Trần Tuấn - Người dân Lý Sơn có nguy cơ bị FLC bần cùng hóa



Vùng biển sẽ được giao cho FLC. Ảnh Trần Tuấn

Mọi người có biết cái vùng biển mà tỉnh Quảng Ngãi trao không cho FLC dài chừng nào không? Dài gần bằng từ Hội An đến Đà Nẵng. Dài hơn bãi biển từ Sơn Trà đến Nam Ô.

Mọi người có biết vì sao vùng đất này (trong mắt nhiều người) suốt mấy chục năm qua vẫn "nhếch nhác, nghèo khổ" không? Hãy hỏi bộ máy cai trị địa phương. 

Mới đây tôi chứng kiến giám đốc một sở của Quảng Ngãi tổ chức cưới cho con trai tại Đà Nẵng. Hai đứa con mỗi đứa một chiếc ô tô mấy tỉ, rồi biệt thự mua liền tay, thừa nhà thừa đất ở Đà Nẵng để cho hai đứa 9X mới lấy nhau ở. Mới chỉ là giám đốc một sở mà đã thế. Và cũng mới chỉ là một chút ít tài sản tình cờ "phô" ra ngoài sau đám cưới.

Thử hỏi hàng ngàn quan chức to nhỏ, với bộ máy khổng lồ từ tỉnh đến xã, thôn mà người dân móp mỏ bòn mót từng đồng đóng thuế để nuôi để hầu ấy, mấy chục năm qua đã làm được cái gì?!!! Cả cái gọi là “thành phố Quảng Ngãi”, nay xem có ra cái thể thống gì không? Tôi chứng kiến có đoạn đường dang dở ở trung tâm “thành phố” này, 4-5 năm trời vẫn thấy cái xe lu nằm đó! 

Họ chẳng làm gì hết, hoặc có "làm" thì cũng mang tính phá hoại nhiều hơn. "Làm"để kiếm chác, để "vinh thân phì gia", để thừa mứa tiền bạc vung tiền mua sắm đất đai nhà cửa trên khắp cả nước.

Còn người dân, dù hiện nay nhìn vẻ bề ngoài với xe máy, nhà xây và bia bọt, có vẻ đời sống đã “thay da đổi thịt”. Nhưng thực chất tất cả những thứ đó có được là bằng mồ hôi nước mắt và cả chính mạng sống của họ, mỗi chuyến ra biển khơi chống chọi bão tố và súng đạn của Trung Quốc để kiếm ăn. 

Họ sống và tồn tại bằng BẢN NĂNG SINH TỒN từ ngàn đời nay, chứ không phải do chế độ nào đem lại.

Nhưng thực chất, những lương dân ấy đang bị “bần cùng hóa” một cách âm thầm và theo tôi là có chủ đích. “Bần cùng hóa” so với chính bước tiến chung của đời sống và quy luật lịch sử. 

Nói có “chủ đích”, là để đợi đến thời cơ như bây giờ đây, chụp ngay lấy lý do để “giúp dân thoát nghèo”, giúp dân “đổi đời”, giúp dân có “sinh kế bền vững”,chính quyền đã ụp một phát dâng toàn bộ gần 4 ngàn (4.000) héc ta đất+bờ biển+ đảo cho doanh nghiệp. Trước thái độ "ban ơn" của doanh nghiệp.

Rất hợp lý, còn gì nữa (!). Bởi tôi thấy có một số nhà báo quê ở Quảng Ngãi cũng tỏ ra tán đồng. Cho rằng có như thế (giao hết cho doanh nghiệp) thì may ra mới giúp dân “đổi đời” được (?!). 

Tôi hoàn toàn không phản bác chuyện doanh nghiệp đầu tư, làm ăn. Đó là quan niệm nhất quán của tôi từ trước đến nay. Bởi hãy nhìn lại những gì mà “Nhà nước làm”. Những dự án Làng văn hóa các dân tộc hàng ngàn tỉ giờ cỏ mọc lút đầu. Những bảo tàng ngàn tỉ nay vắng như “ma ám”. Những tập đoàn nhà nước mà nay lãnh đạo các đời lũ lượt vào nhà đá. Những dự án ngàn tỉ đắp chiếu…

Tôi chỉ quyết liệt phản ứng lại sự tham lam, tàn bạo đến vô độ của quan chức chính quyền, cũng như những “mưu mẹo” của họ, để có cái cớ LỘT LUÔN CÁI KHỐ CUỐI CÙNG của dân. Manh “khố” ấy, chính xác hơn là mảnh đất, mảnh vườn, bờ biển…bao đời nay giúp họ tần tảo mưu sinh và tồn tại qua biết bao thời đại khốc liệt. 

Đất ấy, vườn ấy, biển ấy luôn gắn bó với người dân như hình với bóng. Hai thực thể tồn tại bên nhau, nương dựa vào nhau quen thuộc đến gần như thuộc về bản năng, vô thức. 

Nay người dân Bình Sơn – Lý Sơn có nguy cơ mất hẳn chỗ dựa cuối cùng. 

Những ngư dân ấy sẽ biết làm gì khi “8 cây số mới có một đường xuống biển” như chỉ đạo của chủ tịch tỉnh Trần Ngọc Căng mới đây? 

Họ sẽ biết làm gì khi vây bủa xung quanh là những resort, khách sạn, sân golf mênh mông với những bức tường cao chất ngất. 

Họ như những thổ dân của rừng già, của những hải đảo bị xua đuổi nhưng không có chỗ để đi. Họ làm gì quanh những bức tường như nhà tù vây bủa xung quanh? 

VỸ THANH

TÔI LÀ MỘT NGƯỜI CON CỦA CHÍNH MẢNH ĐẤT ẤY. Dù không được chôn nhau cắn rốn tại đây, nhưng suốt đời mảnh đất BA LÀNG AN với tôi là MÁU THỊT. 

Cha tôi – từ một thanh niên vẫy vùng biển cả trở thành một cộng sản kiên trung. Ngày xa gia đình, vợ con lên tàu ra Bắc, vì bị truy đuổi gắt gao, biết người cha già đang hấp hối trong nhà, cũng không thể vào từ biệt. Cũng không thể từ biệt hai đứa con thơ mới chừng đôi, ba tuổi. 

Hai anh của tôi, sau này lớn lên một người hy sinh, một là thương binh. Bà nội tôi quyết tâm thủ tiết cho con dâu. Mỗi lần lính Mỹ đi càn, bà lại bôi trét bùn đất, rồi nhổ bã trầu xuống nền bắt Má lớn của tôi ngồi lên. Để có bộ dạng nhớp nhúa, bẩn thỉu, lính đi càn “không dám” đụng đến… Nhưng cuối cùng cũng không thể giữ tuổi thanh xuân đằng đẵng chờ đợi của bà...

Bởi, không phải 2 năm, mà phải 20 năm sau, cha tôi mới về lại quê hương… Tất cả xác xơ.
Bây giờ, trải qua hơn bốn chục năm nữa, dân quê tôi vẫn xác xơ mòn mỏi, nào có hơn gì! Trong đời sống, trong suy nghĩ, trong niềm tin và hy vọng…

Ngày cha tôi về, là lãnh đạo nên ông được cấp nhà gần Cổ Viện Chàm bây giờ. Nhưng ông từ chối, mua mảnh vườn thật xa thành phố, tự tay chẻ tre, chở đất sét với rơm về dựng ngôi nhà lá tường đắp bằng phên tre + đất sét. Suốt gần 30 năm trời gia đình chúng tôi sống trong ngôi nhà đất sét ấy... 

Trước ít ngày khi cha vĩnh biệt cõi đời ngay trên tay tôi ở tuổi 86, không hiểu linh tính sao đó, cha bắt tôi đưa cha về thăm quê. Và về cả quê Ngoại của ông ở Tịnh Sơn trên núi. 

Ba mươi năm trước, tỉnh Nghĩa Bình chia tách. Lúc tôi chuẩn bị ra trường, cha tôi tha thiết khuyên tôi về Quảng Ngãi để góp sức xây dựng quê hương. Điều mà ông không làm được. Nhưng tôi đã từ chối, dù biết cha rất buồn. Với suy nghĩ trong sáng và tha thiết của ông, quê hương khi ấy hẳn cần những người “có chữ” như tôi. 

Nhưng quê hương tôi có thật là cần những người “có chữ” hay không?...

FB TRẦNTUẤN 21.04.2018 (Tựa do Thụy My đặt)

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.