Vẫn còn là những câu hỏi 30/4 sau 43 năm (P4 với Nguyễn Gia Kiểng)
Nguyễn Thị Thanh Bình (Danlambao) - Nhà văn Dương Thu Hương không những đã trả lại đúng tên gọi cho Sài Gòn, Hòn Ngọc Viễn Đông năm xưa, mà tác giả cuốn truyện dài gây chú ý "Thiên Đường Mù" cũng đã nhỏ lệ bên hè phố Sài Gòn khi nhận ra mình đã bị đánh lừa và tọng đầy những chiếc bánh vẽ như sau: "Khi vào đến Sài Gòn, chúng tôi mới hiểu rằng XH Miền Bắc là một XH cấu trúc man rợ: mỗi tháng được nhà nước phát cho từng bó cỏ, con "người" không còn là người nữa, mà dưới người!"
Và rồi bây giờ chúng ta lại ngồi đây, để nghĩ về 30/4/75 với một tâm cảm đáng ra phải như thế nào? Liệu sau 43 năm đã quá đủ, để những con người của ngày hôm ấy đã không còn trẻ nữa, hoặc đã già nua cho ngày hôm nay vẫn cứ hãnh tiến xuẩn ngốc rầm rộ ăn mừng chiến thắng, trên những quặn đau, tan hoang, mất mát của toàn dân hai miền Nam Bắc lòng người vẫn ly tán?
Nguyễn Gia Kiểng: Sự độc hại của chủ nghĩa cộng sản cũng như sự mê muội của các lãnh tụ cộng sản đã quá rõ ràng và đã làm đất nước ta tan tành về cả vật chất lẫn tinh thần. Thành quả của Đảng Cộng Sản là đã khiến chúng ta là một trong những dân tộc nghèo khổ và tụt hậu với thu nhập bình quân trên mỗi đầu người chỉ bằng 1/7 mức trung bình thế giới và hơn thế nữa còn bị từ chối những quyền con người cơ bản nhất. Câu hỏi cần được đặt ra là tại sao những con người tồi tệ như vậy tôn sùng một chủ nghĩa tồi tệ như vậy đã cướp được chính quyền và vẫn còn duy trì được ách độc tài toàn trị? Kẻ thắng càng tồi dở bao nhiêu thì sự thất bại càng hổ nhục bấy nhiêu. Không phải là vì dân tộc Việt Nam hèn kém. Các dân tộc không khác nhau bao nhiêu, sự khác biệt là ở giới trí thức của mỗi dân tộc. Trí thức Việt Nam hoăc không quan tâm tới đất nước, hoặc không có bản lĩnh chính trị để quan tâm một cách đúng đắn. Đó là thảm kịch của dân tộc ta. Đó là bài học lớn nhất khi chúng ta nghĩ đến ngày 30/4.
2. À... vậy thì bạn có nhớ ngày hôm đó 30/4 (phải gọi đúng tên gọi là gì nhỉ, hay có khi chỉ là những vần thơ Tháng Tư Đen mà bạn muốn chia sẻ?) khi Miền Nam VN bị đồng minh bỏ rơi và thất thủ, trong khi Miền Bắc VN thì cứ một mực vượt Trường Sơn, vạch dòng Bến Hải ngăn chia để xé rào tràn vào "đánh cho Mỹ cút Ngụy nhào" hoặc "đánh cho chết đến người Việt Nam cuối cùng" thì toàn cảnh lịch sử đó, bạn đã ghi nhận được những gì, và lúc đó bạn cùng gia đình đang làm gì, ở đâu và ra sao? Chắc bạn còn nhớ cảm giác của mình hoặc gia đình ngày hôm ấy, rồi thì những ngày sắp đến và đã đến sau đó của thời điểm ấy, bạn đã sống như thế nào?
Nguyễn Gia Kiểng: Ngày 30-4-1975 tôi ở Sài Gòn và đã chứng kiến quân đội cộng sản tràn vào trong những tiếng hô chiến thắng kèm theo những tiếng súng vang trời vừa để bày tỏ sự vui mừng vừa để trấn áp tinh thần những kẻ chiến chiến bại. Sự hân hoan của họ chỉ có thể so sánh với sự tủi nhục của tôi. Tôi có cảm tưởng như đời mình sụp đổ. Lý tưởng tự do dân chủ của tôi, giấc mơ Việt Nam của tôi, tương lai của tôi đều sụp đổ. Ngay cả tính mạng của tôi cũng lâm nguy nếu những gì đã xẩy ra tại Campuchia trước đó hai tuần khi quân Khmer Đỏ tràn vào Phnom Penh cũng tái diễn tại nước ta. Tuy vậy một cách lạ lùng tôi lại có cảm giác nhẹ nhõm bởi vì trong gần hai tháng trước đó, cũng như nhiều người khác, tôi đã sống những ngày rất căng thẳng, đã cố gắng một cách tuyệt vọng nhưng rồi chỉ thấy chế độ Việt Nam Cộng Hòa mà mình muốn bảo vệ liên tục sụp đổ nhanh chóng. Mỗi ngày, mỗi giờ là một tin dữ. Vào ngày 30-4-1975 tôi đã kiệt sức. Cái nhẹ nhõm là ở chỗ nghĩ rằng mình đã làm tất cả những gì có thể làm và bây giờ không còn trách nhiệm nào nữa, ngoài trách nhiệm đối với chính mình.
Sau đó, một cách không ngờ tôi được gặp các viên chức cộng sản từ Hà Nội vào tiếp thu kinh tế miền Nam. Họ tỏ ra rất có cảm tình với tôi và nói rằng họ rất cần những người như tôi, tôi chỉ cần ra trình diện cho có lệ thôi chứ không phải lo gì cả. Dĩ nhiên tôi không thể chấp nhận đặc ân này. Một kỷ niệm tôi còn nhớ mãi là cuộc găp gỡ ngày 01-05 tại quán café Givral đường Tự Do giữa nhóm bạn cùng về nước phục vụ sau khi tốt nghiệp ở nước ngoài. Chúng tôi đã hẹn nhau trước là những người còn kẹt lại sẽ gặp nhau tại đó ngay hôm sau khi quân cộng sản vào Sài Gòn. Trong cuộc gặp nhau bi đát này người thì nói thôi đành phải miễn cưỡng hợp tác với chế độ cộng sản, người thì nói chỉ còn cách phó thác cho số phận, một số trong đó có tôi nói phải tìm mọi cách để trốn ra nước ngoài. Sau đó tôi đã làm như thế nhưng không thành công, bị bắt và bị tù. Cũng do một hoàn cảnh rất đặc biệt mà tôi chỉ bị giam trong gần bốn năm rồi được cho ra khỏi nhà tù và trở thành chuyên viên của chính quyền cộng sản cho đến khi ra nước ngoài. Giai đoạn này đã giúp tôi hiểu rõ hơn chế độ cộng sản.
3. Thật ra để phải mở lại lòng mình như mở lại những trang ký ức buồn bã xót xa, hoặc nhiều phần là không vui nổi, những người bên này hoặc bên kia chiến tuyến không lẽ cho đến lúc này không nhận ra được lời thú tội phũ phàng của Lê Duẫn: “Ta đánh đây là đánh cho Nga cho Tàu”? Và như thế, khi lật lại những trang quân sử đớn đau bi tráng của 30/4, hay mới đây là mốc điểm tưởng niệm của “50 năm thảm sát Mậu Thân Huế”, liệu có làm chúng ta tự hỏi đã đến lúc mình cần phải hành xử như thế nào để xứng đáng đáp đền linh hồn của những anh linh VN?
Nguyễn Gia Kiểng: Như tôi vừa nói trong câu hỏi đầu, sự tồi dở và gian trá của của những người lãnh đạo Đảng Cộng Sản đã quá rõ ràng; câu hỏi phải được đăt ra và trả lời một cách thành thực là tại sao dầu vậy họ đã toàn thắng và vẫn còn giữ được chính quyền?
Lý do là vì họ có logic của họ trong khi các chính quyền quốc gia –Quốc Gia Việt Nam rồi Việt Nam Cộng Hòa- không có. Đảng Cộng Sản là một lực lượng khủng bố theo đuổi một lý tưởng đạo tặc coi cướp chính quyền là một cứu cánh có thể biện minh cho mọi phương tiện và họ đã hành động đúng như thế trong khi các chính quyền quốc gia tuy tự xưng là theo lý tưởng tự do dân chủ nhưng lại không thích dân chủ; họ hành xử theo một logic phản dân chủ và không biết khai thác sức mạnh của dân chủ. Đặc tính chung của những người kế tiếp nhau cầm quyền phe quốc gia là họ hoàn toàn không có một huấn luyện chính trị nào, chưa nói là huấn luyện dân chủ, do đó họ không biết phải đấu tranh chính trị như thế nào. Một thí dụ khó tưởng tượng là tất cả các chính quyền Quốc Gia Việt Nam cũng như Việt Nam Cộng Hòa đều không có một cơ quan nào để nghiên cứu về chủ nghĩa cộng sản và kỹ thuật đấu tranh của các đảng cộng sản. Một thí dụ cũng kinh khủng không kém là dù sự sống còn của chế độ VNCH hoàn toàn tùy thuộc vào Hoa Kỳ nhưng cũng không có một cơ quan nào để nghiên cứu chính trị Hoa Kỳ và tranh thủ sự ủng hộ của Hoa Kỳ. Chúng ta thường mỉa mai các lãnh tụ cộng sản là vô học. Điều này đúng nhưng về kiến thức chính trị họ hơn hẳn những người lãnh đạo phe quốc gia. Họ có huấn luyện về đấu tranh chính trị, dù là chính trị đạo tặc. Trong phe quốc gia có một niềm tin nhảm nhí nhưng chắc nịch là không cần học tập về chính trị, hễ cứ tốt nghiệp đại học, dù là bác sĩ, nha sĩ hay kỹ sư v.v. là đương nhiên có thể là một cấp lãnh đạo chính trị. Điều này sai một cách lỗ mãng, chính trị vừa là một môn với những vấn đề riêng của nó lại vừa là tổng hợp của nhiều môn khác, hơn thế nữa lại còn đòi hỏi được ứng dụng vào thực tế xã hội, nghĩa là đòi hỏi một sự hiểu biết thấu đáo về bối cảnh quốc gia và quốc tế, những thử thách cũng như những hy vọng. Nó khó khăn hơn mọi môn khác, không những thế còn đòi hỏi những đức tính không có trong những môn khác: sự lương thiện, sự dũng cảm và lòng yêu nước. Cho nên một người dù rất thông minh và có bằng cấp đại học rất cao mà không học hỏi riêng về chính trị thì cũng vẫn là vô học về mặt chính trị. Sự thiếu vắng hoàn toàn bản lĩnh chính trị của các chính quyền quốc gia đã khiến thắng lợi của Đảng Cộng Sản là điều khó tránh khỏi dù nó chẳng hay ho gì.
Đừng trách Hoa Kỳ đã bỏ rơi đồng minh. Sự trách móc này chỉ chứng tỏ chúng ta chưa hiểu thảm kịch của chính mình. Hoa Kỳ chưa bao giờ kiên nhẫn như họ đã kiên nhẫn tại Việt Nam. Trách nhiệm hoàn toàn thuộc về những người đã lãnh đạo Việt Nam Cộng Hòa và trí thức Việt Nam nói chung. Chúng ta đã thiếu những trí thức chính trị.
Cuộc chiến này đã khiến nhiều triệu người thiệt mạng trong đó ngoài tuyệt đại đa số vô tội còn có rất nhiều người dũng cảm và yêu nước. Ký ức của họ buộc chúng ta từ nay phải có một thái độ nghiêm chỉnh, nghĩa là phải ý thức rằng nếu không có một trình độ lý luận cao và nhiều năm miệt mài tìm hiểu về chính trị cũng như về đất nước Việt Nam thì phải rất khiêm tốn vì những gì mình phát biểu có rất nhiều triển vọng là sai. Rất tiếc là chúng ta vẫn chưa có sự thận trọng này và cuộc thảo luận chính trị vẫn còn xô bồ, nhốn nháo. Có lẽ đó là lý do chính khiến chúng ta vẫ chưa có được một lực lượng chính trị có tầm vóc.
4. Nhiều quý vị trong chúng ta nói rằng, những con dân gốc Việt ở quê người không phải là không có tấm lòng cho quê hương mà hẳn nhiên là trái lại, có điều họ quên mất vai trò của mình là đã được quá an toàn tự do, khi kêu gọi những người dân thấp cổ bé miệng ở quê nhà phải biết hành động đứng lên đòi lại tự do cho chính mình. Nếu đồng bào ở ngoài nước chỉ đóng vai làm người ủng hộ, và hơn thế nữa cũng chẳng có cơ hội gì để có thể mong muốn xây dựng phát triển đất nước mình một cách thiết thực. Vậy theo bạn chúng ta phải làm gì để góp phần vào công cuộc dân chủ hóa một đất nước đã ù lì, lì lợm không hề muốn rủ bỏ thay đổi, khi mà chính Mahatma Ghandi, thủ lãnh của đường lối BBĐ cũng đã nói: “Hãy trở thành chính sự thay đổi mà bạn muốn nhìn thấy trên thế giới này”? Thử hỏi bạn có muốn được làm một nhà văn chân chính hay đơn thuần là một công dân đúng nghĩa đang muốn lên tiếng cho những thao thức trăn trở cần thiết, cho một đất nước đang có quá nhiều thiếu vắng về quyền được nói, được tỏ bày biểu đạt của tự do ngôn luận, tự do báo chí?
Nguyễn Gia Kiểng: Tôi không phải là nhà văn và cũng không có ý muốn trở thành một nhà văn nhưng cũng xin góp ý về sự phân biệt người trong nước và người ngoài nước trong cuộc vận động dân chủ vào lúc này. Chúng ta đang ở giai đoạn tranh thủ sự hưởng ứng của nhân dân Việt Nam và dư luận thế giới cho một dự án dân chủ hóa Việt Nam. Đây là giai đoạn quan trọng nhất của cuộc vận động dân chủ và trong giai đoạn này chúng ta tranh đấu chủ yếu bằng truyền thông, bằng lời nói và hình ảnh, trong đó sự phân biệt giữa người trong nước và người ngoài nước chỉ là vớ vẩn, vấn đề chỉ là chỉ là có những ý kiến đúng và được phát biểu một cách thành thực và thuyết phục. Hơn nữa chúng ta đang sống trong kỷ nguyên truyền thông, với mạng internet khoảng cách không còn quan trọng nữa.
5. Còn một câu hỏi chót, và câu này dường như được gợi ý từ câu nói rất đậm đà ý nghĩa của một Thiếu tướng khá trẻ và tài giỏi của quân lực Hoa Kỳ, hiện được biết đang đóng quân ở Nam Hàn, xin hân hạnh không chỉ muốn được hỏi Tướng Lương Xuân Việt rằng: Liệu có phải Thiếu tướng muốn nhắn nhủ điều gì thầm kín với tuổi trẻ Việt Nam khi thổ lộ: “… tôi cũng rất may là đã mang dòng máu dân tộc vốn có 4000 năm văn hiến, và trong máu tôi có dòng máu của Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền:? Phải chăng tuổi trẻ Việt Nam lúc này đã không còn được dạy dỗ môn học lịch sử ở trường lớp, để được ôn lại những trang sử hào hùng của dân tộc nên dần dà đã lãng quên cả những giấc mơ nhỏ nhoi được làm người, nói chi đến (giấc) “Mơ Làm Người Quang Trung” như thông điệp gởi gấm của một tựa sách Duyên Anh, khi đất nước đang đến hồi lâm nguy và tháng 4 đen với những bản án nặng nề của những tù nhân lương tâm gia tăng ở mức độ khùng. Không lẽ chúng ta không đồng ý là chế độ độc tài CSVN đã thua sạch sành sanh trong Hòa Bình, và ai sẽ là người phải biết hóa giải lòng mình trước hết?
Nguyễn Gia Kiểng: Tôi không thấy việc mang dòng máu Quang Trung, Lê Lợi, Trần Hưng Đạo và Ngô Quyền là quan trọng. Vả lại tôi không ngưỡng mộ Quang Trung. Ông ấy là một người vô học, võ biền, tráo trở và hung bạo. Đối với tôi đó là một mẫu người không nên có. Tôi đặc biệt quý trọng những người đã đóng góp mở mang trí tuệ của dân tộc như Ngô Sĩ Liên, Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú và gần đây Phan Chu Trinh v.v. Điều quan trọng là chúng ta là người, và là người Việt Nam. Đất nước Việt Nam, con người Việt Nam là một phần của mỗi chúng ta. Không ai chọn được tổ tiên và nguồn gốc của mình. Chúng ta có bổn phận với nhân loại, với đất nước và dân tộc mình. Chúng ta phải tranh đấu để những quyền con người được tôn trọng, trước hết là trên đất nước mình.
Tôi rất mừng cho những người Việt Nam đã thành công ở nước ngoài, tôi chúc họ mọi may mắn và ngày càng thành công hơn, nhưng điều quan trọng đối với tôi là họ còn thấy mình là người Việt Nam không và còn có bổn phận với đất nước và dân tộc Việt Nam không. Tình cảm của tôi trong lúc này trước hết dành cho những người đang vất vả đóng góp vào cố gắng đem lại tự do và dân chủ cho đất nước.
http://danlambaovn.blogspot.com/2018/04/van-con-la-nhung-cau-hoi-304-sau-43-nam.html
Phần 2:
http://danlambaovn.blogspot.com/2018/04/van-con-la-nhung-cau-hoi-304-sau-43-nam_26.html
Phần 3:
http://danlambaovn.blogspot.com/2018/04/van-con-la-nhung-cau-hoi-304-sau-43-nam_28.html
Thực hiện bởi:
Post a Comment