Cạm bẫy tiềm tàng thứ 3 của Trung Quốc: Các giá trị tinh thần nòng cốt
Tùy Nghi Tiến (Danlambao) dịch - Sau khi phát triển nhanh chóng trong gần 40 năm, Trung Quốc hiện ở một điểm ngoặt của sự tăng trưởng kinh tế và phát triển xã hội. Trong loạt bài này, Tiến sĩ Xue Li sẽ xem xét năm thách đố then chốt nhất và các cạm bẫy tiềm tàng mà Trung Quốc đương đầu ngày hôm nay.
Trung Quốc thiếu các giá trị tinh thần nòng cốt; những giá trị mà các quan chức lẫn thường dân tin tưởng rộng rãi, và được phản ảnh qua hành động. Chúng ta có thể hiểu các giá trị nòng cốt này như là một hệ thống những niềm tin văn hóa và chính trị.
Thay vì các giá trị nòng cốt, chúng ta lại thấy “tôn giáo” sùng bái tiền bạc và của cải vật chất được biểu thị ở khắp Hoa Lục. Ví dụ, khi người Tàu đi hành hương tới các chùa trên khắp lãnh thổ, họ thường ném tiền cắc để trợ duyên cho sự cầu khấn. Chúng tôi thấy nhiều cọc bạc cắc trên lưng của những tượng rồng, hoặc ở chân của tượng Đức Phật, và được thảy vào những cái hồ nước. Những đồng bạc cắc lấp lánh này được phản ảnh trong những câu tục ngữ nổi tiếng như: “Có tiền mua tiên cũng được” hoặc “Thần thánh cũng có thể hối lộ được”.
Chúng ta có thể hiểu rằng một hiện tượng như trên có thể xuất hiện tại một giai đoạn nào đó trong nền kinh tế hàng hóa nhưng nó không hề bình thường. Nó phản ảnh sự thiếu niềm tin tôn giáo giữa nhiều người, và quyền lực của tôn giáo thờ phụng tiền bạc và của cải vật chất đã và đang ăn sâu vào tâm lý thực dụng của người Hoa.
Các giá trị tinh thần nòng cốt vượt qua khỏi tôn giáo, dĩ nhiên - chúng phản ảnh những nét đặc trưng văn hóa của một nhóm người. Những nét đặc trưng văn hóa này là nguồn cội gắn kết của nhóm. Về mặt chính trị, các giá trị nòng cốt là nguồn cội căn cước của một quốc gia. Đối với một quốc gia đa sắc tộc, căn cước của một quốc gia có những ẩn ý chính trị: sự khiếm diện của việc hỗ trợ cho một bộ giá trị nòng cốt sẽ ảnh hưởng tới sự ổn định và thậm chí tới sự hiện hữu của một quốc gia. Một quốc gia như vậy sẽ thiếu vắng một nền tảng vững chắc cho sự phát triển và thăng tiến. Vì vậy, thiết lập một hệ thống các niềm tin văn hóa và chính trị được chia sẻ với nhau là một rắc rối có tính chất căn cội mà Trung Quốc cần phải giải quyết.
Do thiếu vắng các giá trị nòng cốt, có hai hiện tượng cần được lưu tâm ở Trung Quốc hiện nay. Hiện tượng thứ nhất là người ta có một cảm giác chung là bất mãn. Không cần biết là chúng ta nói về những người tả khuynh, trung dung hoặc hữu khuynh; về những nhà đấu tranh, những người cổ vũ cho nguyên trạng, hoặc những người bảo thủ; về những cán bộ cao cấp, các lãnh đạo trung cấp, các cán bộ quần chúng; về người giàu có, trung lưu, hoặc người nghèo túng - hầu như ai cũng bất mãn với tình trạng xã hội hiện nay và với hoàn cảnh riêng tư. Nhiều người thậm chí còn chán ghét người giàu có và các quan chức chính quyền.
Hiện tượng thứ hai là một cảm giác chung về sự bất an. Các quan chức, giới chủ nhân các doanh nghiệp tiểu và trung, các học giả (đặc biệt là những người trí thức trong các các lãnh vực khoa học nhân văn và xã hội), giới công nhân, giới công nhân di dân, giới nông dân đều cảm giác bất an, mặc dù những lý do thì có khác nhau. Một số người cảm giác bất an về địa ốc, một số vì chức vụ, một số vì những vấn đề mà họ đã bày tỏ nhưng vẫn tồn đọng, một số thì vì bảo hiểm sức khỏe. Rồi những người khác cảm giác bất an về triển vọng của các doanh nghiệp mà họ đang làm ăn, và người khác cảm giác bất an về quyền hạn cư trú trong một thành phố lớn và rắc rối liên hệ về quyền hạn học hành của con em họ trong thành phố đó. Một số cảm giác bất an về đất đai mà họ có quyền canh tác dưới hệ thống trách nhiệm hợp đồng.
Những người này giải quyết nỗi bất an như thế nào? Một số quan chức hoặc doanh nhân bán bất động sản và gửi vợ con ra nước ngoài. Một số người khởi nghiệp đăng bộ công ty của họ ở hải ngoại. Một số nông dân nỗ lực kiếm tối đa các lợi nhuận bằng cách khai thác đất đai mà họ canh tác trong hệ thống trách nhiệm hợp đồng. Đây là tất cả những biểu hiện của cảm giác bất an, và hầu hết mọi người đều quen thuộc với những vấn đề này.
Điều mà ít người hiểu là các nỗi bất an của tầng lớp trung lưu trong các thành phố lớn của Trung Quốc, đặc biệt là ở Bắc Kinh và Thượng Hải. Một cách điển hình, những người này làm việc cần mẫn trong một thành phố lớn suốt 10 năm qua; họ có nhà cửa và con cái. Họ không còn muốn sống trong những căn nhà cũ ở miền quê. Họ vốn đã trở thành người thành phố, ngoại trừ rắc rối đăng ký hộ khẩu thường trú. Bất thần, một ngày nọ họ phát giác là con cái họ vì vấn đề hộ khẩu nên không thể ghi danh vào một trường mẫu giáo hoặc tiểu học tốt ở địa phương. Thậm chí tệ hơn, con cái họ không thể vào một trường trung học sở tại và vì vậy phải quay về nhà cũ ở nông thôn để thi vào trường trung học.
Các gia đình này đương đầu với một lựa chọn khó khăn: Họ có thể từ bỏ việc làm ở thành phố và đưa toàn cả gia đình về quê xưa, nhà cũ trong nhiều năm; vợ chồng có thể xa cách nhau trong lúc một người trở về quê sống với con cái; hoặc họ có thể gửi con về sống một mình ở quê nhà để học tập. Lựa chọn khác là cho con đi học ở một trường trung học xoàng xĩnh nào đó trong thành phố và sau đó thì thi vào một trường dạy nghề, từ bỏ chuyện thi vào đại học. Bất kỳ sự lựa chọn nào họ thực hiện cũng đều sẽ có những hậu quả nghiêm trọng.
Các gia đình này cảm giác mâu thuẫn sâu đậm. Quý vị có thể tưởng tượng được nỗi bất mãn; các cảm xúc bất an và thậm chí tức giận mà nỗi bất mãn ấy đưa tới. Những người này không nhiều nhưng điển hình. Họ là chuẩn mực của sự đô thị hóa và là nền tảng của sự ổn định xã hội tại Hoa Lục.
Mức độ bất mãn và bất an không hề hiện hữu trong thập niên 1980. Các vấn đề này trở thành rõ rệt trong thập niên 1990 và bây giờ đã trở nên nghiêm trọng. Điều đó có nghĩa là xã hội Trung Quốc đã trở bệnh và cần được chữa trị. Nhiều người nói rằng đây là các vấn nạn phát triển, xuất hiện trong giai đoạn phát triển và chỉ có thể được giải quyết bằng sự tăng trưởng kinh tế thêm nữa.
Nhưng sự phát triển kinh tế sẽ không khắc phục được tình trạng thiếu vắng các giá trị tinh thần nòng cốt.
* Cạm bẫy tiềm tàng thứ 4 của Trung Quốc: Các lực lượng ly khai
14/11/2015
_____________________________________
Bài đã đăng:
- Cạm bẫy tiềm tàng thứ 1 của Trung Quốc: Môi sinh
http://danlambaovn.blogspot.com/2015/11/cam-bay-tiem-tang-thu-1-cua-trung-quoc.html#comment-2357434262
- Cạm bẫy tiềm tàng thứ 2 của Trung Quốc: Các hạn chế trong mô hình chính trị và kinh tế
- Cạm bẫy tiềm tàng thứ 2 của Trung Quốc: Các hạn chế trong mô hình chính trị và kinh tế
Post a Comment