Trật tự xã hội bắt nguồn từ đâu?

Nguyễn Dư (Danlambao) - Xin thưa rằng, bắt nguồn từ mọi người sống trong xã hội đó phải tôn trọng luật pháp. Điều đáng nói là làm thế nào để mọi người phải thực thi pháp luật tuyệt đối trong cuộc sống hàng ngày để đưa xã hội đến chỗ tốt đẹp hơn, thì không đơn giản chút nào cả. Thế thì trách nhiệm đảng cầm quyền quốc gia cần phải đặt ra.

Xin lặp lại: Một xã hội ổn định, trật tự là mọi người đều tôn trọng luật pháp một cách tuyệt đối khi sống trong xã hội đó. Điều đó chắc chắn không thể nào khác hơn.

Tiền bán thế kỷ hai mươi trở về trước, thuở sơ khai, loài người tranh chấp bằng vũ lực không công bằng để cho phe nhóm hay quốc gia của mình tồn tại, vượt trội hơn theo cái kiểu cá lớn nuốt cá bé. Rồi người ta đã nhận ra rằng: nếu đối đầu, tranh chấp bằng vũ lực chứ không đối thoại thì loài người sẽ bị hủy diệt; trái lại, đối thoại thì càng ngày càng phát triển, con người trở nên văn minh hơn.

Sau thế chiến thứ hai, bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời. Những quốc gia nào tôn trọng quyền con người, tôn trọng luật pháp triệt để thì quốc gia đó giàu có và văn minh hơn những quốc gia độc tài và áp bức. Điều đó không khó để chúng ta kiểm chứng, so sánh sự chấp hành, tôn trọng pháp luật của người dân sinh sống trong mỗi quốc gia. 

Đừng ngây thơ, tưởng lầm, xem con người như những con thú trong các đoàn xiếc, dễ bảo, chỉ biết vâng lời rồi học tập và làm theo. Tôi nhớ, cách nay cũng khá lâu, hình như là năm 2000 thì phải, lúc đó ông Trương Tấn Sang là bí thư thành ủy thành Hồ, phát động phong trào học tập và làm theo những điều họ Hồ dạy. Đến nay đã là mười tám năm, cách thức này người ta cũng còn áp dụng nhưng không rầm rộ như thời đó. Rồi kết quả tệ nạn xã hội bây giờ tăng khủng khiếp hơn ra làm sao thì mọi người chắc đều rõ!. Thế mà người ta cứ mù quáng, uổng công lặp đi lặp lại những điều mà không đạt kết quả gì!

Đừng ngây thơ tưởng rằng sau bốn mươi ba năm, dưới sự cai trị của đcs Việt Nam, đất nước chúng ta có cầu cống, đường xá, xe cộ như hiện nay là tốt đẹp, là văn minh lắm rồi! Mọi thứ tệ nạn trên đất nước như chúng ta nghe, thấy, không ai mà thống kê cho nổi! Nó là cái kết quả điều hành quốc gia của một tập đoàn lãnh đạo tồi.

Họ cứ kêu gào là đổi mới! Muốn đổi mới thật sự thì phải đổi cả hệ thống cầm quyền. Đổi cái kiểu chữa cháy như hiện nay, chứng tỏ là những người tham quyền, thiếu hiểu biết, chắp vá để mị dân.

Mỗi năm nhà nước cấp gạo cứu đói cho nhiều tỉnh hẻo lánh. Đời sống của mọi tầng lớp trong xã hội không đồng đều cũng là một trong hàng trăm ngàn nguyên nhân sinh ra tệ nạn, làm cho xã hội bất an.

Thí dụ, từ một câu chuyện rất nhỏ mà sinh ra to, là do không tôn trọng pháp luật: chuyện cô giáo bắt học sinh quỳ gối và cha mẹ học sinh bắt cô giáo quỳ để trả đũa. Là một trong hàng ngàn trường hợp dùng bạo lực chống bạo lực mà người ta đối xử với nhau xảy ra xung quanh cuộc sống của chúng ta hàng ngày. Xã hội loạn! Vì trong đất nước chúng ta đang sống, không ai coi luật pháp ra gì!

Thay vì nếu học sinh học kém, thầy hoặc cô viết thư bắt chính học sinh đó đem về cho cha mẹ ký tên môn nào yếu để xác minh từ hai phía mà tìm biện pháp giáo dục được tốt hơn. Trong giáo dục thì cũng rất cần có sự tiếp tay của gia đình, không thể đòi hỏi, đổ trách nhiệm lên đầu một phía từ nhà giáo! Biện pháp trên nếu không đạt kết quả thì cần hội ý giữa thầy cô và gia đình. Đến một mức độ nào đó, nếu cần thì phải nhờ đến ban giám hiệu hoặc hội đồng nhà trường can thiệp. Thầy cô phải tôn trọng quyền con người, không được xúc phạm tinh thần hay thể xác của học sinh. Nếu thầy cô tôn trọng người khác thì không ai dám xúc phạm đến họ. Tôn trọng lẫn nhau, chính điều đó tạo ra trật tự xã hội.

Trong giờ học, nếu học sinh phá phách thì mời ra khỏi lớp để đừng làm phiền người khác. Tôn trọng việc chung của lớp là điều cần thiết, bắt buộc.

Cách nay cũng đã hơn nửa thế kỷ, thời đó con người cũng chưa đông như bây giờ, tôi đã chứng kiến, thỉnh thoảng cũng có trường hợp học sinh chặn đường thầy cô hành hung, bởi hai bên mâu thuẫn trong việc dạy và học. Thầy cô cũng không nên vì thành tích rồi lẳng lặng chịu đựng, tự quyết định cách truyền đạt kiến thức một mình rồi cư xử mù quáng. Cái lối giáo dục cổ xưa là quỳ gối, ép buộc và đánh đòn học trò trong thời buổi hiện nay không còn thích hợp, bởi nhân loại càng ngày càng ý thức về quyền được bảo vệ mỗi cá nhân không ai được xâm hại. 

Chuyện dậy sóng đưa ra trước công luận của cô giáo bị quỳ gối vừa qua, chỉ kỷ luật khiển trách, khai trừ đảng kẻ có tội là phụ huynh; còn cái lỗi giáo dục thiếu khôn ngoan của cô giáo thì không ai hạch sách. Nó cũng trở thành cái tội: tội xúc phạm tinh thần và thể xác. Người ta mặc nhiên chấp nhận, cho rằng thầy cô là người có công dạy dỗ con em họ mà cha mẹ học sinh phải mang ơn mới hợp lý, là phải đạo (!). Làm cho chúng ta nhận ra rằng xã hội Việt Nam còn ảnh hưởng theo lối giáo dục cổ xưa: thầy cô có quyền xâm phạm đến tinh thần và thể xác của học sinh -là "kẻ bị trị", là người hàm ơn!

Nhà cầm quyền Việt Nam hiện thời cũng xem người dân như thành phần "bị trị", họ là kẻ ban ơn. Họ thường kể công nhờ ơn đảng; chỉ có họ mới là sáng suốt, hy sinh, tìm đường cứu nước, cứu dân; chỉ có họ mới đem đến "độc lập, tự do, hạnh phúc" cho mọi người (sic). Chỉ có những kẻ ngu xuẩn, tham lam, không nghĩ gì đến quốc gia, dân tộc mới tìm cớ đổ lỗi do phong tục, tập quán, hoàn cảnh xã hội, dân trí thấp... để họ dễ bề thống trị lâu dài những con người "bị trị"!

Đất nước Việt Nam hiện nay không ai coi pháp luật ra gì. Từ những người trong thượng tầng lãnh đạo quốc gia cho đến các cán bộ quèn đều đối xử tệ với người dân: ai chết nấy chịu. Người dân mở miệng góp ý những sai trái của các cấp lãnh đạo thì bị quy chụp phá hoại đường lối, chủ trương của đảng, vi phạm pháp luật do chính họ đặt ra. 

Những phe cánh của đảng, và người dân cũng thế, sẵn sàng chém giết lẫn nhau, ai nấy tìm cơ hội chụp giật để tồn tại, cá lớn nuốt cá bé, không ai tôn trọng ai! . Điều này từ khi bản Tuyên Ngôn Quốc Tế Nhân Quyền ra đời, các nước văn minh người ta đã loại bỏ dần những tệ nạn bằng cách tôn trọng luật pháp từ lúc đó cho nên đất nước họ mới được tốt đẹp như hiện nay.

Hãy bắt đầu từ một con số không như các nước Châu Âu bị tàn phá sau thế chiến thứ hai, nhưng họ văn minh là nhờ vào biết tôn trọng luật pháp, biết tôn trọng con người, biết đối thoại, biết lắng nghe. Hãy bắt đầu ngay, tôn trọng pháp luật từ chuyện nhỏ thôi. Cái gì cũng vậy, không thể "tiến nhanh, tiến mạnh..." Một bước mà đòi tới... giời thì không thể.

Phản biện xã hội, đối thoại, lắng nghe không ai đặt lên hàng đầu và xem thường nên mới có cái chuyện ăn miếng trả miếng giữa những người sống trong một cộng đồng với nhau. Người ta chỉ muốn giải quyết mâu thẫn nhanh, gọn, lẹ kiểu đối đầu bằng bạo lực, chứ không ai chịu đối thoại! Là do không còn ai tin vào luật pháp quốc gia nữa. Thế thì trách nhiệm đảng cầm quyền quốc gia cần phải đặt ra. 

Một phần cũng do hoàn cảnh xã hội trớ trêu: Những người lãnh đạo quốc gia hiện thời xuất thân từ con em những người ngày xưa sống trong rừng rú, thất học. Thế hệ ông cha của họ trước đây đòi đi giải phóng (hay nói trắng ra là đi cướp của) dân thị thành, bây giờ họ là những kẻ thừa hưởng, "nối ngôi", bất tài, thất đức, do không ai bầu bán, tín nhiệm. Khi có quyền hành trong tay, họ bị mặc cảm về tâm lý cho nên mới trấn áp mọi phản biện xã hội để che đậy cái ngu dốt, tham lam của mình. 

Tôi nhớ có lần, hình như ông giáo giáo sư "cừu" có thốt lên một câu: "Xã hội không có phản biện là xã hội đã chết lâm sàng". Đúng! Xã hội Việt Nam đã và đang chết lâm sàng đấy!

1/4/2018

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.