Hiện tượng cá chết nhìn qua luật sinh tồn của dân tộc
Lê Minh Nguyên (Danlambao) - Hiện tượng cá chết xuất hiện ở bốn tỉnh Miền Trung bắt đầu từ ngày 6/4/2016 và trải dài từ Hà Tỉnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế. Chất độc theo dòng hải lưu và lây lan sang các tỉnh phía nam như Quảng Nam-Đà Nẵng và đi vào sợi dây chuyền thực phẩm như rong rêu, nghêu, sò, cá, chim, muối... và tiếp tục hiện hữu như trầm tích kéo dài nhiều thập niên để tương tác vào dây chuyền thực phẩm, gây ung thư lên sức khỏe người dân như đã xảy ra trước đây ở nhiều nơi trên thế giới mà điển hình là vịnh Minamata bên Nhật kéo dài hơn nửa thế kỷ (1).
Do đặc tính của chế độ là bưng bít và tuyên truyền nên đại nạn này, nó ảnh hưởng trực tiếp lên sức khoẻ của hàng triệu người dân, phải mất gần ba tháng mới được chính quyền chính thức công bố hôm 30/6/2016. Sự công bố là kết quả của một sự thương lượng kín giữa nhà cầm quyền CSVN và công ty Hưng Nghiệp Formosa Hà Tỉnh (FHS - Formosa Hatinh Steel Corporation), nạn nhân hoàn toàn bị gạt ra bên ngoài làm kẻ bàng quan. Theo luật sư Trần Vũ Hải, mặc dù FHS đã chịu trách nhiệm và nhận lỗi, nhưng vẫn chưa chân thành, họ vẫn cho rằng trách nhiệm của họ không lớn mà đó là bởi lỗi của các nhà thầu phụ (2).
Số tiền 500 triệu đôla bồi thường là một sự móc ngoặc của CSVN và FHS, nó được nặn ra (mà không cho biết căn cứ vào đâu) để CSVN chứng tỏ là có thực thi vai trò lãnh đạo, hơn là giải quyết một cách có trách nhiệm vấn đề, vì nó quá nhỏ và gần như vô nghĩa so với sự sinh tồn của hàng triệu dân mà nhiều khía cạnh sinh tử khác không được minh bạch chỉ ra. Các chuyên gia cho rằng vụ việc chưa thể kết thúc tại đây vì những tác động lâu dài vẫn còn đó và chưa rõ hướng khắc phục. Cựu Thứ trưởng Tài Nguyên và Môi trường GS Đặng Hùng Võ nói rằng đền bù mới chỉ giải quyết được “cái ngọn của vấn đề” (3).
Luật Sinh Tồn nhấn mạnh đến khía cạnh giao thoa giữa sinh vật với môi trường sống. Môi trường sống quyết định không gian sinh tồn và quan năng biến cải quyết định sự sinh tồn hay sự tuyệt chủng của sinh vật. Hai vấn đề then chốt của sinh tồn là môi trường có còn hổ trợ cho sự sống của sinh vật hay không và sinh vật có khả năng biến cải theo sự thay đổi của môi trường hay không (với điều kiện môi trường tuy thay đổi nhưng còn sinh khí).
Áp dụng vào trường hợp cá chết, ta thấy FHS đã hủy diệt môi trường sống của ngư dân, điển hình là CSVN nói sẽ dùng một phần trong số tiền này để "chuyển đổi nghề nghiệp sang khu vực dịch vụ, thương mại, nông nghiệp..." cho khoảng một triệu ngư dân bị ảnh hưởng. Nó giết đi ngành nghề chiến lược của một quốc gia biển, nghề vừa phục vụ sự sinh tồn cá nhân của ngư dân, vừa phục vụ sự sinh tồn của dân tộc trong việc bảo vệ ngư trường và biển đảo, giết với giá rẻ mạt $500/người (4).
Đây có thể không phải là vô tình mà là chủ ý của FHS, nhưng FHS đã không ngờ rằng thay vì gây ra tác hại từ từ thì độc tố lại giết tất cả trong một vùng rộng lớn, từ sinh vật nước cạn đến sinh vật nước sâu. Sự chủ ý đã được lộ ra mà điển hình là ngay sau khi sự cố nổ bùng, ông Chu Xuân Phàm, Giám đốc đối ngoại FHS, hôm 25/4 trả lời kênh truyền hình VTC News, nói rằng Hà Tĩnh “không thể được cả hai nên phải lựa chọn, hoặc là nhà máy thép, hoặc là cá tôm”, chứng tỏ FHS đã biết điều chết cá này từ trước. Nếu dân không đánh bắt cá được thì làm sao Việt Nam tranh chấp được ở Hoàng Sa, khi đội quân triệu người đã bị đối phương tiêu diệt? (5).
Khối dân tộc Việt ở bốn tỉnh Miền Trung giờ đây đứng trước ngã ba của Luật Sinh Tồn, khi vùng đất nước này (hay không gian sinh tồn) đang mất dần sinh khí. Không gian sinh tồn này tồn tại cơ bản là nhờ vào yếu tố biển, vì nơi đây đất hẹp dựa lưng Trường Sơn và khô cằn sỏi đá. Nay yếu tố biển không còn nữa thì quan năng biến cải phải như thế nào nếu không muốn bị diệt vong?
Trước ngã ba đường này Luật Sinh Tồn bảo rằng dân ta phải Tranh Đấu, trong gene của dân tộc Việt thì cái code tranh đấu đã được khắc ghi từ khi dân tộc này hiện hữu. Dân tộc phải tranh đấu với thiên nhiên, với kẻ thù đe dọa sự sinh tồn, dù đó là Trung Quốc, là FHS hay CSVN. Dân tộc ta là dân tộc biển, với bờ biển dài xinh đẹp đã bảo vệ sự sinh tồn của dân ta từ nghìn năm, ngày nay CSVN đã cho dựng lên trên 30 nhà máy gây ô nhiễm thay vì là các trung tâm du lịch, chưa kể các nhà máy điện nguyên tử dự trù xây ở Ninh Thuận sau này. Nó chỉ phục vụ quyền lợi của đảng CSVN qua tham nhũng đậm trong các chương trình xây dựng bạc tỷ đôla và qua phát triển bằng mọi giá để phục vụ việc nắm quyền mà không cần biết đến không gian sinh tồn và dòng sống của dân tộc sẽ bị di hại ra sao!
Luật Sinh Tồn bảo rằng dân ta phải tranh đấu chống chính sách diệt chủng dân tộc Việt Nam của Cộng Sản TQ, chống những kẻ đang tiếp tay cho chính sách này là FHS và CSVN. Và để chiến thắng trong cuộc tranh đấu này, chúng ta phải có sức mạnh, khả năng biến cải và sự hợp quần.
Sức mạnh ở đây là sức mạnh hợp lực của toàn dân ta ở bên trong và bên ngoài Việt Nam. Sự biến cải để chúng ta sử dụng được lợi thế của môi trường như làm sao cho thế giới và nhất là Hoa Kỳ hiệp lực để bảo vệ sự sinh tồn của ta, hay sự đương đầu bất cân xứng (asymmetrical) với đối thủ mạnh hơn ta (David chống Goliath), thí dụ VN có thể trang bị 2,000 hỏa tiển BrahMos dọc bờ biển với giá khoảng 2 triệu đôla/chiếc (hay 4 tỷ đôla) để tạo không gian "không cho tiếp cận/từ chối vào vùng" (A2/AD - Anti-Access/Area Denial), một phiên bản MAD của VN (Mutual Assured Destruction) để TQ biết rõ rằng sự sinh tồn của dân VN cũng là sự sinh tồn của dân TQ. Nếu thương lượng được với Ấn Độ để sản xuất tại VN, nó có thể rẽ hơn nhiều và số lượng có thể gấp đôi hơn. Vì có cùng kẻ thù, Ấn Độ có thể chia sẻ bản quyền cho VN. Sự hợp quần gây sức mạnh của dân ta sẽ dễ thực hiện hơn với những quốc gia có cùng cảnh ngộ, như Nhật, Phi, Ấn, vì họ đang là nạn nhân của một TQ xâm lược.
Các đại cường có khuynh hướng làm ra luật của họ chứ không muốn tuân theo luật do nước khác làm ra, hay chấp nhận phán quyết của ai đó cho dù là tòa án quốc tế, cũng như không muốn xin lỗi ai. TQ đang có cung cách này và HK đã có từ lâu. Lịch sử của VN phần lớn là đấu tranh sinh tồn với TQ, dân tộc Việt đã tìm cách thoát khỏi sự đồng hóa của TQ nhờ vào năng lực biến cải, từ văn tự đến văn minh. Ông Robert D. Kaplan trong quyển "Asia's Cauldron" nhận xét rằng nếu dân Việt không biến cải để tiếp cận với các nền văn minh khác như Ấn Độ và Hồi Giáo thì đã bị TQ đồng hoá từ lâu.
Chủ nghĩa cộng sản đặt nặng nghĩa vụ quốc tế hơn quyền lợi quốc gia. Luật Sinh Tồn của dân tộc lấy quyền lợi quốc gia dân tộc làm nền tảng cho sự sinh tồn của công dân. Trong vấn đề cá chết, sự sinh tồn của công dân và của cả dân tộc bị đe doạ, mối đe doạ lớn nhất là chính quyền (qua đảng CSVN) không bảo vệ dân mà chỉ lo độc quyền lãnh đạo, nó đưa đến chính quyền móc ngoặc với tư bản cá mập cá xà và chỉ lo làm đẹp lòng kẻ muốn tiêu diệt dân tộc VN.
Luật Sinh Tồn thôi thúc sự tranh đấu của dân ta và không chấp nhận sự diệt chủng. Để lấy lại không gian sinh tồn, như truyền thống dân tộc đã chứng minh, sự khởi nghĩa thường phát xuất từ các tỉnh Miền Trung, nơi mà sự sinh tồn của dân tộc dễ bị đe doạ và dễ bị ảnh hưởng nặng nề, vì không gian sinh tồn khắc nghiệt hơn Miền Bắc và Miền Nam.
Đã đến lúc dân tộc đứng lên bảo vệ sự sinh tồn và các tỉnh đang mất không gian sinh tồn của Miền Trung ra tay phất cờ chủ đạo.
03.07.2016
_________________________________
Chú thích:
Post a Comment