Dân Làm Báo phản động?

Nguyên Thạch (Danlambao) - Sống trong thời kỳ của một chế độ mà không hiểu tại sao lại lắm Dân Oan và Phản Động đến thế. Dân Oan với bao hình ảnh cùng từng câu chuyện của mỗi hoàn cảnh thì quả thật rất oan. Những câu chuyện, những hình ảnh này thì đã có vô số các nhà văn, nhà báo tường thuật, cho nên tôi không cần thiết phải viết gì thêm về vấn đề này. Duy chuyện phản động thì nhiều mầu nhiều sắc, mà nội dung của phản động cũng rất là đa dạng. Ai phản động?. Phản động cái gì?. Tại sao phản động và phản động để làm gì?. Tất cả những câu hỏi này đều tùy thuộc vào sự suy nghĩ chủ quan hay khách quan và tùy vào góc độ nhìn của mỗi cá nhân, tổ chức hay của mỗi băng nhóm. Riêng Dân Làm Báo hay các trang báo mạng thuộc "Lề Dân" nói chung thì quả thật là: Phản Động.
 
Phản động, nó tốt hay nó xấu, hoặc nó ghê gớm thế nào mà khi nghe đến hai từ đó, thường khiến người ta phải giật mình suy nghĩ?. Trước khi bàn về hai chữ phản động này, chúng ta hãy tìm hiểu xem nó được định nghĩa như thế nào. Theo Luật sư Nguyễn Văn Đài, người đã bị nhà cầm quyền cộng sản VN bỏ tù:

Từ "phản động" nghĩa là tất cả những gì đi ngược lại hay trái với quy luật của tự nhiên và xã hội.

Khái niệm "phản động" trong lĩnh vực chính trị xã hội được hiểu là khi các chính phủ, tổ chức, đảng phái chính trị, cá nhân có đường lối, chính sách, tư tưởng, cương lĩnh hoạt động đi ngược lại xu thế dân chủ và tiến bộ xã hội, làm thiệt hại đến lợi ích của nhân dân và Tổ quốc. Các đảng cầm quyền, chính phủ cố níu kéo và duy trì chế độ chính trị lạc hậu, phi dân chủ. Họ tuyệt đối hóa quyền lực của một cá nhân hay một đảng. Họ khinh thường các giá trị của quyền con người. Họ biến nhân dân thành đối tượng, công cụ để họ thỏa mãn về quyền lực và của cải. Họ sử dụng cả hệ thống chính trị, luật pháp, và truyền thông để chống lại và đàn áp những tổ chức, cá nhân đấu tranh dân chủ và bảo vệ nhân quyền.
 
Trong các nước có chế độ chính trị độc tài hoặc độc đảng toàn trị, cụm từ "phản động" và "thế lực thù địch" được chính quyền sử dụng để chụp mũ, qui kết, ám chỉ những người, những tổ chức đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền và tiến bộ xã hội. Chính quyền cũng sử dụng từ "phản động" và "thế lực thù địch" để chụp mũ và qui kết cho những người có tư tưởng, quan điểm đối lập với đảng cầm quyền. Những người lên tiếng phê phán, chỉ trích đảng cầm quyền trong các lĩnh vực quản lý kinh tế, ngoại giao, quốc phòng, an ninh,…(1)


Còn theo Wikipedia - Bách khoa toàn thư mở thì:

Phản động (chữ Hán: 反動), theo nghĩa chung cơ bản, là có xu hướng đi ngược lại (hay chống lại) trạng thái đang thay đổi, đang chuyển động. Phản động không mang nghĩa tích cực hay tiêu cực rõ ràng. (2) 

Phần ý kiến của tác giả thì: Phản động là ngược lại với những gì đang chuyển động, đang hoạt động theo ngẫu nhiên hay do tác động từ chủ thể.


Riêng hoàn cảnh sống của người dân bị khủng bố như ở Việt Nam, Bắc Hàn (Triều Tiên) Trung cộng hay bất cứ thể chế độc tài nào khác thì khi nghe đến 2 chữ phản động thì người ta thường giật mình lo sợ. Lý do tại sao người ta lo sợ là vì những nguyên nhân mà bắt nguồn từ những vụ đấu tố của cái gọi là "Cải Cách Ruộng Đất 1953 - 1956, cùng vô số những chuỗi khủng bố giết hại sau đó như "Nhân Văn Giai Phẩm - Xét lại chống đảng" hay vụ thảm sát đồng bào Huế 1968, chiến dịch "Đại Thắng Mùa Xuân" hoặc chế độ "Kiểm tra hộ khẩu", "Học tập cải tạo"...

Hình ảnh của vô số cái chết đau thương, oan ức, ghê rợn từ những hành động dã man, gian trá của những kẻ tàn bạo đã tạo nên những nỗi ám ảnh chẳng những chỉ khắc sâu tận trong tiềm thức của những người từng mục kích, mà nó còn là những câu chuyện thật kinh dị được kể lại cho những người khác khiến những người nghe, người đọc cũng bị tác động mãnh liệt và cảm thấy thật rùng rợn.
 
Qua những biến cố lịch sử như những vụ việc điển hình đã kể trên, những biến động này được chủ ý gây nên bởi đảng CSVN với vô vàn hành động kinh khủng được xem là VÔ NHÂN TÍNH của những kẻ vô thần, vô nhân đạo... đã hành hình, xỉ vả, tra tấn, đánh đập, tàn sát những người thọ nạn và gán ghép cho họ cái từ PHẢN ĐỘNG đã khiến hầu hết mọi người đã hiểu sai lệch về 2 chữ này, nghĩa là người ta hiểu nó theo chiều hướng xấu, đáng được sỉ nhục, đáng được cho vào tù. Đó là sự tác hại ghê gớm của một cơ chế chuyên áp dụng chính sách áp đặt mụ mị theo hướng nhồi sọ của đảng CSVN.
 
Hẳn nhiên chúng ta thường nghe CƠ CHẾ MỤ MỊ này lặp đi lặp lại một cách trơ trẽn và lì lợm rằng: "Thế lực thù địch phản động", "Diễn biến hòa bình phản động", "Bọn Dân Chủ phản động" "Tổ chức phản động" và thậm chí ngay cả Dân Oan hay người dân phản đối đảng và nhà nước thì họ cũng cho là "Dân phản động" tuốt tuồn tuột!.
 
Sự thật nếu chúng ta hiểu 2 từ phản động theo đúng nghĩa thì phản động không hẳn đã là xấu mà thậm chí còn ngược lại bởi theo một góc độ nào đó thì Phản Động còn có nghĩa là Cách Mạng. Cách mạng là hành động của một cá nhân hay tập thể đứng lên để có những hành động làm thay đổi những cái xấu xa, tệ hại, lỗi thời... để hợp với thời đại, với sự mong muốn của đại đa số người dân, để trở thành những cái tốt đẹp, phát triển, văn minh... hầu thuận với ý Trời, hợp vói lòng dân, với cuộc sống.
 
Nếu hiểu theo ý niệm của nhà hành nghề luật Nguyễn Văn Đài, và nếu hiểu theo định nghĩa phổ thông của ngôn từ cho riêng bối cảnh của Việt Nam thì sự ĐỐI NGHỊCH (Phản Động) của những nhà đấu tranh, của những cơ quan đài báo có tiếng nói tương phản lại với những tiếng nói độc tài, độc đoán và bưng bít có chủ đích của nhà cầm quyền và đảng CSVN đã hoàn toàn đi ngược lại với xu hướng và trào lưu Dân Chủ, Nhân Bản, Tự Do và Nhân Quyền thì Phản Động lại có những ý nghĩa tích cực và tốt đẹp, đáng để mọi người hoan nghinh cũng như hòa nhập vào dòng thác cách mạng để tẩy sạch lớp bùn nhơ của những chế độ PHẢN DÂN CHỦ, PHẢN NHÂN QUYỀN, PHẢN TIẾN BỘ.
 
Trong phạm vi hạn hẹp, tôi thấy rằng riêng trên mặt báo của Dân Làm Báo này, các độc giả, quí còm sĩ khi đọc được những ý kiến mụ mị, thiếu kiến thức, phản Dân chủ của các Dư Luận Viên thì ngay lập tức những người này nhận lãnh ngay sự phản đối (mà nhà nước và các DLV cho là phản động) từ tập thể bạn đọc, từ các người góp ý khác.
 
Từ đó, đi vào thực tế của cuộc sống và nhận thức, ở Việt Nam phần đông dân chúng không quan tâm mấy về những thông tin, tin tức từ hơn 800 cơ quan thông tin báo đài, truyền thanh truyền hình của nhà nước được chỉ đạo bởi một Tổng biên tập duy nhất là Ban văn hóa tư tưởng trung ương, mà họ tìm tòi tra cứu tìm đọc ở những nguồn không phải từ nhà nước chỉ đạo như Dân Làm Báo và các trang mạng "Lề Dân" khác. Theo thông tin mà cá nhân tôi nắm được thì trang DLB này có khoảng 65% trên tổng số lượng người đọc từ VN. Quả vậy, những buổi sáng cà phê, những cuộc trò truyện trong tình thân bạn hữu và ngay cả những người không thân, họ đều xác nhận là họ thường nắm bắt thông tin từ Dân Làm Báo và tin tưởng rằng nhiều tin tức, bài viết trên trang này là gần đúng với SỰ THẬT nhất. Sự việc tôi nói này, chúng ta có thể "kiểm tra" trong phần Góp Ý Kiến (Comment) của các còm sĩ và bạn đọc qua những tin tức, phóng sự, bài viết... từ các tác giả của cơ quan truyền thông này mà nội dung hầu như ngược lại với những gì mà đảng CSVN và guồng máy cầm quyền của nó tuyên truyền.
 
Trang Dân Làm Báo là một trang Phản Động mà ngay cả Bộ côn an cũng như Văn phòng Thủ tướng cũng đã ra Quyết định chỉ thị điều tra, ngăn cấm cán bộ công nhân viên nhà nước vào đọc: Công văn hỏa tốc số 7169/VPCP-NC ngày 12/9/2012.

Và ngay cả Bộ trưởng Bộ 4T cũng đồng thuận như vậy: Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son nói về trang mạng Quan làm báo, Dân làm báo

"Trả lời Dân hỏi trên VTV, Bộ trưởng Thông tin – Truyền thông Nguyễn Bắc Son cho rằng các thế lực thù địch đang lợi dụng môi trường mở trên Internet để chống phá Đảng, nhà nước..."

Thủ tướng cấm vào Dân Làm Báo, Quan Làm Báo và một số trang.



Nguyễn Tấn Dũng ra lệnh điều tra "Quan Làm Báo" 



Để có chút thi vị cho bài viết, xin kèm theo đây bài thơ mà tác giả muốn nói về phản động.
 
Được mùa lựu đỏ



Thương mùa lựu năm nay hoa nở rộ
Phía trước nhà góc phố trổ rực bông
Lựu năm nay sẽ sai trái đỏ lòng
Tặng Anh côn an nhiều quả 
Tặng Chị cán bộ nhiều quả để ghi công giết giặc

Giặc bây giờ đã lan tràn cả ba miền Trung Nam Bắc
Giặc vây quanh dồn ngõ tắt đảng đi
Giặc già, giặc trẻ, giặc trai gái tuổi xuân thì
Lũ phản động 
Giặc chi mà đông thế!

Giặc quốc nội
Giặc hải ngoại 
Giặc khắp cùng năm châu bốn bể

Giặc to gan, không còn nể các anh là chúa tể muôn loài!.
Giặc núp bên hông nhà, đợi đêm tối canh coi
Chờ cơ hội để châm ngòi thuốc nổ.

Thương quá các anh chị côn an cùng đảng đoàn cán bộ
Đôn đốc giới nông dân mau chăm sóc cho lúa trổ thêm bông
Bởi bọn giặc kia nay lười bón ruộng đồng
Không chịu sớm mùa gặt để sưu công trả thuế.

Dáng quê hương qua hình ảnh các anh vô cùng oai phong bệ vệ
Ngàn năm Thăng Long đại lễ diễu hành
Đượm tình quê hương Trung-Việt ngàn xanh
Cất chung nhịp quân hành về đất tổ

Chín mươi triệu thằng con dân Việt tuy diễn biến hòa bình nhưng không kém phần phẫn nộ
Chúng hăm he đòi lật đổ chính quyền
Chúng đâu biết rằng đảng ta coi chúng là thế lực phản động, là một bọn tôi tớ, một lũ điên
Không cam phận còn muốn gây buồn phiền... Thật tiếc.

Các anh ơi 
Roi điện, dùi cui, dao găm còn tồn trong kho trùng trùng biếc biếc
Hãy mau đem ra để giết hết quân thù
Nếu không, chúng sẽ tụ thành đoàn quân tập dượt, lập chiến khu
Nhốt hết bốn triệu đảng viên vào nhà tù như bầy chó dại.

Thương quá các anh ơi, em chẳng màng thân gái
Tấm thân gầy xin hái lựu tặng các anh
Lựu em cho lòng đỏ ngọt lành
Xin được tặng
Mong các anh sớm về miền địa ngục.

Nếu hiểu nghĩa PHẢN ĐỘNG theo chiều hướng của nhà nước và đảng CSVN thì một đất nước mà giờ đây sao nhiều phản động lắm thế?. Còn tại sao phản động và phản động để làm gì?. Câu hỏi này tác giả xin nhường lại câu trả lời cho bạn đọc.

 

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.