Khai thác vàng tại Việt Nam
Nguyễn Trọng Dân (Danlambao) - Có lẽ rất ít người biết rằng khai thác vàng tại Việt Nam gần như độc quyền bởi công ty Olympus Pacific Minerals Inc. thường được viết tắt là OYM.
OYM mặc dù trụ sở chánh đặt tại Canada, nhưng tài sản chánh lúc khởi đầu lại là tại hai mỏ vàng Phước Sơn và Bồng Miêu của Việt Nam. OYM chiếm 80% sở hữu đầu tư lợi nhuận tại Bồng Miêu & 85% tại Phước Sơn. Sau này, nhờ lợi nhuận cao thu được từ hai mỏ vàng Bồng Miêu và Phước Sơn, OYM mới bắt đầu chuyển trọng tâm đầu tư của mình lan ra các nước khác trong vùng Đông Nam Á như Mã Lai hay Philippines.
Trên danh nghĩa, 20% sở hữu lợi nhuận còn lại ở Bồng Miêu & 15% còn lại ở Phước Sơn là thuộc về Việt Nam. Tuy nhiên, bởi vì không bỏ đồng vốn nào khi đầu tư xây dựng lúc ban đầu khi hùn vốn nên số phần trăm sở hữu lợi nhuận còn lại này của Việt Nam được dùng để trả góp vào tiền nợ cổ phần cho đến khi hoàn tất số nợ góp vốn thì Việt Nam mới thực sự sở hữu và thu lời từ số sở hữu phần trăm này. Như vậy, Việt Nam trước mắt chỉ có thể thu tiền royalty, tức thuế khai thác của nước chủ nhà thuờng thuờng khoảng 3% cho đến 10% trên tổng số doanh thu là tối đa.
Sản lượng khai thác vàng của Việt Nam tính từ năm 2006 là khoảng 2400kg vàng tăng vọt lên trên 3200kg vàng năm 2012 do OYM nâng cao sản lượng tại hai mỏ vàng này.
Mỏ vàng tại Bồng Miêu:
Vùng Bồng Miêu thuộc phía Đông tỉnh Quảng Nam, có cả thảy ba mỏ vàng, một lộ thiên và hai mỏ dưới lòng đất. Bồng Miêu đã cung cấp vàng cho OYM đều đặn từ năm 2006. Phải mãi hết năm 2014 thì phía Việt Nam mới trả hết nợ vốn đầu tư và mới thật sự có chia lời từ 20% cổ phần. Như vậy, tám năm trước đó, Việt Nam chỉ có thể thâu thuế royalty mà thôi, độ khoảng 3% trên tổng số doanh thu theo như OYM loan báo.
Lượng vàng dự trữ tại Bồng Miêu có thể lên trên chín ngàn ba trăm tấn sau khi đã khai thác tinh chế và OYM sẽ hy vọng lấy về được bảy ngàn bốn trăm tấn cho dự án đầu tư này. Trong suốt quá trình khai thác cho đến nay tại Bồng Miêu, OYM đã thu về được 147830 ounce vàng (một ounce vàng nặng xấp xỉ khoảng 31,1g). Như vậy OYM đã gom trước về mình trên 4500 tấn vàng và chỉ đóng 3% thuế trước khi chia lời cổ phần 20% cho Việt Cộng sau khi hết năm 2014.
Mỏ vàng tại Phước Sơn
Tuy Phước Sơn cũng thuộc tỉnh Quảng Nam nhưng lại nằm về phía Tây gần vùng cao nguyên. Mỏ vàng này nằm dưới lòng đất; được khai thác từ năm 2009 và hoạt động mạnh vào năm 2011 với khoảng trên 27 ngàn ounce vàng. Năm 2011 cũng là năm mà giá vàng tăng vọt lên trên $1600 một ounce khiến OYM thu về một lượng tiền mặt thặng dư khổng lồ từ số vàng thu được ở mỏ Phước Sơn, trên 32 triệu đô.
Khai thác vàng tại Việt Nam hiện nay coi như là bị khai thác độc quyền bởi tư bản nước ngoài. Các mỏ vàng ở Bông Miêu và Phước Sơn đã lọt vào tay của ngoại quốc với bằng hoặc hơn 80 % cổ phần.
Dân Việt ta đã biết cách khai thác vàng từ thời lập quốc cả ngàn năm về trước. Vàng bạc nữ trang của người dân và của triều đình thông qua các triều đại phong kiến điều được do dân Việt khai thác tinh lộc chế biến. Thậm chí, trống đồng còn đó minh chứng khả năng khai thác kim loại quí của Việt Nam đã có từ lâu đời. Các loại nữ trang cổ xưa gia truyền để lại cho con cháu trong mỗi gia đình chất lượng vàng rất cao ngang hàng vàng bốn số chín, tức tạp chất chiếm tỉ lệ rất thấp, vô cùng thấp.
Kỹ thuật khai thác vàng của Việt Nam đã có từ lâu đời như thế, tại sao cộng sản Hà Nội lại để cho tư bản nước ngoài vào khai thác với cổ phần chiếm hữu lên đến bằng hoặc trên 80% vậy? Phải chăng, đây là động thái âm thầm trả nợ của Cộng Sản Hà Nội cho những thế lực bên trong chính trường giúp đỡ bãi bỏ cấm vận? Hay là phải tuân thủ một "mật ước" nào đó của quá khứ đã đến hồi đáo nợ?
____________________________________
Nguồn tham khảo:
Post a Comment