Cuộc đấu tranh của giáo dân miền Trung nhất định thắng lợi...
Mai Tú Ân (Danlambao) - Ngày 25/9/2016 đã đánh dấu một sự kiện chưa từng có đã xảy ra ở miền Trung Việt Nam. Linh mục Anton Đặng Hữu Nam đã dẫn đầu 500 giáo dân của mình bình tĩnh, ôn hòa nhưng cương quyết kéo lên thị xã Hà Tĩnh để nộp đơn kiện công ty Formosa về trách nhiệm làm chết biển miền Trung, cũng như phải bồi thường về trách nhiệm ấy. Có thể nói từ thời lập quốc của những người CS đến giờ, hơn 70 năm nay thì mới có sự kiện hy hữu đáng mừng này.
Linh mục Đặng Hữu Nam, cha xứ can đảm của Giáo xứ Phú Yên mà chúng ta đều biết đã không thể khoanh tay đứng nhìn các giáo dân của mình đang khốn cùng trong cơn thảm họa Formosa. Và ông đã cùng với họ khởi kiện, bước vào cuộc đấu pháp lý với những kẻ gây tội ác Formosa.
"Không đền bù cho chúng tôi thì không có một cọng thép nào được ra lò ở Formosa"
Đang giữa mùa khốn khổ nhất, biển chết, cá tôm chết và người dân cùng gia đình họ cũng như muốn chết khi kế sính nhai chẳng còn. Những lời hứa hẹn của chính quyền thì vẫn chỉ là những lời hứa hẹn gió bay, khi ngay cả đến những đồng tiền mà Formosa đã đền bù, chính quyền đã nhận đủ nhưng chưa có một đồng xu nào đến tay của người dân miền Trung đang đói khát cả. Vì luật pháp Việt Nam không có điều khoản kiện tập thể nên cha Đặng Hữu Nam, với sự tư vấn của công ty luật Hà Huy Sơn, Hà Nội đã hướng dẫn thủ tục cho bất cứ người dân nào muốn khởi kiện và tất cả sẽ cùng nhau lên đường đi nộp đơn ở thị xã Hà Tĩnh.
Thật khôi hài khi chính quyền, thay vì giúp cho người dân khốn khổ của mình thì lại bố trí công an, an ninh hùng hậu như muốn ăn tươi nuốt sống người dân của mình. Nhưng tất cả đã phải bất lực trước khí phách hơn người, lẫn quyết tâm không gì lay chuyển nổi của bà con. Họ đã nhất quyết xuống đường để đem những lá đơn được viết ra trong nước mắt, trong sự khốn cùng và tuyệt vòng đến được nơi cần đến. Dưới sự dẫn dắt của cha Đặng Hữu Nam, và tư vấn của văn phòng luật sư Hà Huy Sơn, họ tiến thẳng lên thị trấn Hà Tĩnh để nộp đơn kiện công ty Formosa trong trật tự hòa bình. Mặc dù chính quyền dùng đủ mọi cách, kể cả dùng những chiêu thức quen thuộc để hù dọa từ người đi kiện cho đến các chủ phương tiện chuyên chở, nhưng những giáo dân quyết tâm cùng cha xứ can đảm của họ đã bước đầu thực hiện cho bằng được. Đó là lấy lại những quyền lợi sát sườn và không thể bị đánh cắp của họ.
Họ đã bước vào một cuộc đấu tranh cam go, lâu dài và và không thể biết trước kết quả. Những lá đơn kiện của 500 bà con giáo dân đầu tiên này chỉ nhằm vào tập đoàn tội ác Formosa, chỉ Formosa mà thôi. Nhưng oái oăm thay lại có kẻ một kẻ tự nguyện đứng hẳn về phía Formosa để chống lại những người dân lành đi kiện. Đó là chính quyền Việt Nam. Thay vì đứng về phía người dân miền Trung thiệt thòi của mình thì chính quyền ấy lại đứng ở nơi nào không biết được để phá rối các nỗ lực của người dân trong việc tự cứu mình. Thay vì vận động tổ chức cho người dân viết đơn kiện Formosa thì chính quyền địa phương lại cư xử khó hiểu khi vận động ngược lại. Thay vì kiểm tra, kiểm soát Formosa thì chính quyền lại tổ chức phá rối đoàn xe của những người đi kiện. Những hành động của chính quyền đã cho thấy trước rằng, lá đơn kiện của bà con giáo dân, cũng như của bà con miền Trung sau đó sẽ rất khó khăn trắc trở với hy vọng thoát khỏi đói nghèo cứ giảm dần. Bởi không chỉ có cuộc đấu tranh pháp lý với kẻ thủ ác Formosa, mà họ còn có cuộc đấu tranh với chính quyền Việt Nam, giờ đã ở vào phía Formosa rồi, một có cuộc đấu tranh lớn hơn, đòi những quyền làm người mà họ xứng đáng được hưởng hơn ai hết. Và họ sẽ chiến thắng.
Sau bao gian nan, vất vả với tinh thần trật tự, cùng sự quyết tâm thì cha Anton Đặng Hữu Nam cùng đoàn giáo dân đi kiện của mình đã hoàn thành bước đầu công việc đầy vinh quanh, đánh dấu một sự kiện lịch sử mà người ta sẽ còn nhắc đến với lòng kính trọng trong nhiều năm nữa. Rồi người ta sẽ hát những bài tụng ca để vinh danh Chúa khi nói về một đoàn người lam lũ, khốn cùng đã cương quyết ra đi vào một ngày cuối thu buồn tẻ, để tìm đường sinh trong cửa tử...
Xin Chúa hãy che chở cho những con người ấy...
29.9.2016
Post a Comment