Chút kỷ niệm nghề báo với Vinh Ba Sàm
Võ Văn Tạo (Danlambao) - Do chỗ tuổi tác, Vinh thường gọi đùa tôi là “đại ca”. Lần từ Nha Trang nhắn tin nhờ Vinh mua hộ lẳng hoa và thùng bia Heineken mang đến tặng thanh niên can đảm Nguyễn Văn Phương (đọc tuyên ngôn biểu tình chống TQ bành trướng biển Đông) và trí thức Hà Nội liên hoan mừng Phương “tai qua nạn khỏi” (an ninh hủy lệnh triệu tập để điều tra), suốt ngày tối mắt tối mũi lo cập nhật thông tin, Vinh hồi âm vỏn vẹn: “Xin tuân lệnh!”.
Tuy vậy, với tôi, Vinh là một nhà báo lớn, nhà báo chuyên nghiệp, rất chân chính, tác nghiệp rất thận trọng, chính xác và sự thật luôn là tiêu chí số một.
Dạo cưỡng chế Văn Giang, cả nước sục sôi. Do có sự ngẫu nhiên trùng tên doanh nghiệp chủ đầu tư dự án Ecopark và Công ty chứng khoán Bản Việt của Nguyễn Thanh Phượng - con gái Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, rất nhiều người nhầm lẫn. Trong một bài bình luận gửi trang Ba Sàm, tôi cũng viết Ecopark là dự án sân sau của Thủ tướng. Vinh điện phản hồi, gay gắt phủ nhận thông tin trên. Tôi khá ngạc nhiên. Trước giờ, Vinh vẫn cực lực lên án Nguyễn Tấn Dũng là kẻ tham nhũng, phá hoại kinh tế Việt Nam tệ hại nhất, sắt đá, nham hiểm nhất đối với giới tranh đấu vì tự do, dân chủ, tiến bộ xã hội, vì sao lại kiên quyết phản bác? Vinh bảo, vì sự thật không phải Ecopark là của Nguyễn Thanh Phượng, Vinh có nguồn tin chính xác, đáng tin cậy 100%. Đơn giản vậy thôi. Sau này, nhiều người vỡ lẽ, sự thật Phượng không phải chủ dự án Ecopark.
Lần khác, Vinh điện khẩn thiết nhờ xác minh thông tin: có người mách Báo Sài Gòn Giải Phóng có đăng thông tin Nguyễn Thanh Phượng rút khỏi vai trò người đại diện pháp luật của Vietcapital Bank. Theo Vinh nhân định, đây có thể là hành vi tẩu thoát, trốn trách nhiệm một cách tinh vi láu cá của Nguyễn Thanh Phượng trước nguy cơ khả năng bị truy cứu hình sự. Do báo SGGP không dễ kiếm ở Hà Nội và Nha Trang, tôi mất khá nhiều thời gian lần mò, chụp ảnh được mẩu tin quảng cáo trên bản điện tử SGGP và mail cho Vinh, trang Ba Sàm mới chính thức loan tin.
Dịp vụ án Dương Chí Dũng - Vinalines, từ báo giới, rò rỉ thông tin có lệnh cấm các tờ báo in (báo giấy) đăng đích danh Thứ trưởng Công an Phạm Quý Ngọ dính líu (nhận hối lộ 500.000 USD và mật báo cho Dương Chí Dũng “tạm lánh”). Hầu như mọi báo in chỉ đăng mập mờ “một lãnh đạo cao cấp của Bộ Công an”. Có nguồn tin mách Vinh: có 2 tờ báo vẫn “cả gan xé rào” là Hà Nội Mới và Pháp luật TP HCM đăng đích danh Phạm Quý Ngọ. Vinh điện, nói đã có Hà Nội Mới trong tay, nhờ xác minh Pháp luật TP HCM. Lúc đó, tôi đang ở Quảng Ngãi, chạy vòng quanh TP Quảng Ngãi, không tìm được Pháp luật TP HCM. Rốt cuộc, phải điện nhờ đồng nghiệp ở Tòa soạn Pháp luật TP HCM chụp ảnh bản tin, gửi gấp email cho tôi. Chuyển tiếp cho Vinh, năm phút sau, thông tin đặc biệt này được cập nhật trên Ba Sàm, kèm bản ảnh chụp.
Duy nhất có một lần, tôi “chê” Vinh. Số là, sau khi Vinh cùng bằng hữu Hà Nội viếng cụ Nguyễn Kiến Giang – nhà bất đồng chính kiến kỳ cựu hàng đầu. Ba Sàm đăng bản tin ngắn về tang lễ cụ. Đọc bản tin, có cảm giác Vinh rất hoan hỷ khi thấy tiếp theo đoàn viếng của các nhân sĩ trí thức trong Diễn đàn Xã hội dân sự là đoàn viếng của A83 – Cục An ninh chính trị nội bộ, Bộ Công an. Theo “hồn cốt” của bản tin, đây là dấu hiệu của chuyển biến tích cực, sáng sủa cho xu thế dân chủ hóa ở Việt Nam. Tôi bèn viết ngay bài phản biện, với nhan đề “Khi A83 viếng cụ Nguyễn Kiến Giang”. Bài báo kể lại câu chuyện hồi đầu thập niên 1980, tôi làm hướng dẫn viên tiếng Pháp của Công ty Du lịch tỉnh Phú Khánh. Trong một lần đưa du khách Ba Lan thăm thú Nha Trang, tôi hỏi về chuyện Bí thư thứ nhất Đảng cầm quyền Công nhân thống nhất Ba Lan - đại tướng Yazulxki có đi lễ nhà thờ. Các du khách Ba Lan làm tôi sửng sốt: “Mày tưởng nó đi nhà thờ vì kính Chúa à? Nó đi để trực tiếp điều nghiên, nhằm phá tôn giáo đó thôi”. Email bài báo đến Vinh xong, tôi điện càm ràm: “Chú còn ngây thơ lắm, như anh 30 năm trước vậy”. Vinh cười hề hề, đăng Ba Sàm tắp lự.
Tác giả cùng Nghị sĩ và Tham tán Chính trị Sứ quán CHLB Đức
trước Tòa án Hà Nội, trong vụ xử sơ thẩm Ba Sàm 23-3-2016
Post a Comment