Những tên hề của thế kỷ
Luật sư Đào Tăng Dực (Danlambao) - Trong thế kỷ 21, có 2 nhân vật lịch sử nổi bật, dương oai điệu võ, phát huy bản ngã thấp hèn của mình, trên thân xác, sự khổ đau và uất hận của dân tộc họ. Đó là Vladimir Putin của Liên Bang Nga và Tập Cận Bình của Trung Quốc. Nga Sô cũng như Trung Quốc là 2 siêu cường nguyên tử có phiếu phủ quyết trong Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc.
Thật vậy, trong khi nhân loại đang xiển dương những bảng giá trị nền tảng như tự do, dân chủ và nhân quyền, thì tại Nga Sô Vladimir Putin ngày 18 tháng 3 vừa qua đắc cử tổng thống Liên Bang Nga thêm một nhiệm kỳ 6 năm nữa, trong một cuộc bầu cử hầu như không có đối thủ. Putin đã làm tổng thống nhiều nhiệm kỳ từ 2000 đến 2004, từ 2004 đến 2008. Tuy hiến pháp Nga chỉ cho phép một cá nhân làm tổng thống 2 nhiệm kỳ liên tục, nhưng Putin đã cho đệ tử bù nhìn của mình là Medvedev làm tổng thống từ 2008-2012 (trong thời gian đó Putin làm thủ tướng nhưng nắm giữ thực quyền). Sau đó một nhiệm kỳ thì Putin trở lại làm tổng thống vào năm 2012 đến năm 2018, thì tái đắc cử nhiệm kỳ 2, mỗi nhiệm kỳ bây giờ là 6 năm thay vì 4 năm.
Các quan sát viên chính trị thế giới tiên đoán rằng, với tình hình hiện tại, Putin có xác xuất làm tổng thống trọn đời.
Lý do tại sao?
Lý do là vì Putin và phe nhóm phát xuất từ một trong những định chế đen tối và nhiều quyền lực nhất lịch sử nhân loại. Đó là cơ quan mật vụ KGB cũ của Liên Bang Sô Viết thủa xưa. Tuy không còn hiện hữu trên danh nghĩa, nhưng cơ quan này, qua hậu duệ của nó là FSS tức Sở Tình Báo Liên Bang của Nga Sô hiện đại và nhóm tư bản hộ vệ cho Putin. Cả 2 thực thể này đang nắm vận mệnh của dân tộc Nga trong bàn tay của họ.
Tuy là một chế độ đa đảng trên danh nghĩa, nhưng Putin đã khéo léo lèo lái để các phe nhóm hoặc đảng phái nhỏ ra tranh cử càng nhiều càng tốt, chia phiếu đối lập, đồng thời triệt hạ hoặc sát hại các đối thủ có tầm vóc, qua bàn tay đen tối của mật vụ FSS.
Putin đã phản bội lại di sản của Boris Yelsin và đưa dân tộc Nga vào những cuộc phiêu lưu đầy tai hại.
Tại Trung Quốc, Tập Cận Bình còn trơ trẽn hơn nữa. Vào thập niên 90, trước bước tiến vũ bão của trào lưu dân chủ trên thế giới và tại Trung Hoa, Đặng Tiểu Bình đã có công cứu vãn sự sống còn của đảng CSTQ qua chủ trương phi ý thức hệ hóa, hiện đại hóa, tiếp tục độc tài đảng trị, nhưng cá nhân lãnh đạo phải luân phiên cai trị, hầu phân chia quyền lợi đồng đều cho các phe nhóm trong nội bộ đảng. Chủ trương của Đặng Tiểu Bình đã được các thế hệ của Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào nghiêm cẩn tuân hành.
Tuy nhiên Tập Cận Bình đã thay đổi truyền thống đó. Sau quyết định của Ban Chấp Hành Trung Ương đảng CSTQ và tiếp theo đó, phiên họp chính thức của Quốc Hội Trung Hoa ngày 11 tháng 3 vừa qua, Hiến Pháp được tu chính và không còn giới hạn 2 nhiệm kỳ chủ tịch nước nữa. Trong số 2964 dân biểu chỉ có 2 phiếu chống và 3 phiếu khiếm diện. Điều này chứng tỏ sự kiểm soát của đảng CSTQ đối với quốc hội là tuyệt đối.
Từ đây, Tập Cận Bình có thể làm chủ tịch nước trọn đời.
Tập Cận Bình gồm thâu các chức vụ Chủ Tịch Nước, Tổng Bí Thư Đảng và Chủ Tịch Quân Ủy Trung Ương. Tính ra họ Tập còn nhiều quyền hơn cả Đặng Tiểu Bình hay Mao Trạch Đông nữa.
Vì sao chúng ta gọi 2 nhân vật Putin và họ Tập là những tên hề của thế kỷ 21?
Lý do là vì đây là thế kỷ của tin học, của sự hiểu biết đại chúng và của dân chủ nhân quyền. Những nhà lãnh đạo chính trị chân chánh luôn ý thức rằng, quyền lực là một thứ ma túy cực mạnh và chỉ những cá nhân vượt trên bản ngã thấp hèn của mình, phụng sự vô vị lợi cho dân tộc họ. mới xứng đáng lãnh đạo mà thôi. Trong thời đương đại chúng ta có những khuôn mặt lớn như Mahatma Ghandi của Ấn Độ, Nelson Mandela của Nam Phi v.v...
Trong quá khứ của Nga Sô, những giai đoạn hưng thịnh của quốc gia chỉ xảy ra, khi các Nga Sa Hoàng hướng về Tây Âu để cải tổ chế độ. Sau Đệ Nhất Thế Chiến, năm 1917, dân tộc Nga đã mất đi cơ hội canh tân cải tổ dân chủ toàn diện, khi nhóm cộng sản Bolshevik của Lenin cướp chính quyền và chế độ cộng hòa của Kerensky bị lật đổ. Nếu chế dộ Kerensky sống còn và tiếp tục canh tân nước Nga theo truyền thống Tây Âu thì ngày hôm nay, Nga Sô như một dân tộc sẽ không thua Hoa Kỳ là bao nhiêu.
Trung Quốc cũng mất nhiều cơ hội như thế. Nếu cuộc cách mạng Tân Hợi ngày 10 tháng 10 năm 1911 không bị cuộc xâm lấn của Nhật Bản xáo trôn, và sau đó, tạo cơ hội lớn mạnh cho đảng CSTQ chiếm toàn lục địa Trung Hoa, thì Trung Quốc ngày hôm nay đã phát triển ít nhất ngang bằng Đài Loan, và nghiễm nhiên trội hơn Hoa Kỳ về sức mạnh kinh tế với dân số 1.300 triệu dân.
Tập Cận Bình cũng đánh mất cơ hội dân chủ hóa Trung Quốc. Một dân tộc Trung Hoa dân chủ hiến định, pháp trị và đa nguyên, góp phần cho di sản nhân loại qua nền văn hóa truyền thống của mình sẽ đem lại vị trí khả kính cho dân tộc, không phải một dân tộc Trung Hoa bá quyền và đối đầu với thế giới văn minh.
Dưới chính sách của Putin, một nước Nga Dân Số 145 triệu, đất đai mênh mông, tài nguyên vô tận mà GDP chỉ có $1.522 tỷ đô la Mỹ. Trong khi đó một nước Anh chỉ có 64 triệu dân, đất đai chật hẹp mà GDP đã $2.914 tỷ rồi. Làm sao có thể đối đầu với Liên Hiệp Âu Châu gồm 28 quốc gia, trong đó Pháp, Đức, Ý và Tây Ban Nha với GDP xấp xỉ tương tự được. Đó là chưa kể trong Liên Minh Bắc Đại Tây Dương bao gồm cả Hoa Kỳ với GDP là $19.390 tỷ và dân số 325 triệu.
Bên ngoài thì gây chiến với toàn thể nhân loại văn minh. Bên trong thì gây chiến với chính dân tộc mình. Đó là những trò hề nguy hiểm cho dân tộc họ.
Lịch sử chắc chắn sẽ khắc ghi Putin và Tập Cận Bình là những tên hề lớn của thế kỷ. Họ cũng đồng thời là những sỉ nhục lớn lao cho quốc thể và sự thông minh của hai dân tộc Nga- Tàu.
Các tổng bí thư của đảng CSVN như Lê Duẫn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Đỗ Mười, Lê Khả Phiêu, Nông Đức Mạnh và Nguyễn Phú Trọng dĩ nhiên cũng sẽ được lịch sử khắc ghi là những tên hề tí hon của lịch sử, không phải vì nước Việt Nam nhỏ, mà vì họ chưa bao giờ trưởng thành vượt ra ngoài tầm ảnh hưởng và tư duy của các chủ nhân ông Trung Quốc như Mao Trạch Đông, Đặng Tiểu Bình, Giang Trạch Dân, Hồ Cẩm Đào và Tập Cận Bình cả.
28.04.2018
Post a Comment