Một bài học về Công đoàn độc lập
K’tem (Danlambao) - Lời nói đầu: Trong bài Thân phận người công nhân Việt Nam viết trước đây, người viết có nhắc đến sự bỏ tù 3 nhà hoạt động có ảnh hưởng đến cuộc đình công được coi là “ngoài luồng” đầu tiên xảy ra tại Trà Vinh: Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đỗ Thị Minh Hạnh và Đoàn Huy Chương. Có ý kiến cho rằng nhắc đến điều này là dẫn vào bế tắc. Thật sự chủ ý của bài viết là tập trung vào thân phận của người công nhân Việt Nam (mà bài viết có thể chưa đánh động đủ) để từ đó người công nhân có thể ý thức được thân phận mình và cũng kể từ đó những nhà chí sĩ quan tâm đến số phận người công nhân - thành phần hiện nay được xem là đông đảo trong xã hội Việt Nam mà mọi hành động của họ có thể làm lay chuyển thành quả kinh tế mà đảng và nhà nước CSVN đang an hưởng - giúp cho người công nhân có những hoạt động hữu hiệu nhằm tự giải thoát mình và có thể giúp làm thay đổi đất nước Việt Nam.
Nhắc đến 3 nhà hoạt động trên chính là gợi mở một cánh của khác qua sự việc bị bỏ tù của họ - lương tâm thế giới và sự chú ý của dư luận quốc tế về hoạt động công đoàn tự do tại Việt Nam (ngoài tổ chức của nhà nước), để thấy tù đày trong đấu tranh chính trị là một lợi khí. Qua sự kết nối của Ủy Ban bảo vệ người lao động Việt Nam (thành lập tại Warsaw, Ba Lan), của Liên đoàn Lao động Việt Nam (Lao Động Việt), chính khách các quốc gia Tây phương, điển hình là dân biểu Chris Hayes (Australia) đã tích cực kêu gọi phóng thích cô Đỗ Thị Minh Hạnh, Nguyễn Hoàng Quốc Hùng, Đoàn Huy Chương và những người đấu tranh cho tự do dân chủ tại Việt Nam. Chuyến đi vận động và điều trần dài ngày qua các nước trên thế giới của bà Trần Thị Ngọc Minh (1), mẹ cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã tạo sự chú ý của chính khách nhiều quốc gia Tây Phương. Nay cô Đỗ Thị Minh Hạnh đã được thả và sự hoạt động độc lập của người công nhân cùng sự giam cầm những nhà đấu tranh cho dân chủ, tự do tại Việt Nam đang được nhiều quốc gia Tây phương và tổ chức quốc tế quan tâm.
*
Các cuộc đình công mấy chục năm qua và những cuộc đình công có qui mô lớn gần đây, điển hình là cuộc đình công chống giàn khoan Trung Cộng, cuộc đình công của công nhân Pou Yuen vào năm ngoái chống lại qui định Bảo hiểm lao động mới của nhà nước, và cuộc đình công vừa qua của công nhân Pou Chen tại TP Biên Hòa, Đồng Nai cho thấy hoạt động ngoài luồng, qui tụ nhiều vạn người, ngoài sự kiểm soát của nhà nước CSVN. Các cuộc đình công tự do này cho thấy mục tiêu không chỉ đối với chủ nhân công ty về điều kiện làm việc, mà lan đến chính sách nhà nước cũng như biểu lộ thái độ chính trị. Các cuộc đình công lớn này cho thấy nhà nước CSVN khó có triển vọng can thiệp, nếu người công nhân không tự ý trở lại làm việc. Nếu có tổ chức chặt chẽ, hữu hiệu của một công đoàn ngoài luồng (Công đoàn độc lập), những cuộc đình công của công nhân Việt Nam sẽ đạt được những thành quả cao hơn vượt qua giá trị cải tổ nhân dụng và có thể làm thay đổi bộ mặt chính trị trên đất nước Việt Nam.
Nhắc đến công đoàn độc lập, mọi người chắc chắn nhớ đến phong trào/công đoàn Công đoàn độc lập (Solidarity (Solidarnosc) - gọi tắt Công đoàn Đoàn kết) tại Ba Lan. Công đoàn này đã đánh gục chế độ CS Ba Lan dẫn theo sự sụp đổ của Liên Xô và khối CS Đông Âu. Thành công của công đoàn này đã đi vào lịch sử và trở thành bài học trong đấu tranh chính trị. Bài viết sẽ không chú trọng đến lịch sử Công đoàn độc lập Ba Lan vì rất nhiều nguồn thông tin nói về Công đoàn được nói đến trong sách vở và được lưu trữ trên mạng lưới internet, mà chú trọng đến tiến trình tổ chức đấu tranh, ở những mốc điểm chính, cùng yếu tố dẫn đến sự thành công trong việc lập ra Công đoàn Đoàn kết.
- 01 tháng 7 năm 1980, nhiều cuộc đình công diễn ra tại nhiều vùng khắp Ba Lan để chống lại cải tổ việc phân phối thịt do nhà nước vừa ban ra hậu quả là giá thịt do nhà nước phân phối tăng 60%. Trong cuộc đình công, công nhân bắt giữ nhiều viên chức nhà nước tại nhà máy, xưởng đóng tàu làm con tin khiến nhà nước Ba Lan không dám phản ứng. Nhà nước bắt đầu thương lượng ở từng cuộc đình công ở mỗi vùng. Điều này nảy sinh việc thành lập tập hợp nhóm thương lượng của công nhân để lấy quyết định chung từ tập hợp này. Mạng lưới tập hợp công nhân mới hình thành này đã khiến cán bộ Công đoàn do nhà nước thành lập, hiện diện tại các công xưởng từ trước bị công nhân bất tín nhiệm.
- 17 tháng 7, nhân viên hỏa xa ở Lublin khám phá chuyến xe lửa chở đầy cá sửa soạn chở qua Liên Xô. Công nhân hỏa xa liền đóng cửa hệ thống hỏa xa khiến chuyến xe lửa nằm ụ. Lập tức nhiều cuộc đình công liên-ngành xảy ra với các ngành xe buýt, ngành phân phối bánh mì và trứng, y tá, xây dựng, và cung cấp nước. Hai ngày sau công nhân hỏa xa chấm dứt đình công nhưng cuộc đình công của các ngành khác vẫn diễn ra cho đến đầu tháng 08.
- Đến thời điểm này, nhà nước Ba Lan bắt đầu chiến thuật “nhượng bộ từng phần” và hy vọng chiến thuật này mang lại thành công. Và sự nhượng bộ ở nơi này lại là khuyến khích công nhân tiếp tục đình công ở nơi khác. Nhà nước quyết tâm bắt những công nhân chủ chốt khởi động kêu gọi thành lập Công đoàn tự do (free trade union).
- 11 tháng 8, nhà nước ra tay trấn áp bằng cách bắt Marek Glessman, thủ lãnh cuộc đình công của công nhân xe rác. Hai ngày sau 3 công nhân ở xưởng đóng tàu Lenin tại Gdansk bị bắt vì tội cấu kết với công đoàn chìm (tức Công đoàn tự do).
- 14 tháng 8, cuộc đình công to lớn diễn ra tại xưởng đóng tàu Lenin, Gdansk với 17 ngàn công nhân (tương đương số công nhân Pou Chen, Đồng Nai vừa rồi). Hưởng ứng cuộc đình công này các công nhân ở thành phố Sopot, Gdynia tụ tập quanh xưởng đóng tàu Lenin tham gia đình công. Nhà nước đối đầu cuộc đình công bằng cách đóng cửa xưởng đóng tàu và cô lập toàn vùng chung quanh. Công nhân xưởng đóng tàu cùng học sinh, giáo sư luồng lách qua các nút chặn trên đường thoát ra ngoài để loan báo tin tức và tình hình cuộc đình công.
- 17 tháng 8, đã có 24 xí nghiệp trong vùng đình công. Ngày hôm sau (18/08) có tới 180 xí nghiệp đình công. Ủy ban đình công tại xưởng đóng tàu Lenin chuyển thành Ủy ban đình công liên-xưởng bao gồm đại biểu của từng xí nghiệp. Ủy ban này bầu Lech Walesa lên làm lãnh đạo. Ủy ban lập tức chuyển mục tiêu tranh đấu cho quyền lợi người công nhân thành đòi hỏi cho việc thành lập Công đoàn độc lập. Ủy ban bắt đầu in báo kêu gọi chấm dứt các hình thức đàn áp và chấm dứt đặt quyền của nhiều bô phận nhà nước.
Nhà nước không công nhận Ủy ban mà chỉ muốn gặp đại diện công nhân của từng xí nghiệp. Trong lúc này Ủy ban mở rộng vùng đình công ra các khu vực chung quanh xưởng đóng tàu. Nhà nước Ba Lan có vài thay đổi trong việc chống lại đình công khi thấy lực lượng an ninh cũng tham gia hàng ngũ công nhân đình công.
- 31 tháng 8 Ủy ban gởi đến chính phủ bản điều trần với 21 đòi hỏi – trong đó đòi hỏi đầu tiên là yêu cầu nhà nước chấp nhận Công đoàn tư do, độc lập ngoài tổ chức và kiểm soát của nhà nước thể theo qui ước số 87 của Tổ chức Lao động Quốc tế.
Phó Thủ tướng đồng ý gặp và thảo luận với Ủy ban đình công liên-xưởng Gdansk. Tại đây cuộc thương lượng chấm dứt bằng ‘Thỏa ước Gdansk’ qua đó chính phủ đồng ý với việc thành lập Công đoàn độc lập, tăng lương và giới hạn sự kiểm duyệt của chính phủ. Tại thời điểm này Ủy ban đình công liên-xưởng tại Gdansk đã qui tự được hơn 400 ngàn thành viên.
- 01 tháng 9 công nhân đình công tại Gdansk và Szczecin trở lại làm việc.
- 17 tháng 9 đại diện của 20 ủy ban đình công liên-xưởng họp hội nghị và hợp nhất thành một tổ chức chính thức gọi là Công đoàn độc lập đoàn kết (Công đoàn Đoàn kết). Đến cuối tháng, 90% của số công nhân cả nước chính thức là thành viên của công đoàn. Công đoàn đã thiết lập được cơ cấu tổ chức toàn quốc và các chi nhánh tại mỗi vùng.
- 10 tháng 11 năm 1980, Công đoàn Đoàn kết chính thức đăng bộ. Đây là công đoàn độc lập đầu tiên của khối Công ước Warsaw được thành lập và hoạt động ngoài sự kiểm soát của đảng CS.
- Đầu năm 1981, công đoàn có được 10 triệu thành viên trên cả nước Ba Lan. Công đoàn triệu tập hội nghị đầu tiên và ông Lech Walesa được bầu làm Chủ tịch công đoàn. Từ đây công đoàn tích cực hoạt động với nhiều cuộc biểu tình cho quyền lợi người công nhân, đòi cải tổ kinh tế và có những đòi hỏi đi sâu vào chính trị chống lại chế độc độc đảng toàn trị của đảng CS Ba Lan như đòi hỏi bầu cử/ứng cử tự do, đòi hỏi thay đổi chế độ.
- Cho đến cuối năm 1981, Công đoàn Đoàn kết tuyên bố tổng đình công để ra tay trước dự đoán đàn áp của nhà nước. Ngay lập tức, nhà nước CS Ba Lan tuyên bố thiết quân luật và bắt đầu đàn áp Công đoàn. Khởi đầu là cuộc lùng bắt tập thể lãnh tụ Công đoàn. Trong một đêm lực lượng Công an bắt cà ngàn thành viên. Báo chí bị kiểm duyệt gắt gao. Quân lính hiện diện trên các ngả đường. Dù vậy nhiều cuộc đình công diễn ra khắp nơi. Trong một cuộc đụng độ lực lượng CA, quân đội chính phủ nổ súng bắn chết hàng chục người và làm bị thương hàng trăm người. Cuối tháng 12 năm 1981, cuộc đình công chấm dứt.
- 08 tháng 10 năm 1981, nhà nước Ba Lan ngăn cấm Công đoàn Đoàn kết hoạt động và tuyên bố tổ chức này bất hợp pháp. Từ đây Công đoàn Đoàn kết bắt đầu hoạt động bí mật.
Ông Lech Walesa nói chuyện trước công nhân
Trong suốt năm 1982, trong bóng tối, Công đoàn vẫn tổ chức nhiều cuộc đình công và biểu tình. Và thêm nhiều người bị bắn chết. Trong giai đoạn bí mật này Công đoàn nhận được trợ giúp từ nhiều tổ chức quốc tế như Tổ chức Lao động Quốc tế, C.I.A, Giáo hội Thiên Chúa giáo, công đoàn của các quốc gia Tây phương và Tông thống Reagan của Hoa kỳ. Cuối tháng 12, Công an Ba Lan bắt đầu cuộc đàn áp rộng khắp, bắt bớ 10 ngàn thành viên và tịch thu cơ sở hoạt động của Công đoàn. Trong bóng tối Công đoàn tiếp tục ra báo.
Tháng 3 năm 1985, ông Gorbachev lên cầm quyền tại Liên Xô, mang đến nhiều cải cách chính trị và kinh tế tại Liên Xô. Việc này ảnh hưởng đến các nước CS chư hầu tại Đông Âu. Cuối năm 1986 nhiều tù chính trị Ba Lan được thả. Ông Lech Walesa trợ giúp để thành lập Hội đồng lâm thời Công đoàn Đoàn kết. Nhiều chi nhánh Công đoàn địa phương bắt đầu hoạt động công khai và tập hợp trở lại. Cuối năm 1987, Ủy ban quốc gia của Công đoàn ra đời. Lúc này thành viên và những nhà hoạt động chính trị của Công đoàn Độc lập vẫn bị nhà nước chú ý. Và cũng tại thời điểm này nhiều tổ chức cực đoan chống Cộng sản được hình thành, tách ra khỏi Công đoàn Đoàn kết và sự lãnh đạo của Walesa.
Năm 1988, kinh tế Ba Lan tuột dốc. Nhà nước tăng giá thực phẩm. Tình hình trở nên xáo trộn với nhiều cuộc biểu tình và đình công. Ông Walesa bắt đầu kêu gọi nhà nước Ba Lan đối thoại, đồng thời ông cũng kêu gọi hỗ trợ từ các quốc gia dân chủ Tây phương đồng loạt áp dụng trừng phạt chính trị và kinh tế đối với Ba Lan. Công nhân xưởng đóng tàu Lenin tại Gdansk lại đình công. Giới sinh viên, trí thức cũng hưởng ứng với những cuộc biểu tình ở nhiều nơi. Các cuộc biểu tình và đình công diễn ra tại thủ đô Warsaw và các tình Gdansk, Katowice, Poznan, Wroclaw, Tarnobrzeg và Walbrzych. Nhiều cuộc đối thoại diễn ra giữa chính phủ và Công đoàn Đoàn kết nhưng bất thành. Tháng 11 năm 1988 nhà nước đóng cửa xưởng đóng tàu tại Gdansk. Nhiều nhóm chống chính phủ xuất thân từ Công đoàn Đoàn kết ra đời.
Tháng 2 năm 1989, nhà nước tổ chức đối thoại bàn tròn với các đại diện của Công đoàn Độc lập, Giáo hội Thiên Chúa giáo, Liên hiệp nghiệp đoàn toàn Ba Lan (của nhà nước), đảng CS. Trong khi cuộc đối thoại diễn ra nhiều tổ chức đối lập như Hội sinh viên độc lập, Liên minh cho nước Ba Lan độc lập, Liên minh thanh niên tranh đấu tổ chức biểu tình.
Tháng 4, cuộc đối thoại bàn tròn kết thúc với kết quả là chính phủ chấp nhận tình hợp pháp của Công đoàn Đoàn kết và cho phép thành viên Công đoàn tham dự cuộc bầu cử tự do vào Quốc hội. Trong giai đoạn chờ đến ngày bầu cử, nhiều cuộc tuần hành vận động và đình công của công nhân vẫn diễn ra để tạo áp lực.
Trong cuộc bầu cử diễn ra vào tháng 6, thành viên Công đoàn Độc lập chiếm 99 trong số 100 ghế ở Thượng viện và chiếm hết các ghế dành cho Công đoàn tại Hạ viện. Chiến thắng của Công đoàn Độc lập trong cuộc bầu cử tự do đần tiên ở Ba Lan làm kích động phong trào chống CS tại các quốc gia Đông Âu. Cuối tháng 6, dân biểu Hạ viện thuộc Công đoàn Đoàn kết thành lập liên minh với các nhóm chính trị khác trong Quốc Hội khiến cho số dân biểu thuộc đảng CS trong QH Ba Lan thành thiểu số.
24 tháng 8 năm 1989, Tadeusz Mazowiecki, dân biểu của Công đoàn Đoàn kết được chọn làm Thủ Tướng, người Thủ Tướng đầu tiên không CS trong 4 thập niên của chế độ CS tại Đông Âu.
Tháng 12 năm 1989, ông Lech Walesa được bầu làm Tổng Thống Ba Lan. Chế độ CS tại Ba Lan cáo chung.
Sự hình thành, đấu tranh lúc công khai (khi được công nhận), lúc đi vào bóng tối (khi bị phủ nhận và đàn áp), và thành công làm thay đổi thể chế chính trị tại Ba Lan là bài học cho ngành chính trị nghiệp đoàn, cũng như đấu tranh bất bạo động. Đó cũng là bài học cần thiết cho những nhà đấu tranh cho tự do, dân chủ nhất là cho giới công nhân Việt Nam và cho phong trào thành lập nghiệp đoàn độc lập tại Việt Nam.
Chỉ vài tháng trong năm đầu tiên (1980), khi thành lập, từ những hoạt động âm ỉ tiếp nối từ những hoạt động của giai cấp công nhân Ba Lan từ thập niên 70, Công đoàn Đoàn kết phát xuất từ tổ chức công đoàn tự do (ngoài luồng) trở thành một tổ chức công đoàn có sức mạnh buộc nhà nước phải công nhận.
Thành công ấy cho thấy người công nhân Ba Lan biết tập họp thành những nhóm công đoàn ngoài luồng tại mỗi xí nghiệp, và tại mỗi ngành công nghiệp, mỗi ngành phục vụ (mặc dù nền kinh tế Ba Lan lúc ấy là nền kinh tế quốc doanh).
Những nhóm công đoàn này có khả năng hoạt động chìm bên cạnh tổ chức công đoàn do nhà nước CS Ba Lan thành lập.
Công đoàn tự do (tiền thân của Công đoàn Đoàn kết) biết vận động cuộc đình công qui mô, đúng thời điểm và biết kết hợp với nhiều nhóm công đoàn tự do khác ở mỗi ngành nghề khác để phát động cuộc đình công tập thể, ở nhiều vùng để tạo sức mạnh và uy tín.
Với uy tín đạt được Công đoàn tự do vận động các nhóm công đoàn khác thành thành viên của mình.
Khi được phép hoạt động công khai Công đoàn Đoàn kết biết vận dụng sức mạnh của mình để phát động đình công tạo khó khăn cho chính phủ cầm quyền và cũng biết vận dụng khả năng của mình trong các cuộc thương lượng để giúp giải tỏa khó khăn mà chính quyền gặp phải.
Công đoàn Độc lập biết vận động ủng hộ quốc tế: Tổ chức Lao động Quốc tê, chính phủ các quốc gia Âu châu, Tổng Thống Hoa kỳ, Giáo hội La Mã.
Từ đòi hỏi quyền lợi nhân dụng ban đầu, Công đoàn Đoàn kết đưa ra những đòi hỏi chính trị như đòi hỏi bầu cử tự do.
Trong tiến trình hoạt động, Công đoàn Đoàn kết chắc chắn cũng gặp những khó khăn với những khuynh hướng trái chiều, như chỉ đòi hỏi quyền lợi nhân dụng, không cần bầu cử tự do, nhưng với khả năng của những người lãnh đạo Công đoàn cùng sức mạnh, uy tín và sự ủng hộ từ nhiều yếu tố khác cộng với sự thay đổi đột biến lãnh đạo tại Liên Xô, Công đoàn đã đi đến thành công.
Những yếu tố nội tại mà Công đoàn Đoàn kết tại Ba Lan có được có thể không có tại Việt Nam, nhưng tính chất có kỹ thuật của việc tổ chức công đoàn có thể được học hỏi và áp dụng trong việc tổ chức Công đoàn độc lập tại Việt nam như:
- Công nhân Việt Nam có thể thành lập từng nhóm công đoàn tự do tại mỗi xí nghiệp và mỗi ngành nghề (không cần theo cấu trúc Tổng liên đoàn lao động VN, Liên đoàn lao động tỉnh/thành phố, Công đoàn tổng công ty và Công đoàn cơ sở)
- Mỗi nhóm công đoàn tự do tại các xí nghiệp có thể nghe ngóng và hỗ trợ lẫn nhau trong các cuộc đình công. Thủ lãnh mỗi nhóm công đoàn tự do có thể liên lạc với nhau để phát động chiến dịch đình công.
- Trong mỗi chiến dịch đình công cần có sự đình công từ các ngành nghề khác để hỗ trợ khiến cuộc đình công không còn có tính cục diện. Cuộc đình công liên ngành nghề đã từng được áp dụng lâu trước đây như các cuộc đình công tại Singapore, Malaysia đòi hỏi chính quyền thuộc địa Anh trao trả độc lập.
- Mỗi nhóm công đoàn nên tạo cầu nối với các tổ chức hải ngoại như Liên đoàn Lao động Việt Nam (Lao động Việt) hay các tổ chức đấu tranh cho nhân quyền, xa hơn là chính khách các nước Tây phương.
- Lợi dụng việc Việt Nam ký kết tham gia Hiệp ước Đối tác Thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP), mặc dù Hiệp ước này chưa được Quốc Hội Hoa Kỳ phê chuẩn, để tạo chú ý ngoài nước tạo cơ hội thành lập công đoàn độc lập.
- Khi có được nhân tố lãnh đạo thích hợp, nên lập thành lãnh tụ cho Công đoàn hợp nhất từ các nhóm công đoàn tự do, để từ công đoàn hợp nhất này có sức mạnh trong đấu tranh và thương lượng.
- Vận dụng kỹ thuật internet để lập các trang mạng xã hội, dùng internet phone liên lạc nội bộ và liên ngành, để tổ chức teleconference mà không cần tụ tập họp mặt, để tránh bị bắt. Kỹ thuật internet là một ưu đãi mà Công đoàn Đoàn kết Ba Lan ngày xưa không có.
Thống kê hiện nay cho thấy 70% của dân số 90 triệu dân Việt Nam là dưới 40 tuổi. Nhân số này đã cung cấp lực lượng lao động cho hầu hết các công ty đa quốc gia tại Việt Nam. Và lực lượng lao động này là lực lượng đông đảo nhất trong sinh hoạt nhân sinh (có thể kể cả nhân số trong bộ phận an ninh và quân đội) tại Việt Nam. Với một lực lượng quan trọng như thế nếu một Công đoàn Độc lập Việt Nam thành lập được, lực lượng công nhân Việt Nam có thể đòi hỏi cải tổ điều kiện làm việc, đòi tăng lương. Và nhất là, với mục tiêu xa hơn, người công nhân Việt Nam có thể đòi cải tổ chính trị. Người công nhân Việt Nam đang có sức mạnh tập thể là nếu toàn thể lực lượng công nhân ngưng việc, xã hội Việt Nam sẽ tê liệt. Nhà nước sẽ mất nguồn lợi kinh tế do các công ty mang lại và chắc chắn họ không thể ngồi an hưởng công lợi mà lực lượng lao động từ nhân dân mang lại.
Chú thích: (1) http://vi.rfi.fr/viet-nam/20140117-me-cua-nha-hoat-dong-do-thi-minh-hanh-keu-goi-hoa-ky-dung-tpp-de-ap-luc-ve-nhan-qu
Post a Comment