Một sự so sánh khập khiễng không thuyết phục để bênh vực cho chế độ CSVN

Nguyễn Dư (Danlambao) - Đã từ lâu, nhiều người lên tiếng chỉ trích những bộ luật hình sự của nhà cầm quyền Việt Nam về tự do ngôn luận là vi phạm nhân quyền.

Nếu nói về quyền tự do ngôn luận, so sánh giữa chế độ cộng sản với thế giới tự do để mà mổ xẻ từng chi tiết thì rất dài dòng, đôi khi còn trớt quớt. Đem điều nọ mà xọ với trường hợp kia để so sánh thì nó tráo trở, trơ trẽn, có khi còn lạc lối... quay về, không giống ai. Từ chỗ mù mờ không rõ ràng trong quyền tự do ngôn luận theo qui định của mỗi quốc gia, nhất là mang cái tính lý luận theo cái kiểu "lưỡi không xương..." cho nên nhà cầm quyền CSVN mới có thể "nhiều đường lắt léo", lợi dụng để bắt tội, kết án nhiều cá nhân muốn cất lên tiếng nói bày tỏ về quan điểm của riêng mình.

Mới đọc trên báo Công An Nhân Dân, có một bài viết đem so sánh trường hợp vi phạm quyền tự do ngôn luận ở Mỹ và Việt Nam. Ý chính, nội dung của bài viết muốn nói rằng ở Mỹ thì cũng vi phạm quyền tự do ngôn luận giống Việt Nam vậy. Chúng ta chỉ cần nghe đến đó, sự so sánh giữa hai quốc gia thôi, người có hiểu biết thì hiểu được tác giả bài viết trên báo CAND đem ra so sánh khập khiễng nửa vời và có trình độ hiểu biết, cách lập luận để bào chữa cho chế độ độc tài Việt cộng như thế nào liền.

Tác giả đưa ra trường hợp hai bài viết của một nhà báo Mỹ tung tin về tình hình sức khỏe của ứng cử viên, bà Clinton. Mặc dầu không dẫn chứng cụ thể nhà báo Mỹ đã viết gì nhưng tác giả của báo CAND nói rằng bài báo bị gở xuống và phóng viên bị đuổi việc.

Ở đây tưởng cũng không cần phải biết nhà báo Mỹ viết gì mà phải bị đuổi việc. Và chúng ta cũng tạm tin trường hợp là tổng biên tập của một tờ báo nọ bảo vệ quyền lợi, bị mua chuộc theo phe nhóm riêng tư, và có phe cánh ở đàng sau chống lưng nên họ vi phạm quyền tự do ngôn luận theo như tác giả báo CAND viết.

Nhưng nên nhớ là một tờ báo có thể vì lợi nhuận và uy tín kinh doanh; cũng có thể vì muốn bảo vệ uy tín một phe cánh nào đó cho nên chuyện gỡ bài, đuổi việc một phóng viên của họ là chuyện rất bình thường mặc dầu biết rằng họ trắng trợn vi phạm nhân quyền, quyền tự do ngôn luận.

Bây giờ chúng ta mới xét tiếp là phóng viên Mỹ đó có khởi kiện tổng biên tập của họ là vi phạm hợp đồng hay không. Phóng viên Mỹ có cần phải tìm luật sư uy tín để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình hay không. Cái mấu chốt cần đặt ra là của sự thắng thua trong vụ kiện; quyền tự do phát biểu chính kiến và luật pháp có bảo vệ công dân theo đúng như hiến pháp qui định hay không. Quan trọng là ở cái chỗ đó. Tất cả các xứ tự do khác với chế độ CSVN cũng chính là ở chỗ đó. 

Vi phạm nhân quyền thì ở bất cứ một xứ sở nào, nếu là con người bình thường thì đều mang trong mình cái hỉ, nộ, ái, ố như nhau, khó mà tránh khỏi. Cái mà chúng ta cần lưu ý là tòa án xứ Mỹ mà xử theo bộ luật hình sự về quyền phát biểu chính kiến thì sẽ khác một trời một vực với tòa án rừng rú ở xứ ta. Đừng nên đem so sánh nửa vời rồi lấy chuyện nọ mà xọ sang chuyện kia để thiên hạ cười vào mặt.

Nếu trường hợp ở Việt Nam, thì phóng viên viết bài không tốt cho đảng Dân chủ của bà Clinton theo cái kiểu đó thì coi như đời tàn vì sẽ thất nghiệp mà lại còn... vợ đẻ, con đau, nhà nước ngập bởi triều cường; cả gia đình sẽ mang bị gậy đi ăn mày; Có khi còn phải đi bóc lịch vì dính... bẫy trong hai cái còng của bộ luật hình sự nữa.

21.9.2016

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.