Tuần trăng mật của Washington ở Cam Ranh
Lê Anh Hùng dịch |
Sự hung hăng của Trung Quốc ở Biển Đông đã đưa Hoa Kỳ trở lại một hải cảng chiến lược và gây ra cho các cựu thù đủ cảm giác khổ sở khi phải bắt tay với nhau.
“Đồng bệnh tương lân”, gã hề Trinculo đã tuyên bố như vậy trong vở bi hài kịch nổi tiếng của William Shakespeare mang tên Bão tố. Bị dạt vào một hòn đảo huyền bí trong tình cảnh thời tiết xấu bủa vây, Trinculo đã náu mình bên dưới tấm áo choàng của gã nô lệ nửa người nửa thú Caliban “cho đến khi những đợt gió cuối cùng của cơn bão biến mất”. Trinculo làm vậy bất chấp người Caliban tanh như cá – và thậm chí anh ta có thể là nửa người nửa cá: “Người hay cá? Còn sống hay đã chết? Một con cá; anh ta tanh như cá; một thứ mùi rất xa xưa và giống cá.” Tóm lại, đó là một người đồng hành rất khó chịu để cùng chống chọi với cơn bão.
Sân chơi chính trị của các cường quốc cũng chẳng khác những gì diễn ra trong một tuyệt tác văn chương là mấy. Xin chuyển thể bài học về tấm áo choàng của Caliban sang nền chính trị thế giới: những đối thủ mà bình thường mới nhìn thấy nhau là đã chối đến tận cổ lại có thể gạt qua một bên sự khác biệt rõ ràng để cùng ngăn chặn mối đe doạ chung. Việc hai quốc gia dân chủ Mỹ, Anh từng bắt tay với một Liên Xô toàn trị để đánh bại phe trục trong Thế chiến II là một ví dụ. Tuy nhiên, những liên minh như thế lại rất mong manh – chúng hiếm khi còn tồn tại sau khi bão tố qua đi. Trinculo đã quẳng tấm áo choàng của Caliban ngay khi cơn bão vừa lắng xuống. Liên minh giữa ba cường quốc kể trên cũng hầu như chấm dứt ngay khi Thế chiến II kết thúc.
Nền chính trị Châu Á mới được chứng kiến ít ỏi trường hợp mang nhiều tính chất “đồng sàng dị mộng” hơn cặp đôi Việt Nam và Hoa Kỳ. Trở lại với câu chuyện của Trinculo, sự hung hăng của Trung Quốc trên các vùng biển tranh chấp ở Biển Đông đã gây ra cho các cựu thù đủ cảm giác khổ sở khi phải bắt tay nhau để bảo vệ vùng biển và vùng trời của Việt Nam. Trong chuyến công du Việt Nam nhằm thắt chặt quan hệ kinh tế và quốc phòng vừa qua, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí vốn tồn tại từ lâu với Việt Nam. Tuy cả hai bên đều hy vọng là đối tác sẽ đáp ứng những đòi hỏi về thương mại hay nhân quyền, song chi tiết của thoả thuận vẫn chưa được loan báo. Mặc dù Tổng thống Obama phủ nhận quyết định đó liên quan đến Trung Quốc, nhưng ít ai tin rằng ông ta lại có thể không đếm xỉa gì đến nhân tố Trung Quốc trong mối quan hệ Mỹ - Việt. Người ta còn phải chờ xem là liệu Hà Nội và Washington có thể đi ngược lại logic Shakespeare – xây dựng mối quan hệ đối tác bền vững ngay cả khi hiểm hoạ đã qua đi – hay không.
Dù vậy, điều khiến bất kỳ thuỷ thủ Hoa Kỳ nào cũng quan tâm nhất lại là thông tin Hà Nội có thể mở cửa trở lại cảng nước sâu Cam Ranh cho tàu chiến Mỹ như một phần của món quà để đổi lấy việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí. Nếu thế thì ban lãnh đạo Việt Nam (trong vai Trinculo) đã mời Hoa Kỳ (trong vai Caliban) mở rộng tấm áo choàng – để giúp chống lại cơn bão mang tên Trung Quốc. Quả là những đồng minh lạ lùng.
Tuỳ vào các điều khoản của thoả thuận, điều đó có thể cho phép hải quân Mỹ thiết lập sự hiện diện thường trực ở phía tây Biển Đông. Đây là một động thái bắt buộc nếu Hoa Kỳ muốn khẳng định tự do hàng hải trên vùng biển rộng tới 1,4 triệu dặm vuông này. Trung Quốc đã thách thức cả thông lệ lẫn Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển – cả hai đều khẳng định biển không thuộc về ai – khi tuyên bố “chủ quyền không thể tranh cãi” trên một vùng biển và vùng trời rộng lớn ở Đông Nam Á, kể cả những vùng được phân cho Việt Nam theo luật biển. Washington đáp lại thách thức của Bắc Kinh bằng cách phớt lờ.
Việc điều tàu thuyền Mỹ qua các vùng biển tranh chấp và cho phi cơ bay qua vùng trời bên trên – tốt hơn hết là cùng với các nước đồng minh và bạn bè – đồng nghĩa với lời tuyên bố: cộng đồng quốc tế không chấp nhận việc Bắc Kinh nỗ lực xâm phạm vùng biển và vùng trời của các quốc gia láng giềng hoặc vượt quá đặc quyền mà luật biển quy định. Đó là tuyên bố mà các quốc gia hàng hải phải đưa ra, lặp đi lặp lại, để bảo vệ quyền tự do hàng hải vốn đạt được một cách khó khăn trong quá khứ. Có một nguyên tắc bất thành văn theo kiểu không-dùng-thì-mất trong luật quốc tế: Các công ước quốc tế chẳng giá trị hơn những tấm da lừa bao nhiêu. Chúng có thể mất hiệu lực theo thời gian nếu các chính phủ phớt lờ một phần hay toàn bộ công ước. Nếu các thành viên trong một trật tự pháp lý sao nhãng việc phản đối một tuyên bố phi pháp thì cùng với thời gian, tuyên bố đó sẽ tìm thấy đường để trở thành thông lệ quốc tế.
Vì vậy, việc tiếp tục tiến hành các cuộc khảo sát đại dương, các chuyến bay giám sát, các hoạt động hàng không và những hoạt động khác mà Công ước LHQ về Luật Biển cho phép trên khắp vùng biển ngoài khơi và các khu vực đặc quyền kinh tế ở Đông Nam Á là rất cần thiết. Không sử dụng thì mất. Tuy nhiên, để duy trì sự hiện diện ngoài khơi đều đặn vốn cần thiết như thế thì tàu thuyền hải quân và tuần tra lại cần sự hỗ trợ hậu cần gần đó. Tàu thuyền không thể ở lâu ngoài khơi mà không nạp thêm nhiên liệu, tái trang bị vũ khí, hay nhập hàng mới.
Hãy ghé vào vịnh Cam Ranh. Cam Ranh trở thành một căn cứ hải quân quan trọng kể từ khi Pháp xâm lược Đông Dương cuối thế kỷ 19. Và nó đã đóng vai trò nổi bật trong những sự kiện quan trọng của lịch sử thế giới. Chẳng hạn, đô đốc Zinovy Rozhestvensky của Nga từng đưa hạm đội Baltic yểu mệnh của mình vào đây năm 1905. Tại đó, nó nhập than và hàng hoá trước khi tiếp tục tiến về phía bắc để nhận lấy kết cục nghiệt ngã mà hạm đội của đô đốc Nhật Bản Heihachiro Togo dành cho trong trận hải chiến mang tên “Eo biển Tsushima”.
Vai trò của vịnh Cam Ranh trong lịch sử cũng không phải “một phút huy hoàng rồi chợt tắt”. Nhật Bản chiếm Cam Ranh trong cuộc tập kích vào “Vùng tài nguyên phương Nam” – tức Đông Nam Á – từ năm 1941 đến 1942, và vị trí chiến lược này trở thành một căn cứ lý tưởng để tấn công Malaysia và Singapore. Từ giữa thập niên 1960, hải quân và lục quân Hoa Kỳ đã phát triển hạ tầng cảng biển trong khu vực vịnh để giúp tiến hành cuộc chiến tranh Việt Nam. Liên Xô mở rộng cảng sau khi Việt Nam Cộng Hoà sụp đổ năm 1975; các kỹ sư Nga lại khôi phục nó trong mấy năm gần đây. Hạ tầng để đón tiếp tàu thuyền Mỹ và các nước khác hiện đã sẵn sàng. Những gì còn thiếu là một quyết định của Hà Nội cho phép hải quân Hoa Kỳ trở lại nơi từng một thời là căn cứ của nó.
Hy vọng cả Hà Nội và Washington đều nín nhịn để hoàn tất thoả thuận đem đến cơ hội tiếp cận đó. Hạm trưởng Alfred Thayer Mahan, người có lẽ là nhân vật ủng hộ quyền lực biển nổi bật nhất trong lịch sử, đã giải thích vì sao những địa điểm như vịnh Cam Ranh lại quan trọng đến thế. Theo Mahan, giá trị chiến lược của bất kỳ hải cảng nào cũng dựa trên ba đặc điểm: (i) vị trí địa lý; (ii) sức mạnh, tức là khả năng đề kháng tự nhiên hoặc khả năng bố phòng trước các cuộc tấn công; và (iii) nguồn lực, tức là khả năng của cảng trong việc thoả mãn nhu cầu của nó cũng như của các hạm đội ghé thăm.
Hãy áp tiêu chuẩn Mahan cho vịnh Cam Ranh. Nó dư sức thoả mãn cả ba đặc điểm nêu trên. Cam Ranh nằm cạnh các tuyến đường biển phía đông dẫn tới eo biển Malacca, cho phép các tàu thuyền trong vịnh gây ảnh hưởng đến hoạt động vận chuyển hàng hải qua tuyến đường biển tối quan trọng này. Nó gần Hoàng Sa hơn so với căn cứ hải quân gần nhất của Trung Quốc tại thành phố Tam Á trên đảo Hải Nam về phía bắc. Và ngoài ưu thế hơn Trung Quốc, Cam Ranh còn sẵn lối ra vùng biển nước sâu: đáy biển tụt thẳng xuống bên ngoài cảng – cho phép tàu ngầm chìm, rồi biến mất, chỉ một thoáng sau khi rời khỏi cảng. Không có gì phải ngạc nhiên khi hơn 8 nămqua, Hà Nội đã đầu tư một hạm đội tàu ngầm diesel - điện do Nga sản xuất để chống lại Trung Quốc.
Hải cảng này mạnh thế nào? Không một căn cứ quân sự nào, kể cả Cam Ranh, thoát khỏi các cuộc tấn công bằng tên lửa trong kỷ nguyên của vũ khí chính xác tầm xa hiện nay. Tuy nhiên, Cam Ranh lại tốt hơn nhiều mục tiêu tiềm tàng khác. Diện tích cùng hình dạng trải rộng của cảng cho phép các hạm đội đóng tại đây thoải mái phân tán đội hình khắp các cầu cảng và những chỗ neo đậu xung quanh khu vực ngoại vi. Điều này sẽ góp phần làm nản nỗ lực của các chuyên gia tên lửa Trung Quốc khi nhắm vào tàu thuyền Mỹ và Việt Nam. Và các biện pháp “cứng hoá” kiểu cũ – nhà cửa và cơ sở hạ tầng được xây dựng một cách chắc chắn trên cảng dưới sự bảo vệ của những tên lửa chống hạm và tên lửa đất đối không – sẽ đem đến cho cảng khả năng hoạt động dẻo dai. Bất kỳ thoả thuận Mỹ - Việt nào liên quan cũng cần bao hàm việc nâng cấp như thế.
Và cuối cùng, cảng Cam Ranh được thiên nhiên hào phóng ban tặng rất nhiều nguồn lực. Nó vừa toạ lạc kế bên các tuyến hàng hải huyết mạch, vừa nằm ở khu vực miền nam với bạt ngàn cây cối của Việt Nam, cách không xa thủ phủ quan trọng Sài Gòn. Nguồn thực phẩm cung cấp cho cảng và tàu thuyền rất sẵn. Nhiên liệu cũng không đặt ra vấn đề gì đáng kể: dự trữ dầu thô của Việt Nam chỉ đứng sauTrung Quốc trong khu vực. Trong khi đó, nếu Hà Nội nhất trí với sự hiện diện lâu dài của hải quân Mỹ, các nguồn dự trữ và phụ tùng thay thế ở Cam Ranh sẽ không gặp phải khó khăn nào: Hải quân Hoa Kỳ đã bố trí tàu thuyền tại các hải cảng ngoại quốc như Yokosuka, Bahrain và Naples trong nhiều thập niên. Họ có thể lặp lại những dàn xếp tương tự ở vùng biển Việt Nam.
Một số điều cần dõi theo khi cuộc phiêu lưu tuyệt vời của Tổng thống Obama được tiết lộ: Thứ nhất, vấn đề hệ trọng là ban lãnh đạo cộng sản Việt Nam có quyết định cho phép hải quân Mỹ quay lại hay không? Thứ hai, việc cho phép đó kèm theo những điều kiện nào? Hà Nội sẽ chỉ chấp nhận một sự “hiện diện luân phiên”, theo đó tàu thuyền trú tại Cam Ranh trong những quãng thời gian dài nhưng sau đó phải quay về nước? Hay họ sẵn sàng đồng ý với những điều khoản thoáng hơn, chẳng hạn như việc thiết lập một hải cảng lâu dài cho một đội tàu? Thứ ba, Hà Nội sẽ cho phép quy mô hiện diện như thế nào? Bao nhiêu tàu được phép cập cảng, và những loại tàu nào?
Đối với Washington, một hạm đội với các chiến hạm lớn như khu trục hạm hay tuần dương hạm – tàu được trang bị thiết bị cảm biến cùng vũ khí đủ loại – là một công cụ chính sách hoàn toàn khác so với một đội tàu bao gồm những tàu chiến trang bị nhẹquanh quẩn ven bờ. Đồng thời nó cũng chuyển tải một thông điệp hoàn toàn khác tới Bắc Kinh về năng lực và quyết tâm của Hoa Kỳ và Việt Nam.
Và cuối cùng, Hà Nội sẽ cho phép tàu thuyền Hoa Kỳ được làm gì khi chúng đồn trú tại Cam Ranh? Chào đón một cựu thù quay lại lãnh thổ Việt Nam không phải là một động thái nhỏ nhặt, ngay cả khi điều đó xẩy ra sau cuộc chiến tranh Việt Nam bốn thập niên. Liệu hai lực lượng hải quân có tiến hành hoạt động tuần tra chung trên vùng biển tranh chấp hay không? Hay Hà Nội sẽ cho phép các tư lệnh Hoa Kỳ tự do thực hiện các yêu cầu của Washington?
Hãy thử hình dung, vì Trinculo núp dưới tấm áo choàng của Caliban xuất phát từ sự thuận tiện thiết thân, nên các nhà lãnh đạo Việt Nam sẽ thể hiện quan điểm chặt chẽ đối với các hoạt động hàng hải của Mỹ. Điều đó sẽ cho phép Hà Nội cởi bỏ tấm áo choàng bảo vệ khi (và nếu) cơn bão qua đi. Họ sẽ trao cho hải quân Hoa Kỳ quyền tiếp cận vịnh Cam Ranh trong khi vẫn bảo lưu quyền từ chối quyền tiếp cận đó vì bất kỳ lý do gì – hoặc không vì lý do nào cả. Và đối với hai cựu thù đang hợp tác với nhau vì lợi ích chung, điều đó là phù hợp.
Nguồn: Việt Nam Thời Báo
Post a Comment