Làm rõ thêm ý kiến của LS Lê Công Định về Karl Marx
LS. Lê Công Định viết:
"Hôm nay tròn 200 năm ngày sinh của tên tội đồ của nhân loại mang tên Karl Marx (ở Việt Nam gọi là Các Mác). Nhân đây xin bàn thêm về một trong những luận điểm khôi hài nhất bào chữa cho sự thất bại thảm hại của học thuyết phi nhân của Marx trên toàn cầu: các mô hình xã hội chủ nghĩa nhân danh Marx được vận dụng và thực hiện sai, chứ chủ nghĩa Marx xét về phương diện học thuyết vẫn đúng đắn.
Chủ nghĩa Marx được tung hô (ở các nước XHCN) là học thuyết cải tạo thế giới hoàn hảo. Nếu nhằm mục đích "cải tạo thế giới" ắt hẳn đó phải là một học thuyết không chỉ có giá trị trên lý thuyết, mà còn có giá trị trên phương diện thực hành, nghĩa là nó phải dự liệu một mô hình có thể thực hiện trên thực tế.
Vậy mà mọi mô hình áp dụng nó, từ Liên Sô đến Đông Âu, sang Mỹ Châu như Cuba và Venezuela, rồi Á Châu như Trung Quốc, Việt Nam và Bắc Triều Tiên, đều mang đến những xã hội nghèo đói, kém phát triển và chà đạp nhân phẩm con người.
Những mô hình vận dụng chủ nghĩa Marx theo chiều này và chiều ngược lại, thậm chí trung dung nửa vời cũng đều thất bại thảm hại. Vậy mô hình nào đúng đắn? Đó là thứ chủ thuyết thần thánh gì mà cứ phải hy sinh tương lai các dân tộc và thân phận hàng tỷ người chỉ để mãi thử nghiệm, sai đâu sửa đó, nhằm cố tìm cho ra một mô hình đúng đắn, dẫu có thể phải mất hàng trăm năm?
Nói cách khác, mãi mãi chẳng có mô hình thực nghiệm nào đúng cho nó, ngoài hậu quả nghèo đói và bản chất phi nhân của nó là vĩnh viễn không sai.
Luận điểm nguỵ biện nói trên khôi hài ở chỗ rồi đây sẽ có hàng trăm kẻ ngớ ngẩn bỗng dưng một ngày đẹp trời tuyên bố thành lập các học thuyết vớ vẩn, rồi bảo học thuyết của tôi là đỉnh cao tư tưởng, chỉ chúng sinh thực hành sai, chứ nó luôn luôn đúng, vì tôi chỉ đưa ra những quy luật lý thuyết mở tuyệt đối không sai. Tin được không?
Người ta nói, nhìn quả biết cây. Nếu quả nào sinh ra cũng độc hại cho con người, thì chỉ còn cách đốn bỏ cây đó mà thôi. Bao giờ người Việt mới trắng mắt và đủ can đảm đốn bỏ cái cây ung nhọt vô dụng và lạc loài mang tên Marx khỏi xã hội này, để tìm đến những mô hình hiệu quả và thực dụng hơn, mà không cần đến những lý thuyết ảo tưởng, phi thực tế?"
Ý kiến của một người Nhật Bản - ông Hirota Fushihara - đang là nghiên cứu sinh tại Đại học quốc gia Hà Nội - Khoa Luật:
"Xin lỗi. Tôi không nghĩ ông ấy là tội đồ của nhân loại.
Ông ấy đã vạch ra bản chất của chủ nghĩa tư bản trong hoàn cảnh đương đại ông ấy đang sống. Qua đó đã góp phần cho những cách tiếp cận để bảo vệ quyền của người lao động, nêu cao giá trị nhân bản của những người bị bóc lột trong thời đại đó. Đó là ý nghĩa thực chất của kính tê học của ông ấy.Hiện tại, Kinh tế học của ông ấy vẫn có thể là một trong những góc nhìn hữu hiệu cho những khía cạnh của tư bản với mức độ nhất định.
Giá trị tư tưởng của ông ấy không hơn không kém là một cách tiếp cận khoa học kinh tế. Vì thế các nước tư bản, các nước đã phát triển kể cả Nhật Bản vẫn có những trường đại học và nhà nghiên cứu dạy và học về kinh tế học của ông ấy. Hiện nay, đó như một học thuyết kinh tế cổ điển, có nhiều hạn chế để theo kịp cách thức vận hành nền kinh tế thực tế.
Còn giả sử có tội đồ thì đó không phải là ông ấy. Đó là ai thì có khi không phải bình luận nếu đã rỏ ràng.
Cmt trên của tôi cũng hoàn toàn không theo lập trường mà anh phản biện là "học thuyết đúng, áp dụng sai".
Việc viết một ý kiến khác như vậy ở stt của anh, nhiều người sẽ cho là dại bởi chắc nhiều người hâm mộ anh sẽ có những phản ứng mạnh mẽ với cmt này, hoặc với cá nhân tôi. Tôi biết tôi hơi dại. Nhưng tôi mong sự thông cảm của mọi người".
Ý kiến của Nguyễn Ngọc Già:
Marx sinh ngày 5/5/1818. Năm nay, tròn 200 năm.
Tác phẩm chính của Marx gồm: Tuyên ngôn Chủ nghĩa cộng sản và bộ Tư Bản Luận cùng nhiều bài báo và các tiểu luận khác. Tuy nhiên, cho đến khi mất, Marx vẫn dở dang bộ Tư Bản Luận.
Trong những tác phẩm chính của Marx, người ta không nhìn thấy "thuộc tính vận động" của sự vật và hiện tượng - Một thuộc tính triết học, buộc phải có cho bất kỳ nghiên cứu nào. Đó là sai lầm lớn nhất của Marx.
Vì vậy, tôi đồng ý với ông Hirota Fushihara, khi viết rằng: "Marx ...vạch ra bản chất của chủ nghĩa tư bản trong hoàn cảnh đương đại ông ấy đang sống...".
Nói cách khác, Marx "thấy gì nói đó" ngay trong hoàn cảnh kinh tế - xã hội và lịch sử - chính trị vào lúc bấy giờ.
Thật vậy, Marx phớt lờ và thậm chí tỏ ra không biết đến học thuyết "Tam quyền phân lập" do Nam tước Montesquieu (1689 - 1755) đặt nền móng. Nghĩa là, khi vị Nam tước qua đời, học thuyết "Tam quyền phân lập" (vốn đảm bảo thuộc tính vận động) vẫn bị Marx bỏ qua, dù Marx nhỏ hơn Montesquieu hơn trăm tuổi. Điều đó, chứng tỏ Marx khá ngạo mạn, khi đưa ra một hệ tư tưởng mới, lại thiếu tham khảo những học thuyết đã có chỗ đứng quan trọng và đảm bảo khoa học đối với thế giới.
Nói cách khác, Marx chỉ có nhãn quan nhất thời vào lúc bấy giờ.
Một khi, không công nhận mối liên hệ không bao giờ tách rời giữa lý thuyết và thực tiễn, tất cả các học thuyết đều thất bại. Bởi suy nghĩ luôn dẫn dắt hành động.
Quả vậy, lý thuyết (tư tưởng) là ở trong đầu (thuộc suy nghĩ). Theo đó, chưa hành động, chưa ra tay thì không sai, không có tội, không mắc lỗi v.v... Vì lẽ đó, tôi đồng ý với LS Lê Công Định, khi ông viết: "...Người ta nói, nhìn quả biết cây. Nếu quả nào sinh ra cũng độc hại cho con người, thì chỉ còn cách đốn bỏ cây đó mà thôi...". Tuy vậy, Marx không phải là "kẻ trồng cây".
Vì thế, tôi tiếp tục đồng ý với Hirota Fushihara, khi ông không xem Marx là "tội đồ".
Marx, theo ý kiến của tôi, là một người "bướng bỉnh", nhưng không ác. Nếu phải dùng chữ "tội đồ", thì chính kẻ đã viết thư cho A.M. Gorky [*] mới xứng đáng. Trong bức thư có đoạn: "...Các lực lượng trí tuệ của công nông đang trưởng thành vững mạnh trong cuộc đấu tranh lật đổ tư sản và bọn đồng lõa, lũ trí thức – đầy tớ của tư bản, những kẻ tưởng mình là bộ não của quốc gia. Trên thực tế, bọn chúng không phải là bộ não mà là cứt..."
"Đỉnh cao" của tội ác không ai khác, chính là Stalin.
Thử hỏi có thực tế sinh động nào không được giải quyết dựa trên một tư tưởng, một học thuyết, một chủ nghĩa? Vì lẽ đó, mới có chuyện cả thế giới chê những tội danh như: 79, 88, 258 trong BLHS là "mơ hồ". Thêm vào đó, "hình sự" nghĩa là phải định lượng được những tổn hại thông qua hành vi - tư tưởng không phải là hành vi, bởi nó thuộc phạm trù "Ý Thức", không phải thuộc phạm trù "Vật Chất".
Ngay cả trong "Luật giám định tư pháp", không có một dòng chữ nào nói rằng phải "giám định tư tưởng" cho những người bị "kết tội này". Đó là điều mà Viện kiểm sát và Tòa án luôn phớt lờ. Nói thẳng ra, vi phạm pháp luật rất nghiêm trọng.
Ông Hirota Fushihara viết: "... Vì thế các nước tư bản, các nước đã phát triển kể cả Nhật Bản vẫn có những trường đại học và nhà nghiên cứu dạy và học về kinh tế học của ông ấy (Marx)...". Thật may mắn cho người Nhật và các dân tộc khác, chỉ "học" về Marx mà không buộc phải... "hành" và cũng không phải... "tập".
Chú thích:
07.05.2018
Post a Comment