Báo “lề đảng” kể chuyện cổ tích
Hạ Trắng (Danlambao) - Cán bộ là đầy tớ của dân mà. Chủ cầm gậy đuổi đánh tớ âu cũng là lẽ thường tình. Đến như người láng giềng bốn tốt, có sang hăm he chiếm đất, thôn tính biển đảo, cắm giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của ta, giết ngư dân của ta cũng là một cách “thương cho roi cho vọt” cơ mà. Nhằm nhò gì.
*
“Trước bà Trinh, ông Phạm Tấn Lộc (cùng ngụ phường 5, thành phố Mỹ Tho) cũng từng căng băngrôn đề nghị xử lí một cán bộ thi hành án. Sau khi căng băngrôn, ông Lộc vác gậy đến Chi cục Thi hành án truy đuổi cán bộ chạy vòng vòng. Sau đó, ông làm đơn xin nộp phạt. Chẳng những ông Lộc không bị phạt mà vụ việc của ông còn được giải quyết ngay sau đó”.
Đấy là đoạn kết của bài báo “Khó xử lí hình sự vụ cựu cảnh sát căng băngrôn bêu xấu cán bộ vì bị “câu điện”, được đăng trên báo Lao Động, số ra ngày thứ hai, 29.2.2016.
Nội dung bài báo có thể tường thuật (nôm na) như sau:
Bà Huỳnh Thị Lệ Trinh từng là một cảnh sát hình sự nhưng sau này đã chuyển nghề và trở thành chủ khách sạn 2222 ở phường 5, thành phố Mỹ Tho.
Vì thiếu tá Hồ Văn Phước (không phải Hồ Quang) nhiều lần kiểm tra khách sạn “làm khách sợ, không dám vô”, ảnh hưởng xấu đến công việc làm ăn, kinh doanh nên bà đã vận dụng nghiệp vụ côn an để “điều trị” lại tên côn an đương chức.
Ngày 16.9.2012, bà Trinh “mua 2 chiếc quan tài rồi thuê xe ba gác chở tới gần nhà thiếu tá Hồ Văn Phước để “tặng” ông này”. Kết quả là công an thành phố Mỹ Tho đã khởi tố vụ án “đe dọa giết người”. Cho rằng hành vi của bà Trinh chưa đủ yếu tố cấu thành tội phạm nên VKSND cùng cấp đã không phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với bà Trinh.
Rồi sau này, đường dây điện dẫn vào khách sạn của bà bị ăn cắp và bà cho rằng kẻ “cầm đầu” chính là phó bí thư đảng ủy phường 1 Hồ Văn Bá, anh ruột của côn an Hồ Văn Phước. Bà Trinh đã khiếu nại nhiều lần nhưng “không ai giải quyết”.
Áp dụng luật pháp không được, luật rừng không xong, lần này bà Trinh quyết định... bắt chước cách làm của những người dân oan: Căng băng rôn khẩu hiệu.
Khác cái, những người dân oan khi căng khẩu hiệu thì đi bộ còn bà Trinh đi bằng... ôtô.
Ngày 16.2.2016, bà Trinh lái chiếc xe ôtô có căng khẩu hiệu đi giễu phố. Nội dung khẩu hiệu là: “Bà Trinh - khách sạn 2222 cương quyết yêu cầu khởi tố tên Hồ Văn Bá - Phó bí thư Đảng ủy phường 1 đã cầm đầu, chủ trương tổ chức lén lút phá hoại đường dây cáp điện khách sạn 2222 gây thiệt hại 28 triệu đồng (theo khoản 2, Điều 141 BLHS). Hồ Văn Bá là anh ruột của thiếu tá công an Hồ Văn Phước”.
Trước đó, bà Trinh khiếu nại thì các cơ quan tố tụng ở Mỹ Tho khẳng định, “các vết cắt trên dây điện của bà Trinh chỉ cần dùng băng keo và silicon quấn lại, tiền mua vật liệu chỉ tốn 26.000 đồng nên bác mọi yêu cầu của bà Trinh”.
Bà Trinh đã ký hợp đồng với Công ty Cổ phần giám định Đông Dương (Phú Nhuận, TPHCM) để giám định “tổn thất dây cáp điện sau khi bị câu trộm điện”. Kết luận giám định của công ty này về “tỉ lệ thiệt hại tài sản là 38,5% - tương ứng số tiền là 27.815.000 đồng. Mức thiệt hại này chênh lệch 1.069 lần so với mức thiệt hại do công an đưa ra.”
Kết quả giám định. Ảnh báo Người Lao Động
Việc giám định có sự tham gia, chứng kiến của người dân ở khu phố và của chính người câu điện là ông Trần Văn Được.
Khi đi giễu phố với khẩu hiệu tố cáo (báo lề đảng dùng từ “bêu xấu” cán bộ), bà Trinh cũng bị “lực lượng công an chặn lại kiểm tra giấy tờ”. Rồi cũng gặp cảnh “một thanh niên mặc thường phục, dáng vẻ không đàng hoàng xông vào xe để giật băngrôn”. Và (cũng) bị “cảnh sát ngăn cản, đứng che chắn trước mặt”. Họ, tức côn an cũng quay phim, chụp hình và lực lượng (thì) “đông lắm”, còn tôi (tức bà Trinh) lại “chỉ có một mình”.
Thế rồi bà Trinh cũng bị câu lưu 9 tiếng đồng hồ, bị lập biên bản tạm giữ chiếc xe.
Về việc giám định tổn thất vụ bị trộm điện, Luật sư thì khẳng định: “cách tính thiệt hại của các cơ quan chức năng là không đúng” và cho rằng “công an phải trưng cầu giám định để xác định thiệt hại”. Bài báo dẫn lời luật sư nêu quan điểm rằng việc “Cơ quan CSĐT TP.Mỹ Tho tạm giữ bà Trinh suốt 9 tiếng từ khoảng 9h đến 18h30 ngày 16.2 mà không có lệnh tạm giữ hình sự hoặc quyết định hành chính là trái pháp luật”. Việc tạm giữ chiếc xe ô tô mang biển kiểm soát 63A- 001.27 của bà Trinh cũng không đúng với quy định pháp luật.
Bài báo kết luận việc côn an “tạm giữ người và đồ vật trái phép… là vi phạm pháp luật và gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản, danh dự uy tín cho bà Trinh”.
Đọc hết bài báo, quý độc giả có thể tự đánh giá về mối quan hệ Tiền- Quyền được thể hiện bằng kết quả sau mỗi vụ việc cụ thể của bà Trinh. Kết quả chung cuộc chỉ được ngã ngũ khi một trong hai bên bỏ cuộc vì... hết xăng giữa đường. Chiến thắng sẽ dành cho kẻ đủ sức Đi tiếp và Chi tiếp. Liệu bà Trinh có còn đủ “đô” để giành “công lý” về cho mình hay không, điều ấy không quan trọng.
Cái tôi quan tâm ở đây là “gợi ý” rất thú vị của bài báo.
Liệu dân oan Việt Nam có nên học theo cách của ông Phạm Tấn Lộc?
Sau hàng chục năm đi khiếu kiện đòi công lý nhưng hàng vạn người vẫn thất bại cho dù đã tuân thủ các trình tự pháp luật. Người dân oan Việt Nam không những không được các cơ quan chức năng giải quyết đúng luật và thỏa đáng mà còn bị cướp hết tài sản, bị đánh đập, bị bắt bớ, bị bỏ tù thậm chí có người còn bị đánh đến chết ngay giữa đường.
Để giảm bớt đau thương và oan khiên khốn khổ, những người đi đòi công lý sau khi căng băng rôn, khẩu hiệu, hãy thử vác gậy truy đuổi cán bộ chạy vòng vòng. Sau đó, làm đơn xin nộp phạt. Đảm bảo “chẳng những không bị phạt mà vụ việc còn được giải quyết ngay sau đó.”
Cán bộ là đầy tớ của dân mà. Chủ cầm gậy đuổi đánh tớ âu cũng là lẽ thường tình. Đến như người láng giềng bốn tốt, có sang hăm he chiếm đất, thôn tính biển đảo, cắm giàn khoan vào vùng đặc quyền kinh tế của ta, giết ngư dân của ta cũng là một cách “thương cho roi cho vọt” cơ mà. Nhằm nhò gì.
Thật vui là từ nay trở đi, người dân oan đã tìm ra giải pháp để đòi được công lý. Ôi, một câu chuyện cổ tích giữa đời thường. Quá xá là zui!
Post a Comment