Lời ru buồn cho Cửu Long
Melody Kemp * Trần Quốc Việt (Danlambao) dịch - Nguyễn Trung Việt, Chánh văn phòng Biến Đổi Khí Hậu thành phố Hồ Chí Minh, đang phát biểu với nhóm phóng viên và ông giận thấy rõ. "Điều gì khiến tôi ban đêm mất ngủ?" ông hỏi một cách ấn tượng. "Đó là vì có rất nhiều rủi ro, rất nhiều việc phải làm, nhưng chúng tôi được trả lương rất thấp nên không thể dành thời gian vào việc biến đổi khí hậu. Thay vì thế chúng tôi phải làm hai ba công việc cùng một lúc để tồn tại. Thử hỏi sao chúng tôi có thể làm tốt được? Người đứng đầu bộ phận này lương chỉ 200 đô la Mỹ mỗi tháng."
Cho tới năm 2009, nhiều người cảm thấy như thể chẳng ai cầm quyền ở Việt Nam biết hay quan tâm đến biến đổi khí hậu. Để giải quyết điều này, Việt đưa các viên chức chính quyền đến Seoul để cho họ mở mắt. "Họ (cán bộ Đảng cao cấp) biết thành phố Hồ Chí Minh bị rủi ro nhiều nhất nhưng có đến 16 phòng ban cùng nhau lái con tàu này. Hừ! Ngu ngốc!" ông bực dọc thốt lên. "Họ phải trẻ vì điều này cần kế hoạch lâu dài. Họ phải nói tiếng Anh được vì thông tin kỹ thuật toàn là bằng tiếng Anh. Chẳng ai hiểu sự cấp bách này."
"Hệ thống ủy ban của Việt Nam thật sự là cách ngồi không có hệ thống," một nhà báo bất mãn gần đấy cười. "Họ sẽ chỉ nghiêm túc về những vấn đề quan hệ đến của cải quốc gia hay các đảng viên cao cấp."
Nâng cao lên
Thành phố Hồ Chí Minh hay Sài Gòn, sáng rực với những đồ trang hoàng Giáng Sinh. Những thiếu nữ đội cài tóc tuần lộc đỏ phát những tờ quảng cáo, và một người mặc trang phục ông già Noel màu xanh đậm sáng đứng bên ngoài ngân hàng lớn nhất Việt Nam. Sông Đồng Nai mà hợp lưu với sông Sài Gòn ngay phía bắc thành phố Hồ Chí Minh náo nhiệt với bao ánh đèn và nhà hàng nổi. Nếp sống thương mại thực dụng trong quốc gia Nho giáo, đặc biệt thịnh hành trong thành phố cuồng nhiệt, sáng tạo này.
Thành phố Hồ Chí Minh rõ ràng là đầu tàu kinh tế của Việt Nam, nhưng thành phố cũng là nơi ở trong nước chịu nhiều rủi ro nhất từ sự kết hợp ảnh hưởng lẫn nhau giữa các nhân tố liên quan đến khí hậu và không khí hậu. Mạng lưới sông ngòi và kênh rạch, chiếm khoảng 15 phần trăm đất thành phố, nằm trên đường đi của bão tố tàn phá. Lưu vực sông Đồng Nai bị khai quang hóa học rất nặng trong cuộc chiến tranh Mỹ ở Việt Nam. Thung lũng cằn cỗi do xử dụng hóa chất, bây giờ trung tâm công nghiệp, là nguồn gốc xói mòn, với dòng chảy ô nhiễm làm trầm trọng thêm nạn ngập định kỳ trong thành phố.
Với dân số độ 6.2 triệu người vào năm 2010, ước tính không chính thức cho biết thành phố hiện nay đã hơn 10 triệu, con số mà Ngân Hàng Phát Triển Châu Á tiên đoán thành phố chỉ có thể đạt đến vào năm 2025.
Nhưng nào ai thật sự biết? "Bà Chang" người chủ nhà máy gợi ý ước đoán chính thức về cuộc di cư từ đồng bằng sông Cửu Long hàng năm là không xác thực. "Ít nhất hai triệu người di cư từ đồng bằng sông Cửu Long" bà nói, "người di cư theo mùa, kẻ di cư luôn và sẽ còn gia tăng khi hoàn cảnh ở đấy tồi tệ hơn."
Ở những khu vực đông dân như Quận 6, dân chúng than phiền về việc hàng năm bị ngập. "Nâng cao lên" là cách nói của người dân địa phương đề cập đến việc nâng cao mức nền nhà lên nhằm đối phó với nước ngập chảy tràn vào nhà. Tuy nhiên những con đường liên quận chính cũng được nâng lên khiến mực nước vào nhà cũng tăng hơn khi nước chảy xiết vào những con hẻm hẹp. "Chúng tôi có nhiều mưa sớm hơn," tất cả cư dân đều đồng ý.
Những ảnh hưởng khí hậu, chẳng hạn như lượng mưa gió mùa nhiều hơn kết hợp với bão lớn thường xuyên hơn và sóng bão, càng ngày càng quyết định đến tình trạng ngập thường và ngập nặng ở thành phố Hồ Chí Minh.
Những cư dân đã nâng nền nhà họ lên 20cm nói "Cách đây 36 năm lúc chúng tôi dọn về đây nơi này là đầm lầy và đồng ruộng. Bây giờ vùng này nổi tiếng bị ngập nên chúng tôi không bán nhà được." Kênh rạch tắc nghẽn với rác plastic và rác không tiêu hủy được đã bốc mùi hôi thối, rất đen và hoạt tính sinh học đến độ mây phản chiếu trên kênh rạch lung linh. Hiện nay 154 trong số 322 xã phường thường xuyên bị ngập, ảnh hưởng đến 40 phần trăm dân số thành phố.
Tư duy sai lầm
"Chúng tôi bắt đầu kiểm soát ngập cách đây 30 năm. Chúng tôi lẽ ra nên bỏ nhiều công sức vào việc quản lý ngập nhưng phương pháp kế hoạch của chúng tôi lạc hậu và vẫn còn dưới sự lãnh đạo của chủ đầu tư bất động sản. Các kỹ sư phải đối phó với các hậu quả," tiến sĩ Hồ Long Phi thở dài. Ông chắc phải biết. Là giám đốc Trung tâm Quản lý Nước và Biến đổi Khí hậu thuộc đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh, ông có cái vẻ mệt mỏi và hơi tuyệt vọng của nhà tiên tri nói chẳng ai nghe: "Chúng tôi cần những nhà máy khử muối để làm sạch nước uống. Khi thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu lún, việc khai thác nước ngầm trong hầu hết các trường hợp đều bị cấm. Nhưng trọng tâm vẫn còn là phát triển kinh tế vì thế nhiều nhà máy nhiệt điện chạy than đang được xây dựng. Họ còn dự định xây dựng nhà máy điện hạt nhân cho miền trung Việt Nam. Thử hỏi có điên chưa chứ?"
Sau khi đi ngang qua Philippines, rất thường lệ những cơn bão tiến thẳng vào miền trung Việt Nam, nơi nhà máy điện dự định xây.
"Những người ở cấp cao nhất vẫn còn nghĩ chúng tôi có thể dùng dữ liệu lịch sử để tiên đoán tương lai," Phi khẳng định. "Hệ thống cũ của chúng tôi được dùng để đối phó với những chu kỳ ba năm, nhưng bây giờ chúng tôi đang có 100mm mưa trong một giờ và mực nước biển mỗi năm dâng 1.5 cm. Rõ ràng ta phải đối diện với sự hoàn toàn không chắc chắn được, mọi kế hoạch do đó đều không hoàn hảo Chúng tôi chỉ không biết chúng tôi nên đầu tư bao nhiêu vào việc quản lý ngập vì nó rất năng động."
Vào năm 2010 Ngân Hàng Thế Giới, Ngân Hàng Phát Triển Châu Á, Cơ Quan Phát Triển Nhật Bản ước tính rằng mực nước biển dâng lên 50cm kết hợp với lượng mưa 24mm/ngày vào mùa mưa có thể tạo ra điểm tới hạn mà tại đó biển xâm nhập vĩnh viễn vào những khu vực rộng lớn của thành phố.
Nguyễn Hữu Nhân, thuộc Viện Kỹ thuật Biển, cho biết những trạm nghiên cứu đo mực nước biển dâng mỗi năm từ ba đến bốn cm làm tăng ngập úng cục bộ từ tám đến mười hai cm hàng năm.Ông cũng cho biết những biến đổi thủy triều-cả về tần suất và biên độ-đang thay đổi nhanh chóng, từ đấy ông đồng ý với tiến sĩ Phi rằng dữ liệu lịch sử chẳng có ích gì cho việc dự đoán.
"Có nhiều việc phải làm," ông nói. "Chúng tôi phải xét đến hướng căn cứ vào chiều cao của nước ngập dựa vào một số nhà, giảm dân số thành phố và giảm đầu tư vào những khu vực dễ bị ngập. Nhưng thái độ nói chung là "Tôi muốn xây ở đây và rồi ông phải bảo vệ tôi." Chúng tôi không thể tiếp tục làm như thế. Chúng tôi cũng không thể trông mong vào kỹ thuật hay cơ sở hạ tầng để giải quyết mọi thứ. Chính quyền rất thích làm đê kè và cơ sở hạ tầng vì có quá nhiều lại quả. Nhưng đê kè chẳng ích gì."
"Sau khi Việt Nam vào WTO, có cơn sốt nhà đất," Phi giải thích. "Các chủ đầu tư bây giờ xây bất kỳ chỗ nào họ có thể xây được. Nếu họ phá sản thì việc đầu tư dừng lại thay vì kế hoạch khôn khéo hơn."
Quyền lợi Trung Quốc
Địa lý tự nhiên ngăn chia thành phố Hồ Chí Minh và đồng bằng sông Cửu Long thành những lưu vực riêng rẽ. Địa lý con người khiến hai nơi này phụ thuộc lẫn nhau-với sự di cư theo mùa, thu nhập từ xuất khẩu và sản xuất lương thực rất cần thiết cho sinh tồn của Sài Gòn.
Cần Thơ, cách thành phố Hố Chí Minh 160km về phía nam, là thành phố và thương cảng lớn nhất vùng đồng bằng sông Cửu Long với dân số gần hai triệu người. "Năm 2008 người Trung Quốc hoàn thành đập Tam Hiệp," giáo sư về hưu Chung Hương Cheong nói qua về bối cảnh lịch sử. "Rồi địa chính trị thay đổi, khi Trung Quốc bành trướng quyền lợi của họ vào biển Đông và khắp nơi trong vùng sông Mekong."
Cheong cho rằng toàn bộ vùng Đông Nam Á đang rất cận kề với cuộc khủng hoảng nước. "Nếu Trung Quốc và Lào tiếp tục xây dựng các đập thủy lợi như đề xuất thì sẽ có sự thay đổi lớn về thủy học của sông Mekong và đồng bằng sông Cửu Long," ông nói. "Ở Trung Quốc nước ngầm đã khô cạn còn sông ngòi ô nhiễm. Những chất thải tích tụ lại đang tiến theo dòng sông Mekong và giết chết đồng bằng sông Cửu Long." Không có đồng bằng sông Cửu Long, sợ rằng đa phần kinh tế Việt Nam sẽ chết. Không chỉ là các vụ mùa, mà còn các cảng và công nghiệp năng lượng lệ thuộc vào nước."
"Và rồi còn có văn hóa nước nữa," Cheong nói. "Chúng tôi đã có những làng nổi trong suốt hơn một ngàn năm qua. Nhiều nhà di cư xa đến tận Biển Hồ. Lẽ nào các đập cần thiết đến mức họ phải giết chết nền văn hóa của chúng tôi sao?"
Nuôi tôm
Ở cửa sông Cửu Long, hiện nay mực thủy triều dâng là 1.5 mét so với 1.3 m cách đây một năm. Những cây đước mới được trồng, nhưng nhiễm mặn từ nước biển dâng lên và độ pH có sẵn có thể giết chết các cây non.
Lê Anh Tuấn thuộc Viện Nghiên cứu Biến đổi Khí Hậu ở Cần Thơ lo ngại về nhiễm mặn và giông bão ngày càng lớn. "Nước mặn đang làm hư hại cơ sở hạ tầng như dây cáp điện. Tốc độ gió đang tăng lên. Dần dần nguồn cung cấp nước của chúng tôi bị nhiễm độc và kiệt quệ nhanh. Chúng tôi có thể cần mang nước từ nội địa đến vùng duyên hải. Trước mắt chúng tôi phải khuyến khích trữ nước mưa và tiết kiệm nước. Chúng tôi phải chuyển nông nghiệp ra xa vùng duyên hải."
Nông dân Nguyễn Quốc Biên chỉ về hướng biển. "Trong cơn bão vừa qua, biển vào cánh đồng tôi." Đây không phải là vấn đề riêng biệt. Các nông dân trồng mía nhìn qua con đường đê, hất cằm chỉ những người hàng xóm trồng đước. "Chúng tôi không thể nuôi tôm giống như họ. Chính quyền không cho phép điều ấy ở phía bên này đê. Nhưng các hiệp ước thương mại quốc tế có nghĩa là giảm 50 phần trăm thu nhập và bây giờ chúng tôi lại có ít mưa hơn. Tương lai chúng tôi ở đâu?"
Gần đấy, một nông dân phun thuốc diệt cỏ trên đồng của mình, rồi đổ hết cặn thuốc xuống đê. Thuốc này là sản phẩm dùng để diệt cỏ dại và rễ của cây hoang dại. Khắp nơi ở đồng bằng sông Cửu Long, sản lượng giảm càng khiến xử dụng nhiều hóa chất nông nghiệp hơn, nhưng sâu rầy càng kháng thuốc hơn và nước chảy phải được ngăn cách với các trại tôm ngày càng nhiều.
Ngư dân khẳng định mọi sự đều tốt, nhưng phụ nữ trong vùng lại nói khác: "Cách đây hai ngày thuyền chìm. Mười người chết. Tuần rồi chiếc thuyền khác chìm cùng với 12 người. Trước đấy tám người chết. Những cơn bão dữ không thể đoán trước được. có thể càng xảy ra nhiều hơn."
Trao gánh rủi ro
Một giải pháp chính quyền đang thăm do là một cái đê trị giá 1.4 tỷ đô la Mỹ "không bao nhiêu" do công ty tư vấn Hòa Lan từng quản lý những công trình tương tự ở những nơi dễ bị ngập khác đề xuất. Nhưng giới giảng dạy ở Đại học Cần Thơ không mấy ấn tượng.
"Vấn đề hoàn toàn không phải là xây dựng những thứ vô bổ như thế," Lý Quốc Đẳng ở Viện Nghiên cứu Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ. "Uỷ ban trung ương thích xây đê vì họ kiếm được tiền, nhưng liệu chúng có hiệu quả?" Ông nhún vai. "Chúng tôi có những chuyên gia của chúng tôi biết hệ thống và nhân dân của chúng tôi. Các giải pháp liên quan đến chính trị hơn là kỹ thuật."
Khác với nhiều viên chức người Việt cấp cao, cả Đẳng và tiến sĩ Phi đều hiểu rằng các biện pháp bảo vệ ngập lụt lớn hơn không nhất thiết tốt hơn, và nếu thành phố muốn phát triển thịnh vượng về lâu dài, thành phố sẽ cần làm việc thuận với thiên nhiên thay vì nghịch với thiên nhiên. Những chính sách ngày hôm nay chỉ chuyển những rủi ro ngập lụt sang cho những thế hệ tương lai.
Theo quan điểm của Phi, chỉ có thảm họa mới có thể thay đổi cách bảo vệ ngập thiển cận của chính quyền. "Có nhu cầu thay đổi xã hội rất lớn," ông nói. "Người nghèo không may sẽ cảm thấy điều này nhất nhưng họ có ít khả năng thích nghi nhất. Nhưng họ sẽ phải thích nghi nếu họ muốn được bảo vệ. Quan trọng nhất cho điều này là khả năng có được thu nhập. Khi mực nước biển tăng, ngập lụt càng tồi tệ hơn. Chúng tôi phải làm cho sinh kế của mọi người ít phụ thuộc vào nước hơn, chẳng hạn bằng cách giảm sự phụ thuộc vào lúa gạo. Nhưng hoàn cảnh đang thay đổi nhanh, quá nhanh so với mức độ phối hợp cần thiết."
Nguồn: Dịch từ tạp chí Anh Geographical số tháng Mười Một 2015 trang 54-59. Tựa đề nguyên tác "Delta Blues". Tựa đề tiếng Việt của người dịch.
2/4/2017
Post a Comment