Và Trái Tim vẫn đập phía Hoàng Sa
TTO - Sáng 28-3, Đà Nẵng khánh thành Nhà trưng bày Hoàng Sa. Hôm nay 29-3, Đà Nẵng kỷ niệm 43 năm ngày giải phóng (29-3-1975 - 29-3-2018).
Buổi lễ ở Nhà trưng bày Hoàng Sa sáng 28-3 đau đáu trong tim bao người một nỗi niềm: Đà Nẵng vẫn chưa giải phóng trọn vẹn.
Dù trên bản đồ hành chính có tên huyện Hoàng Sa thuộc TP Đà Nẵng, có chủ tịch huyện, có chánh văn phòng, có nhân viên… nhưng huyện này không có phường, khu phố, không có dân cư sinh hoạt theo đúng nghĩa.
Bởi mảnh đất có tên huyện Hoàng Sa ấy, là quần đảo xinh đẹp và giàu có tài nguyên, hiện vẫn còn đang trong tay Trung Quốc, bị Trung Quốc xâm lược và chiếm đóng trái phép hoàn toàn từ tháng 1-1974.
Cũng chính vì lẽ đó mà cho dù trên đất nước mình đang có hàng trăm bảo tàng và nhà trưng bày, nhưng không một công trình nào có số phận như Nhà trưng bày Hoàng Sa. Nó là dấu mốc, là lời nhắc, là thề nguyện và cả đau đớn khi vọng ra biển Đông.
Một góc đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam - Ảnh: AFP |
Câu nói "Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa" là một câu nói ở thì tương lai, nhưng đêm đêm, trên bản đồ dự báo thời tiết của Đài truyền hình Việt Nam hay mỗi ngày ở góc thời tiết trên trang báo Tuổi Trẻ, quần đảo yêu thương vẫn hiện ra bằng những chấm đảo trên nền xanh của biển.
Hoàng Sa vẫn ở đó, với chuyện nắng mưa, nhiệt độ, thời tiết, cấp sóng. Hoàng Sa nằm đó, phần máu thịt của quê hương còn chưa về được với đất mẹ vì dã tâm cưỡng chiếm của ngoại bang.
Nhưng cho dù như thế thì việc có một nhà trưng bày để Hoàng Sa hiện diện cụ thể giữa trung tâm Đà Nẵng là một nỗ lực lớn của những người dân luôn thao thức với Hoàng Sa!
Căn phòng 20 mét vuông và những tấc lòng…
Nhìn công trình bề thế của nhà trưng bày, trong tôi chợt hiện ra hình ảnh căn phòng nhỏ ở Sở Nội Vụ Đà Nẵng. Nhiều năm qua, cứ mỗi lần dịp 19-1, ngày Hoàng Sa bị giặc xâm chiếm, tôi lại lặng lẽ ghé vào căn phòng đó, nằm chung trong căn nhà của Sở Nội Vụ, với tấm biển mica màu đỏ khắc dòng chữ "UBND huyện Hoàng Sa - 132 Yên Bái - Đà Nẵng".
Căn phòng hai chục mét vuông mang vác sứ mệnh nhắc nhở người Việt không quên nỗi đau mất mát.
Chất chồng trong đó là bao nhiêu tài liệu, tư liệu, hiện vật tá túc tội nghiệp bao năm ở trụ sở mà ông giám đốc sở kiêm quản luôn chủ tịch huyện đảo.
Công trình mang dáng dấp của con dấu chủ quyền mà triều Nguyễn đã đóng lên những chiếu chỉ về việc lập "Hải đội Hoàng Sa kiêm quản Bắc Hải" và cử quân binh ra trấn giữ.
Tiếp nối tiền nhân, những người lính Việt Nam đã có mặt ở Hoàng Sa cho đến ngày 19-1-1974, khi Trung Quốc nổ súng cướp đảo. Bảy mươi tư người lính đã ngã xuống.
Gần nửa thế kỷ đã trôi qua, giờ đây tên tuổi của họ và trận hải chiến bi hùng ngày ấy đã được tái hiện qua các hình ảnh tài liệu trong nhà trưng bày.
Hoàng Sa lại một lần nữa dậy sóng khi mùa hè năm 2014, Trung Quốc đem giàn khoan Hải Dương 981 vào hạ đặt trái phép. Những ngư dân và những người lính đã mấy tháng trời đấu tranh can trường buộc giàn khoan rút đi.
Trang sử ấy giờ cũng được giữ gìn qua hình ảnh, câu chuyện và hiện vật sinh động là con tàu đánh cá mang số hiệu Đna 90152TS bị tàu Trung Quốc đâm chìm.
Hoàng Sa, đó sẽ là cuộc chiến đấu dai dẳng, sẽ trường kỳ cho đến khi nào chúng ta đòi lại được mảnh đất thấm máu cha ông bao nhiêu đời giữa trùng dương sóng gió.
Trong những tư liệu quý hiếm được trưng bày ở đây, không chỉ có kỷ vật của những người từng sống và chiến đấu ở Hoàng Sa. Những thư tịch được phủi bụi thời gian hàng thế kỷ!
Tôi biết có những người Việt khắp năm châu vẫn âm thầm gop góp chút công sức bé mọn cho chủ quyền Tổ Quốc. Đó là phía của Hoàng Sa thầm lặng!
Những trái tim đập phía Hoàng Sa
Hẳn chưa ai quên, năm 2010 bà cụ Phan Thị Phán vào tuổi ngoài 80 quê ở tỉnh Hải Dương, đã may gửi tặng huyện đảo Hoàng Sa (Đà Nẵng) lá cờ đỏ sao vàng rộng 100m2.
Lá cờ ấy, khi được mang trưng bày tại cuộc triển lãm "Đà Nẵng - chặng đường mới" tổ chức tại Trung tâm hội chợ triển lãm nhân kỷ niệm 35 năm giải phóng Đà Nẵng đã được nhiều người đến và ghi vào sổ cảm tưởng nhiều dòng xúc động.
Mấy năm trước, nhân chuyến công tác ở khu vực đồng bằng sông Hồng, tôi đã ghé thăm cụ Phán. Sức khỏe cụ đã yếu nhiều sau lần bị ngã gãy xương đùi. Dù nằm liệt giường nhưng câu chuyện gửi cờ Tổ quốc cho biên cương vẫn cháy bỏng trong lòng bà cụ gần đất xa trời này.
Khi chúng tôi gửi chút quà giúp cụ chữa bệnh, cụ nhất quyết không nhận. Bảo hay để cháu góp vào quỹ may cờ, cụ bảo: "Tiền may cờ phải do chính các cụ đóng góp vào chứ không nhận từ bất cứ ai".
Hình ảnh những lá cờ được các cụ ông cụ bà chiu chắt khâu may đợi đóng gói gửi về biên cương đang xếp thành chiếc gối ngay ngắn đầu giường bà cụ tuổi gần đất xa trời trong căn nhà lá ở xã Tân Hưng, tỉnh Hải Dương ấy khiến chúng tôi một lần nữa nhận ra vẻ đẹp của những người mẹ Việt, những người đã sống thiết tha với Tổ quốc của mình, và cũng hiểu vì sao, người ta gọi Tổ quốc là Mẹ - Mẹ Tổ quốc!
Phóng viên Tuổi Trẻ thăm mẹ Phan Thị Phán ở Hải Dương |
Lá cờ mẹ Phán cũng là một hiện vật ở nhà trưng bày. Nhớ mẹ Phán, chúng tôi lại nhớ đến kỹ sư Trần Thắng. Sáng ngày khai trương, từ Hoa Kỳ không về được, anh đã gửi lẵng hoa chúc mừng. Những tấm bản đồ, những bộ atlas mà Trần Thắng tặng cho huyện đảo Hoàng Sa giờ nằm trong những hiện vật vô giá được trưng bày.
Nghĩ đến Thắng, tôi lại hình dung cái cảnh anh, mấy năm trước, ngay trong ngày đầu tuần, khi phát hiện ra những tấm bản đồ quý giá nói trên, đã xin nghỉ phép ở công ty để vội vã lái xe hơn 4 giờ đồng hồ từ Connecticut đến New York để kịp tận mắt nhìn thấy những tấm bản đồ Trung Hoa mà cực nam của nó giới hạn tới đảo Hải Nam, không hề có Hoàng Sa và Trường Sa trong vòng lãnh giới chủ quyền của họ.
Và rồi với tất cả trách nhiệm của một người con nước Việt, anh đã dốc túi hàng ngàn đôla để mua ngay những tấm bản đồ ấy bởi lo sợ ai đó sẽ mua mất!
Tôi may mắn được kết bạn với Thắng khá lâu. Bên trong phong thái chân chất của chàng trai gốc Quảng Ngãi này là cả một bầu nhiệt huyết chứa chan với nước Việt, mà trong những thư từ, email gửi cho tôi, khi nói về Việt Nam Thắng luôn dùng từ "Motherland" (Đất Mẹ).
Cô trò TP Đà Nẵng tìm hiểu về những tấm bản đồ và atlas mà anh Trần Thắng gửi tặng UBND huyện Hoàng Sa trưng bày tại một triển lãm biển đảo năm 2014. |
Tưởng tượng hình ảnh anh quày quả vượt hàng trăm cây số để mang về những tấm bản đồ quý giá cho đất nước, tôi chợt liên tưởng tới hình ảnh một người khác mà tôi có cơ duyên được biết và viết về anh - kỹ sư Trần Doãn Trang, cũng là một người Việt xa xứ, làm việc cho hãng xe hơi Fiat (Italia).
Mấy năm trước, khi biết trong những thư viện cổ kính của các dòng tu nước Ý có khá nhiều sách của các giáo sĩ phương Tây từ vài thế kỷ trước viết rằng Hoàng Sa thuộc chủ quyền An Nam, anh Trần Doãn Trang đã lặng lẽ một mình đến gõ cửa nhiều tu viện.
Anh ứa nước mắt khi tìm thấy cuốn sách Compendio di Geografia (Địa lý thế giới) của nhà nghiên cứu địa lý lừng danh Adriano Balbi, được xuất bản gần 200 năm trước. Trên khắp nước Ý chỉ còn lại vài cuốn mà nhờ bạn bè, anh tìm ra tung tích của một cuốn trong tu viện Tu viện Santa Maria al Monte của dòng Francescano.
Tu viện Santa Maria al Monte nơi anh Trang tìm ra cuốn sách cổ của Ý nói Hoàng Sa của Việt Nam |
"Nhìn những hàng chữ đen đã phai màu, tôi mở bung những bản đồ kèm theo để ngắm hình dáng những quốc gia của thế giới 200 năm về trước..., cứ thế lật từng trang, cho đến trang 437: Vương quốc An Nam", anh Trang chia sẻ niềm xúc động khi tìm thấy những thư tịch cổ.
"Một trang rưỡi thôi, trên hơn 600 trang của cuốn sách, nhắc đến vương quốc An Nam, trong đó có đúng mười hàng chữ về chủ quyền đất đai được in thật trang trọng, thật đậm, không có cách gì xóa được. Ở nửa hàng gần cuối đoạn, cái dấu vết nhỏ bé mà tôi đang đi tìm hiện rõ mồn một: Quần đảo Hoàng Sa thuộc về vương quốc An Nam…"
Với sự cố gắng móc nối của anh Trang, bản gốc nhiều cuốn sách quý ấy đã về được Việt Nam. Nỗi xúc động ấy của Trần Doãn Trang cũng giống của Trần Thắng phát hiện và mua được những tấm bản đồ quý giá.
Nỗi xúc động ấy cộng hưởng với niềm vui của hàng triệu người Việt khi thông tin về tấm bản đồ do TS Mai Hồng công bố hay việc tìm thấy tờ lệnh Hoàng Sa của gia tộc họ Đặng ngoài đảo Lý Sơn, những công văn của triều Nguyễn liên quan đến Hoàng Sa mà nhà nghiên cứu Phan Thuận An may mắn tìm được…
Những trang sách trong cuốn Compendio di Geografia (Địa lý thế giới) của nhà nghiên cứu địa lý lừng danh Adriano Balbi nói Hoàng Sa thuộc Vương quốc An Nam |
Đó còn là hàng trăm người dân Việt đã có một thời gắn bó với Hoàng Sa, người lính thủy, anh cán bộ khí tượng… đã mang kỷ vật đời người hiến tặng cho nhà trưng bày. Và bao nhiêu nữa những con người đã hết lòng vì Hoàng Sa.
Giọt nước mắt của nguyên chủ tịch huyện đảo Đặng Công Ngữ lăn trên gò má sạm đen vì những tâm nguyện bất như ý, sự lặng lẽ âm thầm và đầy trách nhiệm của Lê Phú Nguyện - chánh văn phòng UBND huyện.
Mấy tuần trước, trong một cuộc gặp với anh em Tuổi Trẻ, Lê Phú Nguyện nói đùa: "Em là cán bộ huyện duy nhất trong cả nước không bao giờ nhận quà, nhất là qua Tết từ dân". Vì giờ Hoàng Sa vẫn chưa có dân thực thụ, dân đi lại, hít thở và sinh hoạt trên phố trên phường của đảo.
Từ công trình nhà trưng bày Hoàng Sa hôm nay không thể không nhắc đến một công trình ở Lý Sơn - tượng đài có hình dáng người mẹ Việt cầm cây đèn bão vọng ra biển với dòng chữ "Hẹn ngày mai gặp lại Hoàng Sa" - giờ vẫn còn dang dở và chưa biết khi nào hoàn thành, dù đã mấy năm trôi qua từ ngày đặt đá khởi công…
Từ căn phòng vài chục mét vuông tá túc nhờ trong Sở Nội Vụ Đà Nẵng đến Nhà trưng bày Hoàng Sa bề thế hôm nay vẫn là chưa đủ. Để Hoàng Sa gắn bó với đất Mẹ, nên chăng hãy nghĩ đến việc tách một phần diện tích của quận Sơn Trà nhập vào huyện Hoàng Sa. Khi đó Hoàng Sa sẽ có phường, có phố, có dân, để Hoàng Sa ngoài biển khơi còn trong tay ngoại bang bớt cô độc khi hơi ấm của Hoàng Sa đất liền sẽ cụ thể bằng đời sống của cư dân chứ không chỉ là những kỷ vật nhắc nhớ!
Cán bộ và người dân tham quan, tìm hiểu các kỷ vật, tư liệu về chủ quyền đối với quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam, tại Nhà trưng bày Hoàng Sa, TP. Đà Nẵng - Ảnh: HỮU KHÁ |
Bài và ảnh:
LÊ ĐỨC DỤC
Post a Comment