Bộ luật Hình sự Tố tụng Việt Nam Cộng Hòa 1972 - Quyển III

QUYỂN III
Tố cầu bất thường
THIÊN THỨ NHẤT
Thượng tố

CHƯƠNG THỨ NHỨT
Phán quyết có thể bị thượng tố và điều kiện để hành sử tố quyền
Điều thứ 541 - Các phúc quyết của phòng luận tội và các phúc quyết cùng án văn chung thẩm về đại hình, tiểu hình và vi cảnh có thể bị xử tiêu nếu vi luật, chiếu đơn xin thượng tố của công tố viện  hoặc đương sự bị thiệt hại.
Phòng hình Tối cao pháp viện xét xử đơn xin thượng tố
Điều thứ 542 - Công tố viện và tất cả các đương sự có năm (5) ngày tròn, sau ngày có phán quyết chung thẩm để thượng tố.
Tuy nhiên, thời hạn thượng tố chỉ khởi lưu kể từ ngày tống đạt phán quyết, bất kể thể thức tống đạt:
1) Đối với đương sự sau cuộc tranh luận đối tịch, đã không có mặt hoặc đại diện vào ngày tòa tuyên án và cũng không được thông báo như dự liệu nơi điều 443 khoản 2;
2) Đối với bị can đãcó đơn xin xét xử ngoài sự hiện diện của y theo các điều kiện dự liệu nơi điều 396 khoản 1;
3) Đối với bị can đã không xuất đình trong các trường hợp dự liệu nơi điều 395 và 396 khoản 4
4) Đối với bị can đã bị xử tái khiếm.
Thời hạn thượng tố chống phúc quyết hoặc án văn khuyết tịch chỉ khởi lưu, đối với bị can, kể từ ngày mãn hạn tố.
Đối với công tố viện, thời hạn khởi lưu kể từ khi mãn hạn mười (10) ngày sau ngày tống đạt.
Điều thứ 543 - Phải đình chỉ chấp hành phúc quyết tòa phúc thẩm trong thời hạn thượng tố và nếu có thượng tố và nếu có thượng tố, cho đến khi Tối cao pháp viện thanh quyết.
Tuy nhiên nguyên tắc này không áp dụng đối với khoản bồi thường thiệt hại cũng như trong trường hợp tòa thượng thẩm xử tiêu trát tống giam mà tòa sơ thẩm đã ban hành chiếu điều 446 khoản 1, hoặc chính tòa thượng thẩm đã hạ trát tống giam trong cùng điều kiện và cũng theo các thể thức kể trên.
Nếu được tha bổng,miễn nghị hoặc bị xử phạt tù treo hoặc phạt vạ, bị can bịgiam sẽ được tức thời phòng thích sau khi có phúc quyết, mặc dầu có thượng tố.
Bị tạm giam hoặc bị duy trì tạm giam trong các điều kiện dự liệu nơi khoản nhất trên đây mà có bị tòa xử phạt giam bị can cũng được phóng thích ngay sau khi thời gian tạm giam đã đủ bằng thời gian phải thụ hình chiếu án tòa.
Điều thứ 544 -  Việc xin thượng tố những án văn tiên thẩm của tòa sơ thẩm và phúc quyết tiên thẩm của tòa thượng thẩm kể cả những án văn và phúc quyết về thẩm quyền chỉ được chấp nhận sau khi đã có án văn hay phúc quyết nhất định về nội dung. Đương sự không bao giờ vì cớ đã thi hành các án tiên thẩm mà mấ quyền xin thượng tố án ấy về sau này.
Điều thứ 545 - Các đương sự bị thiệt hại vì phúc quyết của tòa đại hình có thể thượng tố hoặc sau khi có phúc quyết tha bổng theo các điều kiện dự liệu nơi điều 361 hoặc sau khi có phúc quyết tha bổng hay miễn nghị theo điều kiện dự liệu nơi điều 362.
Cũng có thể thượng tố chống phúc quyết về khoản hoàn lại tang vật như định trong điều 363.
Điều thứ 546 - Chỉ có thể thượng tố phúc quyết phòng luận tội chuyển tống ra trước tòa về tội đại hình, tiểu hình hay vi cảnh, khi phúc quyết ấy phán định về thẩm quyền hoặc có những điều khoản có tính cách chung quyết mà tòa án sau này xét xử không còn sửa đổi được nữa.
Điều thứ 547 - Dân sự nguyên cáo chỉ có thể thượng tố phúc quyết phòng luận tội nếu có sự thượng tố của công tố viện.
Điều thứ 548 - Tuy nhiên, dân sự nguyên cáo có thể đơn phương thượng tố trong các trường hợp sau đây.
1) Khi phúc quyết phòng luận tội khước từ thẩm vấn;
2) khi phúc quyết tuyên bố bất khả chấp thẩm tố quyền của dân sự nguyên cáo;
3) Khi phúc quyết chấp nhận khước biện tiêu diệt công tố quyền;
4) Khi phúc quyết hoặc đương nhiên hoặc theo khước thẩm của các đương sự, đã tuyên phán cơ quan tài phán đương thụ lý vô thẩm quyền;
5) Khi phúc quyết đã bỏ xót không thanh quyết về một tội trạng;
6) Khi phúc quyết không hội đủ điều kiện về hình thức để hữu hiệu theo luật định.
CHƯƠNG THỨ II
Thể thức thượng tố
Điều thứ 549 - Phải khai thượng tố tại phòng lục sự tòa án đã tuyên phán quyết bị trỉ trích.
Biên bản thượng tố phải được lục sự và chính nguyên thượng tố hoặc luật sư hoặc thụ ủy đặc định ký tên. Trong trường hợp sau này,chứng thư ủy quyền phải đính kèm vào biên bản. Nếu đương sự không biết ký hay không muốn ký, lục sự sẽ ghi chú  điều ấy.
Phải ghi việc khai thượng tố vào một quyển sổ mà bất cứ ai cũng được pháp xin trích lục.
Điều thứ 550 - Nếu bị giam, đương sự còn có thể thượng tố bằng đơn nạp quản đốc trung tâm cải huấn, viên chức này sẽ cấp cho nguyên thượng tố giấy biên nhận.
Quản đốc trung tâm cải huấn, chứng nhận ngay trên đơn ngày giờ đương sự nạp đơn xin thượng tố.
Tài liệu này phải được cấp thời chuyển đến phòng lục sự tòa án đã phán quyết bị chỉ trích cùng được ghi trong quyển sổ do điều 549 khoản 3 thiết lập và đính kèm vào biên bản thượng tố.
Điều thứ 551 - Phòng lục sự tòa nguyên thẩm phải cáo tri cho các đương sự khác đơn là nguyên thượng tố trong hạn ba (3) ngày bằng thơ bảo đảm có hổi báo.
Điều thứ 552 - Đương sự phải đóng một số tiền dự phạt là năm ngàn đồng (5.000$) và dự khoản lệ phí một ngàn đồng (1.000$) bằng không đơn xin thượng tố sẽ không được chấp thẩm.
Điều thứ 553 - Những người kể sau đây được miễn khỏi phải đóng các ngân khoản ấn định nơi điều 552:
1) Người bị tuyên phạt giam về tội tiểu hình hay vi cảnh.
2) Vị thành niên mười tám (18) tuổi;
3) Người được hưởng tư pháp bảo trợ;
4) Người bị kết án về đại hình.
5) Viên chức đại diện quốc gia trong những vụ liên quan trực tiếp đến công sở và công sản.
Điều thứ 554 - Đơn xin thượng tố không được chuẩn chấp nếu đương sự đã bị kết phạt một hình phạt giam quá sáu (6) tháng mà không nạp mình hay không được tòa nguyên thẩm cho miễn nạp mình.
Văn kiện chứng minh việc nạp mình hay miễn nạp mình phải được xuất trình tại Tối cao pháp viện chậm nhất là vào lúc nội vụ được đem ra xét xử.
Người xin thượng tố có thể xin nạp mình tại trung tâm cải huấn nơi đặt trụ sở Tối cao pháp viện hoặc tòa nguyên thẩm, sau khi xuất trình cho quản đốc trung tâm cải huấn bản sao đơn xin thượng tố được chưởng lý Tối cao pháp viện hoặc thẩm phán đứng đầu cơ quan công tố tòa nguyên thẩm kiến thị.
Điều thứ 555 - Lúc đệ đơn xin thượng tố hoặc trong thời hạn mười lăm (15) ngày sau, đương sự có thể nạp tại phòng lục sự tòa đã tuyên án văn hay phúc quyết bịthượng tố biện minh trạng nêu rõ lý do đơn xin thượng tố Lục sự sẽ cấp  biên nhận và trong thời hạn tối đa ba (3) tháng kể từ ngày tuyên án, phải chuyển biện minh trạng ấy cùng hồ sơ vụ kiện đến chưởng lý tòa thượng thẩm liên hệ.
Điều thứ 556 - Mười lăm (15) ngày sau khi nhận được và kiểm soát hồ sơ nội vụ, viện chưởng lý tòa thượng thẩm sẽ chuyển hồ sơ đến viện chưởng lý Tối cao pháp viện.
Đương sự xin phá án cũng có thể gởi thẳng đến viện chưởng lý Tối cao pháp viện biện minh trạng và các văn kiện cần thiết.
Điều thứ 557 - Trong hạn mười lăm (15) ngày sau khi nhận được hồ sơ, chưởng lý Tối cao pháp viện sẽ chuyển  hồ sơ này đến chánh thẩm phòng hình Tối cao pháp viện.
Điều thứ 558 - Chánh thẩm phòng hình Tối cao pháp viện sẽ chỉ định thẩm phán Tối cao pháp viện làm thuyết trình viên. Vị thẩm phán này phải nạp bản thuyết trình trong hạn hai (2) tháng.
Liền sau khi bản phúc trình và bút lục được giao cho phòng lục sự, hồ sơ phải được chuyển ngay đến chưởng lý Tối cao pháp viện.
Điều thứ 559 - Kể từ ngày bản thuyết trình  được nạp vào hồ sơ, các biện minh trạng sẽ không được chấp nhận nữa.
Điều thứ 560 - Trong vòng một tháng sau khi được thông tri hồ sơ và bản thuyết trình, chưởng lý. Tối cao pháp viện phải kết luận.
Quá hạn trên, chánh thẩm phòng hình sẽ cho đăng đường vụ kiện và lục sự sẽ thông báo ngày xử cho các đương sự.
Điều thứ 561 - Kết luận xong, chưởng lý hoàn hồ sơ lại phòng lục sự chậm nhất là ba (3) ngày trước phiên xử.
Trong trường hợp chưởng lý đã lập xong bản kết luận và hoàn lại bút lục mà chánh thẩm phòng hình chưa cho ghi vụ kiện vào sổ đăng đường thì sau hạn hai (2) tháng, nội vụ sẽ được phòng lục sự ghi vào sổ đăng đường lệnh của Chủ tịch Tối cao pháp viện.
Điều thứ 562 - Sổ đăng đường do chánh thẩm phòng hình Tối cao pháp viện lập và ấn định.
CHƯƠNG THỨ III
Lý do xin thượng tố
Điều thứ 563 - Phúc quyết phòng luận tội cũng như phúc quyết và án văn chung thẩm, nếu hội đủ thể thức luật định, chỉ có thể tiêu phá vì vi luật.
Điều thứ 564 - Các phán quyết này sẽ bị tiêu phá nếu không do số thẩm phán luật định tuyên án hoặc đã do thẩm phán không tham dự mọi phiên nhóm của vụ kiện tuyên phán. Nếu một vụ kiện kéo dài trong nhiều phiên nhóm, các thẩm phán đứng ra tuyên án được ức đoán dều đã tham dự mọi phiên tòa liên hệ.
Các phán quyết trên cũng bị tiêu phá nếu khi tuyên án không có sự tham dự của công tố viện.
Điều thứ 565 - Các phúc quyết phòng luận tội cũng như phúc quyết và án văn chung thẩm sẽ bị tiêu phá nếu không viện dẫn lý do hoặc lý do viện dẫn thiếu xót, khiến Tối cao pháp viện không thể kiểm soát xem tòa nội dung có tôn trọng luật pháp hay không. Sự mâu thuẫn lý do cũng như sự viện dẫn lý do không chính xác được coi như sự thiếu lý do làm duyên cớ cho sự thượng tố.
Cũng có thể bị thượng tố nếu tòa quên hoặc từ chối thẩm định về một hoặc nhiều thỉnh cầu, thỉnh trạng của các đương sự hoặc của công tố viện.
Điều thứ 566 - Về việc đại hình, phúc quyết chuyển tống của phòng luận tội, trở thành nhất định, ấn định thẩm quyền của tòa đại hình và bao yểm, nếu có, mọi hà tì thủ tục trước đây.
Điều thứ 567 - Khi phòng luận tội thanh quyết về các đới tranh thủ tục khác hơn là đới tranh đã được dự liệu trong điều luật trên, mọi kháng chấp về sự vô hiệu của cuộc thẩm vấn đều phải được nêu lên bằng không bị can, hoặc dân sự nguyên cáo bị tiêu quyền viện dẫn, trừ trường hợp các đương sự không thể biết các kháng chấp đó được hoặc Tối cao pháp viện hành sự quyền đương nhiên nêu các kháng chấp.
Điều thứ 568 - Về việc đại hình và trong trường hợp bị can bị xử phạt, nêu phúc quyết đã tuyên một hình phạt khác hẳn với hình phạt mà luật đã ấn định phải áp dụng với tội đại hình đã xảy ra, công tố viện cũng như bị can đều có thể xin tiêu phá phúc quyết trên.
Điều thứ 569 - Công tố viện cũng có quyền xin tiêu phá như trên chống phúc quyết tha bổng chiếu điều 354, nếu phán quyết đã dựa trên căn bản không có điều luật nào dự liệu sự trừng trị, mặc dầu điều luật hình sự đó có thực.
Điều thứ 570 - Nếu hình phạt đã tuyên cũng là hình phạt mà luật đã ấn định phải áp dụng với tội trạng, không ai được quyền xin tiêu phá phúc quyết viện lẽ có sự quy chiếu sai lầm điều luật.
Điều thứ 571 - Về việc tiểu hình, bị can không quyền nại dẫn lý do để thượng tố các sự vô hiệu thủ tục xảy ra trước tòa sơ thẩm nếu y đã không nêu trước tòa thượng thẩm, trừ trường hợp vô hiệu vì vô thẩm quyền mà có sự kháng cáo của công tố viện.
Điều thứ 572 - Bất kể trường hợp nào, không ai có quyền nại ra để chống kẻ bị truy tố, sự vi phạm hoặc quên không chấp hành các điều luật có tác dụng bảo đảm quyền biện hộ của chính kẻ bị truy tố.
CHƯƠNG THỨ IV
Sự thẩm định tố cầu và phiên tòa
Điều thứ 573 - Các qui tắc liên quan đến công khai tính, việc điều hành và trật tự phiên tòa đều phải được áp dụng trước Tối cao pháp viện.
Điều thứ 574 - Tối cao pháp viện căn cứ vào hồ sơ để xét xử, sau khi nghe hội thẩm thuyết trình viên, thuyết trình luật sư biện hộ và công tố viện kết luận.
Điều thứ 575 - Trong phòng nghị xử, chánh thẩm thu thập các ý kiến được phát biểu, khởi sự là ý kiến của hội thẩm thâm niên nhất.
Hội thẩm thuyết trình viên bao giờ cũng phát biểu ý kiến trước tiên và sau cùng đến chánh thẩm.
Điều thứ 576 - Tối cao pháp viện xét xử đơn thượng tố ngay sau khi nội vụ đã được đăng đường.
Cấp thời và ưu tiên cùng chậm nhất là ba (3) tháng kể từ ngày nhận được hồ sơ, Tối cao pháp viện phải xét xử ngay trong các trường hợp sau đây:
1) Nếu có thượng tố chống phúc quyết chuyển tống ra tòa đại hình;
2) Nếu có sự thượng tố chống phúc quyết tòa đại hình tuyên án tử hình.
CHƯƠNG THỨ V
Phúc quyết của tối cao pháp viện
Điều thứ 577 - Trước khi xét về nội dung, Tối cao pháp viện thẩm định về sự hợp thức của đơn thượng tố. Nếu nhận thấy không hội đủ điều kiện luật định, cơ quan tài phán tối cao sẽ tuyên phúc quyết bất khả chấp sự thượng tố về hình thức.
Điều thứ 578 - Tối cao pháp viện sẽ ra phúc quyết miễn thẩm nếu xét sự thượng tố không còn sở đích.
Điều thứ 579 - Chuẩn chấp về hình thức, tối cao pháp viện sẽ ra phúc quyết bác đơn thượng tố, nếu xét thấy tố cầu vô căn cứ.
Điều thứ 580 - Trừ trường hợp áp dụng điều 553, khi bác bỏ sự thượng tố về hình thức hoặc về nội dung, Tối cao pháp viện sẽ buộc nguyên thượng tố phải chịu tiền phạt và lệ phí.
Trong trường hợp miễn thẩm, Tối cao pháp viện sẽ quyết định có nên tịch thu tiền dự phạt của nguyên thượng tố hay không.
Trừ trường hợp Tối cao pháp viện có quyết định khác, đương sự đã xin bãi nại khỏi phải trả tiền dự phạt và phúc quyết ghi nhận sự bãi nại được trước bạ miễn phí.
Điều thứ 581 - Nếu án văn bị tiêu phá là phúc quyết của tòa thượng thẩm xử việc tiểu hình, Tối cao pháp viện sẽ truyền di giao nội vụ cho tòa nguyên thẩm xử lại với thành phần khác.
Nếu án văn bị tiêu huỷ là án văn sơ thẩm xử việc tiểu hay vi cảnh. Tối cao pháp viện truyền di giao nội vụ cho một tòa án đồng hệ thống và đẳng cấp để xét xử lại.
Tuy nhiên, tối cao pháp viện truyền không di giao trong trường hợp xét thấy không cần xử lại, sau khi tiêu hủy phúc quyết hay án văn bị thượng tố.
Điều thứ 582 - Về việc đại hình, trong phúc quyết tiêu phá Tối cao pháp viện sẽ truyền di giao nội vụ cho:
- Phòng luận tội nguyên thẩm xử lại với thành phần khác, nếu phúc quyết bị tiêu phá là phán quyết của phòng luận tội;
- Tòa đại hình khác đơn là tòa đại hình nguyên thẩm nếu phúc quyết bị tiêu phá vì lý do vô hiệu của phúc quyết tòa đại hình;
- Tòa dân sự khác hơn là tòa án nơi đó đã mở cuộc thẩm vấn, nếu phúc quyết chỉ bị tiêu phá riêng về quyền lợi dân sự.
Điều thứ 583 - Khi được di giao nội vụ, phòng luận tội, nếu cần, sẽ chỉ định cơ quan tài phán thuộc quản hạt của mình để xét xử. Tuy nhiên, Tối cao pháp viện cũng có thể chỉ định từ trước cơ quan tài phán hình sự sẽ thụ lý bất kể thống thuộc quản hạt tòa thượng thẩm nào.
Điều thứ 584 - Trong tất cả các trường hợp mà Tối cao pháp viện được quyền chỉ định cơ quan tài phán để xét xử một vụ di giao, Tối cao pháp viện cần phải có ngay một cuộc biểu quyết riêng biệt về sự chỉ định đó nơi phòng thẩm nghị, điểm này phải được ghi trong phúc quyết.
Điều thứ 585 - Bản sao phúc quyết chấp đơn thượng tố và truyền di giao sẽ được thông tri cho chưởng lý Tối cao pháp viện. Bản sao phúc quyết trên cùng với hồ sơ vụ kiện sẽ được chuyển đến công tố viện tòa được di giao.
Thẩm phán công tố sau này phải truyền thừa phát lại tống đạt cho các đương sự phúc quyết tiêu phá của Tối cao pháp viện.
Bản sao phúc quyết tiêu phá cũng sẽ do chánh thẩm phòng hình tối cao pháp viện thông tri công tố viện và cơ quan tài phán nguyên thẩm.
Điều thứ 586 - Nếu phúc quyết hoặc án văn bị tiêu phá vì vi phạm các thể thức căn bản luật định, bản sao phúc quyết sẽ do chánh thẩm phòng hình Tối cao pháp viện thông tri Chủ tịch Tối cao pháp viện và Tổng trưởng tư pháp.
Điều thứ 587 - Khi phúc quyết hoặc án văn bị tiêu phá, khoản tiền dự phạt sẽ được cấp thời giao hoàn cho người đứng đơn thượng tố, bất kể lời lẽ của phúc quyết tiêu phá là thế nào và dù cho phúc quyết này có quên không phán định về điểm đó.
Điều thứ 588 - Ba ngày sau khi tuyên án, bản sao phúc quyết bác đơn thượng tố hoặc tiêu phá mà không di giao sẽ được thông tri chưởng lý Tối cao pháp viện và công tố viện cơ quan tài phán đã tuyên phúc quyết hoặc án văn bị chỉ trích
Công tố viện này sẽ tống đạt cho các đương sự bằng thư bảo đảm phúc quyết kể trên của Tối cao pháp viện.
Điều thứ 589 - Đương sự bị bác đơn xin phá án không thể thượng tố lại bất cứ vì lý do gì.
Điều thứ 590 -  Tòa án được di giao để xét lại vụ kiện có thể tuân theo quan niệm pháp lý mà Tối cao pháp viện đã thừa nhận về vụ này.
Nếu tòa án di giao cũng xử theo quan điểm của tòa án nguyên thẩm, và nếu có thượng tố nữa, nội vụ sẽ được Tối cao pháp viện xử lại và lần này Tối cao pháp viện sẽ họp các phòng hình và hộ của ban phá án để xử dưới sự chủ toạ của chủ tịch ban phá án.
Một thẩm phán Tối cao pháp viện không thuộc thành phần tọa xử phúc quyết tiêu phá trước đây sẽ được chủ tịch ban phá án chỉ định làm thuyết trình viên.
Nếu phúc quyết hoặc án văn của tòa án di giao bị tiêu phá cùng với lý do của phúc quyết hoặc án văn của tòa nguyên thẩm, tòa án được di giao sau này phải tuân theo quan điểm pháp lý của Tối cao pháp viện liên phòng họp lại.
CHƯƠNG THỨ VI
Thượng tố vì lợi ích của luật pháp
Điều thứ 591 - Khi có lệnh minh thị của Tổng trưởng tư pháp, chưởng lý Tối cao pháp viện sẽ đưa ra phòng hình Tối cao pháp viện thụ lý những hành vi hay những án văn vi luật, các hành vi và án văn ấy có thể bị xử tiêu.
Điều thứ 592 - Trong trường hợp tòa thượng thẩm phòng luận tội, tòa đại hình, tòa tiểu hình hay tòa vi cảnh đã tuyên một án văn chung thẩm có thể bị thượng tố, nhưng các đương sự không xin phá án trong thời hạn luật định, chưởng lý tối cao pháp lý Tối cao pháp viện có thể tự ý thượng tố mặc dầu thời hạn đã mãn; tuy nhiên các đương sự không thể viện dẫn hiệu lực của sự tiêu phá án văn để khước từ thi hành án văn ấy.
THIÊN THỨ II
Tái thẩm
Điều thứ 593 - Bất cứ người nào bị bất kể cơ quan tài phán nào kết phạt về trọng tội hay khinh tội đều có thể xin tái thẩm, nếu ở vào một trong những trường hợp kể dưới đây.
1) Sau khi tòa án xử phạt về tội cố sát, có xuất trình được những văn kiện khiến có thể suy luận rằng người được coi là nạn nhân vẫn còn sống;
2) Sau khi tòa án xử phạt về trọng tội hay khinh tội, có một phúc quyết hay án văn kết án một bị can về cùng một sự kiện như trong vụ án trước, và hai án phạt không thể dung hòa được, sự mâu thuẫn giữa hai án văn chứng tỏ trong hai người bị kết án có một người vô tội;
3) Sau khi tòa tuyên phạt trong một vụ án, một trong những nhân chứng đã được nghe cung bị truy tố và bị kết án về tội làm chứng gian chống bị can; nhân chứng ấy, không thể được nghe cung nữa trong những cuộc tranh luận sau này;
4) Sau khi có án xử phạt, có xảy ra hay phát giác một sự kiện, hoặc có xuất trình được văn kiện hay đồ vật không được biết trong cuộc tranh luận trước đây, khiến có thể xác định người bị kết án vô tội.
Điều thứ 594 - Trong ba trường hợp 1, 2 và 3 dự liệu nơi điều trên, những người kể sau đây có quyền xin tái thẩm:
- Tổng trưởng tư pháp;
- Người bị kết án hay đại diện pháp định nếu y vô năng cách;
- Người phối ngẫu, con cái, cha mẹ, người được minh thị, ủy nhiệm của người bị kết án, sau khi người này mệnh một hay thất tung.
Theo lệnh minh thị của Tổng trưởng tư pháp hành động đương nhiên hay chiếu đơn  khiếu nại của các đương sự, chưởng lý Tối cao pháp viện yêu cầu phòng hinh tòa nầy thụ lý đơn xin tái thẩm.
Trong trường hợp thứ tư, chỉ Tổng trưởng tư pháp mới có quyền xin tái thẩm, sau khi cho sưu tầm và phối kiểm cùng tham khảo ý kiến của một vụ ủy ban gồm ba (3) thẩm phán công tố tòa thượng thẩm được cử mỗi năm và giám đốc nha hình vụ Bộ tư pháp.
Nếu xét thấy đơn xin tái thẩm có thể được chấp nhận, Tổng trưởng tư pháp chuyển hồ sơ đến vhưởng lý Tối cao pháp viện để yêu cầu phòng hình tòa này thụ lý.
Điều thứ 595 - Nếu phúc quyết hay án văn kết phạt chưa được thi hành, sự chấp nhận hành đương nhiên được đình chỉ kể từ ngày có đơn xin tái thẩm của Tổng trưởng tư pháp gởi Tối cao pháp viện.
Trước khi chuyển hồ sơ đến Tối cao pháp viện, Tổng trưởng tư pháp có thể truyền đình chỉ việc thi hành án văn nếu người bị kết án đang bị giam. Kể từ khi đơn xin tái thẩm được chuyển đến Tối cao pháp viện, cơ quan tài phán nầy có thể tuyên phúc quyết đình chỉ việc thi hành án văn.
Điều thứ 596 - Nếu hồ sơ chưa hoàn bị, Tối cao pháp viện tính cách chấp về hình thức của đơn xin tái thẩm, và tự mình hoặc ủy thác mở cuộc điều tra về nội dung, kiểm nhân căn cước, thực hiện mọi việc đối chất và phương cách khả dĩ phát huy sự thật.
Khi hồ sơ đã hoàn bị, Tối cao pháp viện xét về nội dung tòa sẽ bác khước đơn xin tái thẩm nếu đơn này vô căn cứ, và trái lại, nếu đơn ấy hợp lý, tòa sẽ hủy án kết phạt.
Nếu xét có thể mở lại cuộc tranh luận đối tịch, Tối cao pháp viện sẽ truyền đưa bị can ra trước một tòa án khác đồng hệ thống và đẳng cấp với tòa án đã tuyên phạt quyết bị hủy bỏ.
Nếu không thể mở lại cuộc tranh luận vì lẽ một hay nhiều người bị kết án mệnh một, điên cuồng, khuyết tịch, vô trách nhiệm về hình hay ở vào trường hợp khoan miễn, hoặc vì có thời tiêu tố quyền hay thời tiêu hình phạt, Tối cao pháp viện sẽ xét xử về nội dung sau khi minh thị xác nhận một trong những trường hợp ấy. Tối cao pháp viện chỉ huy bỏ hình phạt nào xét ra vô căn cứ và miễn tội, nếu cần cho vong linh người quá cố.
Sau khi hủy bỏ phán quyết xử phạt và truyền di giao nội vụ, nếu xét thấy không thể mở lại cuộc tranh luận. Tối cao pháp viện chiếu kết luận của chưởng lý, sẽ truyền thu hồi sự di giao và quyết định như nói ở đoạn trên.
Đối với người bị kết án còn sống, nếu án văn bị hủy bỏ vì đã kết phạt người vô tội, Tối cao pháp viện khỏi phải truyền di giao hồ sơ.
Điều thứ 597 - Sau khi xác nhận người bị kết phạt vô tội, tòa có thể, theo đơn xin của đương sự ban cho y tiền bồi thường thiệt hại.
Nếu người bị kết phạt sai lầm mệnh một, quyền đòi bồi thường thiệt hại được chuyển cho người phối ngẫu, tôn thuộc và ti thuộc của y.
Những thân thuộc ở vào đẳng cấp xa hơn chỉ có thể đòi bồi thường nếu chứng minh án văn kết phạt đã gây thiệt hại vật chất của họ.
Đơn bồi thường thiệt hại được chấp thẩm bất cứ ở giai đoạn nào của thủ tục tái thẩm.
Quốc gia phải đài thọ tiền bồi thường thiệt hại, nhưng có quyền khởi tố dân sự nguyên cáo, người cáo giác hay người làm chứng gian để đòi lại tiền này, nếu vì lỗi của họ mà có án kết phạt. Tiền bồi thường được trả như là lệ phí về việc đại hình.
Lệ phí về việc tái thẩm được công khổ ứng trước kể từ ngày đơn xin tái thẩm được chuyển đến Tối cáo pháp viện.
Phúc quyết hay án văn chung thẩm về việc tái thẩm, nếu kết phạt, sẽ buộc người bị kết án hay những người xin tái thẩm phải gánh chịu lệ phí mà công khố có thể đòi bồi hoàn.
Nguyên đơn xin tái thẩm bị bác đơn phải chịu tất cả lệ phí.
Nếu có lời yêu cầu của nguyên đơn, phúc quyết hay án văn tại thẩm tuyên người bị kết án vô tội sẽ được niêm yết tại công sở nơi kết án, nơi xảy ra trọng tội hay khinh tội, nơi cư sở của các nguyên đơn xin tái thẩm, và nơi cư sở sau cùng của người bị kết án sai lầm; phúc quyết hay án văn tái thẩm phải được đăng trong Công báo, và trích lục được công bố trong ba (3) nhật báo do cơ quan tài phán tái thẩm chỉ định.
Lệ phí về việc công bố án văn do công khố đài thọ.


No comments

Có Thể Bạn Chưa Xem

Tin Nóng

Powered by Blogger.