Phỏng vấn Ts Hà Sĩ Phu: Không phải chỉ vì con số 1.400 tỷ!

Trần Quang Thành (Danlambao) - "Trước đây HCM là bình phong, có tác dụng gián tiếp để che cho những mục tiêu vị kỷ, nhưng hiện nay HCM đã trực tiếp bị dùng làm công cụ: Công cụ để Trung quốc bành trướng xâm lược, họ có thể nói xấu VN đủ điều nhưng không nói xấu HCM vì vẫn phải để VN thờ HCM để làm công cụ xâm lược trong “gia đình anh em XHCN” với nhau theo kiểu “tằm ăn dâu”. Thứ hai là công cụ để đảng CSVN duy trì độc quyền lãnh đạo, trừng trị những ai có ý kiến khác. Thứ ba là công cụ của những kẻ cơ hội như con buôn, cứ khai thác HCM để kiếm quyền và kiếm tiền, tham nhũng mà rất đúng đường lối. Những cán bộ ưu tú theo gương “bác Hồ” đều là những kẻ kiếm được nhiều quyền nhiều tiền. Đến hôm nay HCM đã thành công cụ của ba thứ đó..." - Hà Sĩ Phu.


*

Trong những ngày gần đây, dư luận xã hội xôn xao việc Hội đồng nhân dân tỉnh Sơn La, một trong những tỉnh nghèo nhất nước đã thông qua dự an xây dựng quần thể tượng đài Hồ Chí Minh với mức kinh phí 1.400 tỷ đồng. Có người cho rằng đây là một dự án lãng phí không thể chấp nhận được. Có người lại đặt câu hỏi tại sao tại vùng Tây Bắc, đồng bào nhiều dân tộc còn sống trong nghèo đói, trẻ em đi học gặp biết bao khó khăn trường không ra trường, lớp không ra lớp mà lại ném lượng tiền quá lớn vào một dự án như vậy. Có dư luận cho rằng đây là một dự án chính trị không thể chấp nhận được dù kinh phí bỏ ra có thể nhỏ hơn gấp nhiều lần.

Quanh sự kiện này, từ thành phố Đà Lạt, Tiến sĩ Hà Sĩ Phu đã có cuộc trò chuyện với nhà báo Trần Quang Thành.

Nội dung như sau - Mời quí vị cùng nghe:



TQT - Xin chào TS Hà Sĩ Phu.

HSP - Xin chào nhà báo Trần Quang Thành.

TQT - Thưa Tiến sĩ, mới đây dư luận rất xôn xao, ồn ào về việc tỉnh Sơn La đưa ra dự án xây dựng tượng đài HCM với giá trị khoảng 1.400 tỷ đồng. Dư luận quanh vấn đề đó thì cũng có nhiều ý kiến, người cho rằng đó là sự lãng phí không chấp nhận được, người thì bảo đây không phải chuyện lãng phí mà lớn hơn, đây là một dự án chính trị cần phải quan tâm. Tiến sĩ bình luận sao về vấn đề này?

HSP - Vụ tượng đài này có một con số kinh phí rất đặc trưng là 1.400 tỷ, người ta hay nhắc đến cũng đúng thôi vì con số đó rất gây ấn tượng, nhưng nếu không cẩn thận ta sẽ nhầm và chỉ chống một vụ tham ô lãng phí mà không thấy ý nghĩa chính trị, mục đích chính trị của vấn đề. Một vụ lớn như vậy, liên quan đến HCM, không thể tự ý bọn tham lam phi pháp muốn có tiền đút túi mà làm được, phải xuất phát từ chủ trương của bộ máy chính trị như Ban Bí thư hay Bộ Chính trị, rồi những kẻ có quyền có tiền mới nhân đó lợi dụng để tham ô có tư lợi đút vào túi, vậy tham ô lãng phí chỉ đứng hàng thứ hai. Nhưng nương theo chủ trương chính trị ấy người ta mới tiến hành làm sao cho có lợi riêng đút túi, nghĩa là họ “buôn” cả cụ Hồ để thu lợi. Việc “buôn” ấy mới thật là kinh tế thị trường mà rất đúng định hướng XHCN. 

Hôm nay được đọc văn bản Tuyên bố của các XHDS yêu cầu ngừng xây dựng tượng đài lãng phí như vậy tôi nhận thấy những người soạn thảo cũng đã bắt được cái tinh thần ấy. Tuy không thể đưa sự phân tích chính trị thật sâu, nhưng nếu ta đọc được ý nghĩa giữa các hàng chữ thì thấy các vị soạn thảo cũng đã hiểu đây là một dự án chính trị.

TQT - Vậy theo TS, ý nghĩa chính trị ở đây là gì? Sao không xây dựng tượng đài về văn hóa hay lịch sử như tượng đài về nạn đói năm 45 chẳng hạn mà lại là tượng đài HCM? 

HSP - Động cơ hay nguyên nhân nào dẫn đến một việc làm vô lý như vậy thì trong bài về chuyện ngụ ngôn “Con nhái muốn to bằng con bò” tôi đã có một câu nêu rõ động cơ chính trị đó. Trong 5 nguyên nhân thì nguyên nhân thứ 3 là: đảng muốn tự cứu mình bằng cách xây dựng một hình tượng bao phủ lên toàn xã hội, đó là hình tượng về chủ nghĩa yêu nước của HCM chứ không phải là chủ nghĩa CS Mác-Lê, vì dựa trên một chủ nghĩa đã bị nhân loại cho vào sọt rác thì đảng cũng khó tồn tại. HCM là chỗ dựa để đảng tồn tại và được giải thích HCM chỉ yêu nước chứ không phải CS. Đây là một chương trình để cứu đảng, nhưng cũng là sự ngụy biện thôi. Vì là một giải pháp chính trị nên vấn đề sẽ còn kéo dài không phải chuyện thời sự nổi lên vài ngày là xong.

Trước đây HCM là bình phong, có tác dụng gián tiếp để che cho những mục tiêu vị kỷ, nhưng hiện nay HCM đã trực tiếp bị dùng làm công cụ: Công cụ để Trung quốc bành trướng xâm lược, họ có thể nói xấu VN đủ điều nhưng không nói xấu HCM vì vẫn phải để VN thờ HCM để làm công cụ xâm lược trong “gia đình anh em XHCN” với nhau theo kiểu “tằm ăn dâu”. Thứ hai là công cụ để đảng CSVN duy trì độc quyền lãnh đạo, trừng trị những ai có ý kiến khác. Thứ ba là công cụ của những kẻ cơ hội như con buôn, cứ khai thác HCM để kiếm quyền và kiếm tiền, tham nhũng mà rất đúng đường lối. Những cán bộ ưu tú theo gương “bác Hồ” đều là những kẻ kiếm được nhiều quyền nhiều tiền. Đến hôm nay HCM đã thành công cụ của ba thứ đó.

Một việc làm dù cho hữu ích nhưng nước còn nghèo, tốn kém quá thì cũng chưa nên làm. Nhưng việc tốn kém ở đây lại không có ích mà còn có hại. Có hại về tiền bạc là chuyện nhỏ. Mà nó làm suy yếu dân tộc. Trong Bản Tuyên bố của các XHDS hôm nay có câu “...hướng nguồn lực đất nước vào nhu cầu giả - một ảo tưởng áp đặt độc tài toàn trị mãi mãi lên đầu dân chúng - trong khi nhu cầu thật bị phớt lờ, khó khăn càng gay gắt hơn.” Suy nghĩ về một câu đó thôi là thấy được toàn bộ vấn đề. Đặt một hình tượng như vậy lên cao, người ta phải ngước lên nhìn, để bao trùm, như đè xuống đầu công chúng thì về mặt phong thủy là một điềm dở. Mặc dù hình tượng được những người duy cảm tô vẽ là thanh bạch, thương dân, dân chủ cho dân mở miệng, khi hỏi về sự phụ thuộc Trung quốc đã tuyên bố jamais, jamais (không bao giờ)... nhưng thực chất có như thế không? Tôi không xét về động cơ chủ quan là cái bên trong không nhìn thấy được nhưng duy lý thì phải đánh giá hiệu quả của hành động đối với đất nước. Nước ta đang có 2 kẻ thù: “thù trong” là sự lãnh đạo độc tài toàn trị làm cho đất nước không phát triển được mà những tổn thương để lại rất nhiều, dân đâu có tự do. Về kẻ thù bên ngoài thì đưa VN vào chỗ phụ thuộc Trung quốc. Hai kẻ thù lớn đó đều do cụ Hồ rước vào cả. Một hình tượng như thế mà lại đứng lên bao quát toàn bộ không gian lớn, quần chúng ở dưới, thì đứng về mặt phong thủy là sự trấn áp tinh thần đối với quần chúng. Tự nhiên trong đầu quần chúng đi dưới một không gian như vậy sẽ cảm thấy mình bị khống chế bởi một sức mạnh định hướng. Trong tình hình cần “Thoát Trung” hiện nay, nếu dựng một tượng đài hoành tráng như vậy đối với Trần Hưng Đạo, Quang Trung thì rất có ý nghĩa, nhưng cũng còn phải cân nhắc xem có cần làm hay không, khi tượng đài đó đã có trong lòng người Việt Nam. Huống chi bây giờ chi phí rất tốn tiền để dựng một hình tượng gợi nhớ đến sự áp đặt, không dân chủ lại lệ thuộc Tàu, tức là có hại, phải ngừng là vì vậy.

Lúc nãy anh có đề cập đến việc một số anh em, cả trong Tuyên bố dừng xây tượng đài, cứ nhấn mạnh sự phí tổn quá đáng, sa hoa trong khi đất nước còn nghèo do đó không nên làm. Nhưng tôi thấy anh em cũng hiểu vấn đề nên đã ghi vào một câu để thấy mặt chính trị của dự án, cho thấy đây là một ảo tưởng, muốn áp đặt chế độ Cộng sản toàn trị mãi mãi lên đầu, tôi thấy từng chữ có cân nhắc, mỗi chữ đều có trọng lượng. Tôi lại tưởng tượng tượng đài xây rồi ắt phải đặt tên. Chắc đảng thì ghi “Chủ tịch HCM vĩ đại”, nhưng xin thưa đã có những người muốn đặt tên khác rồi đấy. Ví dụ sáng nay đã có bài thơ của ông Đặng Huy Văn, nhà giáo giảng dạy Mác-Lê, với câu thế này: Nợ công sắp sửa ngập đầu, Mà xây tượng gã lụy Tàu, nên chăng? Đặt tên tượng là “Gã lụy Tàu”, lụy là nhờ vả rồi bị lệ thuộc, rất bí mà không có lối ra. Còn cô Blogger Beo Hồng, một người thân cận với những người trong hệ thống Chuyên chính vô sản, nếu đặt tên cho bức tượng chắc cô ấy đặt tên là Ku Nghệ!... Ngay trong hệ thống chính trị cũng không đồng thuận.

TQT - Tại sao Tiến sĩ lại đặt bài thơ ngụ ngôn của La Fontaine vào liên quan với sự cố này?

HSP - Vì “con nhái muốn to bằng con bò” là cái tâm lý chung, cái bệnh chung của rất nhiều người. Tôi có kể đến nhiều động cơ trong vụ này, có anh háo danh sĩ diện hão muốn ghi tên vào kỷ lục, có anh cán bộ có chức quyền thì mang tư duy nhiệm kỳ muốn trong nhiệm kỳ mình xây dựng được một cái gì bất hủ, có giá trị lâu dài, có anh muốn gắn với một đấng Minh quân tức một độc tài phong kiến kiểu mới, lại có bọn cơ hội muốn nhân xây tượng đài để thu lợi riêng, nhưng bao trùm tất cả các động cơ đó là tâm lý của sự mặc cảm tự ty, thấy mình hèn kém, thất bại nên mơ đến một sức mạnh siêu việt, như con nhái bén hèn mọn muốn biến thành con bò. Nhưng La Fontaine không gắn tâm lý đó vào những con vật khác mà vào con nhái, vì chỉ các chú ếch nhái mới có các khả năng “ngậm hơi, cổ bạnh, bụng trương”. Con người cũng thế thôi, một số người thấy mỉnh có những bản năng hiệu quả nào đó mới có ảo tưởng là mình vĩ đại. La Fontaine đúc kết thanh những bài học kinh điển cho muôn đời, phải coi chừng đến cả những thế kỷ sau thói đời này vẫn còn. Nhưng ở nước ta hiện nay tâm lý này, thói đời này đang có hoàn cảnh để bộc lộ ra một cách rất điển hình.

Nhiều anh em rất bực mình vì sao những người lãnh đạo tỉnh Sơn La nghèo đói lại đưa ra cái đề án tệ hại ấy, nhưng tôi lại có phần cảm ơn các vị lãnh đạo Sơn la ấy. Nếu không thì vấn đề này, tâm lý muốn hoành tráng quái gở này vẫn cứ âm ỉ, vẫn chưa có dịp đem ra mổ xẻ, cũng như dân ta phải cảm ơn những khiêu khích quá đáng của Trung Quốc ở biển Đông khiến cho những “16 chữ vàng” và “láng giềng 4 tốt” mới bị phô bày mặt thật trước thanh thiên bạch nhật để thức tỉnh lòng yêu nước của nhân dân. 

TQT - Cách đây 300 năm ông La Fontaine đã nói “Con nhái muốn thanh con bò” nhưng đến nay ở nước ta chuyện đó vẫn xảy ra, vậy trách nhiệm cảnh báo của trí thức ta ở đâu thưa TS HSP?

HSP - Tôi xem trên mạng thấy câu chuyện này của La Fontaine cũng được một số blogger hoặc facebooker nhắc đến rồi, nhưng mới đề cập đến những việc nhỏ, chưa ai liên hệ với việc rất lớn này. Mình là một nước nhỏ, lạc hậu, ham cái vĩ đại mà lầm đường chui vào trong tay một kẻ thù truyền kiếp mà trước đây cha ông mình đã thoát được ra, nay lại chui vào, ảo tưởng vĩ đại ấy nới thật đau đớn. 

Một nguy hiểm là cái hội chứng tự hào. Tôi đã nghe một nhà nghiên cứu văn học nói Văn học Việt Nam xuất hiện sau Trung quốc 11 thế kỷ. Vậy mà cũng có quan điểm cứ gồng lên là nước mình có nền văn minh trước, Kinh dịch của Trung quốc chính là lấy của Việt Nam, VN là cái nôi của văn minh vân vân... Cả AQ lẫn Chí Phèo đều là tâm lý “con nhái muốn to bằng con bò”.

Cần thấy rõ trình độ thực tế của Dân tộc mình, ngày nay cần biết khiêm tốn học các nước văn minh, thay vì cái gì cũng muốn mình là nhất, khoe hết di sản văn hóa nọ đến di sản văn hóa kia mà nhiều cái cũng bình thường nước nào cũng có.

Hội chứng tự hào, cái gì cũng muốn làm cho to còn có một nguồn gốc nữa là cái ảo tưởng về Thiên đường Cộng sản là tương lai của nhân loại mà mình là một dân tộc tiên phong. Đã xứng với danh vị XHCN thì cái gì cũng phải làm cho to. Đã sang kỷ nguyên XHCN là cái gì cũng phải đàng hoàng to đẹp hơn bọn Tư bản nên phải dẹp hết những gì chưa đàng hoàng to đẹp. Cứ thế là làm khổ dân và phá nát xã hội. Trong khi xã hội mình còn chưa biết gì đến dân chủ, còn học người ta chưa xong mà cứ tự xưng mình dân chủ gấp vạn lần người ta! Thế chẳng là con nhái muốn to hơn con bò hay sao?

TQT - Vậy thì là tự kiêu chứ đâu phải mặc cảm tự ty thưa TS?

HSP - Vâng, kiêu ngạo và tự ty chính là hai mặt đối lập nhưng gắn chặt với nhau. Ví dụ chỉ những nước còn chưa văn minh, biết mình đang ở phận kém cỏi thì mới hào hứng đi theo lý thuyết ảo tưởng CS cao đẹp, mong mau chóng đổi đời để đón đầu vượt trước người ta, và do đó nhiễm thói kiêu ngạo CS. Nhưng dù bên ngoài tỏ vẻ kiêu ngạo thì thực tế vẫn cho thấy là mình thua kém, nhìn xung quanh thấy choáng ngợp, nên cái kiêu ngạo cũng tự nhiên giàm dần (nói cái viễn vọng ấy chắc một thế kỷ nữa cũng chưa tới) và bên trong trở lại mặc cảm tự ty một cách vô thức mà không dám nói ra. Mặc cảm tự ty này sẽ thúc đẩy người ta làm những trò “vĩ đại” để khỏa lấp , để lừa dối, và tất nhiên lại tiếp tục bế tắc..., thế là sự kiêu ngạo và tự ty cứ luân phiên nhau nối tiếp, vừa tương khắc lại vừa tương sinh. 

TQT - Vậy giới trí thức phải làm gì để dân ta thoát khỏi cái tự ty này để làm những việc lớn để đất nước ta trở nên dân chủ tự do thật sự, văn minh thật sự như mọi người mong muốn chứ không như “con nhái muốn to bằng con bò”?

HSP - Vẫn phải trở về đúng với sự thật, nói đúng sự thật thôi. Chỉ có sự duy lý thực tế, thông minh và dũng cảm tự thắng mình mới chấm dứt được cái vòng tự sinh luẩn quẩn vừa nói ở trên. 

Mỗi Dân tộc phải tự biết mình, nhất là tự phê phán mình, không sợ đau lòng. Tôi có một ông bạn học cùng lớp, một GS TS, một cán bộ đầu ngành. Ông ấy được kết nạp đảng ngay lúc sinh viên và cũng khá Maoist và cứng rắn song cũng có lý có tình. Khi tôi viết 3 bài chính luận phê phán con đường Mác-Lê ông ấy phê phán tôi rất nặng. Nhưng mới cách đây một tháng, ông vào thăm tôi rất thân tình và nói: Ông phê phán CS Mác-Lê tôi không có ý kiến gì, nhưng ông phê phán cả dân tộc mình nữa thì không được, tôi buồn lòng đấy. Tôi chỉ nói nhỏ “Thưa ông, cái dân tộc ưu việt rất đáng tự hào ấy của mình có nguy cơ sắp chui vào vòng Bắc thuộc mới rồi đấy ông ạ”. 

Giới trí thức phải cùng nhau nói lên sự thật. Dân tộc mình có những ưu điểm nhưng chế độ CS đã làm thui chột các ưu điểm ấy như tinh thần yêu nước và lòng nhân ái. Là một nước nhỏ và nghèo luôn bị bắt nạt nên người mình thương nhau lắm. Nhưng ở một thời đại mang tên thời đại HCM mà biểu tình đòi Hoàng Trường sa thì bị bắt, hiện tượng du côn, bạo lực, chém giết nhau nay xảy ra như cơm bữa thì hỏi vì đâu?

Chúng ta phải sàng lọc cả ưu khuyết, phải tự phê phán, phải chọn đúng bạn mà chơi để học hỏi các nước tiên tiến để tự làm trên đất nước của mình... chứ chẳng có cách nào khác.

Nhưng thực tế là trước những hiện tượng xã hội nhiều người vẫn nhận thức mơ hồ, không phải chỉ người dân thường mà nhiều trí thức cũng vẫn mơ hồ, duy cảm, ảo tưởng. Nhiều người mơ ước trở về với HCM như một “minh quân nhân ái”, mà không thấy HCM cũng là “tác giả”, là đầu mối của những bê bối hôm nay. Xã hội ngày nay cần một chế độ Dân chủ Pháp trị đích thực (không phài thứ pháp quyền XHCN), chứ bây giờ giả sử có một “minh quân” thật sự chăng nữa cũng chẳng chống được tham nhũng và độc tài.

Chỉ những kẻ vừa lòng với thực tế đang được hưởng mới “nịnh” dân tộc, còn ai muốn đẩy đất nước tiến lên đều phải biết cả ưu lẫn khuyết, đặc biệt là biết phê phán những nhược điểm của dân tộc, phê phán để tiến lên thôi. 

TQT - Bệnh ấy của trí thức vẫn còn nhiều nhưng có tiến lên được không hay cứ dẫm chân tại chỗ?

HSP - Vâng, phải nhận là cái tính đạo đức duy cảm vẫn còn nhiều. Ví dụ cứ ca ngợi cụ Hồ cho dân “mở miệng”, nhưng cụ Hồ nói thế thôi, chứ các văn nghệ sĩ của Nhân văn giai phẩm mở miệng ra là bị trừng trị ngay, các trí thức gọi là “xét lại chống đảng” mới mở miệng ra là bị tù tội ngay, hồi ấy cụ Hồ còn sống vá cầm quyền cao nhất đấy chứ? Nguyễn Hữu Đang đã nói gì nhiều đâu mà bị 15 năm tù và 15 năm quản chế, thời cụ Hồ đấy!

Nhận thức còn có những khác nhau là điều tự nhiên, không tránh khỏi, nhưng cũng có những khác nhau chỉ do phương pháp, những bước đi sớm hay muộn hơn, tùy hoàn cảnh cụ thể. Giống như một cuộc chạy tiếp sức, kẻ trước người sau trên một con đường chung, khác nhau vẫn có thể hiệp lực. Việc ra đời được một bản “TUYÊN BỐ CỦA CÁC TỔ CHỨC XÃ HỘI DÂN SỰ VÀ CÔNG DÂN VỀ NHỮNG DỰ ÁN TƯỢNG ĐÀI TRĂM TỶ, NGÀN TỶ” với nội dung như thế là một biểu hiện trưởng thành của giới trí thức, nhiều anh em đã thoát ra khỏi cái gông tự hào duy cảm, biết lắng nghe nhau để tìm một giải pháp tạm gọi là đúng và khả thi nhất, có ích nhất trong điều kiện trước mắt. Đáng mừng và hy vọng trong thời gian tới có thể còn tốt hơn.

Điều quan trọng là: Vì quyền lợi tối thượng của đất nước, cùng nhau bình tĩnh và thẳng thắn phân tích hết sự thật để có nhận thức đúng nhằm tìm lối ra, nhưng không phải là sự phân tích kết án hoặc gây hờn oán thì tôi tin là sẽ có giá trị thuyết phục.

TQT - Trong bản Tuyên bố, các vị yêu cầu dừng lại vì tiêu tốn 1.400 tỷ, thế nhưng người ta chỉ làm tượng đài 1 tỷ thôi thì các vị có đồng ý không?

HSP - Ý anh hỏi thì đã có ý kiến của nhà văn Võ Thị Hảo đề cập đấy, nhấn mạnh vào số kinh phí 1.400 tỷ thì nếu người ta giảm số kinh phí đi, giảm thật hoặc giảm giả, thì mình sẽ đồng ý à? Cho nên ta không nhấn mạnh vào một con số lãng phí khổng lồ nào đó.

Theo tôi, tượng đài là một thứ ngôn ngữ ngầm của xã hội, hay đúng hơn là ngôn ngữ ngầm của một chế độ chính trị đối với dân chúng. Khi ngôn ngữ đó không thích hợp với lòng dân nữa thì dân đập bỏ chứ không phải đã xây là vĩnh viễn. Khi CS Nga và Đông Âu tan rã hàng loạt tượng bị đập bỏ, hoặc đưa về các viện bảo tàng. Vậy trong việc xây dựng tượng đài thì phí tổn tuy cũng là một yếu tố phải tính toán nhưng không phải là yếu tố trước tiên. Trước hết phải hiểu tình hình đất nước đang cần hai yếu tố lớn là Dân chủ hóa và “Thoát Trung”. Tượng nào có ích cho sự nghiệp đó thì ta xây dựng, tượng nào không có lợi cho sự nghiệp ấy thì ta không xây, dù chỉ mất 1 đồng chứ đừng nói 1 tỷ hay vài trăm triệu, thưa anh.

13/8/2015

TQT - Xin cảm ơn TS Hà Sĩ Phu.

No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.