Quân đội Trung Quốc kiểm soát Cảnh sát biển trong nỗ lực độc chiếm Biển Đông



Vũ Quốc Ngữ dịch (VNTB)
Quyết định của Trung Quốc để kiểm soát Cảnh sát biển, một lực lượng có nhiệm vụ bảo vệ bờ biển, đã làm tăng mối quan ngại về nguy cơ sai lầm trong vùng biển đang tranh chấp ở Đông Á.
Đảng Cộng sản cầm quyền đang chuyển giao quyền lực kiểm soát Cảnh sát biển, một lực lượng có đội tàu bảo vệ bờ biển lớn nhất châu Á, cho Đảng uỷ Quân sự Trung ương từ một cơ quan dân sự là Cục Hải dương Quốc gia, như một phần của cuộc cải tổ chính phủ rộng rãi được công bố vào tuần trước ở Bắc Kinh. Việc chuyển giao này sẽ mang lại quyền trực tiếp kiểm soát lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc cho Tập Cận Bình, người nắm cương vị là tổng tư lệnh tối cao các lực lượng vũ trang của quốc gia. Từ trước tới nay, Bắc Kinh thường sử dụng lực lượng Cảnh sát biển để khẳng định các yêu sách lãnh thổ của mình ở Biển Đông và Hoa Đông.

Tàu của Cảnh sát biển Trung Quốc và tàu của Cảnh sát biển Việt Nam tại Biển Đông năm 2014.
Mặc dù động thái này đơn giản hóa bộ máy chỉ huy của lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc, nó cũng giảm đi sự khác biệt giữa tàu quân sự và tàu dân sự tuần tra ở những vùng căng thẳng trong khu vực, chẳng hạn như Biển Đông và Hoa Đông. Sự mơ hồ đó làm tăng nguy cơ dẫn đến việc những hành động cứng rắn của những con tàu bảo vệ bờ biển vỏ màu trắng có thể leo thang thành một đụng độ quân sự không chủ ý.
"Các lực lượng hải quân của khu vực sẽ xem xét điều này và tự hỏi, lực lượng nào chỉ huy Cảnh sát biển Trung Quốc? Và điều này có ý nghĩa gì nếu xảy ra đụng độ?", Lyle Morris, chuyên gia phân tích chính sách tại RAND Corp. cho biết: "Nếu có khủng hoảng, việc sử dụng vũ lực như thế nào, họ đối thoại với ai? Có một giả định rằng mọi thứ họ làm sẽ bị quân sự hoá".
Trung Quốc khẳng định sự kiểm soát hơn 80% Biển Đông, một tuyến vận tải quan trọng cũng được Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam tuyên bố có chủ quyền. Việc sử dụng các tàu vũ trang lớn nhưng được trang bị vũ khí tương đối nhẹ của Cảnh sát biển để thực thi các tuyên bố này đã cho phép Bắc Kinh tránh được phản đối kịch liệt quốc tế và các cuộc đối đầu quân sự trực tiếp.
Tuy nhiên, các tàu tuần tra đã là trung tâm của căng thẳng giữa Trung Quốc và các nước láng giềng, những quốc gia đã buộc tội Bắc Kinh tấn công tàu đánh cá và tàu tuần tra của họ. Năm 2016, một uỷ ban trọng tài thấy rằng lực lượng bảo vệ bờ biển Trung Quốc đã vi phạm các công ước về an toàn trên biển, và Hoa Kỳ đã tìm cách đưa lực lượng này vào các giao thức được thiết kế để kiểm soát những va chạm giữa hải quân các quốc gia.
Cuộc cải tổ chính phủ Trung Quốc công bố hôm thứ Tư tiếp tục một quá trình tập trung kiểm soát Cảnh sát biển, một lực lượng có 200 tàu dân sự từ năm 2013, khi Bắc Kinh thành lập lực lượng Cảnh sát biển bằng cách hợp nhất bốn cơ quan hàng hải khác. Sự thay đổi mới nhất đưa lực lượng quân cảnh (People’s Armed Police- PAP), một lực lượng bán quân sự trong nước, dưới sự chỉ huy trực tiếp của Tập Cận Bình vào tháng 12 năm ngoái.
"Tôi không nghĩ rằng việc chuyển giao quyền chỉ huy của Cảnh sát biển Trung Quốc sẽ làm căng thẳng khu vực leo thang hoặc tạo ra nhiều nguy cơ hơn", theo Zeng Zhiping, chuyên gia về luật quân sự tại Học viện Công nghệ Nanchang. "Vẫn là những lực lượng đó để xử lý các vấn đề ở Biển Đông. Trong trường hợp này, sự phân chia nhiệm vụ nội bộ không thay đổi".
Trong khi Cảnh sát biển Việt Nam thuộc Bộ Quốc phòng, các cơ quan an ninh bờ biển của Nhật Bản và Philippines có nhiệm vụ báo cáo với các cơ quan vận tải. Không lực lượng nào trong số lực lượng trên có thể so sánh với Cảnh sát biển Trung Quốc về quy mô. Cảnh sát biển Hoa Kỳ báo cáo với Bộ An ninh Nội địa mặc dù tổng thống có thể chuyển quyền kiểm soát lực lượng này cho Hải quân Hoa Kỳ trong thời chiến.
Tuy nhiên, việc phân biệt các tàu tuần tra của Trung Quốc với các tàu hải quân màu xám của nước này trở nên khó khăn hơn. Nước này đã sản xuất những tàu khu trục lớn hơn và vũ trang với pháo 37 ml và pháo tự động 76 ml.
"Giờ đây PAP trở thành lực lượng vũ trang hơn, điều đó có nghĩa là có nhiều liên kết quân sự mạnh mẽ hơn với lực lượng Cảnh sát biển Trung Quốc", Morris, thuộc tập đoàn Rand Corp. nói. "Trung Quốc không còn có thể khẳng định rằng sự hiện diện của Cảnh sát biển trong các vùng biển đang tranh chấp chỉ mang tính chất dân sự thuần túy".
V.Q.N. dịch
VNTB gửi BVN bản dịch

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.