN PHẬN PHÁP LÝ CỦA CÔNG DÂN PHẠM MINH HOÀNG :

   Lược qua lý lịch của Ông PHẠM MINH HOÀNG trong các mốc quan hệ giữa công dân và nhà nước, thì về phương diện pháp lý : Ông PHẠM MINH HOÀNG là người có quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điều 13 (khoản 1), điều 14 (khoản 1) và điều 15 Luật Quốc tịch Việt Nam.

   Trong đó, điều 15 Luật Quốc tịch Việt Nam quy định : “Trẻ em sinh ra trong hoặc ngoài lãnh thổ Việt Nam mà khi sinh ra có cha mẹ đều là công dân Việt Nam thì có quốc tịch Việt Nam”, theo đó, Ông PHẠM MINH HOÀNG có cha mẹ đều là công dân Việt Nam cho nên có quốc tịch Việt Nam.


   Ngày 02/03/2007, Ông PHẠM MINH HOÀNG được UBND TP Hồ Chí Minh cấp Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam số 1202/UBND-NC, xác nhận : Ông PHẠM MINH HOÀNG “chưa thôi quốc tịch Việt Nam” và “Hiện có quốc tịch Việt Nam”. Nói khác, văn bản này chỉ xác nhận một tình trạng pháp lý hiện hữu đã có từ khi Ông PHẠM MINH HOÀNG ra đời vào năm 1955. Giấy chứng nhận có quốc tịch này không phải là văn bản cho nhập quốc tịch theo điều 19 Luật Quốc tịch Việt Nam.

NHẬN XÉT VỀ QUYẾT ĐỊNH TƯỚC QUỐC TỊCH VIỆT NAM ĐỐI VỚI CÔNG DÂN PHẠM MINH HOÀNG :

   Tước quốc tịch được Luật Quốc tịch Việt Nam quy định tại điều 31, chỉ được áp dụng đối với hai (02) đối tượng :
- “Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài” (theo quy định khoản 1) và
- “Người đã nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định tại điều 19 của Luật này” (theo quy định khoản 2);

   Năm 2007, Ông PHẠM MINH HOÀNG được hồi hương, cấp Chứng minh nhân dân và có Sổ Hộ khẩu thường trú , thế nên, Ông đã là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước từ 10 năm qua (2007 – 2017), cho nên, Ông không phải là “Công dân Việt Nam cư trú ở nước ngoài” thuộc đối tượng quy định tại khoản 1 điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam.

   Đồng thời, Ông PHẠM MINH HOÀNG là người có quốc tịch Việt Nam từ năm 1955. Thực tế pháp lý này được xác nhận bằng Giấy chứng nhận có quốc tịch Việt Nam số 1202/UBND-NC, do UBND TP Hồ Chí Minh cấp ngày 02/03/2007. Ông CHƯA TỪNG “nhập quốc tịch Việt Nam theo quy định điều 19” của Luật Quốc tịch Việt Nam, cho nên, Ông cũng không thuộc đối tượng quy định tại khoản 2 điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam.

   Tóm lại, việc áp dụng điều 31 Luật Quốc tịch Việt Nam để tước quốc tịch Việt Nam của Ông PHẠM MINH HOÀNG (nếu có) là không đúng đối tượng.

KẾT LUẬN :

   Ông PHẠM MINH HOÀNG có quốc tịch từ năm 1955 cho đến nay, ông là công dân Việt Nam cư trú ở trong nước từ 10 năm qua (từ 2007 – 2017). Ông không là đối tượng của bất kỳ điều luật nào cho phép tước quốc tịch Việt Nam theo Luật Quốc tịch Việt Nam hiện hành.. Một hành vi như thế (nếu có) là vi luật, cần phải được hủy bỏ.

   * Nêu tham khảo thêm về trường hợp Ông PHẠM MINH HOÀNG có quốc tịch Pháp : Căn cứ theo điều 4 Luật Quốc tịch Việt Nam về “Nguyên tắc quốc tịch”, thì Việt Nam chỉ “công nhận công dân Việt Nam có một quốc tịch là quốc tịch Việt Nam ...”. Theo đó, Nhà nước Việt Nam không quan tâm đến quốc tịch khác ngoài quốc tịch Việt Nam của công dân. Trường hợp Ông PHẠM MINH HOÀNG cũng như vậy.

LUẬT PHÁP THAM CHIẾU :

- Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực từ ngày 01/07/2009;
- Luật sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Quốc tịch Việt Nam có hiệu lực ngày 26/06/2014;
- Nghị định số 78/2009/NĐ-CP ngày 22/09/2009;
- Nghị định số 97/2014/NĐ-CP ngày 17/10/2014;
TP Hồ Chí Minh, ngày 05/06/2017.
Luật sư tư vấn
Luật sư ĐẶNG ĐÌNH MẠNH
Văn phòng Luật sư Đặng Đình Mạnh, địa chỉ 173 Lý Thái Tổ, Phường 9, Quận 10, TP Hồ Chí Minh. Tel. 0838 346 221, 0903 909 854

Và Chuyên gia pháp lý LÊ CÔNG ĐỊNH

Nguồn : https://www.facebook.com/phamminh.hoang.351/posts/10207150576521973?pnref=story

http://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/lawyer-speaks-out-ab-the-remove-vn-citizenship-of-master-phamminhhoang-cl-06052017150201.html

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.