Phía sau sự xa hoa của các đại dự án tỉ đô ở Thủ Thiêm
(Zing.vn 06/05/2018) Ở Khu đô thị mới Thủ Thiêm còn nhiều nhà cấp 4, nhà tạm với tôn, bạt xập xệ. Người dân ở đây khổ, hơn chục người chen chúc trong 30 m2 giữa những đại công trình tỉ đô.
Giữa Khu đô thị mới Thủ Thiêm (quận 2, TP.HCM), nơi diện mạo đang khởi sắc với những đại dự án tỉ đô của các đại gia bất động sản, nhiều khu nhà tạm bợ, thiếu điều kiện sinh hoạt vẫn tồn tại. Nhường lại đất cho những đại dự án, những biệt thự, chung cư cao cấp, người dân ở đây được gom vào những khu tạm cư, nơi họ sống cô lập hơn chục năm nay từ khi Thủ Thiêm được giải tỏa trắng. Mảnh đất cũ của họ giờ hàng loạt biệt thự, chung cư cao cấp bắt đầu thi công, và đã có những công trình đưa vào sử dụng, rao bán giá trên trời, còn cuộc sống của họ vẫn khốn khó vậy.
Khu tạm cư bên "đường đá xanh"
Đứng tại đầu đường Nguyễn Cơ Thạch, quận 2, nơi có nhiều dự án trung tâm thương mại, văn phòng, nhà phố đã và đang mọc lên, phóng viên phải hỏi gần chục người mới có người biết nơi sống của những hộ dân còn đang cư ngụ ở ốc đảo phía bên trong khu đô thị hoành tráng này.
Hai bên đường Nguyễn Cơ Thạch trong đô thị Sala đã đưa vào khai thác nhiều dãy nhà phố, trung tâm thương mại, văn phòng, cùng nhiều dự án tiếp tục được hoàn thiện. |
« Anh đi thẳng hết đường, đến công trình xây dựng không được vào. Từ đó, chạy xuống đường đá xanh lởm chởm, lùm bụi um tùm, cứ mạnh dạn chạy tiếp, có vắng cũng đừng sợ, một lát nữa sẽ thấy mấy dãy nhà tạm. Tôi từng bán hàng trong đó nên biết chứ dân văn phòng làm việc ở đây hoặc người của công trình không biết đâu », một người bán nước giải khát ven đường chỉ.
Theo lời hướng dẫn, phóng viên chạy tới con đường đá xanh rộng chưa đầy hai mét, cỏ mọc um tùm hai bên. Sau cơn mưa lớn, một đoạn bị ngập lênh láng. Ổ gà, ổ voi nối tiếp nhau, trũng đầy nước như gài bẫy người đi đường.
Đoạn đường chỉ gần cây số nhưng thật khó khăn mới tìm được hai dãy nhà lúp xúp bên trong. Tại đây, những căn nhà cấp 4 nối liền nhau, căn có người ở thì ít, căn bị đập phá tan hoang lại nhiều. Đó là khu tạm cư thuộc phường An Lợi Đông, và chỉ còn bốn hộ sinh sống.
Một người dân ở đây cho biết họ đã sống trong khu nhà tạm bợ này trên dưới chục năm kể từ khi bị di dời nhà ở tại Thủ Thiêm. Họ là những người chưa đồng ý với chính sách đền bù giải tỏa.
Xen giữa dãy nhà đập phá tan hoang này là nơi sinh sống của các hộ dân vẫn chưa đồng ý chính sách đền bù. |
"Về đây, tôi thấy sống trong rừng"
Với diện tích chỉ hơn 30 m2, căn nhà tạm của bà Nguyễn Thị Hường (64 tuổi) là nơi cư trú của 13 người. Hàng ngày, con cháu bà đi học, đi làm. Tối đến, tất cả thành viên đều quay về, ngủ nghỉ chật kín cả nhà.
"Đúng 10 năm cả nhà tôi dời về đây để nhường mặt tiền đường Trần Não cho các dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Từ khi về đây sống tạm, tôi cảm thấy mình như không còn là người thành phố nữa. Bởi đường sá, cơ sở vật chất và mọi thứ đều quá xa vời nếu không muốn nói là đang ở trong rừng", bà Hường bộc bạch.
Bà nói trong thời gian chờ giải quyết bồi thường thỏa đáng, bà và các hộ dân hơn 10 năm nay phải sống trong điều kiện khó khăn, thiếu thốn nhiều thứ.
"Do khu nhà tạm này gần sông Sài Gòn nên mùa mưa về, nhà ai cũng ngập vào tận bên trong. Mỗi năm ít nhất phải chuẩn bị tâm lý bì bõm lội nước hơn một tuần. Nhà mà cứ tưởng bờ sông. Nói đâu xa, mưa lớn vài trận thôi là con đường nhỏ trước nhà lênh láng nước, tràn vào tận chỗ ngủ", bà Hường chua chát.
Vì nơi ở không sạch sẽ, thoáng đãng nên vừa sập tối, bà già hơn 60 tuổi tranh thủ đóng hết tất cả cửa sổ, cửa lớn để ngăn muỗi vào nhà.
Điều kiện như vậy nhưng bà vẫn nói mình may mắn hơn nhiều hộ khác chưa có tiền lắp kính, phải sống và ngủ chung với muỗi.
Một người dân khác cạnh nhà bà Hường cho hay con đường đá xanh dẫn vào nhà nhiều ổ voi, ổ gà nhưng như vậy cũng đã hài lòng, bởi trước đây nó rất kinh khủng, gây trở ngại cho việc đi lại, sinh hoạt. Người dân kiến nghị một thời gian dài mới được cải thiện, nhưng chỉ được ít lâu, bởi xe tải chở vật liệu công trình lại cày nát.
"Điều tôi lo ngại nhất là tình hình an ninh chung của khu vực. Ở đây, đèn điện công cộng không có, khu nhà lại quá heo hút, nếu xảy ra chuyện gì cũng không thể kêu ai. Chắc chắn nhiều người sẽ không biết có sự tồn tại của những căn nhà chực chờ sập bất cứ lúc nào cạnh khu đô thị Sala hoành tráng thế này đâu", anh nói.
Để trang trải cuộc sống, nhiều người nuôi gà ngay tại những căn nhà đã bị phá bỏ. |
"Bán vài chục tỉ mỗi căn, họ đền bù chỉ 200.000 đồng/m2"
Bà Nguyễn Thị Nhung, 55 tuổi, nói thêm bà và những người dân khác không đồng ý với tiền bồi thường nên bị dời vào đây ở tạm. Mang tiếng ở tạm nhưng người ít nhất cũng gần chục năm ở đây.
Bà Nhung cho biết nhà bà nằm tổ 41, ấp 4, phường An Lợi Đông, với tổng diện tích đất hơn 600 m2, gồm phần đất của căn nhà cấp 4 và một phần trống.
Nhà bà khi đó có địa chỉ hẳn hoi và hàng năm đều đóng thuế nhà đất. Tuy nhiên, đến lúc có tên trong quy hoạch thì chính quyền cho rằng đây là nhà không số, và đất là đất nông nghiệp.
"Giai đoạn đó, giá đất thổ cư bồi thường là 18 triệu/m2. Do áp giá đất nông nghiệp nên tôi chỉ được đền bù có 200.000 đồng/m2. Hàng năm tôi đều đóng thuế đất ở, nhưng khi quy hoạch lại ép như vậy thì làm sao tôi chịu được. Giờ đất của tôi, họ xây biệt thự, bán vài chục tỉ đồng mỗi căn", bà nói.
Bà nói thêm chính quyền có thương lượng việc cấp cho gia đình căn hộ tái định cư, nhưng số tiền đền bù ít ỏi đó không đủ mua. Nhà bà toàn lao động chân tay, kiếm đâu ra tiền để trả mỗi tháng.
Không chấp nhận, nhà bà Nhung bị dời vào khu tạm cư 8 năm nay. Hiện nay, đại gia đình gồm 16 người phải chen chúc trong căn phòng chật hẹp mỗi tối đến. Nhiều lần đối thoại với chính quyền và chủ đầu tư, thế nhưng câu chuyện đền bù của gia đình bà và nhiều hộ dân vẫn chưa được giải quyết.
Bà Hường nói rằng sống tạm bợ đúng 10 năm qua khiến con, cháu bà không có điều kiện học tập, sinh hoạt, bởi mọi thứ đều thiếu thốn.
"Chúng tôi muốn Nhà nước áp đúng mức bồi thường theo thị trường. Tại sao lại trả giá thấp như vậy cho chúng tôi. Chúng tôi cũng muốn thoát khỏi chỗ này, để con cháu mình có tương lai chứ", bà Hường bộc bạch.
Bên cạnh đô thị Sala hiện đại của công ty Đại Quang Minh, nơi Tập đoàn Thaco nắm giữ 90% vốn, nhiều người dân vẫn ở những căn nhà xập xệ, đường sá lầy lội vào mùa mưa, lũ. |
Sala sang trọng phía bên kia những căn nhà nát
Đối lập với những khu nhà ở tạm bợ, sống ở thành phố như "ở trong rừng" theo cách nói của một số người dân, là Khu đô thị mới Thủ Thiêm dần hình thành với nhiều công trình đồ sộ, sang trọng. Nổi bật là đô thị Sala, nằm ngay trung tâm Khu đô thị Thủ Thiêm, với nhiều công trình cao ốc, biệt thự, nhà phố đã hoàn thiện. Dự án quy mô 106 ha này do công ty Đại Quang Minh, nơi tập đoàn Thaco giữ 90% cổ phần, làm chủ đầu tư.
Hiện nay, hai bên đường Nguyễn Cơ Thạch, tuyến đường chính trong đô thị Sala, hầu hết dãy nhà phố, trung tâm thương mại, văn phòng sang trọng đã được đưa vào sử dụng, trái ngược với khó khăn của người dân "khu biệt lập" cách đó không xa.
Tại đường Hoàng Thế Thiện cùng một số đường nhánh song song và kết nối với đường Nguyễn Cơ Thạch, nhiều tòa nhà chung cư, nhà phố, biệt thự liền kề, công viên, trường học, bệnh viện… đang gấp rút thi công.
Tọa lạc tại giữa trung tâm Thủ Thiêm, Khu đô thị Sala được quảng bá là nơi trải nghiệm cuộc sống tiện nghi, nơi an cư lý tưởng giữa lòng thành phố. Chiều 4/5, giữa nhộn nhịp sự kiện huyền thoại F1 thế giới David Coulthard thể hiện tài năng với những màn trình diễn thu hút hàng nghìn khán giả kéo đến Sala, khu đô thị này càng trở nên lung linh.
Theo kế hoạch 2018 - 2019, song song với phát triển các dự án bất động sản, đô thị này phát triển đa dạng loại hình kinh doanh thương mại, dự kiến thu hút hơn 10.000 lượt khách mua sắm, vui chơi giải trí mỗi ngày.
Nhưng vừa ra khỏi đô thị này, chếch về phía bên kia, tại một số khu vực thuộc các phường Bình An, An Khánh, Bình Khánh, lại bắt gặp nhiều căn nhà lụp xụp, thậm chí chỉ là những tấm tôn gác tạm bợ giữa những dự án lớn đang hình thành.
Tại khu phố 1, phường Bình An còn khoảng 10 nhà không chấp nhận di dời, bởi cho rằng đất ở không nằm trong quy hoạch chung của Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Anh Nguyễn Huy Hoàng (42 tuổi, khu phố 1, phường Bình An), cho biết: "Cứ mưa là ngập, cứ mùa nước lớn, nước lũ là cả khu phố như biển nước. Do đang khiếu nại về vấn đề nhà không nằm trong quy hoạch, các hộ dân ở đây không quan tâm đầu tư, chỉnh trang lại nhà mình, cũng như đường xá đi lại".
Căn nhà lụp xụp của bà Nhung là chỗ trú của 16 người suốt 8 năm qua. |
96 lần lên thành phố, 7 lần ra Trung ương khiếu nại
Ven theo một số trục giao thông nhỏ thuộc khu phố 1, phường Bình An, trước khi ra đường Trần Não, cứ cách vài chục mét có một căn nhà đóng cửa im ỉm. Bên ngoài, hàng rào sắt gỉ sét, lớp nước sơn trên tường bong tróc, thậm chí một số mảng kính lớn vỡ nát.
Thoạt nhìn, nhiều người nghĩ đây là những căn nhà bỏ hoang, không người trông coi, nhưng thực ra đó là nhà của khoảng 10 hộ dân không chấp nhận di dời vì cho rằng nhà ở của mình không nằm trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Nằm tại đầu một đường nhánh, căn nhà một trệt, một lầu bên ngoài còn những hình vẽ hoạt hình, hình trẻ con nô đùa và dòng chữ lớp mầm non đã bạc màu. Chục năm trước, nó là lớp mầm non của bà giáo Lê Thị Sáu.
"Từ khi có quyết định di dời để xây Khu đô thị mới Thủ Thiêm, người ta dần đi hết. Năm 2011, khi ấy còn lại 5 trẻ nên tôi đóng cửa lớp luôn. Suốt 7 năm qua, tôi không làm gì cả mà chỉ đấu tranh phần đất của nhà mình. Bởi theo hồ sơ pháp lý, đất này nằm ngoài ranh giới quy hoạch nên không có lý gì tôi phải chấp nhận giải tỏa", bà Sáu khẳng định.
Theo bà Sáu, căn cứ vào Quyết định số 367 năm 1996 của Thủ tướng thì khu phố 1, phường Bình An; khu phố 5 và 6 phường An Khánh, khu phố 1 và 2 phường Bình Khánh không nằm trong quy hoạch Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tuy nhiên, sau đó (năm 1998), TP.HCM duyệt Quyết định 13585 về quy hoạch chi tiết 1/2.000, thì đất bà và các hộ dân ở đây được thông báo nằm trong quy hoạch.
Khu đô thị mới Thủ Thiêm đối diện trung tâm quận 1 qua bờ sông Sài Gòn được kỳ vọng sẽ là đô thị đẹp nhất khu vực Đông Nam Á. |
"Điều này là không đúng, tôi và 7-8 hộ ở đây đã nhiều lần lên Sở quy hoạch Kiến trúc TP.HCM tìm hiểu. Nhưng ngay cả xin xem tấm bản đồ tỉ lệ 1/2.000 hoặc để photo cán bộ ở đây không cung cấp", bà nói.
Bà giáo và các hộ dân ở khu phố 1, phường Bình An đã nhiều lần gửi đơn khiếu nại đến các cơ quan thành phố và Trung ương nhưng vẫn chưa được trả lời thỏa đáng.
"Tổng cộng chúng tôi đã đến phòng tiếp dân của UBND TP.HCM 96 lần để khiếu nại, nhưng vẫn không có kết quả gì. Chúng tôi ra Hà Nội cầu cứu đã 7 lần rồi", bà cho biết.
Các quyết định, bản đồ liên quan đến đại dự án Khu đô thị mới Thủ Thiêm, bà Sáu đều nhớ rõ và có thể trả lời ngay lập tức khi có người hỏi. Bà nói mình vốn không biết về quy hoạch, đất đai, nhưng từ khi đất và nhà mình "tự nhiên" nằm trong quy hoạch, bà phải tự tìm hiểu thật kỹ để mong tự giúp mình.
"Việc quy hoạch đảm bảo pháp lý nhất thiết phải có văn bản là quyết định và các bản vẽ, bản đồ quy hoạch. Nếu không có hoặc mất bản đồ quy hoạch 1/5.000 như thành phố thông tin thì lấy cơ sở nào để có được bản đồ 1/2.000, mà cho rằng đất của chúng tôi nằm trong quy hoạch", bà chất vấn.
Còn anh Huy Hoàng nói: "Chúng tôi không đòi bồi thường bao nhiêu. Chúng tôi muốn vụ việc rõ ràng, phải trả lời thật cho chúng tôi đất này có đúng nằm trong quy hoạch được duyệt ban đầu hay không".
Post a Comment