Bộ luật Hình sự Tố tụng Việt Nam Cộng Hòa 1972 - Quyển I
QUYỂN I
SẮC LUẬT số 027-TT/SLU ngày 20 tháng chạp năm 1972 ban hành Bô Luật Hình Sự Tố Tụng
TỔNG THỐNG VIỆT NAM CỘNG HÒA
Chiếu Hiến Pháp Việt Nam Cộng Hòa ngày mùng 1 tháng tư năm 1967;
Chiếu sắc lệnh số 394-TT/SL ngày mùng 1 tháng chín năm 1969 và các văn kiện kế tiếp ấn định thành phần Chính phủ;
Chiếu luật số 005/72 ngày 28 tháng sáu năm 1972 ủy quyền cho Tổng thống quyết định và ban hành bằng sắc luật các biện pháp cần thiết trong các lãnh vực an ninh, quốc phòng, kinh tế, tài chánh;
Sau khi Hội đồng Tổng trưởng đã thảo luận;
SẮC LUẬT:
Điều duy nhất – Nay ban hành Bộ luật hình sự tố tụng gồm thiên mở đầu, quyển I, quyển II, quyển III, quyển IV, quyển V, các điều khỏan tổng quát và các điều khoản chuyển tiếp, đính kèm.
Sắc luật này được đăng vào Công báo Việt Nam Cộng Hòa.
Saigòn, ngày 20 tháng chạp năm 1972
NGUYỄN VĂN THIỆU
BỘ LUẬT HÌNH SỰ TỐ TỤNG
THIÊN MỞ ĐẦU
Công tố quyền và dân tố quyền
Điều thứ nhất – Công tố quyền liên quan đến việc áp dụng hình phạt được phát động và hành sử do các thẩm phán hay các viên chức được luật pháp ủy nhiệm.
Công tố quyền cũng có thể được phát động do đương sự bị thiệt hại, theo những điều kiện ấn định trong bộ luật này.
Điều thứ 2 – Dân tố quyền để đòi bồi thường thiệt hại nhân một trọng tội, khinh tội hay tội vi cảnh, được dành cho những người đã bị trực tiếp thiệt hại.
Sự khước từ dân tố quyền không làm ngưng hẳn hay đình chỉ việc hành sử công tố quyền, ngoại trừ những trừơng hợp dự liệu nơi điều 6 khỏan 3.
Điều thứ 3 – Dân tố quyền có thể được hành sử đồng thời với công tố quyền trứơc cùng một cơ quan tài phán.
Dân tố quyền sẽ được chấp nhận trong mọi trường hợp có thiệt hại về vật chất, thể chất hay tinh thần.
Ngoại trừ trường hợp công sản bị thiệt hại, tòa hình cũng có thẩm quyền xét xử theo các quy tắc của tư luật để tuyên định trách nhiệm bồi thường thiệt hại gây ra do các loại xe cộ mà pháp nhân công pháp phải chịu trách nhiệm thay người thuộc viên phạm pháp bất kể trường hợp trong hay ngoài công vụ.
Điều luật này không hồi tố đối với những vụ án đã được toà hộ hay toà hành chánh thu lý.
Điều thứ 4 - Dân tố quyền cũng có thể được hành sử riêng biệt với công tố quyền.
Tuy nhiên, trong trường hợp công tố quyền đã được phát động, toà hộ sẽ đình hoãn xét xử về quyền lợi dân sự cho đến khi có phán quyết nhất định về công tố quyền.
Điều thứ 5 - Khi đã khởi tố trước toà hộ có thẩm quyền, nguyên cáo không thể hành sử dân tố quyền trước toà hình được nữa, ngoại trừ trường hợp toà hình đã thụ lý do sự truy tố của công tố viên trước khi toà hộ tuyên xử về nội dung.
Điều thứ 6 - Công tố quyền bị tiêu diệt do sự mệnh của một bị can, thời tiêu, đại xá, huỷ bãi luật hình hay uy lực quyết tụng.
Tuy nhiên, nếu một phán quyết hay phúc quyết đã tuyên bố công tố quyền tiêu diệt mà về sau có một cuộc truy tố khác kết thúc bằng một án văn xử phạt do đó có bằng cớ rằng phán quyết hay phúc quyết tuyên bố công tố quyền tiêu diệt đã ngộ phán, công tố quyền sẽ có thể được tái phát động. Trong trường hợp đó, thời tiêu phải được coi như bị đình chỉ kể từ ngày phán quyết hay phúc quyết tuyên bố công tố quyền tiêu diệt trở thành nhất định cho tới ngày có toà án xử phạt về tội giả mạo hay xử dụng giấy tờ giả mạo.
Công tố quyền còn có thể bị tiêu diệt do sự điều đình, khi luật pháp minh định như vậy. Trong trường hợp việc truy tố chỉ được phát động do đơn khởi tố của nguyên cáo, công tố quyền cũng sẽ bị tiêu diệt khi có sự bãi nại của nguyên cáo.
Điều thứ 7 - Về trọng tội, công tố quyền bị thời tiêu sau hạn mười (10) năm trọn kể từ ngày phạm pháp.
Nếu trong thời hạn ấy, có thực hiện một hành vi thẩm vấn hay truy tố nào, thời hiệu sẽ khởi lưu từ hành vi cuối cùng.
Thể thức tình trên cũng được áp dụng đối với những người không liên lụy trong hành vi thẩm vấn hay truy tố ấy.
Điều thứ 8 - Về khinh tội, công tố quyền bị thời tiêu sau hạn ba (3) năm trọn, thời hiệu sẽ được tính như đã dự liệu nơi điều 7.
Điều thứ 9 - Về tội vi cảnh, công tố quyền bị thời tiêu sau hạn một (1) năm trọn, thời hiệu sẽ được tính như đã dự liệu nơi điều 7.
Điều thứ 10 - Không thể phát động dân tố quyền sau khi công tố quyền bị thời tiêu.
Nếu đã có phán quyết nhất định về công tố quyền và hình phạt được tuyên xử, dân tố quyền được phát động trong thời hạn dự liệu nới các điều trên bị tiêu diệt sau hạn ba mươi (30) năm kể từ ngày phạm pháp.
Về mọi phương diện khác, dân tố quyền do quy tắc dân luật chi phối.
QUYỂN NHẤT
Hành sử công tố quyền và tham vấn
THIÊN THỨ NHỨT
Các viên chức hành sử công tố quyền
và đảm nhiệm thẩm vấn
Điều thứ 11 - Thủ tục điều tra và thẩm vấn phải được giữ kín, trừ trường hợp luật pháp định khác và miễn là không phương hại đến quyền bào chữa.
Những người tham dự thủ tục nói trên phải giữ bí mật chức nghiệp, bằng không sẽ bị truy bố và trừng phạt về tội vi phạm bí mật chức nghiệp như dự liệu trong Bộ hình luật.
CHƯƠNG THỨ NHỨT
Cảnh sát Tư pháp
TIẾT I
Điều khoản tổng quát
Điều thứ 12 - Cảnh sát tư pháp do các sĩ quan, viên chức và nhân viên chỉ định trong tiết này đảm nhận dưới sự điều khiển của biện lý.
Trong quản hạt mỗi toà thượng thẩm, cảnh sát tư pháp đặt dưới quyền giám sát và kiểm soát của chưởng lý và phòng luận tội.
Điều thứ 13 - Cảnh sát tư pháp có nhiệm vụ vi chứng các vụ phạm pháp, thu thập bằng cớ và truy tầm thủ phạm theo sự phân định trong tiết này, khi chưa mở cuộc thẩm vấn.
Khi đả mở cuộc thẩm vấn, cảnh sát tư pháp thi hành những uỷ thác và tuân hành những triệu dụng của cơ quan thẩm vấn.
Điều thứ 14 - Cảnh sát tư pháp gồm có:
1) Sĩ quan cảnh sát tư pháp hay hình cảnh lại;
2) Nhân viên cảnh sát tư pháp;
3) Viên chức và nhân viên được luật pháp giao phó một số nhiệm vụ cảnh sát tư pháp.
TIẾT II
Sĩ quan cảnh sát tư pháp hay hình cảnh lại.
Điều thứ 15 - Các viên chức kể sau đây có tư cách hình cảnh lại:
1) Biện lý, phó biện lý và dự thẩm;
2) Quận trưởng hành chánh tại các tỉnh;
3) Chỉ huy trưởng cảnh sát từ cấp quận trở lên, chỉ huy phó từ cấp tỉnh trở lên, trưởng cuộc cảnh sát xã;
4) Viên chức hành chánh cảnh sát có tư cách hình cảnh lại do sắc lệnh của Thủ tướng ban cấp.
5) Sĩ quan hay tiểu đội trưởng quân cảnh điều tra tư pháp được bổ nhiệm bằng nghị định liên bộ tư pháp và quốc phòng chiếu đề nghị của chị huy trường quân cảnh.
Ngoại trừ biện lý, phó biện lý và dự thẩm, trước khi nhậm chức, hình cảnh lại phải đến toà án viên chức ấy trực thuộc để tuyên thệ trong một phiên xử công khai: "Tôi thề sẽ tận tâm làm tròn nhiệm vụ sĩ quan cảnh sát tư pháp và bao giờ cũng xử sự một cách xứng đáng và chính trực".
Điều thứ 16 - Hình cảnh lại hành xử quyền hạn ấn định nơi điều 13, tiếp nhận đơn khiếu nại và khiếu tố, mở các cuộc điều tra sơ vấn trong những điều dự liệu nới điều 68 đến 70.
Trong trường hợp trọng tội và khinh tội quả tang, hình cảnh lại hành sử quyền hạn dự liệu nơi điều 46 đến 60.
Các viên chức ấy có quyền trực tiếp triệu dụng công lực trong khi thi hành nhiệm vụ.
Điều thứ 17 - Hình cảnh lại có thẩm quyền trong địa hạt của mình.
Tuy nhiên, trong trường hợp khẩn cấp và nếu được biện lý cho phép, hình cảnh lại có thể hoạt động trong toàn địa hạt toà án mà viên chức ấy trực thuộc.
Khi xảy ra trọng tội hay khinh tội quả tang, hình cảnh lại có thể di chuyển trong địa hạt các toà án kế cận để tiếp tục cuộc truy tầm, nghe cung, khám xét và sai áp, nhưng trước khi hành sử, phải trình báo cho biện lý sở tại.
Trong trường hợp khẩn cấp nhân một cuộc điều tra phạm pháp quả tang, hình cảnh lại có quyền thi hành trên toàn lãnh thổ quốc gia những tác vũ do biện lý triệu dụng. Các viên chức ấy phải được hình cảnh lại địa phương hỗ trợ và trước khi hành sự phải trình báo cho biện lý sở tại.
Điều thứ 18 - hình cảnh lại phải cấp thời báo cáo biện lý những trọng tội, khinh tội, tội vi cảnh mà các viên chức phải chuyển thằng đến biện lý bản chánh biên bản đã lập và tất cả văn kiện tài liệu liên hệ cùng tài vật bị sai áp.
Biên bản phải ghi rõ tư cách hình ảnh lại của viên chức lập biên bản.
TIẾT III
Nhân viên cảnh sát tư pháp
Điều thứ 19 - Nhân viên cảnh sát tư pháp gồm có:
1) Nhân viên cảnh sát hành dịch, ngoại trừ những viên chức có tư cách hình cảnh lại;
2) Xã trưởng, phó xã trưởng an ninh.
Điều thứ 20 - Nhân viên cảnh sát tư pháp có nhiệm vụ:
1) Giúp đõ hình cảnh lại thi hành nhiệm vụ;
2) Báo cáo với các cấp chỉ huy trực tiếp những vi phạm luật hình mỗi khi được biết.
3) Tuân hành chỉ thị các cấp chỉ huy để nhận xét tội phạm, thâu thập tài liệu, truy tầm thủ phạm.
Điều thứ 21 - nhân viên cảnh sát tư pháp không có quyền quyết định về việc giam giữ.
TIẾT IV
Các viên chức được giao phó một số nhiệm vụ cảnh sát tư pháp
Điều thứ 22 - Cũng được giao phó một số nhiệm vụ cảnh sát tư pháp các viên chức dưới đây:
1) Nhân viên thuế vụ hữu thệ có quyền lập biên bản kiểm chứng những vi phạm luật lệ thuế vụ;
2) Nhân viên quan thuế hữu thệ có quyền lập biên bản kiểm chứng những vi phạm luật lệ quan thuế;
3) Nhân viên thuỷ lâm hữu thệ có quyền lập biên bản kiểm chứng những vi phạm luật lệ thủy lâm và thể lệ săn bắn;
4) Các nhân viên sở kiểm soát kinh tế và sở trừng trị mạo hoá hữu thệ có quyền lập biên bản kiểm chứng những vi phạm luật lệ về kinh tế, về mạo hóa và biến tạo các thứ sản phẩm.
Các công chức và nhân viên các công sở được những đạo luật chuyên biệt giao phó một số trách vụ hình cảnh sẽ hành sử những quyền đó trong điều kiện và phạm vi qui định do những đạo luật ấy.
Điều thứ 23 - Biện lý, dự thẩm và hình cảnh lại có thể triệu dụng sự hỗ trợ của các viên chức kể ở điều trên. Trong giới hạn thẩm quyền của họ, các viên chức này có nhiệm vụ, theo chỉ thị của biện lý, dự thẩm và hình cảnh lại:
1) Giúp đỡ hình cảnh lại thi hành nhiệm vụ;
2) Lập biên bản vi chứng các trọng tội, khinh tội và tội vi cảnh;
3) Lập biên bản tiếp nhận lời khai của những người có thể cung cấp chứng tích, bằng cớ và tài liệu.
CHƯƠNG THỨ II
Công tố viện
TIẾT I
Điều khoản tổng quát
Điều thứ 24 - Công tố viện hành sử công tố quyền và theo dõi sự áp dụng luật pháp để bảo vệ trật tự công cộng.
Mọi sự câu lưu phải đặt dưới quyền kiểm soát của công tố viện.
Điều thứ 25 - Công tố viện có đại diện tại mỗi phiên tòa, tham dự các cuộc tranh luận, có quyền phát biểu ý kiến và đặt câu hỏi.
Mọi phán quyết đều được tuyên xử với sự hiện diện của công tố viên, nếu không sẽ vô hiệu.
Công việc thi hành án văn hình sự do công tố viện đón đọc và kiểm soát. Để giúp công tố viện thi hành nghiêm chỉnh nhiệm vụ này, các hồ sơ hình sự có phúc quyết, án văn hay án lệnh nhất định, cũng như tang vật và các phiếu tư pháp lý lịch được giao cho Phòng Lục sự công tố viện lưu giữ.
Điều thứ 26 - Trong các kết luận trang, công tố viện phải chấp hành huấn lệnh của thượng cấp theo những điều kiện dự liệu nơi điều 29, 30 và 36.
Tuy nhiên, khẩu biện trước phiên tòa, công tố viện được tự do phát biểu những nhận xét mà mình thấy có lợi ích cho công lý.
TIẾT II
Phần vụ của chưởng lý tòa thượng thẩm
Điều thứ 27 - Chưởng lý đại diện công tố viện trước tòa thượng thẩm và trước những tòa đại hình nhóm họp trong quản hạt tòa thượng thẩm, và có thể do phó chưởng lý hay thẩm lý thay mặt.
Điều thứ 28 - Chưởng lý có nhiệm vụ trông nom việc áp dụng luật hình trong quản hạt tòa thượng thẩm.
Để đáp ứng nhu cầu trên, hàng tháng biện lý phải gởi đến chưởng lý và chánh nhứt bảng kê khai (lập thành ba bổn) các vụ phạm pháp trong địa hạt tòa sở tại.
Trong khi thi hành nhiệm vụ, chưởng lý có quyền triệu dụng công lực.
Điều thứ 29 - Khi được biết những vụ vi phạm hình luật, Tổng trưởng tư pháp có thể cáo tri chưởng lý, truyền trưởng lý khởi tố hay ra lệnh khởi tố, hoặc chuyển đến tòa án có thẩm quyền những thỉnh trạng mà Tổng trưởng tư pháp xét thích đáng.
Điều thứ 30 - Chưởng lý có quyền điều khiển tất cả thẩm phán công tố thuộc quản hạt tòa thượng thẩm.
Đối với các thẩm phán ấy, chưởng lý cũng có những đặc quyền dự liệu nơi điều trên dành cho Tổng trưởng tư pháp.
Điều thứ 31 - Chưởng lý giám sát và kiểm soát hoạt động của sĩ quan và nhân viên cảnh sát tư pháp, cùng các công chức dân chính và quân nhân thi hành nhiệm vụ hình cảnh lại. Chưởng lý có quyền ra lệnh cho các viên chức ấy thâu thập tài liệu hữu ích cho sự điều hành công lý.
TIẾT III
Phần vụ của Biện Lý
Điều thứ 32 - Biện lý đại diện công tố viện trước tòa sơ thẩm và lâm thời, trước toà đại hình trong trường hợp dự liệu nơi điều 236 khoản 2.
Trước tòa tiểu hình, biện lý có thể do phó biện lý thay mặt.
Điều thứ 33 - Biện lý thâu nhận đơn khiếu tố, đơn tố cáo và tùy nghi quyết định.
Bất cứ nhà trức trách, công lại hay viên chức nào trong khi thừa hành nhiệm vụ, được biết một vụ phạm pháp về trọng tội hay khinh tội, phải cấp thời báo cáo biện lý và chuyển tới vị thẩm phán này tất cả tài liệu, biên bản và văn kiện liên hệ.
Điều thứ 34 - Biện lý có thể tự mình thực hiện hay truyền thực hiện những hành vi cần thiết để truy tầm và truy tố những vi phạm luật hình.
Để thi hành nhiệm vụ này, biện lý có quyền trực tiếp triệu dụng công lực, điều động các sĩ quan và nhân viên cảnh sát tư pháp thuộc địa hạt tòa sở tại.
Biện lý có tất cả quyền hạn của một hình cảnh lại.
Trong trường hợp phạm pháp quả tang, biện lý hành sử những quyền dự định ở điều 61.
Điều thứ 35 - Khi một vụ phạm pháp xảy ra, biện lý các tòa án sau đây đều có thẩm quyền: tòa án nơi tội phạm phát sinh, tòa án nơi cư ngụ của một trong những người bị tình nghi phạm pháp, tòa án nơi bắt được một trong những người bị tình nghi, dù người này có bị bắt vì lý do khác.
Điều thứ 36 - Biện lý có quyền điều khiển sĩ quan công tố tại các tòa vi cảnh trong quản hạt.
Biện lý có thể cáo tri các tội vi cảnh tự mình được biết cho chỉ thị truy tố và làm thời ra lệnh mở cuộc điều tra.
TIẾT IV
Công tố viện tại tòa án vi cảnh
Điều thứ 37 - Tại tòa án vi cảnh, nhiệm vụ công tố được giao cho chỉ huy trưởng cảnh sát sở tại.
Nếu trong quản hạt tòa án có nhiều Bộ chỉ huy cảnh sát, chưởng lý sẽ chỉ định một chỉ huy trưởng cảnh sát đảm nhiệm chức vụ công tố.
Nếu chỉ huy trưởng cảnh sát sở tại khống khuyết hay bị ngăn trở, chưởng lý sẽ chỉ định một sĩ quan cảnh sát tư pháp thuộc quản hạt tạm thời thay thế. Trong trường hợp không đặt hay chưa đặt tòa án vi cảnh, các vụ vi cảnh sẽ do tòa sơ thẩm xét xử tại một phiên tòa riêng hay cùng chung với phiên tòa tiểu hình. Nhiệm vụ công tố sẽ giao biện lý tòa sơ thẩm. Vị này có thể do phó biện lý thay mặt.
THIÊN THỨ II
Điều tra
CHƯƠNG THỨ NHỨT
Quyền hạn của nghi can trong giai đoạn điều tra sơ vấn
Điều thứ 38 - Trong giai đoạn điều tra sơ vấn, nghi can bị bắt giữ hoặc bị điều tra phải được cho biết ngay là phạm tội gì và có quyền được luật sư dự kiến.
Điều thứ 39 - Trong hạn 48 giờ, cơ quan bắt giữ phải thông báo việc bắt giữ cho một trong những thân nhân kể sau đây: người phối ngẫu, con cháu, cha mẹ, ông bà, anh chị em, theo lời chỉ dẫn của nghi can.
Nếu một trong những người kể ở đoạn trên tự động đến tìm hỏi, cơ quan liên hệ phải cho họ biết lý do bắt giữ.
Điều thứ 40 - Trong cuộc chấp cung đầu tiên, nếu nghi can yêu cầu được một hay nhiều luật sư dự kiến, cơ quan điều tra phải báo thị bằng mọi cách, kể cả bằng điện thoại, cho luật sư biết trước hai (2) giờ để đến dự kiến; quá hạn này cuộc điều tra bắt đầu, dầu có luật sư hay không.
Trong trường hợp một luật sư đến dự kiến theo sự yêu cầu của thân nhân nghi can, cuộc chấp cung sẽ thi hành trước sự hiện diện của luật sư, trừ phi trước luật sư và điều tra viên, nghi can từ chối sự dự kiến; sự từ chối này phải được ghi vào biên bản hỏi cung.
Trong các phiên điều tra kế tiếp, cơ quan điều tra cũng báo trước cho luật sư như trên, trước khi khởi sự ghi cung.
Việc báo thị cho luật sư đến dự kiến phải được ghi vào biên bản hỏi cung.
Điều thứ 41 - Khi đến dự kiến lần đầu, luật sư phải nạp cho cơ quan điều tra, để kèm theo biên bản, văn thư nhiệm cách hợp lệ.
Một luật sư có thể đến dư kiến bất luận ở giai đoạn nào của cuộc điều tra, mặc dầu không dự kiến lần đầu, miễn có xuất trình văn thư nhiệm cách hợp lệ, và không bị nghi can từ chối.
Luật sư không được chặn ngang sự hỏi cung, ngắt lời, nhắc nhở, trả lời thế cho các nghi can hay nhân chứng; mỗi lần muốn nói, luật sư phải được sự thỏa thuận của điều tra viên; nếu điều tra viên từ khước, sự từ khước ấy phải được điều tra viên ghi vào biên bản.
Điều thứ 42 - Trong trường hợp bị can bi bắt quả tang và được hỏi ngay tại chỗ, sự dự kiến của luật sư không bắt buộc.
Điều thứ 43 - Trừ trường hợp phạm pháp quả tang, điều tra viên không được hỏi nghi can trước bảy (7) giờ và sau mười chín (19) giờ.
Tuy nhiên, có thể tiếp tục hỏi cung nếu đã khởi sự trước mười chín (19) giờ.
Điều thứ 44 - Vi phạm các điều 38 và 39 sẽ bị phạt vạ từ 601$ đến 10.000$ và phạt giam từ 6 ngày đến 1 tháng hoặc một trong hai hình phạt này.
Vi phạm các điều khoản khác ghi trên trong chương này sẽ bị phạt vạ từ 601$ đến 10.000$.
Điều thứ 45 - Luật sư được phép nhiệm cách cho bị can tại biện lý cuộc bằng cách nạp thư biện hộ hợp lệ. Sau khi nạo thư biện hộ, luật sư được quyền tiếp xúc với bị can, tham khảo hồ sơ và dự kiến cuộc chấp cung tại biện lý cuộc.
Luật sư không được chận ngang sự hỏi cung, ngắt lời, nhắc nhở, trả lời thế cho bị can hay nhân chứng. Mỗi lần muốn nói, luật sư phải được sự thỏa thuẫn của biện lý. Nếu biện lý từ khước, sự từ khước này phải được ghi vào biên bản.
Trong mọi trường hợp, cuộc thẩm vấn tại biện lý cuộc không thể kéo dài quá 2 ngày.
CHƯƠNG THỨ II
Điều tra sơ vấn trong trường hợp phạm pháp quả tang
Điều thứ 46 - Trọng tội hay khinh tội quả tang là trọng tội hay khinh tội đang xảy ra hay vừa xảy ra.
Cũng được coi là trọng tội hay khinh tội quả tang, nếu liền sau khi xảy ra vụ phạm pháp, người bị tình nghi bị công chúng tri hô và đuổi theo, hay bị bắt trong người còn mang tang vật, hoặc trong người còn mang vết tích, khiến có thể suy đoán người ấy đã tham dự vụ phạm pháp.
Trọng tội hay khinh tội xảy ra trong một nhà phố mà chủ nhà triệu thỉnh biện lý hay hình cảnh lại đến vi chứng cũng được đồng hóa với trường hợp phạm pháp quả tang.
Điều thứ 47 - Cũng được coi như phạm pháp quả tang:
a) Những trọng tội và khinh tội vi phạm bằng báo chí.
b) Những vi phạm về an ninh quốc gia mặc dầu đã xảy ra lâu rồi, nếu có lời thú nhận của người bị tình nghi hoặc có những bằng cớ hiển nhiên, chứng tỏ rằng người ấy đã thật sự phạm pháp.
Điều thứ 48 - Khi biết có một trọng tội quả tang, hình cảnh lại phải lập tức phúc trình biện lý và cấp thời thân hành đến nơi xảy ra vụ phạm pháp, thực hiện ngay các hành vi kiểm chứng cần thiết.
Hình cảnh lại cũng phải bảo lưu các vết tích có thể biến mất, và tất cả những gì có thể dùng để phát huy sự thật, sai áp dụng cụ và khí giới đã được dùng hay có thể dùng để phạm pháp cùng tất cả tang vật khác.
Nếu những người bị tình nghi có mặt tại chỗ, hình cảnh lại phải đưa tang vật đã sai áp cho họ nhìn nhận.
Điều thứ 49 - Cấm không được thay đổi tình trạng nơi xảy ra vụ phạm pháp hay mang ra khỏi nơi này bất cứ một việc gì, trước khi có cuộc điều tra tư pháp sơ khởi, ngoại trừ trường hợp cần bảo vệ an ninh hay vệ sinh công cộng hoặc để cứu cấp các nạn nhân.
Vi phạm khoản trên sẽ bị phạt vạ từ sáu trăm lẻ một đồng (601$) đến năm ngàn (5.000$) đồng; nếu có dụng ý cản trở việc điều hành công lý, sẽ bị phạt giam từ ba (3) tháng đến ba (3) năm và phạt vạ từ một ngàn (1.000$) đến mười ngàn (10.000$) đồng.
Điều thứ 50 - Để chứng minh một trọng tội đã xảy ra, nếu cần sai áp giấy tờ, tài liệu hay vật dụng do người bị tình nghi lưu giữ, hoặc tài liệu hay vật dụng liên quan đến vụ phạm pháp mà người ấy có thể chứa chấp, hình cảnh lại lập tức tới nơi cư ngụ của người đó để khám xét và lập biên bản. Riêng hình cảnh lại và những người kể nơi điều 51 và 54 mới có quyền xem xét các giấy tờ và tài liệu trước khi sai áp.
Tuy nhiên, trong trường hợp khám xét và sai áp tại nhà hay văn phòng những người phải giữ bí mật nghề nghiệp, hình cảnh lại phải thi hành mọi biện pháp đặc biệt do luật lệ hiện hành quy định để tôn trọng bí mật nghề nghiệp và quyền biện hộ.
Vật dụng và tài liệu bị sai áp phải được liệt kê và niêm phong ngay. Nếu không thể lập ngay bản kê khai tại chỗ, thì phải để vào nơi có khóa và niêm phong tạm cho đến khi liệt kê và niêm phong chánh thức, trước sự hiện diện của những người có mặt trong khi khám xét, như dự liệu nơi điều 51.
Sau khi được biện lý chấp thuận, hình cảnh lại chỉ sai áp vật dụng và tài liệu cần thiết để phát huy sự thật.
Điều thứ 51 - Không kể những biện pháp cần thực hiện để tôn trọng bí mật nghề nghiệp và quyền biện hộ, các tác vụ dự liệu nơi điều trên phải được thi hành trước sự hiện diện của gia chủ nơi khám xét.
Nếu không thể được, hình cảnh lại phải yêu cầu gia chủ cử người đại diện; bằng không, hình cảnh lại sẽ chọn hai người chứng ngoài thuộc viên của mình.
Biên bản được thiết lập như dự liệu nơi điều 59 có chữ ký của những người hiện diện kể trong điều này. Nếu có người từ chối không chịu kí, phải ghi vào biên bản.
Điều thứ 52 - Trừ trường hợp cần thiết cho cụôc điều tra thì không kể, người nào tiết lộ bất cứ bằng phương cách gì tài liệu bị sai áp trong một cuộc khám xét cho người, theo luật, không được quyền biết đến mà không có sự ưng thuận của bị can hay người thụ quyền hoặc tác giả hay người tiếp nhận tài liệu đó sẽ bị phạt vạ từ sáu trăm lẻ một đồng (601$00) đến mười ngàn (10.000$00) đồng và phạt giam tù hai (2) tháng đến hai (2) năm.
Điều thứ 53 - Ngoại trừ trường hợp có tiếng kêu cứu từ trong nhà, hay những biệt lệ do luật định, không được khám xét nhà tư nhân trước sáu (6) giờ sáng và sau tám (8) giờ tối.
Tuy nhiên, việc khám xét và sai áp có thể thực hiện bất cứ lúc nào để vi chứng những vi phạm luật lệ ngăn cấm hành nghề mãi dâm trong khách sạn, nhà hay phòng cho thuê có đồ đạc, ký túc xá, quán giải lao, câu lạc bộ, vũ trường, hi viện và những nơi công chúng được ra vào thong thả, nếu được biết có những người hành nghề mãi dâm thường lui tới.
Những thể thức dự liệu nơi điều 50, 51 và nơi điều này phải được áp dụng, nếu không, cuộc khám xét sẽ vô hiệu, và hình cảnh lại có thể bị chế tài về mặt kỉ luật, không kể những hành vi phạm luật hình.
Điều thứ 54 - Nếu cần vi chứng lập tức, hình cảnh lại có quyền yêu cầu chuyên viên giúp đõ.
Những người này phải viết lời tuyên thệ lấy danh dự và lương tâm để nhận xét và cho ý kiến.
Điều thứ 55 - Hình cảnh lại có quyền ngăn cấm bất cứ người nào rời khỏi nơi xảy ra vụ phạm pháp cho đến khi kết thúc công việc, nhưng phải tuyên báo trước.
Trong cuộc truy tầm thủ phạm, nếu hình cảnh lại xét cần kiểm soát căn cước một người nào, người ấy phải tuân lệnh.
Vi phạm hai khoản trên sẽ bị phạt giam không quá mười (10) ngày và phạt tiền không quá sáu trăm (600$) đồng bạc.
Điều thứ 56 - Hình cảnh lại có quyền mời để lấy cung tất cả những người có thể cung cấp tài liệu về vụ phạm pháp.
Những người được mời phải đến để cung khai, nếu bất tuân, hình cảnh lại sẽ trình biện lý xin triệu dung công lực buộc trình diện.
Hình cảnh lại lấy cung phải lập biên bản.
Người khai có quyền đọc lại lời cung của mình yêu cầu ghi thêm các nhận xét và ký tên vào biên bản.
Nếu họ không biết đọc, hình cảnh lại phải đọc cho họ nghe trước khi kí biên bản. Nếu họ từ chối kí tên, thì phải ghi vào biên bản.
Nhân viên cảnh sát tư pháp nói nơi điều 19 cũng có thể, trong phạm vi những chỉ thị nhận được, lấy cung như trên, lập biên bản chuyển đến hình cảnh lại mà họ phụ tá.
Điều thứ 57 - Vì nhu cầu cuộc điều tra, hình cảnh lại có thể giữ lại một hay nhiều trong số những người nói ở điều 55 và 56 nhưng không thể giữ quá hai mươi bốn (24) giờ.
Nếu có chứng tích hệ trọng và phù hợp để buộc tội người nào, hình cảnh lại phải dẫn người ấy trình biện lý trong vòng hai mươi bốn (24) giờ.
Trong trường hợp đặc biệt, biện lý hay dự thẩm có thể với quyết định có viện dẫn lý do, cho phép triển hạn thời gian tạm giữ, mỗi lần hai mươi bốn (24) giờ, nhưng không thể quá bảy (7) ngày, mà khỏi buộc dẫn trình người bị điều tra.
Riêng về các tội xâm phạm an ninh quốc gia, thời gian tạm giữ có thể triển hạn quá bảy (7) ngày.
Thời gian hình cảnh lại được quyền tạm giữ nói trên khởi lưu kể từ lúc đương sự bị thật sự mất tự do.
Vi phạm điều luật này, hình cảnh lại sẽ bị truy tố về tội giam cầm trái phép, chưa kể chế tài về kỷ luật cùng bồi thường thiệt hại cho đương sự.
Điều thứ 58 - Hình cảnh lại phải ghi vào biên bản hỏi cung người bị tạm giữ các điểm sau đây: có hay không có sự hiện diện của luật sư, ngày giờ chấp cung, ngày giờ ngưng chấp cung, ngày giờ và lý do tạm giữ, ngày giờ phóng thích hoặc dẫn trình biện lý.
Những điều ghi chú ấy phải được đương sự ký nhận, nếu họ từ chối, cần nêu rõ trong biên bản.
Nơi tiếp nhận người bị tạm giữ phải có một quyển sổ riêng chép lại những ghi chú nói trên.
Nếu xét cần, biện lý, hoặc tự mình hoặc theo đơn xin của người bị tạm giữ hay gia đình hay luật sư, có thể chỉ định một y sĩ khám sức khỏe người bị tạm giữ.
Nếu thời hạn hai mươi bốn (24) giờ được triển hạn, hình cảnh lại phải cho người bị tạm giữ được khám sức khỏe, nếu có lời yêu cầu của người này, của gia đình hay luật sư.
Điều thứ 59 - Hình cảnh lại phải lập ngay biên bản trong khi điều tra và ký trên mỗi trang.
Điều thứ 60 - Các điều 48 đến 59 cũng áp dụng cho khinh tội quả tang nếu luật dự liệu phạt giam.
Điều thứ 61 - Khi biện lý đến nơi xảy ra vụ phạm pháp, nhiệm vụ của hình cảnh lại chấm dứt.
Kể từ lúc đó, biện lý tự đảm nhiệm cuộc điều tra.
Biện lý cũng có thể ra lệnh cho các hình cảnh lại tiếp tục công việc điều tra.
Điều thứ 62 - Nếu cần, biện lý và dự thẩm có quyền thân hành sang địa hạt tòa án lân cận để tiếp tục cuộc điều tra nhưng phải báo trước cho biện lý tòa án ấy.
Biên bản phải ghi rõ lý do sự di chuyển.
Điều thứ 63 - Trong trường hợp trọng tội quả tang và nếu dự thẩm chưa thụ lý, biện lý có quyền xuất trát dẫn giải đối với mọi người bị tình nghi có tham dự vào vụ phạm pháp.
Biện lý lấy cung tức khắc người bị dẫn trình. Nếu người này tự ý đến trình diện cùng với luật sư, biện lý chỉ có thể hỏi cung với sự hiện diện của luật sư.
Điều thứ 64 - Trong trường hợp khinh tội quả tang, nếu hình luật có dự liệu phạt giam và nếu dự thẩm chưa thụ lý, biện lý có quyền hạ trát tống giam bị can sau khi xét hỏi lý lịch và lấy cung về tội phạm.
Biện lý sẽ đưa nội vụ ra tòa án theo thủ tục dự liệu nơi quyển hai Bộ luật này, trừ những trường hợp có luật riêng biệt định khác.
Điều thứ 65 - Nếu dự thẩm có mặt nơi xảy ra vụ phạm pháp, biện lý cùng các hình cảnh lại đương nhiên chấm dứt nhiệm vụ, và kể từ lúc đó, dự thẩm tự đảm nhiệm cuộc điều tra Dự thẩm cũng có thể ra lệnh cho các hình cảnh, lại tiếp tục công việc điều tra.
Sau khi cuộc điều tra kết thúc, dự thẩm chuyển hồ sơ đến biện lý để tuỳ nghi.
Nếu biện lý và dự thẩm cùng một lúc đến nơi xảy ra vụ phạm pháp, biện lý có thể ra khởi tố lệnh trạng yêu cầu dự thẩm mở cuộc thẩm vấn.
Điều thứ 66 - Trong trường hợp phạm pháp quả tang nếu là một trọng tội hay một khinh tội có thể bị phạt giam, mọi công dân có quyền bắt thủ phạm dẫn ngay đến hình cảnh lại gần nhứt.
Điều thứ 67 - Khi phát giác một tử thi, dầu là trường hợp bất đắc kì tử hay không, nếu nguyên nhân sự chết chưa được biết rõ hoặc khả nghi, hình cảnh lại phải trình ngay biện lý và cấp thời đến tại chỗ để nhận xét.
Nếu cần, biện lý thân hành đến nơi và nhờ chuyên viên xác định trường hợp sự chết. Tuy nhiên, biện lý có thể lựa chọn và uỷ nhiệm một hình cảnh lại thi hành công tác này.
Chuyên viên được triệu dụng phải ký tên tuyên thệ sẽ phát biểu ý kiến theo danh dự và lương tâm.
Biện lý cũng có thể ra khởi tố lệnh trạng yêu cầu dự thẩm mở cuộc thẩm vấn để tìm nguyên nhân sự chết.
CHƯƠNG THỨ III
Điều tra sơ vấn ngoài trường hợp phạm pháp quả tang
Điều thứ 68 - Sĩ quan và nhân viên cảnh sát tư pháp kể nơi điều 19 thừa lệnh biện lý hoặc đương nhiên mở cuộc điều tra sơ vấn.
Chưởng lý có quyền kiểm soát các cuộc điều tra.
Điều thứ 69 - Các cuộc khám xét người hay nhà và sai áp tang vật phải có sự ưng thuận minh thị của đương sự.
Biên bản phải ghi rõ sự ưng thuận này.
Các thể thức dự liệu nơi điều 50 và 53 khoản 1 phải đựơc áp dụng.
Điều thứ 70 - Nếu vì nhu cầu cuộc điều tra cần tạm giữ một người quá hai mươi bốn (24) giờ, hình cảnh lại phải tôn trọng những thời hạn và thể thức dự liệu nơi điều 57 và 58.
Trong trường hợp đặc biệt, biện lý có thể, với quyết định có viện dẫn lý do, cho phép triển hạn thời gian tạm giữ mà khỏi buộc dẫn trình bị điều tra như đã dự liệu tại điều 57.
THIÊN THỨ III
Cơ quan thẩm vấn
CHƯƠNG THỨ NHỨT
Dự thẩm
TIẾT I
Điều khoản tổng quát
Điều thứ 71 - Về trọng tội, bắt buộc phải có cuộc thẩm vấn; về khinh tội, sự thẩm vấn có tánh cách nhiệm ý, trừ phi luật định khác; về vi cảnh có thể thẩm vấn, nếu biện lý yêu cầu chiếu điều 36.
Điều thứ 72 - Dự thẩm có nhiệm vụ thẩm vấn.
Dự thẩm không được dự vào công việc xét xử những vụ chính mình đã thẩm vấn; nếu không, việc xét xử sẽ vô hiệu.
Điều thứ 73 - Dự thẩm phải được lựa chọn trong các thẩm phán xử án tòa sơ thẩm, có tối thiểu năm (5) năm thực sự đảm trách nhiệm vụ thẩm phán.
Chánh nhất tòa thượng thẩm cũng có thể bằng định lệnh sau khi hội ý với chưởng lý, ùy nhiệm một thẩm phán xử án tòa sơ thẩm, tạm thời thi hành nhiệm vụ dự thẩm.
Trong trường hợp dự thẩm vắng mặt, lâm bệnh, hay bị ngăn trở vì lý do nào khác, chánh nhất tòa thượng thẩm sẽ tạm thời chỉ định một thẩm phán xử án khác thay thế.
Điều thứ 74 - Dự thẩm chỉ có thể thẩm vấn khi có lệnh trạng của biện lý.
Lệnh trạng có thể khởi tố đích danh một người nào hay khởi tố vô danh.
Dự thẩm có quyền khép tội không những thủ phạm mà cả đồng phạm hay tòng phạm liên quan đến nhửng sự kiện được thụ lý.
Nếu dự thẩm được biết có những sự kiện không bọ truy tố theo lệnh trạng, thì phải lập tức thông tri biện lý các đơn khiếu tố hoặc biên bản ghi nhận những sự kiện ấy.
Trong trường hợp có đơn xin đứng dân sự nguyên cáo dự thẩm sẽ hành sử theo điều 81 dưới đây.
Điều thứ 75 - Dự thẩm nơi xảy ra vụ phạm pháp, dự thẩm nơi cư sở của một trong những nghi can, dự thẩm nơi bắt được người tình nghi phạm pháp, dù người này bị bắt vì một duyên cớ khác, đều có quyền thẩm vấn.
Điều thứ 76 - Dự thẩm thực hiện đúng theo luật tất cả các hành vi thẩm vấn cần thiết để phát huy sự thật.
Các tài liệu, hồ sơ phải được lục sự đánh số thứ tự và ghi vào bảng kê ngay khi lập xong, hay ngay khi dự thẩm nhận được.
Đối với hồ sơ có bị can bị tạm giam, mỗi tài liệu, hồ sơ phải được thành lập hai (2) bản, một bản chánh và một bản sao hoặc phóng ảnh được lục sự chứng thực y bản chánh.
Nếu không thể tự mình làm một hành vi thẩm vấn nào, dự thẩm có thể uỷ thác hình cảnh lại theo điều kiện dự liệu nơi điều 155 và 156.
Dự thẩm phải tự mình hoặc uỷ thác hình cảnh lại điều tra về nhân cách, hoàn cảnh vật chất, gia đình hay xã hội của bị can một trọng tội. Tuy nhiên, về khinh tội, cuộc điều tra này có tình cách nhiệm ý.
Dự thẩm có thể truyền mở cuộc khám nghiệm y khoa về sức khỏe hay tinh thần của bị can, hoặc cho thi hành mọi biện pháp thích nghi. Nếu bị can hay gia đình hoặc luật sư xin khám nghiệm như nói ở trên, dự thẩm nếu khước từ phải ra án lệnh có viện dẫn lý do.
Trong khi thi hành nhiệm vụ, dự thẩm có quyền triệu dụng công lực.
Điều thứ 77 - Trong khởi tố lệnh trạng, và ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc thẩm vấn, với phụ tố lệnh trạng biện lý có thể yêu cầu dự thẩm thi hành mọi hành vi xét ra cần thiết để phát huy sự thật. Để đạt mục tiêu đó, biện lý có thể yêu cầu dự thẩm thông tri hồ sơ, nhưng phải hoàn lại trong vòng hai mươi bốn (24) giờ.
Nếu dự thẩm không đồng ý thi hành các hành vi ấy, thì phải tuyên án lệnh có viện dẫn lý do trong hạn năm (5) ngày, kể từ khi có lệnh trạng.
Điều thứ 78 - Việc phân phối hồ sơ thẩm vấn giữa các dự thẩm sẽ do dự thẩm niên trưởng toà sở lại quyết định, nếu tòa này có nhiều dự thẩm.
Điều thứ 79 - Chánh án tòa sơ thẩm, vì lợi ích của việc điều hành công lý, có thể cử một dự thẩm hoặc một thẩm phán xử án đồng tòa để thay thế một dự thẩm trong một vụ thẩm vấn chiếu lệnh trạng có viện dẫn lý do của biện lý. Biện lý hành sử như trên hoặc tự ý hoặc theo đơn xin của bị can hoặc dân sự nguyên cáo.
Chánh án phải quyết định trong hạn tám (8) ngày kể từ ngày nhận lệnh trạng của biện lý. Quyết định này không thể bị thượng cầu.
Nếu cần cử một dự thẩm hoặc một thẩm phán xử án thuộc quản hạt một tòa khác thì sẽ do chánh nhất tòa thượng thẩm quyết định trong hạn mười lăm (15) ngày kể từ khi nhận lệnh trạng của biện lý định lệnh này cũng không thể bị thượng cầu.
TIẾT II
Việc đứng dân sự nguyên cáo
Điều thứ 80 - Người nào tự cho là bị thiệt hại vì một trọng tội hay một khinh tội có thể nạp đơn khiếu tố cho dự thẩm có thẩm quyền và xin đứng dân sự nguyên cáo.
Điều thứ 81 - Dự thẩm sẽ thông tri đơn khiếu tố cho biện lý để vị này kết luận.
Lệnh trạng có thể truy tố đích danh một người nào hay truy tố vô danh.
Biện lý chỉ có thể yêu cầu dự thẩm khước từ thẩm vấn, nếu công tố, quyền không thể phát động được hoặc nếu các sự kiện nại dẫn, dù có chứng minh đu nữa, cũng không cấu thành một tội phạm nào. Nếu không đồng ý và cứ mở cuộc thẩm vấn, dự thẩm phải ra án lệnh có viện dẫn lý do.
Nếu đơn khiếu tố thiếu lý do hoặc thiếu văn kiện chứng minh, biện lý cả thể ra lệnh trạng yêu cầu dự thẩm tạm thời thẩm cứu những người mà cuộc thẩm vấn sẽ tìm ra.
Trong trường hợp trên, người nào bị ám chỉ trong đơn khiếu tố sẽ được lấy cung với tư cách nhân chứng cho đến khi có thể bị truy tố hay cho đến lúc có lệnh trạng mới ghi đích danh bị can, trừ phi ngưòi ấy yêu cầu áp dụng điều 99 mà nội dung phải được dự thẩm đọc cho y rõ.
Điều thứ 82 - Có thể xin đứng dân sự nguyên cáo bất cứ ở giai đoạn nào của cuộc thẩm vấn. Đơn đứng dân sự nguyên cáo không bắt buộc theo một hình thức nhất định nào và khỏi phải tống đạt cho các đương sự khác. Thỉnh cầu bồi thường cũng được coi như đơn xin đứng dân sự nguyên cáo.
Công tố viện, bị can hay một dân sự nguyên cáo khác có thể phủ nhận sự khả chấp của đơn xin đứng dân sự nguyên cáo.
Trong trường hợp trên, hoặc nếu dự thẩm đương nhiên tuyên bố đơn xin đứng dân sự nguyên cáo bất khả chấp nhận, dự thẩm sẽ ra án lệnh có viện lý do, sau khi thông tri hồ sơ cho công tố viện.
Điều thứ 83 - Nếu không được hưởng tư pháp bảo trợ, dân sự nguyên cáo khởi động công tố quyền phải nạp tại phòng lục sự một số dự phí cần thiết do dự thẩm ấn định; bằng không, đơn khởi tố sẽ không được chấp nhận.
Điều thứ 84 - Mọi dân sự nguyên cáo không cư ngụ trong địa hoạt tòa án đương tiến hành cuộc thẩm vấn phải tuyên định cư sở tại trụ sở tòa án, bằng chứng thư lập tại phòng lục sự.
Nếu không tuyên định cư sở, dân sự nguyên cáo không thể nại dẫn sự thiếu tống đạt những văn kiện mà luật buộc phải tống đạt cho y.
Điều thứ 85 - Trong trường hợp vô thẩm quyền chiếu điều 75, dự thẩm sẽ ra án lệnh tống hồi dân sự nguyên cáo tuỳ nghi khiếu nại trước tòa án có thẩm quyền, sau khi công tố viện kết luận.
Điều thứ 86 - Khi cuộc thẩm vấn mở theo đơn của dân sự nguyên cáo được kết thúc bằng một án lệnh miễn tố, không kể trường hợp dân sự nguyên cáo bọ truy tố về tội vu cáo, bị can cũng như những người bị ám chỉ trong đơn khiếu tố, có thể xin bồi thường thiệt hại, theo thể thức sau đây, nếu họ không xử dụng tố quyền dân sự.
Tố quyền đòi bồi thường thiệt hại phải được xử dụng trong hạn ba (3) tháng kể từ ngày án lệnh miễn tố thành nhất định. Đương sự trực tố đối phương ra trước tòa tiểu hình nơi vụ án đã được thẩm vấn. Hồ sơ vụ thẩm vấn được chuyển ngay đến tòa án này để thống tri cho các đương sự. Cuộc tranh luận giữa các đương sự hay luật sư và kết luận của công tố viện diễn ra trong phòng thẩm nghị. Án văn sẽ tuyên tại phiên xử công khai.
Nếu xử phạt, tòa án có thể truyền đăng bản sao hay trích lục án văn trong một hay nhiều tờ báo do tòa chỉ định, sở phí về phần người bị kết phạt gánh chịu.
Sự kháng tố, nếu có, và sự kháng cao được chấp nhận trong thời hạn thông thường về việc tiểu hình.
vụ kháng cao sẽ được phòng kháng cao tiểu hình của tòa thượng thẩm xét xử theo thể thức áp dụng trước tòa sơ thẩm.
Phúc quyết có thể bị thượng tố như những phúc quyết về hình sự.
TIẾT III
Thân đáo trường sở, khám xét và sai áp
Điều thứ 87 - Sau khi thụ lý bởi khởi tố lệnh trạng và cáo tri biện lý, dự thẩm có thể thân đáo tường sở để kiểm chứng hay khám xét. Biện lý có thể cùng đi với dự thểm.
Dự thẩm khi thân đáo trường sở luôn luôn có lục sự phụ tá và phải lập biên bản về mọi tác vụ.
Điều thứ 88 - Nếu cần, sau khi cáo tri biện lý, dự thẩm có thể cùng lục sự thân hành đến địa hạt các tòa án kế cận để làm mọi hành vi thẩm vấn, nhưng phải báo trước biện lý sở tại. Biên bản phải ghi rõ lý do việc di chuyển.
Điều thứ 89 - Dự thẩm có quyền khám xét bất cứ nơi nào có thể tìm ra những đồ vật cần thiết cho việc phát huy sự thật.
Điều thứ 90 - Nếu khám xét nhà của bị can, dự thẩm phải tuân theo những thể thức dự liệu nơi điều 51 và 53.
Điều thứ 91 - Khi khám xét một nhà khác, không phải nhà của bi can, gia chủ phải được mời dự kiến. Nếu người này vắng mặt hay từ khước, việc khám xét sẽ được thực hiện trước sự hiện diện của hai người trong thân thuộc hay thích thuộc của gia chủ có mặt tại chỗ, hoặc hay người chứng.
Dự thẩm phải tuân theo những thể thức ấn định nơi điều 51 khoản 2 và 53.
Tuy nhiên, trước hết dự thẩm phải thi hành mọi biện pháp cần thiết để tôn trọng bí mật nghề nghiệp và quyền bào chữa của bị can.
Điều thứ 92 - Trong khi thẩm vấn và nếu phải tìm kiếm tài liệu, chỉ dự thẩm hay hình cảnh lại được ủy thác mới có quyền xem xét các tài liệu trước khi sai áp. Tuy nhiên, việc tìm kiếm và xem xét này phải được thực hiện chỉ vì nhu cầu của cuộc thẩm vấn và phải tôn trọng những thể thức nói nơi điều trên.
Đồ vật và văn kiện sai áp phải được kê khai và niêm phong ngay.
Nếu đã niêm phong, chỉ được mở niêm và kiểm điểm các tài liệu trước sự hiện diện của bị can có luật sư hỗ trợ hoặc sau khi các người ấy được mời hợp lệ. Đệ tam nhân bị xét nhà và bị sai áp tài liệu cũng phải được mời dự kiến.
Dự thẩm chỉ duy trì sự sai áp những đồ vật và tài liệu cần thiết cho việc phát huy sự thật, hoặc những tài vật nếu để tiết lộ, sẽ phương hại cho cuộc thẩm vấn.
Nếu không có gì trở ngại cho cuộc thẩm vấn, dự thẩm có thể cho phép các đương sự, trong thời hạn thật ngắn, sao lại hoặc phóng ảnh các tài liệu mà sự sai áp được duy trì; sở phí do đương sự gánh chịu.
Nếu sự sai áp được thực hiện trên những tài vật mà nguyên trạng không cần bảo lưu để phát huy sự thật hoặc để bảo vệ quyền lợi của các đương sự như tiền mặt, bạc nén hay vàng nén, chứng khoán hay giá khoán, dự thẩm sẽ truyền lục sự ký nạp tại quỹ cung thác hay ngân hàng quốc gia.
Điều thứ 93 - Trừ trường hợp cần thiết cho cuộc thẩm vấn người nào tiết lộ, bất cứ bằng phương cách gì tài liệu bị sai áp trong một cuộc khám xét, cho người nào khác mà theo luật không đựơc quyền biết đến, nếu không có sự ưng thuận của bị can hay người thụ quyền hoặc tác giả hay người tiếp nhận tài liệu đó, sẽ bị trừng phạt như dự liệu nơi điều 52.
Điều thứ 94 - Bị can, dân sự nguyên cáo hay bất cứ người nào cho rằng mình có quyền lợi đối với tài vật bị sai áp, đều có thể xin dự thẩm hoàn trả.
Đơn xin của bị can hay dân sự nguyên cáo phải được thông tri cho đối phương và công tố viện. Đơn của đệ tam nhân cũng phải được thông tri cho bị can, dân sự nguyên cáo và công tố viện. Những người được thông tri co thể phát biểu ý kiến trong hạn ba (3) ngày.
Án lệnh của dự thẩm về tang vật bị sai áp sẽ được phòng luận tội xét lại nếu có sự kháng cáo của các đương sự trong hạn mười (10) ngày, kể từ khi tống đạt. Cuộc thẩm vấn không vì thế mà bị đình hoãn.
Đệ tam nhân cũng có thể trình bày ý kiến trước phòng luận tội như các đương sự, nhưng không có quyền tham khảo hồ sơ.
Điều thứ 95 - Sau khi có án lệnh miễn tố, dự thẩm vẫn có thẩm quyền xét đơn xin hoàn trả đồ vật bị sai áp. Án lệnh của dự thẩm có thể được phòng luận tội xét lại như đã dự liệu nơi điều trên.
TIẾT IV
Chấp cung nhân chứng
Điều thứ 96 - Dự thẩm có thể nhờ thừa phát lại hay nhân viên công lực đòi đến phòng dự thẩm tất cả những người mà lời khai xét ra cần thiết. Bản sao trát đòi sẽ được giao cho đương sự.
Dự thẩm cũng có thể đòi nhân chứng bằng thơ thường, thơ bảo đảm hoạc theo hệ thống hành chánh. Ngoài ra, nhân chứng cũng có thể tự ý đến cung khai.
Điều thứ 97 - Dự thẩm, có lục sự phụ tá, lấy cung riêng từng nhân chứng, ngoài sự hiện diện của bị can và phải lập biên bản hỏi cung.
Nếu cần dự thẩm có thể nhờ thông ngôn trợ giúp. Thông ngôn phải ít nhất hai mươi mốt (21) tuổi và không được lựa chọn trong số nhân chứng hoặc lục sự đang ghi cung. Nếu không phải là thông ngôn hữu thệ, người được chỉ định phải tuyên thệ sẽ phiên dịch các lời khai một cách trung thực.
Điều thứ 98 - Nhân chứng tuyên thệ khai tất cả sự thật và chỉ khai sự thật. Thiếu nhi dưới mười sáu (16) tuổi được miễn tuyên thệ. Dự thẩm hỏi lý lịch, nghề nghiệp, cư sở của nhân chứng, mức độ liên hệ thân thuộc hay thích thuộc hoặc những mối liên hệ khác giữa nhân chứng và các đương sự.
Câu hỏi và câu trả lời phải được ghi trong biên bản.
Điều thứ 99 - Người nào bị tố cáo đích danh trong một đơn đứng dân sự nguyên cáo chánh tố có quyền từ chối cung khai với tư cách nhân chứng. Trong trường hợp đó, dự thẩm chỉ có thể chấp cung họ với tư cách bị can. Năng quyền trên phải được dự thẩm báo cho các đương sự, sau khi cho họ rõ nội dung đơn khiếu tố và cho ghi điểm này vào biên bản.
Điều thứ 100 - Khi có những chứng tích hệ trọng và phù hợp để suy luận rằng một người nào phạm tội, dự thẩm hay thẩm phán và hình cảnh lại được ủy thác thẩm vấn không thể với dụng ý làm phương hại quyền biện hộ, chấp cung người ấy với tư cách nhân chứng.
Điều thứ 101 - Mỗi trang biên bản phải được dự thẩm, lục sự và nhân chứng ký tên. Nhân chứng được đọc lại lời khai như đã ghi, và ký tên nếu giữ nguyên lời khai.
Trong trường hợp nhân chứng không biết chữ, lục sự phải đọc lại biên bản rõ ràng và yêu cầu nhân chứng lăn tay. Nếu nhân chứng không chịu ký hay không chịu lăn tay, phải ghi điểm đó vào biên bản.
Nếu có thông ngôn phụ giúp, thông ngôn cũng ký tên vào mỗi trang biên bản.
Điều thứ 102 - Biên bản không được viết chen hàng. Những chữ bôi bỏ hoặc viết thêm phải được dự thẩm, lục sự, nhân chứng và thông ngôn, nếu có, ký chuẩn nhận. Nếu không, những chữ bôi bỏ và viết thêm bị coi như vô hiệu.
Biên bản không ký tên hợp lệ cũng vô hiệu.
Điều thứ 103 - Nhân chứng được trát đòi phải xuất diện, tuyên thệ và công khai, trừ phi được miễn như đã dự liệu trong Bộ hình luật.
Nếu nhân chứng không xuất hiện, dự thẩm xuất lệnh triệu dụng công lực buộc họ phải đến, và phạt vạ từ sáu trăm một (601$) đến hai ngàn (2.000$) đồng bạc.
Dự thẩm có thể miễn phạt nếu sau này nhân chứng trình diện và bày tỏ lý do chính đáng về sự vắng mặt.
Nhân chứng từ chối tuyên thệ và cung khai cũng có thể bị phạt như trên.
Nhân chứng bị phạt như trên có thể kháng cáo trước phòng luận tội trong hạn ba (3) ngày, kể từ ngày bị kết phạt. Nếu bị phạt khuyết tịch, thời hạn kháng cáo khởi lưu từ ngày được tống đạt án lệnh tuyên phạt.
Điều thứ 104 - Người nào công khai tuyên bố biết rõ thủ phạm một trọng tội hay khinh tội mà từ chối không trả lời các câu hỏi của dự thẩm về điểm ấy, sẽ bị giam từ mười một (11) ngày đến một (1) năm và phạt vạ từ sáu trăm một (601$) đến năm ngàn (5.000$) đồng bạc.
Điều thứ 105 - Nếu nhân chứng ở trong tình trạng không thể xuất diện, dự thẩm sẽ thân hành đến nơi để chấp cung hoặc ủy thác hỏi cung theo thể thức dự liệu nơi điều 155.
Nhân chứng được chấp cung như trên, nếu không thật sự ở trong tình trạng không thể xuất diện, có thể bị dự thẩm tuyên phạt theo điều 103.
TIẾT V
Hỏi cung và đối chất
Điều thứ 106 - Khi lấy cung lần đầu, dự thẩm xác định lý lịch của bị can, cho y biết từng sự kiện y bị qui trách và đồng thời báo cho bị can hay y có quyền không trả lời. Biên bản phải ghi rõ là bị can đã được báo như vậy.
Nếu bị can muốn cung khai, dự thẩm phải lập tức tiếp nhận lời khai.
Dân sự nguyên cáo cũng được quyền có luật sư dự kiến khi cung khai lần đầu.
Các thể thức qui định sự dự kiến của luật sư tại biện lý cuộc nói ở điều 45 cũng sẽ được áp dụng tại phòng dự thẩm.
Lấy cung lần đầu, dự thẩm cho bị can biết phải thông báo ngay mỗi lần thay đổi địa chỉ. Bị can cũng có thể tuyển định cư sở trong quản hạt tòa án.
Điều thứ 107 - Mặc dầu có qui tắc trên đây, dự thẩm cũng có thể mở ngay cuộc thẩm vấn và đối chấp nếu có khẩn cấp, như gặp trường hợp nhân chứng hay đồng phạm đang trong tình trạng hấp hối hoặc sợ chứng tích sẽ tiêu tan.
Biên bản phải ghi lý do của sự khẩn cấp.
Điều thứ 108 - Dự thẩm phải để cho bị can cùng nhân chứng tự do cung khai.
Điều thứ 109 - Ngay sau khi cung khai lần đầu, bị can bị tạm giam có quyền tự do liên lạc với luật sư.
Dự thẩm có quyền cấm bị can tiếp xúc với mọi người trong thời hạn mười (10) ngày và chỉ có thể gia hạn thêm mười (10) ngày nữa mà thôi.
Trong mọi trường hợp, lệnh cấm này không áp dụng cho luật sư.
Điều thứ 110 - Ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc thẩm vấn, bị can cũng như dân sự nguyên cáo có thể cho dự thẩm biết tên luật sư mà họ lựa chon. Nếu có nhiều luật sư, phải cho biết một luật sư được chọn để tiếp nhận trát mời và giấy tờ tống đạt.
Điều thứ 111 - Bị can và dân sự nguyên cáo chỉ có thể bị chấp cung hay đối chất với sự dự thính cùa luật sư, trừ phi họ mình bị khước từ quyền ấy, hay luật sư được mời hợp lệ mà không tới.
Luật sư được mời trễ lắm là bốn mươi tám (48) giờ trước ngày thẩm vấn.
Hồ sơ phải để cho luật sư tham khảo ít nhất hai mươi bốn (24) giờ trước khi thẩm vấn bị can cũng như dân sự nguyên cáo.
Điều thứ 112 - Biện lý có thể dự kiến các cuộc hỏi cung và đối chất, nhưng phải báo dự thẩm biết trước ý định ấy.
Trong trường hợp này, lục sự phòng dự thẩm phải gởi giấy mời ít nhất bốn mươi tám (48) giờ trước ngày thẩm vấn.
Điều thứ 113 - Biện lý cũng như luật sư của bị can và của dân sự nguyên cáo được quyền nêu câu hỏi.
Nếu dự thẩm từ chối, nguyên văn cân hỏi phải được chép lại hay đính theo biên bản.
Điều thứ 114 - Biên bản hỏi cung và đối chất được lập theo thể thức ấn định nơi điều 101 và 102.
Nếu có thông ngôn, thể thức dự liệu nơi điều 97 sẽ được áp dụng.
Điều thứ 115 - Biện lý cũng như luật sư của bị can và của dân sự nguyên cáo, trong suốt thời gian thẩm vấn, đều có thể kết luận viết yêu cầu dự thẩm hỏi thêm các nhân chứng khác, cho đối chất, truyền mở cuộc giám định và thực hiện bất cứ một hành vi thẩm vấn nào xét ra cần thiết và có lợi ích cho bị can hay dân sự nguyên cáo.
Dự thẩm phải quyết định trong thời hạn năm (5) ngày kể từ ngày nhận được kết luận. Quá hạn đó kể như thỉnh cầu điều tra bổ túc của đương sự đã được mặc nhiên chấp nhận và dự thẩm phải thi hành.
Nếu khước từ những lời yêu cầu điều tra bổ túc, dự thẩm phải ra án lệnh có viện dẫn lý do. Cũng như biện lý, bị can hoặc dân sự nguyên cáo có thể tùy ý hoặc nhờ luật sư của họ kháng cáo lên phòng luận tội.
TIẾT VI
Các loại trát và việc chấp hành trát
Điều thứ 116 - Dự thẩm có thể, tuỳ trường hợp, hạ trát đòi, trát dẫn giải, trát tống giam và trát bắt giam.
Trát đòi là lệnh truyền bị can phải trình diện trước dự thẩm vào ngày giờ ghi trong trát.
Trát dẫn giải là lệnh truyền cho công lực dẫn ngay bị can đến trình diện trước dự thẩm.
Trát tống giam là lệnh truyền cho chánh giám trị trại giam nhận lãnh và tạm giam bị can. Cũng có thể dùng sát này để truy tầm hay di chuyển bị can nếu y đã được tống đạt trát ấy.
Trát bắt giam là lệnh truyền cho công lực truy tầm bị can, và giải y tới trại giam ghi trong trát.
Điều thứ 117 - Trát phải ghi rõ lý lịch của bị can, phải có nhật kỳ và ấn ký của dự thẩm. Đối với mỗi bị can phải lập một trát riêng biệt.
Ngoài ra, trát dẫn giải, tống giam, và bắt giam còn phải ghi thêm tội danh cùng điều luật áp dụng.
Trát đòi do thừa phát lại hay nhân viên cảnh sát tư pháp hay nhân viên công lực tống đạt cho đương sự. Bản sao trát được giao cho đương sự sau khi ký nhận vào bản chánh.
Trát dẫn giải hay trát bắt giam sẽ do nhân viên cảnh sát tư pháp hay nhân viên công lực tống đạt và thi hành phải cho bị can xem trát và giai bản sao cho y.
Nếu bị can đã bị tạm giam vì một tội khác, thể thức tống đạt trát cũng như trên. Ngoài ra, biện lý cũng có thể chỉ thị chánh giám thị trại tạm giam thi hành việc tống đạt trát.
Gặp trường hợp khẩn cấp, trát dẫn giải và trát bắt giam có thể được phổ biến bằng mọi phương tiện. Trong trường hợp này, phải nêu rõ những ghi chú chánh yếu của trát, nhất là lý lịch của bị can, tội danh, tên mà chức vụ của thẩm phán hạ trát. Bản chánh trát nói trên phải được chuyển giao cho nhân viên có nhiệm vụ thi hành trong thời hạn tối thiểu.
Dự thẩm tống đạt trát tống giam cho bị can và ghi điểm này vào biên bản hỏi cung.
Điều thứ 118 - Các loại trát có hiệu lực chấp hành trên toàn lãnh thổ quốc gia.
Điều thứ 119 - Dự thẩm hỏi cung ngay khi bị can đến trình diện theo trát đòi.
Bị can bị bắt vì trát dẫn giải cũng được hỏi cung như trên. Nếu không được hỏi cung ngay bi can được đưa đến trại tạm giam, nhưng không thể bị tạm giữ quá hai mươi bốn (24) giờ.
Hết hạn tạm giam, chánh giám thị phải tự động dẫn liền bị can đến biện lý cuộc để biện lý yêu cầu dự thẩm hỏi cung ngay. Nếu dự thẫm vắng mặt, chánh án hay thẩm phán do chánh án chỉ định sẽ hỏi cung ngay, bằng không bị can phải được phóng thích.
Điều luật này và điều 120 cũng áp dụng đối với bị can bị dẫn trình cùng với khởi tố lệnh trạng hay phụ tố lệnh trạng của biện lý.
Điếu thứ 120 - Bị can bị bắt vì trát dẫn giải bị giữ quá hai mươi bốn (24) giờ trong trại tạm giam mà không được hỏi cung, phải được coi như bị giam cầm trái phép.
Thẩm phán hay công chức đã ra lệnh hoặc tự mình dung túng sự giam cầm trái phép, sẽ bị phạt về tội giam cầm trái phép như qui định trong Bộ hình luật.
Điều thứ 121 - Bị can bị truy tầm do trát dẫn giải, bị bắt ngoài quản hạt tòa án nơi dự thẩm hạ trát, sẽ được dẫn trình biện lý tòa án nơi bắt được y.
Biện lý hỏi lý lịch bị can, tiếp nhận lời khai, sau khi cho đương sự biết y có quyền không cung khai, hỏi y có bằng lòng được dẫn giải hay chịu tạm giữ để đợi quyết định của dự thẩm hạ trát. Nếu bị can không chịu dẫn giải ngay, y được đưa đến trại tạm giam, và nội vụ được thông báo cấp thời cho dự thẩm có thẩm quyền kèm theo biên bản có ghi đầy đủ tướng mạo của bị can và các chi tiết khàc để dễ xác định lý lịch của đương sự.
Biên bản ấy phải ghi rằng bị can đã được thông báo rõ cho y có quyền không cung khai.
Điều thứ 122 - Ngay sau khi nhận được các văn kiện trên, dự thẩm có thẩm quyền sẽ quyết định có nên di chuyển bị can hay không.
Điều thứ 123 - Nếu không tìm được bị can bị truy tầm theo trát dẫn giải, trát phải được trình cho xã trưởng hay phó xã trưởng an ninh hoặc chỉ huy trưởng cảnh sát tỉnh ngay quận nơi bị can trú ngụ. Các viên chức này phải kiểm nhận và hoàn trát lại dự thẩm với biên bản thi hành vô hiệu quả.
Bị can không tuân theo trát dẫn giải hay toan trốn sau khi khai sẵn sàng tuân hành, sẽ bị cưỡng bách bằng võ lực. Nhân viên thi hành trát sẽ nhờ công lực nơi gần nhất hỗ trợ. Công lực phải tuân theo lệnh triệu dụng ghi trong trát.
Điều thứ 124 - Trong trường hợp bị can tại đào, hoặc trú ngụ ngoài lãnh thổ quốc gia dự thẩm sau khi hội ý biện lý có thể ra trát bắt giam, nếu sự phạm pháp đưa đến một hình pạt giam tiểu hình hay một hình phạt nặng hơn.
Điều thứ 125 - Bị can bị bắt vì trát bắt giam, phải được dẫn ngay đến trại giam ghi trong trát, ngoại trừ trường hợp dự liệu nơi điều 126 đoạn 2.
Chánh giám thị cấp cho viên chức thi hành trát tờ nhận lãnh bị can.
Điều thứ 126 - Bị can phải được hỏi cung trong vòng bốn mươi tám (48) giờ kể từ khi tị tạm giữ, nếu để quá hạn này mà không hỏi cung thì sẽ áp dụng các điều 119 khoản 3 và 120.
Nếu bị bắt ngoài quản hạt tòa án nơi dự thẩm hạ trát, bị can sẽ được dẫn trình ngay biện lý nơi y bị bắt. Biện lý lấy lời khai, sau khi cho đương sự biết y có quyền không cung khai. Điểm này phải được ghi vào biên bản.
Biện lý cấp thời thông báo dự thẩm đã hạ trát, đồng thời truyền di chuyển bi can. Nếu không thể di chuyển ngay được, biện lý sẽ hỏi ý kiến dự thẩm nói trên.
Điều thứ 127 - Nhân viên thi hành trát bắt giam không được đột nhập tư gia trước sáu (6) giờ sáng và sau tám (8) giờ tối.
Viên chức ấy có thể dẫn theo một số nhân viên công lực cần thiết để ngăn lừa bị can đào tẩu. Công lực tại nơi gần nhất được triệu dụng và phải tuân lệnh ghi trong trát.
Nếu không bắt được bị can, phải tống đạt trát tại chỗ ở sau cùng của y và lập biên bản khám xét.
Biên bản được lập trước sự hiện diện của hai người láng giềng gần nhất. Hai người này phải ký vào biên bản. Nếu họ không biết ký hoặc không chịu ký sẽ áp dụng điều 101 khoản 2.
Trát được trình cho xã trưởng hay phó xã trưởng an ninh hoặc chỉ huy trưởng cảnh sát tỉnh hay quận nơi bị can trù ngụ để kiểm nhận; bản sao trát được giao cho các viên chức này.
Trát bắt giam và biên bản được chuyển đến thẩm phán đã kí trát hay phòng lục sự tòa án nơi thẩm phán này tùng sự.
Điều thứ 128 - Dự thẩm chỉ có thể hạ trát tống giam sau khi hỏi cung bị can và nếu sự phạm pháp có thể bị xử phạt giam về khinh tội hay một hình phạt nặng hơn.
Tống giam hay tạm thích bị can, dự thẩm phải ra án lệnh có viện dẫn lý do. Dù có kháng cáo, án lệnh này cũng phải được thi hành.
Điều thứ 129 - Lục sự vi phạm thủ tục về trát đòi, trát dẫn giải, trát tống giam và trát bắt giam sẽ bị chánh thẩm phòng luận tội xử phạt hai ngàn (2000$) tiền vạn dân sự. Riêng đối với dự thẩm và biện lý quá thất như trên có thể bị chế tài về kỉ luật cùng khiếu tố thẩm phán.
Không kể những hình phạt nặng hơn, điều khoản luật này cũng áp dụng đối với mọi vi phạm các biện pháp nhằm bảo vệ tự do cá nhân dự liệu trong các điều 50, 51, 53, 91, 92, 131, 132, 134.
Trong các trường hợp trên đây cùng trong mọi trường hợp quyền tự do cá nhân, cơ quan hành pháp không quyền để khởi tranh thẩm và chỉ có cơ quan tài phán tư pháp mới có thẩm quyền xét xử.
Cũng thuộc thầm quyền chuyên độc của cơ quan tài phán tư pháp mọi tố quyền dân sự dựa vào các sự kiện cấu thành tội trạng xâm phạm tự do cá nhân như dự liệu trong Bộ hình luật, bất kể tố quyền này nhằm chống cơ quan hay nhân viên công quyền.
TIẾT VII
Kiểm soát tư pháp và tạm giam
Điều thứ 130 - Biện pháp kiểm soát tư pháp và tạm giam chỉ được thi hành nếu cần thiết cho việc thẩm vấn hoặc vì lý do an ninh, nhưng phải tuân theo những qui tắc và điều kiện dưới đây.
PHỤ TIẾT I
Kiểm soát tư pháp
Điều thứ 131 - Dự thẩm có thể ra lịnh thi hành biện pháp kiểm soát tư pháp nếu bị can có thể bị xử phạt giam về khinh tội hay một hình phạt nặng hơn.
Tuỳ theo quyết định của dự thẩm, bị can nói trên phải tuân hành một hay nhiều trách vụ sau:
1) Không được ra khỏi giới hạn địa phương do dự thẩm ấn định;
2) Chỉ được vắng mặt tại trú quán hay cư sở do dự thẩm ấn định nếu hội đủ điều kiện và lý do mà thẩm phán này đã qui định;
3) Không được lui tới hoặc chỉ được lui tới những nơi mà dự thẩm ấn định;
4) Phải thông báo dự thẩm mọi sự di chuyển vượt ra ngoài giới hạn địa phương;
5) Phải trình diện định kỳ trước cơ quan hay nhà chức trách đã được dự thẩm chỉ định để ngầm theo dõi những hành vi của bị can;
6) Phải trình diện mọi nhà chức trách hay mọi người được dự thẩm chỉ định nếu có lệnh đòi và, lâm thời tuân theo các biện pháp kiểm soát về những họat động nghề nghiệp hay sự chuyên cần học vấn của bị can;
7) Phải nạp cho phòng lục sự hoặc cơ quan cảnh sát hay an ninh mọi chứng từ về lý lịch, nhứt là thẻ căn cước, hay sổ thông hành. Cơ quan thâu nhận sẽ cấp phát cho đương sự một biên lai để dùng thay các giấy tờ đã nạp;
8) Không được lái mọi loại xe cộ hay một số loại xe cộ nào đó và lâm thời phải nạp tại phòng lục sự bằng lái xe để đổi lấy giấy biên nhận;
9) Không được gặp gỡ hoặc liên lạc bất cứ bằng cách nào với một số người mà dự thẩm đã đặc biệt cấm đoán;
10) Phải tuân theo những biện pháp khám nghiệm hay điều trị, săn sóc hay phải nắm bệnh viện để chữa trị, nhất là khi cần giải độc;
11) Phải nạp một khoản tiền bảo chứng mà dự thẩm sẽ ấn định tổng số cùng phân kỳ căn cứ theo khả năng tài chánh của bị can;
12) Không được tham dự vào một số hoạt động nghề nghiệp sợ rằng bị can có thể tái phạm pháp hoặc trong khi hay nhân khi hành nghề đó bị can đã phạm pháp.
Những thể thức áp dụng điều luật này sẽ được ấn định bằng sắc lệnh của Tổng Thống.
Điều thứ 132 - Ở bất cứ giai đoạn nào của cuộc thẩm vấn, dự thẩm cũng có thể ra án lệnh truyền đặt bị can trong tình trạng kiểm soát tư pháp.
Dự thẩm có thể bất cứ lúc nào buộc bị can nói trên phải chịu một hay nhiều trách vụ mới, sửa đổi hoặc hủy bỏ tất cản hay một phần những trách vụ đang áp dụng, hoặc nhứt thời chấp thuận giải trừ một số các trách vụ ấy.
Cùng ngày ra các án lệnh dự liệu nơi điều luật này, lục sự phải thông tri các án lệnh đó cho biện lý.
Điều thứ 133 - Bất cứ lúc nào, dự thẩm cũng có thể thâu hồi lệnh kiểm soát tư pháp, hoặc tự ý, hoặc do lệnh trạng của biện lý, hoặc theo thỉnh cầu của bi can, sau khi thông tri biện lý.
Trong thời hạn năm (5) ngày, dự thẩm sẽ ra án lệnh có viện dẫn lý do thanh quyết thỉnh cầu của bị can.
Quá hạn trên, nếu dự thẩm không quyết định, bị can có thể trực tiếp khiếu nại tại phòng luận tội. Chiếu kết luận viết có viện dẫn lý do của Chưởng lý, Phòng luận tội phải thanh quyết nội vụ trong hạn một (1) tháng kể từ ngày thụ lý. Nếu không, biện pháp kiểm soát tư pháp đương nhiên bị thâu hồi, trừ trường hợp phòng luận tội ra lệnh thẩm vấn bổ túc thỉnh cầu của bị can.
Điều thứ 134 - Những án lệnh truyền thi hành biện pháp kiểm soát tư pháp, hoặc bác đơn xin thâu hồi, hoặc sửa đổi biện pháp này sẽ do dự thẩm báo miệng cho bị can và có ghi sự thông báo này vào biên bản, hoặc do thừa phát lại tống đạt cho bị can.
Những án lệnh khác nhằm thi hành điều 132 và 133 được tống đạt bằng mọi cách.
Điều thứ 135 - Cơ quan tài phán có thẩm quyền chiếu điều 143 trừ khoản cuối trong một giai đoạn của thủ tục cũng có những quyền hạn như của dự thẩm nói tại điều 132 và 133.
Điều thứ 136 - Nếu bị can không tuân hành các biện pháp kiểm soát tư pháp, thì dù thời hạn phạt giam dự liệu thế nào, dự thẩm cũng có thể xuất trát bắt giam hay tống giam đương sự theo thể thức tạm giam qui định nơi các điều dưói đây.
Cơ quan tài phán định tại điều 143 trừ khoản cuối cùng có quyền hạn trên. Tuy nhiên, đối với bị can, trát bắt giam hay tống giam không được xử dụng và án lệnh câu lưu sẽ thi hành chiếu lệnh của chánh thẩm tòa đại hình hoặc trong thời gian giữa hai khóa toà đại hình sẽ do lệnh chánh thẩm phòng luận tội.
Điều thứ 137 - Cơ quan tài phán thụ lý, các trường hợp dự liệu từ điều 131 đến điều 136 sẽ theo thủ tục qui định tại điều 144.
PHỤ TIẾT II
Tạm giam
Điều thứ 138 - Về khinh tội, nếu mức tối đa hình phạt giam dự liệu dưới hai (2) năm và nếu bị can có nghề nghiệp, địa chỉ chắc chắn, chưa bị kết án về trọng tội hay chưa bị phạt giam quá ba (3) tháng về khinh tội thường luật, thời gian giam cứu sau lời hỏi cung đầu tiên không thể quá mười lăm (15) ngày.
Đối với khinh tội mà mức tối đa hình phạt giam bằng hay quá hai (2) năm, bị can có thể được tự do tạm nếu chưa có tiền án quá ba (3) tháng giam về các tội cố ý và có nghề nghiệp cùng địa chỉ chắc chắn. Nữ bị can, về các tội tiểu hình, có nghề nghiệp và địa chỉ chắc chắn, cũng có thể được tự do tạm, nếu có thai trên ba (3) tháng.
Điều thứ 139 - Đối với khinh tội mà mức tối đa hình phạt giam bằng hay quá hai (2) năm và nếu biện pháp kiểm soát tư pháp không đủ đáp ứng nhu cầu dự liệu tại điều 130, có thể ra lệnh hay duy trì tạm giam trong những trường hợp sau:
1) Sự tạm giam là biện pháp duy nhất để bảo lưu bằng cớ hay chứng tích vật thể hoặc để tránh cho nhân chứng khỏi bị áp lực, hoặc để ngăn ngừa những âm mưu giữa bị can và đồng lõa;
2) Sự tạm giam xét ra cần thiết để bảo vệ trật tự công cộng khỏi bị phá rối do sự phạm pháp gây ra, hoặc để che chở bị can, hoặc để chấm dứt sự phạm pháp hoặc để ngăn ngừa sự tái phạm cũng như để bảo đảm dự xuất diện của bị can trước tòa.
Cũng có thể tạm giam theo những điều kiện dự liệu nơi điều 136 trong trường hợp bị can không tuân hành các trách vụ về kiểm soát tư pháp.
Điều thứ 140 - Án lệnh truyền tạm giam của dự thẩm đặc biệt phải viện dẫn lý do đưa vào những yếu tố qui định nơi điều 139.
Án lệnh này có thể được xử dụng bất cứ lúc nào trong giai đoạn thẩm vấn.
Sự tạm giam không thể quá bốn (4) tháng. Tuy nhiên, dự thẩm có thể ra án lệnh có viện dẫn lý do triển hạn tạm giam. Sự tạm giam chỉ được triển hạn một lần không quá bốn (4) tháng.
Án lệnh nói tại đoạn 1 điều này được dự thẩm báo miệng cho bị can và một bản sao phải trao cho đương sự sai khi y ký nhận trong hồ sơ nội vụ.
Dự thẩm sẽ ra những án lệnh dự liệu trong điều luật này chiếu kết luận của biện lý.
Điều thứ 141 - Về trọng tội hay khinh tội, dự thẩm có thể, chiếu ý kiến của biện lý tự động cho tự do tạm với điều kiện phải chịu sự kiểm soát tư pháp hay không. Bị can được tự do tạm phải cam kết trình diện mỗi khi được gọi cũng như phải báo cho dự thẩm biết mỗi khi di chuyển.
Biện lý bất cứ lúc nào cũng có thể yêu cầu cho bị can tự do tạm như trên. Dự thẩm quyết định trong thời hạn nam (5) ngày kể từ ngày có lệnh trạng của biện lý.
Điều thứ 142 - Về trọng tội hay khinh tội, bị can, người phối ngẫu, cha mẹ hoặc con cái hay luật sư lúc nào cũng có thể xin dự thẩm cho tự do tạm với điều kiện tuân theo những trách vụ dự liệu nơi điều trên.
Dự thẩm phải thông tri ngay hồ sơ cho biện lý kết luận, đồng thời bao bằng thơ bảo đảm cho dân sự nguyên cáo để y trình bày ý kiến. Biện lý phải kết luận và hoàn hồ sơ cho dự thẩm trong vòng ba (3) ngày.
Trễ lắm là năm (5) ngày, sau khi thông tri hồ sơ cho biện lý, dự thẩm phải dự thẩm phải quyết định bằng án lệnh có viện dẫn lý do dựa vào những điều kiện nói tại điều 140.
Nếu có dân sự nguyên cáo, dự thẩm chỉ có thể ký án lệnh bốn mươi tám (48) giờ sau khi thông báo, đơn xin tự do tạm cho dân sự nguyên cáo.
Dự thẩm có thể ký án lệnh cho bị can được tự do tạm sớm hơn kỳ hạn trên đây nếu đã nhận được sự ưng thuận minh thị của dân sự nguyên cáo.
Nếu dự thẩm không quyết định trong thời hạn dự liệu nơi khoản 3 trên đây, bị can có thể đệ đơn thẳng lên phòng luận tội và cơ quan tài phán này, chiếu kết luận có viện dẫn lý do của chưởng lý, sẽ phán quyết trong hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày tiếp nhận khiếu nại; nếu không chánh thẩm phòng luận tội phải ký án lệnh cho bị can tự do tạm, trừ phi phòng luận tội truyền thẩm vấn bổ túc.
Biện lý cũng có quyền yêu cầu phòng luận tội xét xử trong những điều kiện như trên.
Điều thứ 143 - Trong bất cứ giai đoạn nào của vụ án, kể cả giai đoạn thượng tố, bị can đều có thể xin tự do tạm.
Cơ quan xét xử đã thụ lý có quyền quyết định cho tự do tạm. Trước khi có án chuyển tống ra trước tòa án đại hình và trong khoảng thời gian giữa hai khoá đại hình, quyền ấy thuộc phòng luận tội.
Trong trường hợp có thượng tố và cho đến khi có phúc quyết của Tối cao pháp viện, quyền cho tự do tạm thuộc cơ quan tài phán xét xử sau cùng nội dung vụ án. Nếu phán quyết của tòa đại hình bị thượng tố, phòng luận tội sẽ quyết định về đơn xin tự do tạm.
Nếu có quyết định vô thẩm và nói chung trong mọi trường hợp không có cơ quan tài phán nào thụ lý, phòng luận tội sẽ xét các đơn xin tự do tạm.
Đối với bị can ngoại kiều không bị giam hay đã được tự do tạm, nếu xét cần, biện lý có thể chỉ định cho họ một nơi cư trú. Trước khi có lệnh miễn tố hay quyết định chung quyết, họ không thể rời bỏ nơi này nếu không được phép; bất tuân họ sẽ bị truy tố về tội vi phạm quyết định quản thúc dự liệu nơi Bộ hình luật.
Điều thứ 144 - Khi cơ quan tài phán phải định đoạt và những trường hợp dự liệu nơi điều 143, các đương sự và luật sư sẽ được mời đến bằng thư bảo đảm. Quyết định sẽ được tuyên sau khi công tố viện, các đương sự hay luật sư đã tranh luận.
Điều thứ 145 - Trước khi được tự do tạm, dù có tiền bảo chứng hay không, bị can đứng đơn cũng phải tuyển định cư sở tại nơi tòa án thụ lý nội vụ đặt trụ sở. Việc tuyển định cư sở được thực hiện bằng chứng thư lập tại văn phòng trại tạm giam. Chánh giám thị trại tạm giam phải thông báo việc tuyển định cư sở cho nhà chức trách có thẩm quyền.
Sau khi được tự do tạm, nếu bị can được đòi mà không đến, hoặc có những trường hợp mới hay hệ trọng, khiến phải giam giữ bị can, dự thẩm hoặc cơ quan tài phán thụ lý vụ án có thể hạ trát tống giam lại.
Phòng luận tội cũng có quyền tống giam lại nếu có quyế định tuyên bố vô thẩm quyền để chờ cơ quan tài phán có thẩm quyền thụ lý.
Khi phòng luận tội huỷ án lệnh dự thẩm và cho tự do tạm, sau này dự thẩm chỉ có thể hạ trát tống giam lại, nếu phòng luận tội chiếu luận trạng của công tố viện, đã thâu hồi quyết định cho tự do tạm.
Điều thứ 146 - Bị can bị kiểm soát tư pháp hoặc được tự do tạm, tùy trường hợp có thể bị buộc đóng một số tiền bảo chứng.
Số tiền này bảo đảm:
1) Sự có mặt bi can mỗi khi thủ tục cần có sự hiện diện của y và để thi hành bản án cũng như lâm thời, để chấp hành mọi trách vụ khác;
2) Việc thanh toán các phí khoản theo thứ tự sau đây:
a) Lệ phí do dân sự nguyên cáo ứng trước, các khoản bồi hoàn và tiền bồi thường thiệt hại, tiền cấp dưỡng trong trường hợp bị can bị truy tố vì không thanh toán khoản nợ này;
b) Lệ phí phát sinh di việc hành sử công tố quyền;
c) Ngân hình;
Quyết định ra lệnh kiểm soát tư pháp hoặc ban tự do tạm sẽ ấn định bách phân số tiền để bảo đảm hai khoản nói trên.
Điều thứ 147 - Dự thẩm có thể, với sự ưng thuận của bị can, truyền phần tiền bảo chứng dành để bảo đảm quyền lợi của nạn nhân hoặc trái chủ khoản tiền cấp dưỡng được ứng trả trước cho những người này, nếu họ yêu cầu.
Điều thứ 148 - Phần thứ nhứt bảo chứng được hoàn lại nếu bị can trình diện mỗi khi được đòi, đã tuân hành các trách vụ về kiểm soát tư pháp hoặc tự do tạm và đã chịu thi hành bản án. Trong trường hợp trái lại, phần bảo chứng ấy sẽ xung công quỹ, nếu bị can không có lý do khoan miễn chánh đáng.
Tuy nhiên, dự thẩm hay cơ quan tài phán xét xử sẽ ra lệnh hoàn lại phần bảo chứng này trong trường hợp bị can được miễn tố, miễn nghị hay tha bổng.
Điều thứ 149 - Phần thứ hai bảo chứng phải được hoàn lại cho bị can trong trường y được miễn tố, ngoại trừ trường hợp tuy được miễn nghị hay tha bổng hay toà áp dụng điều 362.
Nếu có án văn kết phạt, phần bảo chứng này dùng để thanh toán lệ phí, ngân hình, tiền bồi hoàn, tiền bồi thường thiệt hại cho dân sự nguyên cáo. Phần còn dư sẽ hoàn lại bị can.
Điều thứ 150 - Bảo chứng có thể nạp bằng tiền mặt, chỉ phiếu có chứng nhận hoặc chứng khoán do quốc gia phát hành hay bảo đảm, và phải nạp tại ty trước bạ.
Công tố viện sẽ cho thi hành ngay quyết định ban tự do tạm, khi được trình biên lai nạp bảo chứng.
Điều thứ 151 - Công tố viện đương nhiên hay theo đơn xin của dân sự nguyên cáo, cấp phát cho ty trước bạ một chứng chỉ của phòng lục sự xác nhận trách nhiệm của bị can chiếu điều 148 đoạn 2 hoặc trích lục bản án chiếu điều 149 đoạn 2.
Nếu các số tiền phải trả không được ký nạp, ty trước bạ sẽ cưỡng chế truy thâu.
Quỹ cung thác phân chia ngay cho những người hưởng quyền các số tiền ký nạp hay thu được.
Mọi tranh chấp về các khoản nói trên sẽ được xét xử theo thủ tục phi tụng, tại phòng thẩm nghị như một đới tranh về thi hành án văn.
PHỤ TIẾT III
Bồi thường thiệt hại cho người bị tạm giam oan ức
Điều thứ 152 - Không kể trường hợp khiếu tố thẩm phán như quy định trong Bộ dân sự tố tụng, bị can đã bị tạm giam nhân một thủ tục hình sự, sau lại được miễn tố hoặc tha bổng, chiếu phán quyết trở thành nhất định, có thể đứng nguyên đơn xin bồi thường, nếu sự giam cầm oan ức quả có gây thiệt hại trầm trọng quá đáng cho đương sự.
Điều thứ 153 - Tố quyền xin bồi thường thiệt hại dự liệu trong điều luật trên phải được xử dụng trong thời hạn ba (3) tháng kể từ ngày phán quyết miễn tố hoặc tha bổng trở thành nhất định.
Nguyên đơn sẽ trực tố ra trước tòa tiểu hình nơi vụ án được khởi đầu thụ lý. Hồ sơ hình sự kết thúc bằng phán quyết nhứt định nêu trên sẽ được chuyển đến tòa tiểu hình để thông tri cho các đương sự. Cuộc tranh luận sẽ diễn ra trong phòng thẩm nghị.
Án văn sẽ tuyên tại phiên xử công khai.
Sự kháng tố, nếu có, và sự kháng cáo phải làm trong thời hạn thông thường về việc tiểu hình.
Phúc quyết có thể bị thượng tố như những phúc quyết về hình sự.
Điều thứ 154 - Bồi khoản dự liệu nơi các điều luật trên sẽ do ngân sách quốc gia đài thọ. Lâm thời, để thu hoàn, món tiền này, quốc gia được dành quyền khởi tố kẻ vu cáo hoặc kẻ chứng gian mà quả thật đã gây ra sự tạm giam hoặc tiếp tục tạm giam. Bồi khoản này sẽ được thanh toán như lệ phí hình sự.
TIẾT VIII
Ủy thác hỏi cung
Điều thứ 155 - Dự thẩm có thể ủy thác một thẩm phán đồng tòa hay một hình cảnh lại thuộc quản hạt tòa án ấy sau khi thông báo cho biện lý hay một dự thẩm một tòa án khác, để hỏi cung hay thi hành mọi hành vi thẩm vấn cần thiết ở các nơi thuộc thẩm quyền của viên chức được ủy thác.
Tờ ủy thác chỉ rõ tính chất tội trạng, phải có nhật kỳ, ấn ký của dự thẩm ủy thác, và chỉ có thể yêu cầu thực hiện những hành vi thẩm vấn liên quan trực tiếp đến hành vi phạm pháp bị truy tố.
Điều thứ 156 - Thẩm phán hay hình cảnh lại thụ ủy, trong giới hạn sự ủy thác, có quyền hành của một dự thẩm.
Tuy nhiên, hình cảnh lại không có quyền lấy cung hay đối chất bị can, và chỉ được chấp cung dân sự nguyên cáo nếu người này yêu cầu.
Điều thứ 157 - Nhân chứng được đòi để chấp cung theo lệnh ủy thác phải trình diện, tuyên thệ và cung khai. Nếu bất tuân, viên chức thụ ủy sẽ thông báo thẩm phán ủy thác. thẩm phán này có thể nhờ công lực cưỡng bách nhân chứng xuất diện và phạt y theo điều 103 đoạn 2 và 3.
Điều thứ 158 - Trong khi thi hành ủy thác, nếu hình cảnh lại thấy cần phải giữ một người nào, trong vòng hai mươi bốn (24) giờ phải dẫn trình dự thẩm thuộc quản hạt tòa án nơi thi hành ủy thác. Sau khi nghe bị can trình bày, dự thẩm có thể cấp giấy phép cho tạm giữ thêm hai mươi bốn (24) giờ nữa.
Dự thẩm có thể đặc trách cấp giấy phép nói trên, có viện dẫn lý do, mặc dầu người bị giữ không được dẫn trình.
Mỗi lần tạm giữ như vậy, hình cảnh lại phải ghi chú theo thể thức ấn định nơi điều 58 và trình báo với biện lý sở tại.
Dự thẩm ủy thác ấn định thời hạn mà hình cảnh lại phải chuyển đạt biên bản do y lập tới vị thẩm phán này. Nếu không ấn định thời gian, biên bản phải được chuyển đến dự thẩm trong vòng tám (8) ngày, sau khi thi hành xong ủy thác.
Điều thứ 159 - Trong trường hợp sự ủy thác hỏi cung được thi hành cùng một lúc với nhiều tác vụ tại nhiều nơi trên lãnh thổ, dự thẩm uỷ thác có thể ra lệnh lập tờ ủy thác thành nhiều bổn gởi đến các dự thẩm thụ ủy.
Trong trường hợp khẩn cấp, có thể phổ biến tờ ủy thác bằng mọi phương cách, nhưng phải hài rõ những ghi chú chánh yếu của bản chánh, nhất là tội danh, danh tính và chức vụ của thẩm phán ủy thác.
TIẾT IX
Giám định
Điều thứ 160 - Mỗi khi một vấn đề chuyên môn được đặt ra, cơ quan tài phán thẩm vấn hay xét xử, có thể đương nhiên hoặc theo lời yêu cầu của công tố viện hay của các đương sự truyền mở cuộc giám định.
Nếu dự thẩm không chấp thuận đơn xin giám định, phải ra án lệnh có viện dẫn lý do.
Giám định viên thi hành nhiệm vụ dưới sự kiểm soát của dự thẩm hay phẩn phán được chỉ định do cơ quan tài phán truyền giám định.
Điều thứ 161 - Giám định viện được chọn tron bản danh sách do tòa thượng thẩm lập hàng năm.
Trong trường hợp đặc biệt, có thể chọn giám định viên ngoài bản danh sách nhưng phải viện dẫn lý do.
Điều thứ 162 - Quyết định truyền giám định phải nêu rõ nhiệm vụ của giám định viên. Nhiệm vụ này chỉ có mục đích khảo sát các vấn đề có tính cách kỹ thuật.
Điều thứ 163 - Khi được ghi tên trong bản danh sách do tòa thượng thẩm lập hàng năm, giám định viên phải tuyên thệ trước tòa thượng thẩm nơi họ cư trú, sẽ làm tròn nhiệm vụ theo danh dự và lương tâm. Những giám định viên này không phải tuyên thệ lại mỗi khi được trao phó một nhiệm vụ.
Giám định viên không có tên trong bản danh sách, mỗi khi được đề cử, phải tuyên thệ như đã nói ở đoạn trên trước dự thẩm hay thẩm phán được cơ quan tài phán chỉ định. Biên bản tuyên thệ do dự thẩm, giám định viên và lục sự ký tên, trong trường hợp bị ngăn trở có lý do rõ rệt, giám định viên có thể viết lời tuyên thệ để đính theo hồ sơ.
Điều thứ 164 - Quyết định truyền giám định phải ấn định thời hạn cho giám định viên hoàn thành nhiệm vụ.
Tuy nhiên, trong trường hợp đặc biệt thời hạn này có thể được dự thẩm hay cơ quan tài phán đã truyền giám định cho triển hạn bằng quyết định có viện dẫn lý do, chiếu theo đơn xin của giám định viên. Giám định viên không nạp phúc trình trong thời hạn có thể bị thay thế ngay và phải khai trình công việc đã làm cho đến ngày bị thay thế. Trong hạn bốn mươi tám (48) giờ, giám định viên bị thay thế phải hoàn lại các văn kiện và tài liệu đã được giao phó; ngoài ra, còn có thể bị trừng phạt về kỷ luật, kể cả việc xóa tên trong bản danh sách.
Giám định viên phải liên lạc với dự thẩm hay thẩm phán được ủy nhiệm và báo cáo sự tiến triển của cuộc giám định để các thẩm phán này có thể bất cứ lúc nào trù liệu mọi biện pháp cần thiết.
Trong khi thi hành nhiệm vụ, lúc nào thấy cần, dự thẩm cũng có thể nhờ giám định viên hỗ trợ.
Điều thứ 165 - Nếu giám định viên xin được trợ giúp về một vấn đề ngoài phạm vi chuyên môn của họ, dự thẩm có thể đề cử chuyên viên đặc biệt phụ tá.
Chuyên viên đề cử sẽ tuyên thệ theo thể thức dự liệu nơi điều 163.
Phúc trình của chuyên viên sẽ đính theo phúc trình của giám định viên.
Điều thứ 166 - Chiếu điều 92 đoạn 3, dự thẩm hay thẩm phán được cơ quan tài phán chỉ định, phải cho bị can xem các niêm phong chưa mở và chưa được kê khai trước khi gởi cho giám định viên. Trong biên bản chuyền giao, dự thẩm phải liệt kê các niêm phong. Giám định viên phải lập bản tòan kê các niêm phong và trong phúc trình phải ghi rõ mỗi lần mở hay mở lại các niêm phong ấy..
Điều thứ 167 - Giám định viên có thể tiếp nhận lời khai của tất cả những người không phải là bị can, nhưng với tính cách chỉ dẫn và chỉ trong phạm vi thi hành nhiệm vụ mà thôi.
Theo lời thỉnh cầu của giám định viên dự thẩm hay thẩm phán được cơ quan tài phán chỉ định sẽ hỏi cung bị can với sự hiện diện của giám định viên.
Riêng các y sỹ giám định có nhiệm vụ khám nghiệm bị can có thể hỏi bị can những điều cần thiết cho cuộc giám định, ngoài sự hiện diện của dự thẩm và luật sư.
Điều thứ 168 - Trong khi cuộc giám định tiến hành các đương sự có thể thỉnh cầu cơ quan tài phán đã truyền giám định, ra lệnh cho giám định viên thực hiện một vài việc sưu tầm tài liệu hoặc chấp cung những người được chỉ rõ danh tánh có thể giúp ích cho cuộc giám định về phương diện kỹ thuật.
Điều thứ 169 - Khi cuộc giám định hoàn tất, giám định viên lập phúc trình kể rõ phương pháp làm việc, công việc đã làm và kết luận. Giám định viên phải xác nhận chính mình đã thi hành công tác giao phó cho phúc trình.
Trong trường hợp có nhiều giám định viên và nếu họ bất đồng ý kiến hay tỏ ý dè dặt và kết luận chung, thì mỗi giám định viên phải nêu rõ ý kiến riêng hay sự dè dặt và phải viện dẫn lý do.
Phúc trình và những niêm phong phải nạp tại phòng lục sự tòa án đã truyền giám định. Lục sự phải được lập biên bản về sự ký nạp này.
Điều thứ 170 - Dự thẩm phải mời các đương sự đến để cho biết kết luận của giám định viên, theo thể thức dự liệu nơi điều 111 và 112 và tiếp nhận lời khai của họ cùng ấn định thời hạn để họ trình bày ý kiến hay thỉnh cầu, nhất là về việc xin giám định bổ túc hoặc phản giám định.
Nếu bác bỏ thỉnh cầu, dự thẩm phải tuyên án lệnh có viện dẫn lý do.
Điều thứ 171 - Trước phiên tòa, nếu cần, giám định viên sẽ thuyết trình về kết quả các công tác kỹ thuật đã thực hiện cùng những sưu tầm và nhận xét sau khi tuyên thệ trình bày theo danh dự và lương tâm. Trong khi thuyết trình, giám định viên có thể tham khảo phúc trình và các văn kiện phụ đính.
Chánh thẩm có thể tự ý hoặc theo lời yêu cầu của công tố viện, các đương sự hay luật sư, chấp vấn giám định viên trong phạm vi nhiệm vụ được giao phó.
Sau khi thuyết trình, giám định viên tham dự cuộc tranh luận, trừ phi chánh thẩm cho phép rời phòng xử.
Điều thứ 172 - Trước tòa nếu có nhân chứng khai trái ngược với kết luận của giám định viên hay nêu ra những quan điểm mới về phương diện kỹ thuật, chánh thẩm sẽ yêu cầu giám định viên, công tố viện, bị can và nếu cần, dân sự nguyên cào trình bày những nhận xét. Tòa án sẽ tuyên quyết định có viện dẫn lý do truyền tiếp tục cuộc tranh luận hoặc đình hoãn đến một ngày khác. Trong trường hợp đình hoãn, tòa án có thể ra lệnh cho giám định viên thi hành mọi biện pháp cần thiết.
TIẾT X
Những sự vô hiệu của thủ tục thẩm vấn
Điều thứ 173 - Các điều khoản ấn định nơi điều 106 và 111 phải được tôn trọng; nếu không, hành vi thẩm vấn và thủ tục kế tiếp sẽ vô hiệu.
Nếu sự vô hiệu được quy định để bảo vệ quyền lợi của đương sự nào, đương sự ấy có quyền từ khước nại dẫn sự vô hiệu và do đó thủ tục được bao yểm. Sự từ khước này phải minh thị ghi trong biên bản và chỉ có thể được thực hiện với sự hiện diện của luật sư hoặc luật sư được mời mà không đến.
Điều thứ 174 - Nếu nhận thấy một hành vi thẩm vấn vô hiệu, dự thẩm xin phòng luận tội hủy bỏ hành vi ấy, sau khi hội ý biện lý cùng báo cho bị can và dân sự nguyên cáo biết.
Nếu chính biện lý nhận ra một hành vi thẩm vấn vô hiệu, thẩm phán này sau khi báo cho bị can và dân sự nguyên cáo biết, yêu cầu dự thẩm thông tri hồ sơ, để chuyển đạt lên phòng luận tội với lệnh trạng xin hủy bỏ hành vi ấy.
Trong cả hai trường hợp trên, phòng luận tội tòa thượng thẩm xét xử theo thể thức ấn định nơi điều 210.
Điều thứ 175 - Ngoài những trường hợp dự liệu nơi điều 173, sự vi phạm những điều khoản chánh yếu của thiên này, nhất là vi phạm quyền bào chữa, cũng khiến cho sự thẩm vấn vô hiệu.
Phòng luận tội có toàn quyền quyết định xử tiêu hoặc riêng hành vi bị hà tì, hoặc một phần hay tất cả thủ tục kế tiếp.
Đương sự có thể minh thị từ khước quyền nại dẫn sự vô hiệu nếu sự vô hiệu được qui định để bảo vệ quyền lợi riêng của họ.
Phòng luận tội thụ lý và phán xử theo thể thức ấn định nơi điều trên.
Điều thứ 176 - Những văn kiện liên quan đến hành vi bị tuyên bố vô hiệu phải được rút ra khỏi hồ sơ thẩm vấn và lưu tại phòng lục sự tòa thượng thẩm. Không ai được khai thác những văn kiện ấy để làm tài liệu đối kháng với các đương sự trong cuộc tranh luận trước tòa án. Vi phạm điều cấm chỉ này, luật sư sẽ bị trừng phạt về kỷ luật và thẩm phán về tội nịch chức.
Điều thứ 177 - Toà tiểu hình hay vi cảnh có thẩm quyền xác nhận những vô hiệu theo điều 173 cùng những vô hiệu do sự vi phạm điều 187 đoạn 1.
Trong cả hai trường hợp, và riêng trường hợp nói ở điều 187 đoạn 1, chỉ khi nào án lệnh chuyển tống ra trước tòa bị vô hiệu, các tòa án mới phải phát hoàn hồ sơ cho công tố viện để chuyển giao dự thẩm thẩm vấn lại. Nếu tòa án xét xử là phòng kháng cáo tiểu hình tòa thượng thẩm thì sẽ áp dụng điều 497.
Tuy nhiên, tòa tiểu hình hay vi cảnh không quyền xử tiêu các thủ tục thẩm vấn, nếu các thủ tục này đã được phòng luận tội chuyển tống ra tòa.
Đương sự cũng có thể khước từ nại sự vô hiệu định ở điều này. Trong mọi trường hợp, khước biện vô hiệu phải được nêu trước khi tranh luận về nội dung như dự liệu nơi điều 375.
TIẾT XI
Án lệnh thanh quyết cuộc thẩm vấn
Điều thứ 178 - Ngay khi xét thấy cuộc thẩm vấn đầy đủ, dự thẩm phải báo thị cho luật sư của bị can và của dân sự nguyên cáo rõ để họ tham khảo hồ sơ trong vòng ba (3) ngày kể từ ngày nhận được báo thị.
Điều thứ 179 - Mãn hạn trên, dự thẩm phải thông tri ngay hồ sơ cho biện lý. Trong hạn ba (3) ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ thông tri, biện lý phải phát hoàn hồ sơ với quyết tố lệnh trạng.
Điều thứ 180 - Dự thẩm chỉ có thể ra án lệnh thanh quyết cuộc thẩm vấn sau khi nhận được quyết tố lệnh trạng của biện lý.
Nếu quá hạn ba (3) ngày nói tại điều 179 mà biện lý không phát hoàn hồ sơ kèm theo quyết tố lệnh trạng, dự thẩm phải yêu cầu chưởng lý can thiệp.
Điều thứ 181 - Dự thầm cứu xét xem có hay không có tội chứng cấu thành tội trạng.
Nếu các sự kiện không cấu thành trọng tội, khinh tội, hay tội vi cảnh, hoặc nếu không đủ tội chứng, dự thẩm ra án lệnh miễn tố. Bị can bị tạm giam phải được phóng thích.
Đồng thời, dự thẩm cũng quyết định việc giao hoàn đồ vật bị sai áp,thanh toán lệ phí và buộc dân sự nguyên cáo, nếu có, phải chịu án phí. Tuy nhiên, bằng án lệnh có viện dẫn lý do, dự thẩm có thể miễn cho dân sự nguyên cáo ngay tình tất cả hoặc một phần án phí.
Điều thứ 182 - Nếu xét thấy sự kiện cấu thành tội vi cảnh, dự thẩm ký án lệnh chuyển tống nội vụ ra trước tòa vi cảnh và trả tự do cho bị can.
Điều thứ 183 - Nếu xét thấy sự kiện cấu thành khinh tội, dự thẩm ký án lệnh chuyển tống nội vụ ra trước tòa tiểu hình. Trong trường hợp bị can có thể bị phạt giam, trát tống giam của dự thẩm vẫn giữ nguyên hiệu lực.
Điều thứ 184 - Trong trường hợp chuyển tống ra trước tòa vi cảnh hay tòa tiểu hình, dự thẩm chuyển giao biện lý hồ sơ kèm theo án lệnh để biện lý đưa thẳng ra tòa xét xử. Nếu là tòa tiểu hình thụ lý, biện lý phải truyền gởi trát đòi bị can đến một phiên tòa hần nhất, và phải tôn trọng các thời hạn luật định.
Điều thứ 185 - Nếu xét thấy sự kiện cấu thành trọng tội, dự thẩm ra án lệnh chưyển giao hồ sơ và bản kê khai tang vật sang biện lý, để gởi ngay lên chưởng lý hầu đưa ra phòng luận tội.
Trát tống giam hay bắt giam bị can giữ nguyên hiệu lực cho đến khi phòng luận tội quyết định.
Tang vật được lưu giữ tại phòng lục sự biện lý cuộc trừ phi luật định khác, nhưng trong mọi trường hợp, tang vật này sẽ không được đem ra xử dụng.
Điều thứ 186 - Trong khi tiền hành cuộc thẩm vấn, dự thẩm có thể ra án lệnh miễn tố một phần.
Điều thứ 187 - Trong hạn hai mươi bốn (24) giờ, sau khi dự thẩm ký án lệnh có tính cách tài phán, lục sự phòng dự thẩm phải thông báo luật sư của bị can và của dân sự nguyên cáo.
Cũng trong thời hạn ấy, lục sự phòng dự thẩm phải thông báo án lệnh thanh quyết cho bị can và dân sự nguyên cáo.
Lục sự phòng dự thẩm phải thông báo cho chưởng lý và biện lý tất cả những án lệnh, ngay trong ngày ký, nếu không sẽ bị phạt vạ năm ngàn (5.000$) đồng cho mỗi sự sơ xuất, do chánh thẩm phòng luận tội tuyên theo lời yêu cầu của công tố viện. Số tiền phạt vạ này không được câu phát.
Điều thứ 188 - Án lệnh do dự thẩm tuyên, chiếu theo những điều khoản của tiết này phải ghi rõ lý lịch, cư sở và nghề nghiệp của bi can, tội danh pháp định, điều luật áp dụng trong trường hợp án lệnh chuyển tống ra tòa, cùng những lý do suy định có hay không có đủ tội chứng.
TIẾT XII
Kháng cáo án lệnh của dự thẩm
Điều thứ 189 - Biện lý có quyền kháng cáo trước phòng luận tội mọi án lệnh của sự thẩm.
Biện lý phải khai kháng cáo tại phòng lục sự tòa án trong thời hạn hai (2) ngày kể từ ngày nhận được tống đạt án lệnh do phòng dự thẩm.
Chưởng lý cũng có quyền kháng cáo tất cả các án lệnh của dự thẩm trong thời hạn mười lăm (15) ngày kể từ ngày nhận được tống đạt án lệnh do phòng dự thẩm. Sự kháng cáo này của chưởng lý phải được tống đạt cho đương sự ngay sau khi kháng cáo.
Điều thứ 190 - Bị can có quyền kháng cáo những án lệnh của dự thẩm nói ở các điều 82, 133, 140, 142, 160 khoản 2, 170 khoàn 2 và 183.
Dân sự nguyên cáo có quyền kháng cáo án lệnh khước từ thẩm vấn, án lệnh miễn tố và những án lệnh làm thiệt hại quyền lợi dân sự. Tuy nhiên, trong mọi trường hợp, dân sự nguyên cáo không thể kháng cáo án lệnh hay một điều khoản của án lệnh tạm giam bị can.
Bị can và dân sự nguyên cáo cũng có thể kháng cáo những án lệnh mà dự thẩm đã, hoặc đương nhiên, hoặc theo đơn khiếu nại, quyết định về thẩm quyền.
Các đương sự phải khai kháng cáo tại phòng lục sự tòa án trong hạn ba (3) ngày kể từ ngày được tống đạt án lệnh. Nếu bị can bị giam, lời khai kháng cáo sẽ được chánh giám thị chuyển đến phòng lục sự theo những điều kiện dự liệu nơi điều 483.
Hồ sơ thẩm vấn (hoặc bản sao được lập chiếu điều 76) sẽ được biện lý chuyển đến chưởng lý cùng với bản ý kiến có viện dẫn lý do; chưởng lý sẽ hành sử chiếu điều 198 và kế tiếp.
Trong trường hợp biện lý kháng cáo án lệnh cho tại ngoại hoặc án lệnh bác khước thỉnh trạng của biện lý xin duy trì dự tạm giam, bị can được giữ lại trong nhà giam cho đến khi sự kháng cáo được thanh quyết và trong mọi trường hợp cho đến khi mãn hạn kháng cáo của biện lý, trừ trường hợp biện lý thỏa thuận phóng thích tức thời bị can.
Trong trường hợp biện lý kháng cáo án lệnh thu hồi hoặc sửa đổi quyết định về biện pháp kiểm soát tư pháp, quyết định nguyên thủy vẫn tiếp tục có hiệu lực cho đến khi sự kháng cáo được thanh quyết. Quyết định nguyên thủy, trong mọi trường hợp, vẫn được duy trì hiệu lực cho đến khi mãn hạn kháng cáo của biện lý, ngoại trừ trường hợp án lệnh thu hồi hoặc sửa đổi đã được quyết định chiếu theo thỉnh cầu của biện lý hay biện lý thỏa thuận cho chấp hành ngay án lệnh đã tuyên.
Điều thứ 191 - Trong trường hợp kháng cáo án lệnh khác hơn án lệnh thanh quyết, dự thẩm vẫn tiếp tục cuộc thẩm vấn, nếu hồ sơ được thiết lập song bổn, trừ phi có quyết định khác của phòng luận tội.
TIẾT XIII
Tái thẩm vấn vì có tội chứng mới
Điều thứ 192 - Không thể tái truy tố bị can về sự kiện mà y đã được miễn tố nếu không có tội chứng mới.
Điều thứ 193 - Được coi là tội chứng mới lời khai của nhân chứng, tài liệu và biên bản chưa được xuất trình trước dự thẩm mà có thể hoặc làm vững thêm tội chứng hoặc giúp cho việc tìm kiếm sự thật có thể tiến triển thêm được.
Điều thứ 194 - Chỉ công tố viện mới có quyền yêu cầu tái thẩm vấn vì có tội chứng mới.
CHƯƠNG THỨ II
Phòng luận tội tòa thượng thẩm
TIẾT I
Điều khoản tổng quát
Điều thứ 195 - Mỗi tòa thượng thẩm có ít nhất một phòng luận tội.
Phòng luận tội gồm một chánh thẩm và hai hội thẩm. Chánh thẩm phòng luận tội do một chánh án phòng chuyên biệt đảm nhiệm.
Hội thẩm phòng luận tội có thể kiêm nhiệm, nếu cần, chức vụ hội thẩm của các phòng khác.
Đối với tòa thượng thẩm có dưới hai (2) chánh án phòng, chánh nhất có thể quyết định cử chánh thẩm phòng luận tội đặc trách một phòng khác cùng tòa thượng thẩm.
Điều thứ 196 - Chưởng lý, phó chưởng lý hay thẩm lý giữ chức vụ công tố tại phòng luận tội. Chức vụ lục sự do một lục sự tòa thượng thẩm đảm nhiệm.
Điều thứ 197 - Phòng luận tội nhóm ít nhất mỗi tuần một lần hay mỗi khi cần, theo lời yêu cầu của chưởng lý.
Điều thứ 198 - Chưởng lý hoàn bị hồ sơ trong vòng bốn mươi tám (48) giờ sau khi nhận được đối với những vụ có tạm giam và trong hạn mười (10) ngày đối với vụ khác; chưởng lý kết luận rồi chuyển hồ sơ đến phòng luận tội.
Đối với những vụ có tạm giam, phòng luận tội phải quyết định trong thời hạn ngắn nhất và trễ lắm là trong hạn ba mươi (30) ngày kể từ ngày thụ lý và nhận được hồ sơ; quá hạn này, bị can bị tạm giam đương nhiên được tự do tạm trừ trường hợp phòng luận tội ra lệnh điều tra về thỉnh cầu của đương đơn hoặc vì trường hợp bất khả kháng không thể phán định trong thời hạn dự liệu nơi điều luật này.
Đối với những vụ không tạm giam, phòng luận tội phải quyết định trong thời hạn tối đa là hai (2) tháng.
Điều thứ 199 - Trong những vụ do tòa tiểu hình hay tòa vi cảnh thụ lý và cho đến khi mở cuộc tranh luận, nếu xét thấy có thể định danh tội trạng nặng hơn là tội đã bị truy tố, chưởng lý truyền thâu nạp tài liệu, hoàn bị hồ sơ, kết luận và đưa nội vụ ra phòng luận tội.
Điều thứ 200 - Sau khi phòng luận tội tuyên án miễn tố, chưởng lý cũng có thể hành động như trên nếu nhận được những tài liệu xét ra có thể đem lại tội chứng mới chiếu điều 193. Trong trường hợp đó và trong khi chờ đợi phiên nhóm, chánh thẩm phòng luận tội có thể chiếu lời yêu cầu của chưởng lý, hạ trát tống giam hay trát bắt giam.
Điều thứ 201 - Chưởng lý thông báo bằng mọi cách ngày giờ nội vụ được đăng đường cho mỗi đương sự tại cư sở tuyển định hay địa chỉ cuối cùng, đồng thời luật sư cũng được thông báo.
Phải thông báo trước ngày xử lý nhất là bốn mươi tám (48) giờ đối với những vụ có tạm giam và năm (5) ngày đối với các vụ khác.
Trong thời hạn ấy, hồ sơ có kèm theo kết luận của chưởng lý được lưu tại phòng lcụ sự phòng luận tội để luật sự của các đương sự tham khảo.
Điều thứ 202 - Cho đến ngày đăng đường, các đương sự và luật sư có thể nạp biện minh trạng; biện minh trạng này phải được thông tri cho công tố viện và đối phương.
Lục sự phòng luận tội kiểm nhận các biện minh trạng và ghi ngày giờ kí nạp.
Điều thứ 203 - Cuộc tranh luận diễn tiến và phúc quyết được tuyên nơi phòng thẩm nghị.
Sau khi hội thẩm đã thuyết trình, chưởng lý và luật sư của các đương sự, nếu họ yêu cầu, sẽ vắn tắt khẩu biện.
Phòng luận tội có thể truyền các đương sự đích thân xuất đinh cũng như có thể ra lệnh xuất nạp tang vật.
Điều thứ 204 - Sau khi cuộc tranh luận chấm dứt, phòng luận tội nghị án ngoài sự hiện diện của chưởng lý, các đương sự, luật sư và lục sự.
Điều thứ 205 - Trong mọi trường hợp, phòng luận tội có thể hoặc đương nhiên hoặc theo lời yêu cầu của chưởng lý hay của một đương sự, truyền điều tra bổ túc.
Phòng luận tội cũng có thể, sau khi hỏi ý kiến công tố viện, đương nhiên truyền trả tự do, cho bị can.
Điều thứ 206 - Phòng luận tội có thể đương nhiên hay do lời yêu cầu của chưởng lý truyền thẩm vấn đối với bị can được đưa ra trước phòng này về mọi yếu khoản trọng tội, khinh tội hay tội vi cảnh, chánh yếu hay liên hệ thấy trong hồ sơ mà không được đề cập tới trong án lệnh của dự thẩm hay đã được dự thẩm trích xuất khỏi thủ tục bằng án lệnh miễn tố một phần, bằng án lệnh phân tách hồ sơ hoặc bằng án lệnh chuyển tống ra trước tòa tiểu hình hay tòa vi cảnh.
Phòng luận tội có thể quyết định khỏi cần truyền mở cuộc thẩm vấn mới, nếu các tội phạm nói ở đoạn trên đã được bao gốm trong sự xét tội của dự thẩm.
Điều thứ 207 - Tội phạm liên hệ là:
1) Những tội do nhiều người họp lại phạm pháp cùng một lúc.
2) Những tội do nhiều người đồng ý phạm pháp mặc dầu ở nhiều nơi và trong thời gian khác nhau;
3) Những tội do thủ phạm gây ra, để có phương tiện phạm tội khác, để việc phạm tội khác được dễ dàng hay hoàn tất, để dễ bề trốn tránh sự trừng phạt;
4) Những tội oa trữ đồ vật do trọng tội hay khinh tội mà có.
Điều thứ 208 - Phòng luận tội cũng có thể truyền truy tố, theo điều kiện dự liệu nơi điều 209, những người không bị chuyển tống ra trước phòng này về những tội phạm mà hồ sơ thẩm vấn đẵ thấy phát hiện, trừ phi những người ấy đã được miễn tố do một án lệnh đã trở thành nhứt định.
Quyết định này của phòng luận tội không thể bị thượng tố.
Điều thứ 209 - Hội thẩm phòng luận tội hoặc dự thẩm được phòng này ủy thác sẽ đảm trách cuộc thẩm vấn bổ túc theo những thể thức áp dụng cho cuộc thẩm vấn tiên khởi.
Bất cứ lúc nào chưởng lý cũng có thể yêu cầu thông tri hồ sơ với điều kiện phải chuyển hoàn trong vòng hai mươi bốn (24) giờ.
Điều thứ 210 - Phòng luận tội kiểm soát sự hợp lệ của các thủ tục trong những hồ sơ thụ lý.
Khi xét thấy có sự vô hiệu, phòng luận tội xử tiêu hành vi bị hà tì và nếu cần, tất cả hay một phần thủ tục kế tiếp.
Sau khi xử tiêu phòng luận tội có thể, hoặc di thẩm theo điều kiện dự liệu nơi điều 205, 206, 208, hoặc chuyển hoàn hồ sơ cho dự thẩm đã chuyển vấn hay dự thẩm khác để tiếp tục cuộc thẩm vấn.
Điều thứ 211 - Khi phòng luận tội đã thanh quyết vụ kháng cáo án lệnh của dự thẩm về việc tạm giam hoặc chuẩn y án lệnh hoặc xử tiêu án lệnh đó, phòng luận tội hoặc truyền phóng thích hoặc duy trì sự tạm giam hoặc ra trát tống giam hay bắt giam; chưởng lý sẽ thi hành phúc quyết phòng luận tội rồi hoàn ngay hồ sơ cho dự thẩm.
Đối với các vụ khác, khi xử tiêu án lệnh của dự thẩm, phòng luận tội có thể hoặc di thẩm và hành sử như định trong các điều 205, 206, 208, 209 hoặc chuyển hoàn hồ sơ cho dự thẩm hay dự thẩm khác để tiếp tục cuộc thẩm vấn.
Án lệnh dự thẩm bị kháng cáo, được phòng luận tội chuẩn y, có đầy đủ hiệu lực.
Điều thứ 212 - Khi phòng luận tội ra lệnh thẩm vấn bổ túc và cuộc thẩm vấn này kết thúc, hồ sơ phải nạp tại phòng lục sự phòng luận tội, đồng thời thông báo ngay việc nap hồ sơ cho chưởng lý, đương sự và luật sư.
Điều thứ 213 - Hồ sơ thẩm vấn được lưu tại phòng lục sự tối đa bốn mươi tám (48) giờ nếu là vụ có tạm giam và tối đa năm (5) ngày nếu là các vụ khác.
Các thể thức dự liệu nơi các điều 201, 202, và 203 sẽ được áp dụng.
Điều thứ 214 - Phòng luận tội ra phúc quyết duy nhất về mọi sự kiện liên hệ với nhau.
Điều thứ 215 - Phòng luận tôi xét coi có hay không có đủ tội chứng đối với bị can.
Điều thứ 216 - Nếu xét thấy các sự kiện không cấu thành trọng tội, khinh tội hay tội vi cảnh, hoặc nếu chưa tìm được thủ phạm hoặc không đủ tội chứng phòng tội luận tuyên phúc quyết miễn tố.
Bị can bị tạm giam phải được phòng thích.
Trong bản phúc quyết miễn tố, phòng luận tội cũng quyết định việc giao hoàn tang vật, và lâm thời, vẫn có thẩm quyền về vấn đề này, mặc dầu đã tuyên phúc quyết trên.
Điều thứ 217 - Nếu xét thấy các sự kiện cấu thành khinh tội hay tội vi cảnh, phòng luận tội truyền chuyển tống ra trước tòa tiểu hỉnh trong trường hợp đầu, tòa vi cảnh trong trường hợp sau.
Trong trường hợp chuyển tống ra trước tòa tiểu hình, nếu có dự liệu hình phạt giam cho tội phạm, trát tống giam sẽ giữ nguyên hiệu lực, ngoại trừ trường hợp dự liệu nơi điều 138.
Nếu bị chuyển tống ra trước tòa vi cảnh, bị can phải được phòng thích và biện pháp kiểm soát tư pháp sẽ được thu hồi.
Điều thứ 218 - Nếu xét thấy các sự kiện cấu thành trọng tội, phòng luận tội chuyển tống bi can ra trước tòa đại hình.
Phòng luận tội cũng có thể đồng thời đưa các tội phạm liên hệ ra trước tòa này.
Điều thứ 219 - Phúc quyết tròng luận tội truyền đưa bị can ra tòa đại hình phải trần thuật sự kiện và định danh tội trạng theo luật; nếu không, sẽ vô hiệu.
Phúc quyết phòng luận tội cũng truyền câu lưu bị can sau khi xác định lý lịch của y.
Điều thứ 220 - Bị can không bị tạm giam hoặc được tự do tạm phải nạp mình tại biện lý cuộc sở tại trễ lắm là một ngày trước phiên xử. Cho đến ngày bị can nạp mình, biện pháp kiểm soát tư pháp vẫn được duy trì.
Lệnh câu lưu sẽ được thi hành nếu bị can được phòng lục sự tòa đại hình đòi hợp lệ mà không trình diện vào đúng ngày ấn định để chánh thẩm tòa đại hình hỏi cung, trừ phi viện dẫn được lý do khoan miễn chánh đáng. Điều luật này cũng áp dụng trong trường hợp dự liệu nơi điều 136.
Điều thứ 221 - Phúc quyết phòng luận tội do chánh thẩm, hội thẩm và lục sự ký, phải ghi tên các thẩm phán, việc thuyết trình và ký nạp tài liệu biện minh trạng, kết luận của công tố viện và nếu cần, cuộc tranh luận của các đương sự hay luật sư.
Phòng luận tội dành án lại án phi nếu chưa thanh quyết tố quyền.
Trong những trường hợp khác cũng như trong trường hợp trả tự do cho bị can, phòng luận tội thanh toán án phí và buộc đương sự thật kiện phải gánh chịu.
Tuy nhiên, phòng luận tội có thể ra quyết định riêng có viện dẫn lý do để miễn cho dân sự nguyên cáo ngay tình tất cả hoặc một phần án phí.
Điều thứ 222 - Ngoại trừ trường hợp dự liệu dự liệu nơi điều 200, trong vòng ba (3) ngày, chủ căn phúc quyết phòng luận tội phải được lục sự phòng luận tội cáo tri cho luật sự của bị can và dân sự nguyên cáo.
Cũng phải cáo tri trong thời hạn trên cho bị can chủ văn phúc quyết phòng luận tội miễn tố, cho bị can và dân sự nguyên cáo chủ văn quyết phòng luận tội chuyển tống ra tòa tiểu hình hay tòa vi cảnh.
Các phúc quyết nào mà bị can hay dân sự nguyên cáo có thể thượng tố được sẽ do lục sự phòng luận tội cáo tri cho đương sự trong thời hạn ba(3) ngày theo lời yêu cầu của chưởng lý.
Điều thứ 223 - Những điều 173, 175 khoản 1 và 3, 176 liên quan đến sự vô hiệu của cuộc thẩm vấn đều được áp dụng cho tiết này.
Riêng tối cao pháp viện có quyền chuyên độc kiểm soát tính cách hợp thứccủa các phúc quyết phòng luận tội cùng thủ tục nthẩm vấn đã được phòng này thẩm định.
TIẾT II
Quyền hạn chuyên biệt của chánh thẩm phòng luận tội
Điều thứ 224 - Chánh thẩm phòng luận tội sử hành các quyền hạn chuyên biệt dự liệu trong các điều luật sau. Đối với tòa thượng thẩm có nhiều phòng luận tội, chánh nhất tòa thượng thẩm sẽ chỉ định một trong các chánh thẩm này đảm trách công tác đó.
Nếu vì một lí do nào chánh thẩm phòng luận tội không thể hành sử chức vụ, chánh nhất tòa thượng thẩm sẽ chỉ định một thẩm phán đồng tòa thay thế.
Chánh thẩm có thể ủy quyền cho một hội thẩm phòng luận tội hành sử những hành vi được ấn định rõ trong những trường hợp đặc biệt.
Điều thứ 225 - Chánh thẩm phòng luân tội kiểm soát, đốc biện việc điều hành các phòng dự thẩm trong quản hạt tòa thượng thẩm.
Điều thứ 226 - Để tiện việc kiểm soát, mỗi tháng các phòng dự thẩm phải lập bản kê khai các vụ đương hành trong đó có ghi ngày thực hiện hành vi thẩm vấn sau cùng cho mỗi vụ. Đối với những vụ có tạm giam, dự thẩm phải lập bản kê khai riêng.
Bản kê khai phải được gởi trong bảy (7) ngày đầu của tháng kế tiếp đến chánh thẩm phòng luận tội cũng như đến chưởng lý.
Điều thứ 227 - Mỗi khi xét cần và ít nhất ba (3) tháng một lần, chánh thẩm phòng luận tội phải xét các trại giam thuộc quản hạt và phải kiểm soát sự giam giữ các bị can.
Điều thứ 228 - Phòng luận tội kiểm soát hoạt động của các sỹ quan và nhân viên cảnh sát tư pháp cùng các công chức dân chính và quân nhân thi hành nhiệm vụ hình cảnh lại về các tác vụ do các dự thẩm giao phó.
Post a Comment