Vẫn còn là những câu hỏi 30/4 sau 43 năm (P3 với nhà văn Sơn Tùng)
1. Nhà văn Dương Thu Hương không những đã trả lại đúng tên gọi cho Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông năm xưa, mà tác giả cuốn truyện dài gây chú ý "Thiên Đường Mù" cũng đã nhỏ lệ bên hè phố Sài Gòn khi nhận ra mình đã bị đánh lừa và tọng đầy những chiếc bánh vẽ như sau: "Khi vào đến Sài Gòn, chúng tôi mới hiểu rằng XH Miền Bắc là một XH cấu trúc man rợ: mỗi tháng được nhà nước phát cho từng bó cỏ, con "người" không còn là người nữa, mà dưới người!"
Và rồi bây giờ chúng ta lại ngồi đây, để nghĩ về 30/4/75 với một tâm cảm đáng ra phải như thế nào? Liệu sau 43 năm đã quá đủ, để những con người của ngày hôm ấy đã không còn trẻ nữa, hoặc đã già nua cho ngày hôm nay vẫn cứ hãnh tiến xuẩn ngốc rầm rộ ăn mừng chiến thắng, trên những quặn đau, tan hoang, mất mát của toàn dân hai miền Nam Bắc lòng người vẫn ly tán?
Nhà văn Sơn Tùng: Tôi nghĩ không cần phải tới hôm nay, sau 43 năm, “mới đủ” để cho những người ở bên “đại thắng” năm 1975 sáng mắt sáng lòng. Nhưng tôi ngạc nhiên không thấy những người ấy làm một cái gì để chuộc tội, hay sửa lại những sai lầm mà họ đã là nạn nhân của “bức màn tre” kín mít và sự nhồi sọ “ưu việt” của cộng sản. Trường hợp Dương Thu Hương và một số ít người khác chỉ là ngoại lệ, đã dám nói lên sự thật và chống lại cái chế độ “khốn nạn” ấy (lời LS. Nguyễn Văn Đài).
2. À... vậy thì bạn có nhớ ngày hôm đó 30/4 (phải gọi đúng tên gọi là gì nhỉ, hay có khi chỉ là những vần thơ Tháng Tư Đen mà bạn muốn chia sẻ?) khi Miền Nam VN bị đồng minh bỏ rơi và thất thủ, trong khi Miền Bắc VN thì cứ một mực vượt Trường Sơn, vạch dòng Bến Hải ngăn chia để xé rào tràn vào "đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào" hoặc "đánh cho chết đến người Việt Nam cuối cùng" thì toàn cảnh lịch sử đó, bạn đã ghi nhận được những gì, và lúc đó bạn cùng gia đình đang làm gì, ở đâu và ra sao? Chắc bạn còn nhớ cảm giác của mình hoặc gia đình ngày hôm ấy, rồi thì những ngày sắp đến và đã đến sau đó của thời điểm ấy, bạn đã sống như thế nào?
Nhà văn Sơn Tùng: Về câu hỏi này, tôi muốn hơi dài dòng một tí. Ngày 30 tháng 4, 1975 tôi ở Sài-Gòn cùng với vợ và đứa con trai 10 tuổi. Dân Sài-Gòn lúc ấy hầu như ai ai cũng cuống cuồng tìm đường “chạy”, nhưng tôi đã quyết định không đi. Không phải tôi ngồi chờ để được… giải phóng, hay không biết tình hình đã nguy ngập ra sao. Tôi đã quyết định ở lại vì 3 lý do:
- “Đầu hàng vô điều kiện”, như đã xảy ra, là một “kịch bản” không hề có trong đầu tôi. Tôi nghĩ cuộc chiến này đã tới hồi kết thúc và sẽ có một giải pháp nào đó được hai bên thỏa thuận để chấm dứt bắn giết, và tôi muốn có mặt trong biến cố trọng đại ấy. Ba mươi năm trước, ngày 2.9.1945, Hồ Chí Minh đọc bản “Tuyên ngôn độc lập” tôi là một đứa bé lên chín nhưng đã cảm thấy đó một ngày trọng đại khi được bố dắt theo tới đầu phố cùng đám đông tụ họp để nghe máy phóng thanh truyền đi bản “Tuyên ngôn độc lập” do Hồ Chí Minh đọc. Ngày đó có thể coi ngày khởi đầu, hay cội nguồn của cuộc chiến khốc liệt kéo dài cho tới nay (1975) và đang tới chỗ kết thúc, khi tôi 39 tuổi. Tôi muốn ở lại với mọi người để chứng kiến những gì sẽ diễn ra.
- Khi ấy, em ruột tôi và nhiều người thân còn đang ở ngoài mặt trận. Lòng nào mà tôi bỏ đi cho được?
- Tôi không thích sống đời lưu vong tị nạn ở hải ngoại.
Sáng ngày 30.4.1975, đứng trên lầu 4 Cư xá Thanh Đa nhìn đoàn xe cắm “cờ giải phóng” nửa đỏ nửa xanh chạy trên Quốc lộ 13 hướng vào Sài-Gòn, tôi cảm thấy như vừa rơi xuống địa ngục. Tôi nhắm mắt lại để khỏi phải nhìn thêm nữa.
Bảy năm sau, tôi vượt biển và thoát được tới Malaysia.
Đã có nhiều tên gọi cho ngày 30.4.1975, tùy ở bên chiến thắng hay bên chiến bại, tùy miền Bắc hay miền Nam.
Miền Bắc: Ngày Giải Phóng, Đại Thắng Mùa Xuân…
Miền Nam: Ngày Quốc Hận, Tháng Tư Đen…
Sau 43 năm, thiết tưởng đã đủ dữ kiện lịch sử để đặt cho ngày ấy một cái tên chung cho cả bên thắng cũng như bên bại, miền Bắc cũng như niềm Nam: “Ngày Ô Nhục”.
Miền Nam: Có nhiều lý do đã được nêu ra để giải thích cho một chiến bại ô nhục. Sự ô nhục được nhìn thấy bằng mắt với sự tan vỡ trong hỗn loạn của một quân đội được coi là hùng mạnh nhất Á Châu vào thời ấy, với những người lính vứt bỏ vũ khí, lột quân phục, tháo giày trận, chen lấn cùng thường dân, bỏ chạy về nơi an toàn, và cuối cùng là hình ảnh “Tổng thống” Dương Văn Minh cúi mặt cùng với nội các ba ngày của ông bị dẫn giải ra khỏi Dinh Độc Lập. Không nói đến những ô nhục kéo dài nhiều tháng năm sau do chính sách đối xử tàn bạo và độc ác của phe chiến thắng đối với phe chiến bại.
Lý do thường được nói tới nhiều để biện minh cho bên chiến bại là sự “phản bội” của đồng minh Hoa Kỳ, nhưng cuộc chiến tranh ấy không bắt đầu từ năm 1965, khi Hoa Kỳ tự ý đem quân vào miền Nam tham chiến mà không hề có sự đồng thuận hay cam kết nào giữa VNCH và Hoa Kỳ. Năm 1972 Hoa Kỳ cũng tự ý rút quân như khi đến.
Cuộc chiến tranh ấy đã bắt đầu từ 20 năm trước đó, khi người cộng sản Việt Nam do Hồ Chí Minh lãnh đạo năm 1945 đội lốt “kháng chiến” (Việt Minh) cướp chính quyền và bắt đầu diệt trừ những ai không theo “kháng chiến”, hay theo kháng chiến nhưng không theo cộng sản.
Cuộc chiến tranh Quốc/Cộng đã bắt đầu từ đó và phe Quốc gia đã bỏ lỡ nhiều cơ hội đánh bại Cộng sản, từ những sai lầm của chính phủ Trần Trọng Kim, đến sự thoái vị tai hại của Vua Bảo Đại, sự yếu kém của các đảng phái Quốc gia, đến việc lật đổ chính quyền Ngô Đình Diệm...
Từng lớp trí thức, “sĩ phu” Việt Nam khi ấy, tuy giàu lòng yêu nước nhưng thiếu sáng suốt, một số không nhỏ đã bị tên HCM gian xảo lừa, đem thân làm công cụ cho hắn, lôi kéo theo những thành phần khác trong xã hội vào hàng ngũ cộng sản. Khi tỉnh ngộ, biết mình dại thì đã quá muộn, trở thành những con người mà tên trùm cộng sản Nga đại gian ác Lênin gọi là “những tên ngốc hữu dụng”.
Những trí thức trong vùng quốc gia thì một số cũng khờ dại không kém, làm tay sai không công cho cộng sản, phá nát hậu phương miền Nam mà cứ nghĩ là tiến bộ, yêu nước, yêu hòa bình.
Cuối cùng là ngày 30.4.1975, miền đất đã thấm bao dòng máu đào của những người con yêu nước trong cuộc chiến đấu cho Chính Nghĩa trong suốt 20 năm đã bỏ trống cho một ông tướng nhiều tham vọng nhưng khờ khạo về chính trị lên nắm quyền “tổng thống” để cúi đầu quy hàng trong ô nhục mà không có đủ can đảm để bắn một viên đạn vào đầu như nhiều thuộc cấp của ông ta đã làm. Ô nhục nào hơn?
Miền Bắc: Đã có nhiều mỹ từ và ngoa ngôn để huyênh hoang cho chiến thắng năm 1975 của họ, một “chiến thắng” đạt được dựa trên lừa dối và tàn bạo đối với đồng bào họ mà chính tên cộng sản quốc tế cuồng tín và vô học Lê Duẩn đã không thể chối cãi khi hắn nói: “Ta đánh đây là đánh cho Liên-xô, cho Trung Quốc”! Một chiến thắng ô nhục và vô nghĩa với hơn một triệu thanh niên miền Bắc đã bỏ xác trong Nam “cho Liên-xô, cho Trung quốc”.
Ngày 30.4.1975 được gọi là ngày “Giải phóng” thì cũng chính là ngày khởi đầu cho hàng triệu người ồ ạt vượt biển vượt biên đi tìm tự do. Đồng thời cũng là ngày khởi đầu cho những nhà tù mang tên là “Trại Cải tạo” mọc lên trong rừng rậm trên khắp nước để đày ải những người vô tội bị cái gọi là “Tòa án Nhân dân” kết tội “chống phá cách mạng” mà trước đây trong gần 100 năm bị thực dân Pháp đô hộ, dân ta cũng không bị tù đày oan ức nhiều như ngày nay dưới chế độ “Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa VN”. Mới đây nhất là vụ “Tòa án nhân dân” ở Hà-nội ngày 5 tháng 4 vừa qua đã kết tội nặng sáu người chỉ vì lên tiếng đòi lại quyền làm người, làm dân đã bị “nhà nước nhân dân” cướp đoạt”. “Cộng hòa Xã Hội Chũ VN” hiện là nước có nhiều người đang ngồi tù thứ hai trên thế giới. Vinh quang hay ô nhục?
Ngày 30.4.1975 cũng được bên chiến thắng hãnh diện gọi là ngày “thống nhất” đất nước. Ô nhục thay, đó cũng là ngày khởi đầu cho một thời kỳ chia rẽ trầm trọng chưa từng thấy trong lịch sử mấy ngàn năm của dân tộc Việt Nam mà càng ngày càng hiện rõ.
Dưới tên “Cộng hòa Xã hội Chủ Nghĩa VN”, hiện nay có 3 nước Việt Nam:
- Một nước Việt Nam của hơn bốn triệu đảng viên cộng sản tóm thâu mọi đặc quyền, được lợi. Họ nhân danh nhân dân (nhà nước nhân dân) để nô lệ hóa nhân dân. Họ nắm trong tay cả ba quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp, và toàn quyền sanh sát. Trong khi chủ nghĩa cộng sản đã chết gần 30 năm rồi khi Đế quốc Đỏ Liên-sô và Khối Cộng sản chư hầu Đông Âu sụp đổ, đảng Cộng sản VN biến thành một thứ Mafia da vàng, các đảng viên có chức có quyền đều trở thành những đại gia đỏ, công khai phô trương sự giàu có. Họ dâng cả nước cho Tàu cộng và thẳng tay đàn áp dân.
- Một nước Việt Nam của những người an phận, chấp nhận sống như một bầy cừu dưới sự chăn dắt của đảng CSVN, không cảm thấy bị “nhà nước nhân dân” tước đoạt mọi thứ quyền tự do của con người, họ chỉ cần được yên ổn làm ăn, kiếm tiền để thực hiện được những ước mơ nhỏ bé của đời sống thường ngày. Họ không cần biết đến chính trị, đến tự do, dân chủ, nhân quyền, đến nước còn hay nước mất. Ai tranh đấu, tù tội mặc ai.
- Một nước Việt Nam của những người có nhận thức về tự do và nhân quyền. Họ không chấp nhận đời sống như một bầu cừu ngoan ngoãn và không chấp nhận cho ai nhân danh bất cứ chủ nghĩa nào để tước đoạt những quyền căn bản của mọi con người. Họ lên tiếng đòi hỏi, và bị đàn áp, bị tù tội. Nhưng bạo lực và nhà tù không làm cho họ im tiếng. Trái lại, càng đàn áp, tù tội càng có thêm nhiều người lên tiếng, và nhiều người lắng nghe.
Nhưng, đây là một cuộc chiến đấu không cân sức. Cứ lên tiếng và tranh đấu bất bạo động sẽ không làm lay chuyển một chế độ độc tài vừa ác vừa gian. Những ai lạc quan, hãy đọc đoạn dưới đây trích từ báo Quân Đội Nhân Dân ngày 28.3.2018: “Những thành tựu to lớn của Đảng, Nhà nước và của nhân dân ta trong quán triệt và thực hành nền dân chủ nhân dân là một thực tế sinh động không ai có thể phủ nhận được. Ấy vậy mà các thế lực thù địch vẫn ra sức xuyên tạc bản chất của chế độ dân chủ và những thành tựu về dân chủ ở nước ta với những thủ đoạn, biện pháp vừa trắng trợn, vừa tinh vi và đều nhằm tới mục đích là chống phá cách mạng Việt Nam, hạ thấp, phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản, vai trò của Nhà nước XHCN, phủ nhận bản chất ưu việt của chế độ dân chủ ở nước ta.”
Đây chỉ có thể là lời lẽ của những người bị “thần kinh”, hay là của một bồi bút viết ra những điều mà chính tác giả cũng không hiểu.
Quân xâm lược từ phương Bắc đã được đảng CSVN rước vào nhà. Tôi không phải là người quen suy nghĩ bi quan, nhưng tình hình Việt Nam hiện nay không cho thấy một dấu hiệu nào để ta có thể lạc quan. Tôi nghĩ nếu không có một “phép lạ” nào xảy ra, con đường diệt vong của dân tộc Việt Nam sẽ không còn xa.
Tôi xin được miễn trả lời các câu hỏi số 3, 4 và 5 vì đã được nói tới trong phần trên. Cám ơn chị.
Phần 1:
http://danlambaovn.blogspot.com/2018/04/van-con-la-nhung-cau-hoi-304-sau-43-nam.html
Phần 2:
Post a Comment