Tản mạn 30-4
Nguyễn Văn Tâm (Danlambao) - Cứ đến ngày 30 tháng 4 mỗi năm cộng đồng người Việt trên thế giới xôn xao, ồn ào, bận rộn mỗi người một tâm tư riêng nhớ về ngày 30 tháng 4 cách nay 42 năm.
42 năm đã qua nhưng vết thương của người Việt tị nạn cộng sản ở hải ngoại cũng như trong nước vẫn còn rỉ máu. Vết thương vẫn chưa lành. Giấc mơ trở về với quê hương nơi chôn rao cắt rốn đất đai của tổ tiên và mong muốn nhìn thấy một đất nước tự do, dân chủ, nhân quyền và giàu mạnh mà thời VNCH đang trên đà đi tới vẫn âm ỉ trong mọi người Việt tị nạn cộng sản.
Giấc mơ trở về quê hương Việt Nam tự do, dân chủ, nhân quyền và giàu mạnh dường như bùng lên mạnh mẽ và ồn ào và tích cực ở cao điểm của những ngày 30-4. Rồi những ngày sau đó giấc mơ này bị chìm đi trong quên lãng khi mọi người Việt tị nạn cộng sản phải va chạm với thực tế cuộc sống hằng ngày với những thử thách gay go trong xã hội đa dạng và phức tạp. Giấc mơ trở về quê hương đã phải tạm nhường lại cho những sinh hoạt vì cuộc sống trước mắt của gia đình, lo tương lai cho con cái v.v... và chỉ khi có thời giờ rảnh thì giấc mơ đó mới hiện về. Rồi cuộc sống quay cuồng lại cuốn hút giấc mơ đó đi. Chu kỳ này được lập đi lập lại gần 42 năm nay rồi.
Liệu rằng giấc mơ này còn kéo dài trong bao lâu để trở thành hiện thực hoặc phải bị đi vào quên lãng khi thế hệ đầu tiên với những kinh nghiệm đau thương của chiến tranh và với cộng sản phải ra đi vì tuổi tác và bịnh tật để nhường lại cho thế hệ thứ hai, thứ ba v.v...?
Hai thế hệ này có được vun trồng, nuôi dưỡng để tiếp tục theo đuổi giấc mơ như người Do Thái sau gần 2000 năm họ đã thực hiện được giấc mơ trở về quê hương trong vinh quang và hùng mạnh như ngày nay hay không?
Hay với một khoảng trống thế hệ sẽ làm gián đoạn giấc mơ trở về quê hương của người Việt tị nạn chúng ta?
Trải qua gần 2000 năm, người Do Thái qua nhiều thế hệ nối tiếp nhau theo đuổi giấc mơ hồi hương của họ thành công. Liệu người Việt tị nạn cộng sản chúng ta có học được bài học của người Do Thái theo đuổi giấc mơ trở về quê hương Việt Nam yêu dấu trong tự do, dân chủ, nhân quyền và giàu mạnh hay không?
Chúng ta đã chờ đợi thực hiện giấc mơ này đã 42 năm rồi. Thời gian còn chờ đến bao lâu nữa?
Những người chủ quan khi nhận định về tình hình chính trị của nước Việt Nam ngày nay cùng với sự suy thoái của đảng cộng sản VN qua những biến cố chính trị nóng bỏng gần đây cho thấy sức mạnh của nhân dân không còn sợ cộng sản nữa như vụ Đồng Tâm hoặc vụ Hà Tĩnh Formosa hay vụ Phật Giáo Hoà Hảo v.v... thì cho rằng thời gian đã chín mùi sẽ xảy ra rất gần đây thôi.
Một câu trả lời khác cho rằng thời gian không mau lắm nhưng không lâu như Do Thái họ dựa vào lý do bạo lực của đảng cộng sản vẫn còn gieo rắc sợ hãi, hoang mang nghi ngờ khiến cho người dân thờ ơ với chính trị đấu tranh chống lại cộng sản.
Dù thời gian có dài hay ngắn, lâu hay mau tất cả tùy thuộc vào lòng quyết tâm, kiên trì và sự bền bỉ và có định hướng của mọi người Việt tị nạn cộng sản. Yếu tố con người và sự nối tiếp của thế hệ là bài học chúng ta có thể học được từ người Do Thái.
Người Do Thái có sức mạnh dựa vào Do Thái Giáo của họ như một nền tảng và là chất keo nối kết người Do Thái với nhau và từ thế hệ này qua thế hệ khác.
Người Việt Nam thì hãnh diện và tự hào có một lịch sử oai hùng dựng nước và giữ nước từ hơn 4,000 năm qua từ thời Vua Hùng Vương.
Hai dân tộc có một sự tương đồng. Người Do Thái bị trục xuất ra khỏi xứ bôn ba, trốn tránh khắp nơi trên thế giới. Người Việt tị nạn cộng sản bị bức tử bỏ nước ra đi lưu lạc khắp bốn phương trời
Chính vết thương còn rỉ máu của ngày Quốc Hận 30-4 sẽ là động cơ mạnh mẽ thúc đẩy người Việt tị nạn cộng sản phải vùng lên quyết lấy lại đất nước bị cướp bởi đảng sộng sản VN, thực hiện được giấc mơ của mình.
Thề hệ thứ nhất của người Việt tị nạn cộng sản đã và liên tục đang đấu tranh, vận động thế giới để giải thể đảng cộng sản Việt Nam rất là tích cực. Nhưng xuyên qua thời gian 42 năm qua sức lực của thế hệ thứ nhứt hao mòn nhiều và đang đi dần vào chổ hụt hẫng tạo ra một khoảng trống thế hệ. Khoảng trống của sự mối tiếp giấc mơ tìm về quê hương.
Nếu khoảng trống này không được lấp lại, nếu khoảng trống này tiếp tục rộng lớn hơn khoảng cách thế hệ sẽ xa cách nhau nhiều hơn thì giấc mơ hồi hương của người Việt tị nạn cộng sản chúng ta có thể bị tiêu tan đi.
Trách nhiệm thuộc về ai? Trách nhiệm thuộc về mọi người Việt tị nạn cộng sản chúng ta đang sống lưu vong rải rác trên toàn thế giới và trong nước: thế hệ thứ nhứt, thế hệ thứ hai, thứ ba v.v...
Người Do Thái từ 2000 năm trước khi bị tống xuất ra khỏi nước phân tán mọi nơi trên thế giới đều cùng nhau tự nhủ rằng phải có ngày về dựng lại nước Do Thái cho nên khi tị nạn tạm cư tại các nơi trên thế giới đều ấp ủ nuôi giấc mơ trở về quê hương Do Thái. Họ dốc lòng hướng về quê hương. Trong khi chờ đợi ngày trở về quê hương họ ra sức tạo dựng những cộng đồng người Do Thái khắp nơi thành một khối đồng nhứt với cùng một giấc mơ trở về quê hương. Họ cùng nhau học tập rèn luyện ý chí quật cường và nổi đau mất nước. Họ luôn trang bị cho những thế hệ nối tiếp giấc mơ trở về quê hương qua những định chế giáo dục văn hoá, tôn giáo tại những nơi họ đang sống tạm dung. Họ làm bất cứ cái gì tạo thành sức mạnh cho cộng đồng của họ và ảnh hưởng đến nước họ đang tạm dung để củng cố sức mạnh đó theo đuổi giấc mơ trở về quê hương. Từng người, từng gia đình, từng cộng đồng quyết tâm theo đuổi giấc mơ đó. Những thành công từ cá nhân, từ gia đình và cộng đồng các nơi hợp lại tạo thành một sức mạnh ảnh hưởng đến các nước tạm dung ủng hộ để sau cùng họ trở về được quê hương của họ trong vinh quang.
Người Việt tị nạn cộng sản chúng ta sau 42 năm từng cá nhân, từng gia đình và từng cộng đồng đã có nhiều thành công trên mọi mặt và có một tiếng nói cũng như ảnh hưởng nào đó với các nước đang sống tạm dung mà chúng ta có thể nương theo thực hiện được giấc mơ hồi hương như người Do Thái.
Thế hệ thứ nhứt phải có trách nhiệm lưu truyền giấc mơ trở về quê hương Việt Nam qua những thế hệ kế tiếp. Ngoài những cuộc đấu tranh kiên trì liên tục dưới nhiều hình thức từ lâu nay, thế hệ thứ nhứt phải bỏ thời giờ và công sức cũng như những kinh nghiệm với cộng sản hướng dẫn, giáo dục thế hệ thứ hai, thứ ba phải tích cực nối tiếp giấc mơ của chúng ta. Thế hệ thứ nhứt phải tạo điều kiện có những đối thoại trực tiếp, thẳng thắn và chân tình tin cậy lẫn nhau để cùng nhau có sự đồng thuận của các thế hệ của người Việt tị nạn cộng sản. Thế hệ thứ 2, 3 phải thấy được sự đấu tranh và hy sinh của thế hệ cha anh là chính danh, đáng ngưỡng mộ và ghi ơn, tôn trọng và tin tưởng thế hệ cha anh mình mà ra sức tiếp tục đấu tranh qua nhiều hình thức nối tiếp thực hiện giấc mơ của thế hệ cha anh để xứng đáng là hậu duệ.
Chắc chắn trong đối thoại giữa thế hệ sẽ có khoảng cách về suy nghĩ và nhận định và hoạt động nhưng phải cùng nhau ấp ủ thực hiện giấc mơ trở về quê hương Việt Nam không cộng sản.
Những người của thế hệ thứ nhất là nạn nhân trực tiếp của chế độ cộng sản phải cho thế hệ thứ hai, thứ ba cảm nhận được nỗi đau khổ của mình về sự tàn bạo, độc ác vô nhân đạo của cộng sản mà mình là nạn nhân và chính nghĩa của chế độ VNCH trong chiến tranh Việt Nam mà từ lâu bị tuyên truyền xuyên tạc bởi cộng sản cũng như bởi những thành phần phản chiến ở Mỹ và trong nước. Thế hệ thứ nhất qua những kinh nghiệm bản thân là nạn nhân khi phải đối đầu với cộng sản phải thường xuyên trao đổi, hướng dẫn, thuyết phục thế hệ 2, 3 tin được và thấy được chính Cộng Sản Việt Nam là kẻ thù của cả dân tộc Việt Nam chớ không phải chỉ là kẻ thù của nhân dân miền Nam từ ngày đảng cộng sản thành lập trong những năm 1930 cho đến những vụ án giết người kinh hoàng vô nhân đạo như Cải Cách Ruộng Đất, Nhân Văn Giai Phẩm, Cải Tạo Tư Sản, Học Tập Cải Tạo, Kinh Tế Mới v.v... cho đến gần đây những cuộc cướp đất trắng trợn của dân lành cho đến vụ Đồng Tâm, Formosa, Hà Tĩnh và những vụ tấn cộng tàn bạo các tôn giáo như Công Giáo, Tin Lành và Phật Giáo Hoà Hảo v.v... để cho thế hệ 2, 3 hậu duệ không mơ hồ, ảo tưởng, nhẹ dạ mắc mưu cộng sản.
Theo những nghiên cứu của những nhà Nhân Chủng Học tự nhiên thì thế hệ thứ hai, thứ ba có những nhu cầu khẩn thiết phải tìm về cội nguồn của họ. Họ sẽ tự hỏi: Họ là ai? Họ đang sống ở đâu? Đang làm gi? và làm cho ai? Cho đất nước đang tạm dung hay cho quê hương Việt Nam? Chính những câu hỏi này đã thôi thúc thế hệ 2, 3 một cách cuồng nhiệt hơn trên đường tìm về cội nguồn dân tộc và đó cũng là động cơ sức mạnh thúc đẩy họ tích cực hơn, quyết tâm hơn nối tiếp giấc mơ của cha anh mà thế hệ thứ nhứt cố gắng rèn luyện thế hệ 2,3 sự kiên trì tin tưởng như qua truyện ngắn Cậu Bé và Hoa Mai của nhà văn Phan Tấn Hải: “Ông thầy nhân chuyện dẫn cậu bé đi tìm hoa mai đã khai thị cho cậu học trò này bài học “về niềm tin, về ước vọng, về lòng kiên trì, bền bỉ để thành đạt ước mơ cao cả của đời người” (trích “Tháng Tư, Đọc Truyện Cậu Bé và Hoa Mai” của nhà văn Phan Tấn Hải của tác giả Huỳnh Kim Quang Việt Báo On-Line).
42 năm qua người Việt tị nạn cộng sản chúng ta qua các thế hệ 2,3 đã có nhiều thành công đáng kể và có nhiều đóng góp quan trọng qua những vai trò trong nhiều lãnh vực của xã hội tạm dung từ khoa học, kỹ thuật, văn hóa, nghệ thuật cho đến giáo dục và chính trị. Chúng ta có những dân biểu, nghị sĩ, thứ trưởng, thị trưởng những kỹ sư, bác sĩ trong chính quyền Mỹ và chính quyền các nước tạm dung các cấp. Chúng ta có những tướng, tá trong quân đội Hoa Kỳ, những triệu phú, tỉ phú trong thương trường v.v...
Người Việt tị nạn cộng sản xuyên qua thế hệ 2, 3 đang có uy tín và ảnh hưởng và tiếng nói của cộng đồng người Việt đang được lắng nghe. Những thành công này đang là những yếu tố ảnh hưởng đến những người làm chính sách của xã hội tạm dung như người Do Thái đã làm.
Cùng nhau nguyện rằng Tưởng Niệm Quốc Hận 30-4 là dịp để các thế hệ 1,2,3 cùng nhau chia sẻ, cùng tâm nguyện thực hiện giấc mơ trở về quê hương Việt Nam yêu dấu tự do, dân chủ nhân quyền và hạnh phúc xứng đáng là Con Lạc Cháu Hồng hãnh diện 4000 năm giữ nước và dựng nước
Hi vọng thế hệ 2, 3 của chúng ta sẽ học được những bài học của người Do Thái và theo bước chân của người Do Thái thực hiện được giấc mơ trở về quê hương Việt Nam trong tự do, dân chủ, nhân quyền và thịnh vượng không còn cộng sản trong một thời gian ngắn.
Post a Comment