Nhân cuộc điều trần của James Comey tại thượng viện Mỹ - trông người lại nghĩ đến quốc hội nhà sản

Quang Dương (Danlambao) - Cuộc điều trần của James Comey, cựu giám đốc Cơ Quan Điều Tra Liên Bang Hoa Kỳ (FBI) tại thượng viện dưới sự chủ trì của Uỷ Ban Tình Báo Thượng Viện đang tạo ra những chấn động. Cho đến ngày Thứ Năm 8/6/2017 một số điều được coi như là bí mật, là chuyện riêng của hai người, giữa Comey và đương kim tổng thống Donald Trump, đã được Comey tiết lộ. 

Tin tức này nếu là sự thật có thể ảnh hưởng tai hại cho uy tín và làm lung lay chiếc ghế TT của Trump. Thí dụ như chuyện Trump "đòi" Comey phải trung thành với ông ta, ý ngầm bảo Comey về phe với Trump. (Điều này trái với nguyên tắc độc lập không phe nhóm, không lệ thuộc đảng phái nào của cơ quan FBI). Chuyện Trump đề nghị Comey không điều tra cựu cố vấn an ninh quốc gia Michael Flynn vì Flynn là người tốt. Chuyện Comey cho rằng Trump cố tình bôi nhọ thanh danh, làm mất uy tín ông ta và cả cơ quan FBI là để cản trở việc FBI điều tra vụ Nga xen vào cuộc bầu cử tổng thống Mỹ cuối năm 2016...

TT Trump qua luật sư riêng đương nhiên bác bỏ những điều đó, cho rằng Comey đã bịa đặt hoặc tưởng tượng. Chuyện điều trần và điều tra còn tiếp tục, ai đúng ai sai và hệ quả thế nào sẽ hạ hồi phân giải. Ở đây chúng ta chỉ xét đến một điểm son trong cơ chế hoạt động của chế độ Cộng hoà với nguyên tắc tam quyền phân lập cùng sự phân chia chức năng và quyền hạn rõ ràng giữa 3 ngành Lập pháp, Hành pháp và Tư pháp của Hoa Kỳ.

Theo nguyên tắc tổng quát của tam quyền phân lập, mỗi ngành đều có quyền hạn và chức năng riêng biệt, vừa hợp tác vừa kiểm soát lẫn nhau để điều hành đất nước. Không ngành nào được dẫm chân lên hay chi phối ngành nào. Ở đây, ngành Lập pháp hay Quốc hội gồm Thượng viện và Hạ viện ngoài chức năng soạn thảo và biểu quyết các dự luật là chính còn có một trong những nhiệm vụ quan trọng là điều tra xem xét những vấn đề đang tạo sự quan tâm trong công chúng. Để thực hiện chuyện đó, QH có quyền triệu hồi các giới chức đã hoặc đang giữ những chức vụ quan trọng trong cả ba ngành của chính phủ ra điều trần trước các uỷ ban khi có nghi vấn về một vấn đề gì. Ngay cả tổng thống cũng không nằm trong ngoại lệ. Khi cần, quốc hội có thể mở cuộc điều tra, đàn hạch và luận tội cả tổng thống. Trong khi điều tra xem xét, quốc hội hoàn toàn không bị lệ thuộc vào bất cứ cá nhân, thế lực hay đảng phái nào.

Trong quá khứ, TT Andrew Johnson bị Hạ viện luận tội năm 1868 do sai lầm trong chính sách, vội vã sát nhập các tiểu bang ly khai miền Nam sau nội chiến mà không bảo vệ quyền của người nô lệ. TT Richard Nixon bị điều tra về những bê bối trong vụ nghe lén Watergate đã phải từ chức để tránh bị luận tội vào năm 1974. TT Bill Clinton, bị luận tội do dính líu đến chuyện tình ái lăng nhăng xảy ra ngay trong toà bạch ốc, cũng suýt bay chức vào năm 1998. Bây giờ đến lượt TT Trump tuy chưa bị trực tiếp điều tra nhưng đã và đang chịu mọi mũi dùi tấn công mà gián tiếp là cuộc điều trần hiện nay của Comey, và từ hồi tháng trước là cuộc điều tra độc lập của cựu giám đốc FBI Robert Mueller do Bộ Tư Pháp bổ nhiệm làm thẩm phán đặc biệt ngày 17/5/2017 để xem xét về những cáo buộc rằng Nga đã can thiệp vào kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2016 để tạo lợi thế cho Trump đắc cử.

Nhìn sang nước người rồi nghĩ đến nước mình mà thêm chán ngán. Bao giờ thì quốc hội VN có thực quyền và dám thực sự mở cuộc điều tra, đàn hạch, luận tội tổng bí thư, chủ tịch nước, thủ tướng chính phủ? Hay nhẹ hơn là gọi điều trần một viên chức cấp nhỏ nhưng có dính dáng đến tội lỗi tày đình của những thành phần chóp bu, của nhóm tứ trụ? Có lẽ những quan lớn quan nhỏ và cả cái bộ máy tuyên truyền từ trung ương đến địa phương của nhà nước CHXHCNVN quang vinh sẽ trả lời rằng chế độ XHCN là chế độ văn minh tiến bộ và dân chủ nhất thế giới hiện nay rồi. Đảng CSVN cũng là đảng lãnh đạo tài ba xuất chúng, bao gồm toàn những đỉnh cao trí tuệ xuất sắc nhất rồi thì làm sao có thể phạm lỗi để phải bày ra chuyện điều tra, đàn hạch, luận tội cho mất thì giờ.

Trong quá khứ thật ra ở cái quốc hội xã nghĩa cũng có xảy ra chuyện điều trần điều tra này nọ nhưng đó chỉ là những vụ việc không quan trọng, tác động không đáng kể, nằm trong sự sắp đặt có tính cách trình diễn, mị dân nhiều hơn. Thỉnh thoảng có những vụ đấu đá, thanh toán, bôi xấu nhau để tranh giành quyền lực giữa các phe phái trong đảng nhằm giữ những chức vụ then chốt thì chỉ xảy ra trong nội bộ đảng, quốc hội hoàn toàn không được xen vào.

Mà nói cho cùng cái kiểu bầu bán quốc hội theo lối ban phát ơn huệ, đảng cử dân bầu thì làm gì những người có tài có đức, có tâm huyết muốn tranh đấu cho công bằng dân chủ, cho sự tiến bộ của xã hội, cho dân giàu nước mạnh được lọt vào. Thảng hoặc có lọt vào quốc hội rồi thì chỉ với một hai người có tâm huyết làm sao chống lại được cả một lực lượng áp đảo của những cái đầu trên bảo dưới nghe trên đe dưới gật, ngửa tay lãnh lương của đảng. Thế thì làm gì QH Nhà Sản có quyền và có dũng khí dám đứng độc lập mà điều tra với luận tội ông chủ đảng của mình.

Ngày nào đảng CS còn độc quyền lãnh đạo đất nước, ngày nào chế độ XHCN còn tồn tại với sự vắng bóng của mô thức tam quyền phân lập thì ngày đó người dân VN vẫn nằm dưới ách cai trị của chế độ độc tài đảng trị. Người dân VN vẫn đói nghèo lạc hậu, không có tự do, dân chủ, nhân quyền đích thực dù những kẻ cầm quyền có rêu rao khoa trương khoác lác đến thế nào.

6/2017

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.