Cảm nghĩ về chuyến viếng thăm Việt Nam của Tổng Thống Barack Obama tại Hà Nội
Thạch Đạt Lang (Danlambao) - Con đường đi đến dân chủ, tự do, nhân quyền cho Việt Nam sau chuyến viếng thăm của Tổng Thống Obama lại xa hơn, trắc trở, cam go, đòi hỏi hy sinh nhiều hơn. Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, tôi vẫn cảm phục nhân cách của ông Obama, cũng không trách cứ ông điều gì. Là người Mỹ, ông phải đặt quyền lợi của dân tộc, đất nước ông lên trên hết. Chỉ buồn, tội nghiệp cho những người đã đặt quá nhiều hy vọng vào chuyến viếng thăm của ông...
*
Cuộc thăm viếng Việt Nam của Tổng thống Barack Obama đã bắt đầu từ tối 22.05.206 - lúc 21:30´ giờ Việt Nam.
Cách xa Việt Nam hàng chục ngàn cây số, tôi theo dõi cuộc thăm viếng của ông Obama bằng TV, Facebook và... email với một tâm trạng (gần như) bình thản của một người ngoại cuộc và một người ngoại quốc, dùng chữ (gần như) vì trong thâm tâm, tôi vẫn ước ao cuộc thăm viếng của ông sẽ đem lại một vài điều thay đổi tốt đẹp cho Việt Nam - dù ít ỏi - và tất nhiên không phải là bãi bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương.
Sau khi chiến tranh Quốc-Cộng chấm dứt tháng 04.1975, Barack Obama là Tổng thống Mỹ thứ ba đến thăm Việt Nam trong hơn 41 năm.
Cuộc thăm viếng của cựu Tổng thống Bill Clinton vào năm 2000 không gây ồn ào, náo nhiệt, sôi nổi, hào hứng như lần này.
Người dân Việt Nam ở Hà Nội háo hức chờ đón cuộc viếng thăm của Barack Obama nhiều giờ trước khi chiếc máy bay Air Force One của ông đáp xuống phi trường Nội Bài vào lúc 21:30g ngày 22.05.2016.
Không biết bao nhiêu người dân Hà Nội - chắc phải vài ngàn là ít - đã ra đường một cách tự nguyện vào lúc khuya khoắt để vẫy tay đón chào ông, một hành động chưa hề có trước đây, chẳng những đối với lãnh đạo của một nước cựu thù mà ngay cả các nước hữu nghị anh em trong khối CS cũng không.
Điều gì đã khiến cho người dân VN nói chung, Hà Nội nói riêng nôn nao, háo hức, vui mừng như thế? Nó hoàn toàn khác hẳn cuộc thăm viếng Việt Nam của Tập Cận Bình đầu tháng 11.2015.
Ra đón Tổng thống Obama không hề có nghi thức đón quốc khách, không có 21 phát đại bác chào mừng, không có hàng quân dàn chào danh dự, không có sự hiện diện của người nào trong tứ đầu chế Trọng, Quang, Phúc, Ngân. Có lẽ cả 4 người này đều e ngại tiếng "hắt xì" của Tập Cận Bình.
Chỉ có một ít nhân viên ngoại giao cấp thấp của Hà Nội cùng một cô gái Việt Nam mặc áo dài vàng, trao cho ông Obama một bó hoa - lá nhiều hơn hoa.
Tuy nhiên ngược lại, thay vào những nghi thức ngoại giao rình rang có tính cách trình diễn là những vẫy tay nồng nhiệt, chân tình, ấm áp của người dân.
Việc người dân tự nguyện ra đường đón chào nguyên thủ quốc gia khác đến thăm đất nước cũng đã từng xảy ra nhiều lần trên khắp thế giới - trừ các nước cộng sản.
Sự tự nguyện đó, nhất là vào lúc gần nửa đêm, nói lên tình cảm chân thành của người dân Hà Nội nói riêng, người dân Việt Nam nói chung đối với Tổng Thống Obama, thứ tình cảm không hề bị bắt buộc, cưỡng ép, mua chuộc, tuyên truyền dối trá…
Tình cảm đó phát xuất từ đâu? Nếu không phải là một sự tin cậy, thật sự mong muốn một mối quan hệ tốt đẹp, mật thiết cho hai đất nước, hai dân tộc?
Mặc cho những tuyên truyền gian xảo một chiều, ra rả hàng ngày trong hơn 71 năm với hệ thống báo chí, truyền thông dầy đặc, mặc cho những hình ảnh, chứng tích ngụy tao lịch sử với những chuyện hoang đường, những viện bảo tàng ngập máu, mặc cho những lễ lạc, kỷ niệm chiến thắng tốn kém, ồn ào... Người dân Việt Nam giờ đây hoàn toàn không còn nhìn dân tộc, chính phủ Mỹ như những kẻ thù mà đảng hằng mong muốn, lèo lái.
Tổng thống Obama đến Việt Nam. Tại Hà Nội, ông không ban huấn từ một cách láo xược trước quốc hội VN như Tập Cận Bình, ông nói chuyện vui vẻ, tươi cười khi tiếp xúc, bắt tay với người dân, thưởng thức món ăn Việt Nam một cách bình dị trong một quán ăn, thân mật như với những người bạn là điều chắc chắn không một lãnh đạo cộng sản nào có thể làm được.
Trong cuộc họp báo, tuyên bố chung của lãnh đạo Mỹ-Việt, bên cạnh khuôn mặt không lấy gì làm vui vẻ cho lắm của chủ tịch nước Trần Đại Quang, phong thái hòa nhã, lịch sự, tươi cười của Obama không làm mất đi tư cách xứng đáng lãnh đạo đất nước hàng đầu thế giới của ông. Nó tương phản với thái độ trịch thượng, hách dịch, hung hăng của Tập Cận Bình khi phát biểu trước quốc hội VN tháng 11.2015.
Hợp đồng cung cấp vũ khí sát thương cho chế độ CSVN sẽ được gỡ bỏ từng bước, kèm theo một số điều kiện đã được ký kết. Những điều kiện này có được CSVN tôn trọng hay không lại là một chuyện khác. Cộng sản Việt Nam vốn dĩ là thiên tài trong lừa lọc, gian trá, phản bội.
Quyền lợi của hai chính phủ Mỹ-Việt Cộng đã được thỏa thuận không có ý kiến của người dân Việt Nam, bởi chế độ CSVN hoàn toàn không do dân bầu.
Không biết sang năm, đến ngày 30.04.2017, chế độ CSVN có ăn mừng thống nhất đất nước, đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào nữa không?
Chắc chắn sẽ có nhưng lời lẽ nói về Mỹ sẽ được thay đổi, bởi ngoài chuyện đó ra, CSVN chẳng có gì để tự hào và tự sướng.
Giờ này ông Obama đã ở Sài Gòn. Mọi chuyện quan trọng, cần giải quyết đã hoàn tất, những việc còn lại chỉ là phụ. Việc đi thăm chùa Ngọc Hoàng ở Đa Kao, gặp gỡ cộng đồng doanh nghiệp ở Dreamplex, qua ngày 25.04 nói chuyện với giới trẻ YSEALI ở GEM Center... có càng tốt, không có cũng chẳng sao.
Con đường đi đến dân chủ, tự do, nhân quyền cho Việt Nam sau chuyến viếng thăm của Tổng Thống Obama lại xa hơn, trắc trở, cam go, đòi hỏi hy sinh nhiều hơn.
Tuy nhiên dù thế nào đi nữa, tôi vẫn cảm phục nhân cách của ông Obama, cũng không trách cứ ông điều gì. Là người Mỹ, ông phải đặt quyền lợi của dân tộc, đất nước ông lên trên hết. Chỉ buồn, tội nghiệp cho những người đã đặt quá nhiều hy vọng vào chuyến viếng thăm của ông.
Như nhiều người, tôi biết rằng chỉ có người Việt Nam mới có thể tranh đấu giành lại quyền làm chủ đất nước, độc lập cho đất nước, dân tộc bằng sức mạnh, nội lực và sự đấu tranh của chính mình.
Hy vọng vào sự giúp đỡ, can thiệp bởi một thế lực, sức mạnh bên ngoài là điều hoang tưởng và giả sử rằng nếu có được cũng khó lòng bền vững.
Post a Comment