Cạm bẫy tiềm tàng thứ 2 của Trung Quốc: Các hạn chế trong mô hình chính trị và kinh tế
Tùy Nghi Tiến (Danlambao) dịch - Sau khi hưởng thụ một sự phát triển nhanh chóng trong gần 40 năm, Trung Quốc hiện ở một điểm ngoặt của tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trong loạt bài này, Tiến sĩ Xue Li sẽ xem xét năm thách đố then chốt và năm cạm bẫy tiềm tàng nhất mà Trung Quốc đương đầu ngày hôm nay.
Đã hơn 30 năm kể từ khi Trung Quốc khởi sự các cuộc cải cách và mở cửa nhưng họ vẫn chưa tạo ra được một mô hình chính trị và xã hội cho sự phát triển bền vững.
Về mặt kinh tế, nền kinh tế thị trường nói chung đã tiếp nhận vai trò lãnh đạo, nhưng có một số khiếm khuyết trầm trọng. Chính phủ vẫn can thiệp quá nhiều trong nền kinh tế. Vấn nạn can thiệp không thích đáng trong nền kinh tế vẫn chưa được giải quyết. Chỉ cần trưng dẫn hai ví dụ:
Thứ nhất, thị trường chứng khoán bị nhà nước Trung cộng khuynh đảo một cách trắng trợn. Cụ thể là cách đây mấy tháng chính phủ đã can thiệp quyết liệt để cứu nguy thị trường. Đáng tiếc thay, hành động này không những không hiệu quả mà còn cung cấp thêm bằng chứng cho những ai ở nước ngoài hồ nghi rằng Trung Quốc thực sự có một nền kinh tế thị trường. May thay, nhà cầm quyền Trung cộng đã quan tâm điều đó và đang thực hiện các điều chỉnh thích hợp. Sự “hiệu chỉnh” mới đó rất có thể sẽ thích hợp với nhu cầu của một nền kinh tế thị trường hơn.
Thứ nhì, các sự hạn chế và kỳ thị với khu vực doanh nghiệp tư nhân vẫn còn là một vấn nạn. Các doanh nghiệp tư nhân vốn đã và đang tạo việc làm cho hầu hết lực lượng lao động tại Trung Quốc và chịu trách nhiệm cho đa phần Tổng Sản lượng Nội địa (Gross Domestic Product – GDP). Tuy nhiên, nhiều lãnh vực đầu tư và kinh doanh đã và đang hạn chế, thậm chí ngăn cấm sự tham dự của các doanh nghiệp tư nhân. Tỷ lệ các doanh nghiệp nhà nước (State-Owned Enterprises – SOEs) quá lớn. Các doanh nghiệp nhà nước đa phần hoạt động kém hiệu năng nhưng lại thường được ưu đãi, chẳng hạn như được ban cấp vị thế độc quyền và các khoản tài trợ đặc biệt. Sự thiên vị này dẫn tới các điều kiện thị trường bất công, và tới sự phung phí và đảo ngược các dòng tài nguyên kinh tế.
Về mặt chính trị, các giới lãnh tụ tại mọi cấp bậc cầm quyền ở Hoa Lục đều có quá nhiều ảnh hưởng tổng quát trong lãnh vực mà họ quán xuyến. Một sự thay đổi lãnh đạo sẽ tạo ra một loạt những chính sách mới – các thay đổi lớn lao trong việc hoạch định sự phát triển kinh tế, trong hoạch định và kiến thiết thành thị, và trong hệ thống thư lại. Trong khi đó, vấn nạn giám sát bất cập các lãnh tụ tối cao tại mọi cấp bậc đã không được giải quyết triệt để. Thêm vào đó, không có một cơ chế kiểm soát hữu hiệu sự tăng trưởng của công nợ địa phương. Nếu xét theo các chuẩn mực Âu châu và Hoa Kỳ, thì một số chính quyền địa phương ở Hoa Lục thực ra vốn đã phá sản.
Ổn định xã hội Trung Quốc: Các yếu tố chính trị và kinh tế
Hơn 30 năm qua, nhiều yếu tố đã giúp nhà cầm quyền Trung cộng có thể duy trì được tình trạng ổn định xã hội tổng quát. Có một điều cần được lưu ý, một khoản tiền vốn to lớn đã được tiêu dùng để duy trì sự ổn định ấy. Tuy nhiên, nhà cầm quyền Trung cộng hiện đã đối đầu với các giới hạn trong ngân khoản chi tiêu cho sự ổn định xã hội. Chi phí ổn định xã hội vốn đã vượt qua chi phí quân sự và không thể nào tăng thêm nhiều hơn được nữa.
Một yếu tố khác cho sự ổn định xã hội Trung Quốc là nhiều quan chức Trung cộng đã kết nạp các giới chóp bu chính trị, kinh tế và trí thức. Giới chóp bu chính trị, thì được ban cấp tư cách thành viên của Quốc hội Nhân dân hoặc Ủy ban Cố vấn Quốc hội, và được mời tham dự các phái đoàn công du ngoại quốc của giới lãnh đạo chính phủ. Giới chóp bu kinh tế thì thường được phép gia nhập Đảng và thậm chí được hưởng các sự chấp thuận và hỗ trợ đặc biệt trong hoạt động thương mại. Đối với giới học giả, thì các phần tử chóp bu được tạo cơ hội tham dự các sinh hoạt chính trị, hoạch định, và làm chính sách, và do đó kiếm được một khoản thu nhập thoải mái. Hầu hết mọi người, đặc biệt là các giới chóp bu, đều lo sợ các vụ hỗn loạn. Một khi các giới chóp bu được chiêu nạp vào hệ thống cầm quyền thông qua những phương thức nêu trên, thì họ thường ủng hộ chính phủ.
Tuy nhiên, yếu tố quan trọng nhất trong việc gìn giữ sự ổn định xã hội của Trung Quốc là tính hợp pháp chính trị mà sự tăng trưởng kinh tế mang tới (điều mà chúng ta gọi là sự hợp pháp dựa trên Tổng Sản lượng Nội địa GDP). Nhưng sự tăng trưởng kinh tế thì lại có một đặc tính chu kỳ. Nền kinh tế Trung Quốc, vốn đã tăng trưởng nhanh chóng trong nhiều thập niên, tới một thời điểm nào đó sẽ chuyển sang tăng trưởng thấp, không tăng trưởng, thậm chí tăng trưởng âm. Tất cả các điều kiện này là bình thường trong một nền kinh tế thị trường. Nhưng nếu có các rắc rối kinh tế, thì tất nhiên sẽ có các rắc rối chính trị.
Sự tăng trưởng thấp đột ngột sẽ gây ra nhiều phản ứng dây chuyền khác nhau ở Trung Quốc, từ ngoài xã hội và từ ngay trong nội bộ Đảng và nhà nước. Trường hợp của Liên Sô cho thấy rằng một số cán bộ đảng, nhà nước xuất thân từ các gia đình giàu có luôn tìm kiếm cơ hội để hợp pháp và công khai hóa tài sản cá nhân. Loại thái độ này, rằng tai họa của quốc gia có thể là vận may của vài cán bộ riêng lẻ, trong một số trường hợp có thể thành mối đe dọa cho ổn định của nhà cầm quyền. Cũng có thể có các đe dọa từ bên ngoài Hoa Lục, nếu như Hoa Kỳ hoặc thậm chí Đài Loan quyết định lợi dụng sự tăng trưởng chựng lại của Trung Quốc để kích động quần chúng nổi dậy.
* Cạm bẫy tiềm tàng thứ 3: Các giá trị tinh thần nòng cốt
13/11/2015
Bài đã đăng: Cạm bẫy tiềm tàng thứ 1 của Trung Quốc: Môi sinh
Post a Comment